Saturday 30 July 2022

TẠI SAO HÀNH VI “PHỤ NỮ CỞI TRẦN” LẠI BỊ PHẠT BẰNG TỘI GÂY “MẤT TRẬT TỰ NƠI CÔNG CỘNG” (Nguyễn Phương Mai)

 



TẠI SAO HÀNH VI “PHỤ NỮ CỞI TRẦN” LẠI BỊ PHẠT BẰNG TỘI GÂY “MẤT TRẬT TỰ NƠI CÔNG CỘNG”    

Nguyễn Phương Mai

30-7-2022  00:15   

https://www.facebook.com/CultureMove/posts/pfbid02qi2zHfq3vzubb2REYmKmmKL1aL1u4c8pYeepcKwKZbWcXgUEk573aRGAGJEtFcukl

  · 

Trong một video ngắn ghi lại cảnh team building của một công ty ở Cửa Lò, trò chơi múc nước khiến hai phụ nữ nổi hứng cởi áo con để làm dụng cụ. Bị cộng đồng mạng phản đối, công ty đã bị phạt, tuy nhiên, không phải vì tội có "phụ nữ cởi trần" mà vì cả công ty đã "gây mất trật tự công cộng".

 

Vậy tại sao hành vi "phụ nữ cởi trần" lại bị phạt bằng tội gây "mất trật tự nơi công cộng"?

Nguyên nhân là do hiện nay không còn quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi khỏa thân nơi công cộng.

 

Trước đây, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP cho phép cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 hành vi: “không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”.

 

Luật này HẾT HIỆU LỰC từ ngày 28/12/2013.

---

 

Nếu còn hiệu lực, luật này có thể cho phép xử lý trường hợp như nhiều đàn ông cởi trần đi xe trên đường, hay các chiêu quảng cáo dùng đàn ông cởi trần hay phụ nữ mặc áo tắm ở nơi công cộng.

 

Cũng vì hết hiệu lực, nhiều vụ đình đám như một anh chuyên gia marketing cùng 3 người đàn ông phi xe máy rồi chụp ảnh khỏa thân 100% trên đỉnh Mã Pí Lèng khiến nhiều người thấy phản cảm nhưng cũng không thể bị phạt vì tội khỏa thân nơi công cộng.

---

 

Vậy giả sử luật này còn hiệu lực thì có thể dùng để phạt vụ hai phụ nữ cởi áo lót ở Cửa Lò không? Câu trả lời có thể không vì theo luật này, bãi biển là ngoại lệ.

 

Bãi biển tuy là nơi công cộng nhưng người đi biển được phép mặc quần áo lót, quần áo bơi. Nếu họ khỏa thân, họ chỉ bị chửi thôi chứ dùng luật là khó.

 

Điều này cũng còn vì luật không thể phân biệt giới tính. Nhiều người có thể tranh biện rằng, về mặt văn hóa thì không ổn, nhưng về mặt pháp lý, nếu đàn ông cởi trần tắm biển được thì tại sao lại phạt phụ nữ?

 

Tại nhiều nước Tây Bắc Âu, hình ảnh phụ nữ cởi trần nằm phơi nắng trên bãi biển và công viên công cộng không phải là điều hiếm gặp. Điều này khác với các bãi biển nude (khỏa thân) nơi việc cởi đồ 100% chỉ có thể thực hiện trong những khu vực được quy định.

---

 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nếu một sự việc bị chửi mà không bị xử thì nhìn lại không ra sao. Chính vì thế, cơ quan chức năng đã dùng hình phạt pháp lý A (gây rối nơi công cộng) để xử lý "tội" văn hóa B (cởi trần trên bãi biển), dù B danh chính ngôn thuận không phải là tội.

 

Nghe rất vô lý nhưng đây là một cách để xử lý khoảng cách giữa "vi phạm văn hóa" và "vi phạm pháp luật". Khoảng cách giữa văn hoá và pháp luật này khiến dư luận dậy sóng. Việc dùng A để xử lý B như vậy còn để xoa dịu dư luận.

 

Chính vì thế, nhiều báo và trang mạng đăng bài như thể đưa ra một thông điệp rằng "phụ nữ cởi trần trên bãi biển sẽ bị xử phạt hành chính", dù rằng đây là thông điệp sai.

---

 

Cách xoa dịu dư luận này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn:

 

- Thứ nhất, điều này có thể bị các tổ chức quan sát nhân quyền và quyền bình đẳng hiểu nhầm rằng luật pháp Việt Nam phân biệt giới tính. Nó cũng khiến người dân tự đặt câu hỏi và phán xét tính công minh của luật pháp.

 

- Thứ hai, điều này không giải quyết cái gốc của vấn đề là một LỖ HỔNG CỦA CHẾ TÀI PHÁP LUẬT cần được giải quyết. Đã có nhiều trường hợp khỏa thân hoặc có những hành vi quá riêng tư nơi công cộng khiến mọi người bức xúc, nhưng cơ quan chức năng lúng túng vì không có chế tài xử lý (xem nguồn ở comment).

 

- Thứ ba, việc không có chế tài xử lý nên phải dùng khung hình phạt A để xử lý tội B để vỗ yên tâm trạng của người dân tạo điều kiện cho việc tấn công cá nhân, sỉ nhục người trong cuộc trở thành một vũ khí để gây áp lực với bộ máy công quyền.

 

Dư luận xã hội tạo sức ép để chính quyền hành động luôn là con dao hai lưỡi. Trong trường hợp người bị lên án không vi phạm pháp luật mà chỉ gây phản cảm về mặt văn hóa như vụ Cửa Lò, sức ép xã hội có thể đã khiến chính quyền phải dùng khung hình phạt A để xử lý tội B, khiến pháp luật trở nên quá mềm dẻo đến mức thiếu nghiêm minh.

 

- Cuối cùng, rất có thể chính quyền hoàn toàn không có ý định dùng khung hình phạt A để xử lý tội B trên giấy tờ chính thống. Sự biến tướng và hiểu lầm này đã bị báo chí và các trang mạng hóng drama tạo thành.

 

Với báo chí, đây là vấn đề nghiệp vụ và đạo đức. Việc giật tít "Bị phạt vì tổ chức trò cởi áo ngực hứng nước ở Cửa Lò" không những sai về mặt thông tin mà còn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm người cầm bút.

---

 

Hình : https://www.facebook.com/CultureMove/photos/a.531877134399541/912217069698877/

 

.

258 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats