Thursday 14 July 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 13/07/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 13/07/2022

The Economist

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

13/07/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/07/13/the-gioi-hom-nay-13-07-2022/

 

Rishi Sunak, nhân vật hàng đầu trong cuộc đua tìm ra lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ Anh, đã chính thức ra tranh cử. Cựu Bộ trưởng Tài chính – người mà hành động từ chức vào tuần trước của ông đã buộc Boris Johnson phải rời khỏi cương vị thủ tướng – đã tách mình ra khỏi các đối thủ bằng cách chống lại việc cắt giảm thuế trước khi kiểm soát được lạm phát. Như thể để chuộc lỗi cho hành động ‘giết vua’ của mình, Sunak cảnh báo không nên “ác quỷ hóa” một Johnson “phi thường.”

 

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã lên tiếng về vai trò của mình trong những tranh cãi xoay quanh chiến dịch vận động hành lang của Uber nhằm thâm nhập vào các thị trường mới, mà báo giới vừa tiết lộ hôm Chủ nhật. Từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền trước đây, Macron thường xuyên liên hệ với công ty dịch vụ gọi xe của Mỹ. Các đối thủ của ông đang kêu gọi một cuộc điều tra chính thức, nhưng Macron nói rằng ông chỉ hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình, tạo ra “hàng nghìn việc làm.”

 

Ủy ban Hạ viện Mỹ Điều tra cuộc Bạo loạn Điện Capitol ngày 06/01 đã cung cấp bằng chứng về một cuộc họp “điên rồ” trong đó các luật sư của Nhà Trắng đối đầu với các cố vấn của Donald Trump, những người tìm cách giữ lại quyền lực cho ông. Hôm sau, Trump đã tweet rằng sẽ có một cuộc biểu tình “tưng bừng” ở Washington, D.C. và ngày 06/01. Video từ các nhóm bạo lực, cực hữu cho thấy rằng họ xem dòng tweet của cựu tổng thống là một lời kêu gọi vũ trang và cuộc bạo động theo sau là một “cuộc cách mạng.”

 

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ sẽ áp thuế lợi nhuận bất thường (windfall tax) lên các ngân hàng và công ty năng lượng, ước tính thu về 7 tỷ USD trong vòng hai năm, để xoa dịu nỗi đau do lạm phát gây ra. Pedro Sánchez, Thủ tướng xuất thân từ Đảng Xã hội, lập luận rằng động thái này sẽ cắt giảm phần lợi nhuận quá mức của các công ty do lãi suất tăng và chi phí năng lượng cao. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha theo đó đã giảm.

 

Mỹ tuyên bố rằng Iran đang có kế hoạch cung cấp cho Nga “vài trăm” máy bay chiến đấu không người lái để sử dụng ở Ukraine. Các quan chức quân đội Ukraine cho biết, họ đã tìm cách phá hủy kho đạn của Nga gần Kherson bằng HIMAR, một loại pháo tự hành do Mỹ sản xuất. Trong khi đó, số người chết do vụ tấn công bằng tên lửa của Nga vào một tòa nhà dân cư ở tỉnh Donetsk đã tăng lên 33 người.

 

Các quan chức xuất nhập cảnh ở Sri Lanka đã ngăn không cho Basil Rajapaksa, cựu Bộ trưởng Tài chính và là anh trai của Tổng thống sắp mãn nhiệm, Gotabaya Rajapaksa, rời khỏi đất nước. Tổng thống đã hứa sẽ từ chức trong tuần này sau các cuộc biểu tình lớn do tình hình khủng hoảng kinh tế của đất nước. Nghị viện Sri Lanka dự định chọn một tổng thống mới vào ngày 20/07. Đảng đối lập chính đã đề cử lãnh đạo của mình, Sajith Premadasa.

 

Giám đốc điều hành Sân bay Heathrow đã yêu cầu các hãng hàng không ở sân bay bận rộn nhất của Anh ngừng nhận đặt chỗ cho mùa hè này. John Holland-Kaye viết, sự thiếu hụt nhân viên đã khiến công việc điều phối gặp khó khăn, dẫn đến các hàng dài hành khách chờ đợi, trễ chuyến, và những sai lầm hoàn toàn “không thể chấp nhận được.” Các hãng hàng không được khuyến khích (nhưng không bắt buộc) tìm cách giúp giới hạn số lượng hành khách ở Heathrow chỉ còn 100.000 người/ngày, giảm so với dự báo là 104.000.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tổng thống Sri Lanka đối mặt với sự giận dữ của công chúng

Nhiều ngày sau khi người biểu tình đuổi Tổng thống Sri Lanka ra khỏi dinh thự của ông, đất nước vẫn trong tình trạng lấp lửng. Gotabaya Rajapaksa nói rằng ông sẽ từ chức vào thứ Tư, nhưng nơi ở của ông vẫn chưa được xác định.

 

Làn sóng biểu tình nổ ra kể từ tháng 3, xoay quanh vấn đề cắt điện kéo dài. Việc bổ nhiệm một thủ tướng mới, Ranil Wickremesinghe, đã không thể xoa dịu những người chỉ trích Rajapaksa. Ngày 09/07, những người biểu tình yêu cầu cả hai người phải ra đi. Sự tức giận đối với Tổng thống và gia đình của ông, nhiều người trong số họ cũng từng giữ chức vụ cấp cao, đang dâng cao. Hôm thứ Ba, Basil Rajapaksa, anh trai Tổng thống và là cựu Bộ trưởng Tài chính, đã bị ngăn cản rời khỏi đất nước.

 

Nghị viện dự định chọn ra một tổng thống mới vào ngày 20/07. Đảng đối lập chính đã đề cử lãnh đạo của mình, Sajith Premadasa. Bản thân Wickremesinghe cũng là một ứng viên. Trong khi đó, Rajapaksa đang rơi vào thế khó. Nếu từ chức, ông sẽ mất đi quyền miễn trừ, và có thể phải đối mặt với cáo buộc về vai trò của mình trong sự sụp đổ kinh tế của đất nước. Hơn nữa, xét đến sự tức giận của dân thường Sri Lanka, an toàn cá nhân của cựu tổng thống là điều không còn chắc chắn.

 

Chuyến đi vô ích của Joe Biden đến Trung Đông

Ngay cả các quan chức Israel cũng thừa nhận rằng họ chỉ là nhân vật bên lề trong chuyến công du này. Hôm thứ Tư, Joe Biden đến thăm Trung Đông lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Trong thời gian ở lại Đất Thánh, ông sẽ gặp Thủ tướng mới của Israel, Yair Lapid, cũng như các nhà lãnh đạo Palestine. Nghị trình cũng bao gồm chuyến thăm đến một khu tưởng niệm Thảm sát Holocaust và chuyến tham quan nhà thờ nơi Chúa Jesus được cho là đã chào đời.

 

Điểm đến thú vị hơn trong chuyến đi là vào thứ Sáu, ở Jeddah. Tổng thống Biden đã từng tránh mặt Muhammad bin Salman, Thái tử Ả Rập Saudi, người bị đảng Dân chủ ghét bỏ vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ và mối quan hệ thân thiết với Donald Trump. Tuy nhiên, trong tình hình giá dầu dao động quanh mức 100 USD/thùng, Biden hy vọng sẽ thuyết phục được người Ả Rập Saudi hỗ trợ thêm. Ông cũng muốn thúc đẩy họ tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhưng đây có thể là một chuyến đi vô ích: các nhà sản xuất dầu thường có ít năng lực dự phòng, và Ả Rập Saudi cũng chẳng vội vàng gì trong việc mở đại sứ quán ở Tel Aviv (chứ đừng nói đến Jerusalem).

 

Quên Musk đi: Twitter cần một sự thay đổi

Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk được quảng cáo là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử. Nhưng giờ đây, nó có nguy cơ trở thành một trong những tranh chấp ‘xấu xí’ nhất. Tuần này, Twitter dự kiến sẽ đệ đơn kiện Musk vì đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 44 tỷ đô la. Thẩm phán có thể cho phép Musk ra đi chỉ với khoản phạt vào khoảng 1 tỷ đô la. Tuy nhiên, ông cũng có thể ra lệnh buộc người sáng lập Tesla hoàn tất thương vụ với mức giá đã thỏa thuận. Dù người thắng kiện là ai, thì Twitter vẫn có những vấn đề lớn hơn cần cân nhắc.

 

Trong khi Facebook đã tăng trưởng lên 1,9 tỷ người dùng hàng ngày, Twitter chỉ đạt con số 230 triệu. Những công ty trẻ mới nổi, đặc biệt là TikTok, đã vượt xa nó. Sản phẩm của Twitter cũng rơi vào trạng thái trì trệ và tăng trưởng doanh thu ở mức đáng thất vọng. Dù gần như toàn bộ lợi nhuận của Twitter đến từ quảng cáo, tập đoàn truyền thông này kiểm soát chưa đến 1% chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số trên toàn thế giới. Sở hữu tư nhân từng được xem như thể liều thuốc có thể cứu được Twitter. Nhưng thay vào đó, vụ việc của Musk có thể sẽ chỉ khiến tập đoàn phân tâm khỏi nhiệm vụ cấp bách trước mắt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats