Monday, 25 July 2022

TẬP CẬN BÌNH ĐÃ GÂY HẠI CHO KINH TẾ TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (The Economist)

 



Tập Cận Bình đã gây hại cho kinh tế Trung Quốc như thế nào?

Nguồn: How Xi Jinping is damaging China’s economy”, The Economist, 26/05/2022

Biên dịch: Phạm Thị Hồng Nhung

25/07/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/07/25/tap-can-binh-da-gay-hai-cho-kinh-te-trung-quoc-nhu-the-nao/

 

Những chính sách thiếu linh hoạt đang lấn lướt chủ nghĩa thực dụng tại Trung Quốc.

 

Hơn 20 năm qua, Bắc Kinh là nguồn tăng trưởng mạnh nhất và đáng tin cậy nhất đối với nền kinh tế thế giới, đóng góp một phần tư vào tăng trưởng GDP toàn cầu suốt giai đoạn ấy, và liên tục tăng quy mô trong 79 trên tổng số 80 quý. Trong phần lớn thời gian kể từ lúc Trung Quốc mở cửa sau khi Mao qua đời, Đảng Cộng sản đã chọn hướng tiếp cận thực dụng trong việc làm giàu cho quốc gia bằng cách kết hợp các cải cách thị trường với sự kiểm soát của nhà nước.

 

Tuy nhiên, giờ đây, nền kinh tế ấy đang bị đe dọa. Trước mắt là bởi chiến dịch zero-covid khiến nền kinh tế thụt lùi và có thể đưa đến tình trạng bấp bênh. Điều đó làm trầm trọng thêm một vấn đề lớn hơn, đó là cuộc đấu tranh tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình để tái tạo chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nếu cứ tiếp tục như vậy, Trung Quốc sẽ phát triển chậm hơn, theo một cách khó đoán hơn, với nhiều hậu quả cho thế giới và chính nó.

 

Với những đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh và Thiên Tân, viễn cảnh sạch bóng Covid vẫn còn xa Trung Quốc dù giãn cách tại Thượng Hải đã được nới lỏng gần 2 tháng qua. Hơn 200 triệu người đang sống dưới sự kiểm soát gắt gao, và nền kinh tế thì lao đao. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, với lượng mua hàng KFC, xe hơi và Cartier đều không mấy khả quan. Mặc cho công nhân phải ở qua đêm tại nhà máy, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu đã giảm xuống. Trong suốt cả năm, lần đầu tiên kể từ năm 1990 sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc có thể phải vật lộn để tăng trưởng nhanh hơn Hoa Kỳ. Còn đối với Tập, đây là một thời điểm tồi tệ: sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm nay, ông được xác định sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 với tư cách chủ tịch nước, phá vỡ “quy tắc 2 nhiệm kỳ” gần đây của lãnh đạo Trung Quốc.

 

Thế nhưng ông Tập chính là người chịu trách nhiệm cho hai đòn giáng vào nền kinh tế. Đầu tiên là chính sách zero-covid suốt 28 tháng qua, xuất phát từ lo ngại của Đảng về việc mở cửa có thể dẫn đến làn sóng lây nhiễm và lấy đi mạng sống của hàng triệu người. Điều đó có thể đúng, nhưng Trung Quốc đã lãng phí khoảng thời gian quý giá: 100 triệu người trên 60 tuổi vẫn chưa được tiêm mũi 3. Trung Quốc từ chối nhập khẩu vắc xin mRNA, vốn hiệu quả hơn, thay vào đó là đẩy chiến dịch zero-covid sang năm tiếp theo. Trung Quốc cũng đã từ bỏ việc đăng cai tổ chức Asian Cup, một vòng chung kết bóng đá dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023. Người ta đã nói về các chốt kiểm dịch thường trực và một đội quân trong tư thế sẵn sàng để ngoáy mũi “mãi mãi”. Omicron có khả năng lây nhiễm cao nên những đợt bùng phát và giãn cách xã hội mới là không thể tránh khỏi. Nhưng vì chính sách zero-covid được gắn liền với ông Tập, bất kỳ lời chỉ trích nào đối với chính sách đó đều bị coi là phá hoại.

 

Chính sự mù quáng ý thức hệ ấy là nguồn cơn của đòn giáng thứ hai – một chuỗi những sáng kiến kinh tế mà ông Tập gọi là “khái niệm phát triển mới” nhằm giải quyết “những thay đổi chưa từng thấy của thế kỷ”, chẳng hạn như sự phân tách Mỹ-Trung. Các mục tiêu đều hợp lý: giải quyết bất bình đẳng, tình trạng độc quyền và nợ, bảo đảm cho Trung Quốc thống trị các công nghệ mới, đồng thời củng cố nền kinh tế chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Tập tin rằng Đảng phải nắm vai trò lãnh đạo trong mọi trường hợp, còn việc thực thi chính sách này lại mang tính trừng phạt và mắc nhiều sai sót. Hàng loạt khoản tiền phạt, những quy định mới và những cuộc thanh trừng đã khiến ngành công nghệ vốn năng động (đóng góp 8% GDP quốc gia) bị đình trệ. Một cuộc đàn áp dã man nhưng không triệt để khác được áp lên lĩnh vực bất động sản (chiếm hơn 1/5 GDP quốc gia) đã dẫn đến khủng hoảng nguồn vốn — một lý do khiến doanh số bán nhà trong tháng 4 giảm 47% so với một năm trước đó.

 

Chính phủ hi vọng việc thực hiện một chương trình kích thích kinh tế lớn sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% cho năm 2022 và làm dịu những lo lắng trước thềm đại hội. Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 19/5 đã kêu gọi các quan chức “hành động một cách quyết đoán” để khôi phục tăng trưởng, ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất thế chấp, và Đảng đã trấn an các ông trùm công nghệ đang hoảng loạn. Bước tiếp theo có thể là một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn được tài trợ bằng trái phiếu chính phủ.

 

Nhưng những khoản nợ dâng cao và những khối bê tông sẽ không thể ngăn cản các đợt phong tỏa hà khắc hay giảm bớt rủi ro từ mô hình kinh tế của ông Tập, liên quan đến việc mở rộng phạm vi của thành tố kém năng suất nhất trong nền kinh tế Trung Quốc, đó là kinh tế nhà nước. Chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể, chẳng hạn như xây dựng vị thế thống trị trên toàn cầu trong lĩnh vực pin công nghệ cao. Ông Tập hi vọng công nghệ và một nhóm các quỹ đầu tư nhà nước mới sẽ giúp việc ra quyết định nhanh chóng dễ dàng hơn. Nhưng đừng quên tất cả những thất bại ảm đạm, từ các ngành công nghiệp nặng cho đến vi mạch.

 

Mặc khác, các ưu đãi dành cho khu vực có năng suất cao nhất của nền kinh tế – khối tư nhân – đã bị thiệt hại. Thị trường tài chính đã chứng kiến điều đó với lượng lớn dòng tiền chảy ra. Chi phí vốn tăng: cổ phiếu Trung Quốc giao dịch với mức chiết khấu 45% so với cổ phiếu của Mỹ, một mức chênh lệch gần như kỷ lục. Tính toán của các nhà đầu tư và doanh nhân đang thay đổi. Nhiều người lo ngại rằng lợi nhuận tài chính cho các doanh nghiệp sẽ bị giới hạn bởi một Đảng chính trị luôn cảnh giác với sự giàu có và quyền lực của giới tư nhân. Các nhà đầu tư mạo hiểm nói rằng họ đã chuyển sang đặt cược vào những khoản trợ cấp lớn nhất, chứ không phải những ý tưởng tốt nhất. Lần đầu tiên sau 40 năm, cải cách tự do hóa không xuất hiện trong bất cứ lĩnh vực lớn nào của nền kinh tế. Nếu không có chúng, tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Nền kinh tế mang đậm dấu ấn ý thức hệ của Tập tác động lớn đến thế giới. Dẫu rằng biện pháp kích thích có thể làm tăng nhu cầu, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng phong tỏa tiếp diễn, đe dọa nền kinh tế toàn cầu vốn đang trên ngưỡng suy thoái. Trong kinh doanh, quy mô và sự tinh vi của thị trường Trung Quốc luôn hấp dẫn các công ty đa quốc gia, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn tái cân bằng chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc – như Apple đang làm. Doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ thống trị một số ngành công nghiệp trong những năm 2030 sắp tới, nhưng phương Tây có khả năng trở nên thận trọng hơn đối với việc nhập khẩu các sản phẩm Trung Quốc. Về ngoại giao, một giới tư nhân ít tham vọng và ít độc lập hơn đồng nghĩa với việc hiện diện của Bắc Kinh ở nước ngoài sẽ do nhà nước dẫn dắt và mang tính chính trị nhiều hơn. Điều đó vừa gây hại lại vừa kém hiệu quả, như báo cáo đặc biệt của chúng tôi về Trung Quốc và châu Phi đã chỉ ra.

 

Cuộc sống sẽ thế nào bên trong một Trung Quốc biệt lập hơn? Trong khi người dân trút giận trên mạng về tình trạng phong tỏa và mất việc làm, điều này vẫn khó có thể chuyển thành bạo loạn nhờ sự giám sát, tuyên truyền và ủng hộ rộng rãi cho các mục tiêu của đảng. Một số nhà kỹ trị không đồng ý với sự chuyển hướng thiên tả hiện tại nhưng không đủ quyền lực và lòng dũng cảm để phản đối nó. Và trong chừng mực mà chúng ta có thể suy đoán được từ chiếc hộp đen của chính trị cấp cao ở Trung Quốc, ông Tập, năm nay 68 tuổi, đang không có đối thủ. Tuy nhiên, trước thềm Đại hội Đảng vốn sẽ chứng kiến Tập nắm giữ quyền lực của mình cho đến ít nhất năm 2027, những khiếm khuyết của chế độ độc nhân trị ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hiển hiện rõ ràng.

 

--------------------------

NGUỒN :

 

How Xi Jinping is damaging China’s economy

Inflexible policies are trumping pragmatism

The Economist

May 26th 2022

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats