Wednesday 27 July 2022

SUBPRIME : TRUNG QUỐC TRƯỚC ĐE DỌA KHỦNG HOẢNG TÍN DỤNG ĐỊA ỐC (Thanh Hà / RFI)

 



Subprime : Trung Quốc trước đe dọa khủng hoảng tín dụng địa ốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 26/07/2022 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20220726-subprime-trung-qu%E1%BB%91c-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-t%C3%ADn-d%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BB%8Ba-%E1%BB%91c

 

Kịch bản khủng hoảng tín dụng địa ốc tái diễn, nhưng lần này là tại Trung Quốc ? Thị trường bất động sản bên bờ vực thẳm : 80 tỷ đô la trị giá cổ phiếu bốc hơi. Các tập đoàn tên tuổi trong ngành địa ốc lần lượt tuyên bố vỡ nợ. Hàng trăm ngàn người « nổi dậy » ngừng tiếp tục góp tiền « nuôi » ngành xây dựng. Ngân Hàng Trung Ương chuẩn bị lập quỹ hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cao gần gấp 4 lần so với dự tính ban đầu.

 


Vào lúc 2 trong số 3 đầu máy tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã bị « hỏng », Bắc Kinh bằng mọi giá phải tránh nguy cơ thị trường bất động sản sụp đổ. Trước Đại Hội Đảng vào mùa thu 2022, khủng hoảng nhà đất sẽ là một tai họa về mặt kinh tế và xã hội tại một quốc gia mà ngành địa ốc và xây dựng đem về đến 25 % cho GDP.

 

Địa ốc: Bắc Kinh sợ phỏng tay ? 

 

Hãng tin Anh Reuters ngày 25/07/2022, trích dẫn một quan chức thuộc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc xin được giấu tên, cho biết Bắc Kinh « dự trù nâng quỹ hỗ trợ bất động sản lên 300 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 44 tỷ đô la Mỹ, thay vì 80 tỷ như đã thông báo cách nay vài tuần ». Trước đó, hôm 17/07/2022, Ủy Ban Điều Tiết Bảo Hiểm và Ngân Hàng Trung Quốc đã kêu gọi « mở van tín dụng », « cứu » ngành xây dựng và các các công ty môi giới bất động sản.

 

Giới quan sát xem đây là một tín hiệu mới cho thấy chính quyền Tập Cận Bình thực sự không còn dám lơ là : thị trường địa ốc Trung Quốc trong cảnh « dầu sôi lửa bỏng ». Từ đầu năm đến nay, Bắc Kinh đã hai lần hạ lãi suất ngân hàng, khuyến khích tiêu thụ, một số chính quyền địa phương trợ cấp cho các hộ gia đình mua nhà, đặc biệt là mua nhà mới trên dự án. Nhưng những biện pháp đó vẫn chưa đủ để xua tan mối đe dọa khủng hoảng.

 

Trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia Pháp Jean - François Di Meglio, chủ tịch trung tâm nghiên cứu về châu Á, Asia Centre, trụ sở tại Paris, trước hết lưu ý, Trung Quốc đang trải qua nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc và Covid-19 là cột mốc quan trọng :

 

« Trung Quốc đi trước thế giới trong cuộc khủng hoảng y tế do virus xuất phát từ quốc gia này và như vậy đã có một sư chuẩn bị nào đó để đối phó với dịch. Kế tới, mọi người đã tưởng Bắc Kinh làm chủ được tình hình. Đặc biệt là vào thời điểm kinh tế Trung Quốc nhanh chóng lấy lại thăng bằng trong cả năm 2020 và 2021, khi mà cả thế giới còn lao đao. Bước sang mùa xuân năm nay, tình thế đã thay đổi : Trung Quốc đội bảng, trong lúc mọi nơi khác đã hoạt động lại gần như bình thường. Đà phục hồi của Trung Quốc bị chậm so với phần còn lại của thế giới ».

 

Trong một bài tham luận gần đây, François Godement, cố vấn của viện nghiên cứu Montaigne Paris đã nói tới tình cảnh « Trung Quốc bị hỏng hai đầu máy tăng trưởng » : đầu tư nước ngoài giảm mạnh từ năm 2020 do Bắc Kinh xây « vạn lý trường thành » y tế, cách ly với thế giới bên ngoài để chống dịch Covid-19. Xuất khẩu là đầu máy thứ nhì bảo đảm đem về tăng trưởng cho quốc gia 1,5 tỷ dân này, nhưng ngay cả đầu máy đó cũng bắt đầu có dấu hiệu bị chựng lại. Jean - François Di Meglio phân tích :

 

« Nguyên nhân thứ nhì gây lo ngại là, dù muốn hay không, kinh tế toàn cầu cũng bị chựng lại vì chiến tranh Ukraina. Cần biết rằng, đến nay, đà phục hồi của Trung Quốc sở dĩ vững vàng, trong suốt năm 2021 và cho đến tận những tháng đầu của năm 2022 là nhờ vào xuất khẩu. Xuất khẩu kéo kinh tế Trung Quốc đi lên. Thặng dư mậu dịch thậm chí đạt kỷ lục, vì thế giới cần hàng Trung Quốc, trong lúc mà nhập khẩu có phần giảm sút vì GDP tăng chậm lại. Giờ đây, do tác động chiến tranh, nếu như con tàu kinh tế của thế giới chựng lại, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ bị vạ lây : nhập khẩu của thế giới giảm sút sẽ làm hỏng đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc ».

 

Còn lại cột trụ thứ ba là tiêu thụ nội địa của nước đông dân nhất địa cầu. Nhưng ngay cả đầu máy còn lại này cũng đang bị các đợt phong tỏa liên tiếp nhắm vào hàng chục triệu người dân Trung Quốc đe dọa. Địa ốc là một trong những nạn nhân trực tiếp. Theo thẩm định của Gavekal Dragonomics, một cơ quan phân tích có trụ sở tại Bắc Kinh, có khoảng 100 triệu căn hộ do các nhà đầu cơ làm chủ tại Trung Quốc đang bị bỏ trống, 30 triệu khác do các công ty môi giới nắm giữ.

 

Thị trường bất động sản Trung Quốc tuột dốc trong trong 12 tháng liên tiếp. Tháng 6/2022 giảm 43 % so với một năm trước đây. Có từ 5% đến 25 % các căn hộ bị bỏ trống. Có đến 24 trong số các tập đoàn lớn nhất trong ngành tại Trung Quốc bị đe dọa « mất khả năng thanh toán », theo thẩm định của hãng tin Mỹ, Bloomberg. Trên toàn quốc, có từ 5% đến 20 % các công trình bị bỏ dở, vì các chủ thầu thiếu tiền mua vật liệu, thiếu tiền trả cho công nhân …

 

Sau Evergrande hồi tháng 9/2021, mùa hè năm nay đến lượt tập đoàn Shimao, trụ sở tại Thượng Hải, mất khả năng thanh toán 1 tỷ đô la Mỹ nợ đáo hạn và phải cấp tốc tìm ra thêm 2 tỷ đô la nữa để thanh toán cho các chủ nợ từ nay đến cuối năm. Evergrande, Shimao hay Sunak … là 3 trong số 6 đại công ty bất động sản Trung Quốc, vừa bị khai trừ khỏi bảng yết giá trên sàn chứng khoán Hồng Kông vì không công bố đúng thời hạn tổng kết tình hình tài chính năm 2021.

 

Đem tỏi và dưa hấu đi mua nhà

 

Họa vô đơn chí, hàng trăm ngàn thân chủ của 80 công ty môi giới bất động sản trên toàn quốc « nổi loạn » tuyên bố ngừng thanh toán các khoản trả góp cho tới khi nào họ được giao nhà. « Phong trào » đã lan rộng tới gần 100 tỉnh thành, liên quan đến hơn 300 công trình đang xây dựng nửa chừng. Thái độ phản kháng từ phía người trả góp những căn hộ mua trên dự án đẩy giới trong ngành vào cảnh thiếu hụt hơn 300 tỷ đô la.

 

Ngành xây dựng, giới chủ thầu và cã hãng môi giới bất động sản tuyệt vọng tới nỗi, sau khi đã rao bán nhà và tặng không một chỗ đậu xe trong chung cư, hay lắp máy điều hòa miễn phí … ở tình Hà Nam chẳng hạn, một số công ty cho phép khách hàng « trả góp » bằng hàng trăm tấn tỏi, hay dưa hấu.

 

Chủ tịch trung tâm nghiên cứu về châu Á, Asia Centre nhắc lại :

 

« Hiện tượng tất cả các tập đoàn môi giới nhà đất nợ nần chồng chất đã lộ rõ kể từ vụ Evergrande và bắt đầu được phơi bày ra ánh sáng cách nay khoảng 9 tháng. Dân Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư vào địa ốc, họ đua nhau đi mua nhà và đổ vào đấy tất cả tiền tiết kiệm. Cũng phải nói rằng đây là một trong những lĩnh vực duy nhất dân chúng có thể đầu tư.

 

Từ 35 năm nay, giá nhà đất tại Trung Quốc không ngừng tăng lên. Nhưng rồi, thị trường đột ngột bị chựng lại, giá cả giảm sút. Tư nhân, những người mà từ trước đến nay dễ dàng đổ tiền vào để nuôi các công ty môi giới nhà đất và các đại tập đoàn xây dựng Trung Quốc, ngưng thanh toán. Người ta đòi ‘tiền trao, cháo múc’. Thế là cả một hệ thống đang hoạt động tốt, bị chựng lại. Các công ty môi giới lần lượt vỡ nợ, bởi vì tư nhân không muốn đầu tư vào địa ốc nữa ».

 

Dập tắt phẫn nộ của giới trung lưu vướng nợ nhà đất

 

Như vừa nói, giá nhà đất tại Trung Quốc đã liên tục tăng, và đã tăng đến mức chóng mặt, trong hơn ba thập niên qua. Đây cũng là phương tiện duy nhất để ai cũng có thể kiếm lời, là một loại bảo hiểm tài chính đáng tin cậy nhất của giới trung lưu. Cũng hãng tin Mỹ Bloomberg thẩm định, trung bình bất động sản chiếm khoảng 70 % tài sản của một hộ gia đình (không ít trong số đó tậu nhà để đầu cơ). Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tại Mỹ hay Châu Âu. Thị trường nhà đất mất giá, tài sản của tầng lớp này qua đó cũng « bốc hơi theo ». Như giáo sư Alfred Wu, đại học Lý Quang Diệu tại Singapore, nói : « Người Trung Quốc thường huy động vốn của cả một gia đình để đầu tư vào nhà đất. Nếu như căn nhà hay căn hộ của họ mất giá, thì đây là một vấn đề sinh tử ». 

 

Trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 11/2022, làn sóng phẫn nộ này bất ngờ bắt ông Tập Cận Bình phải phản ứng kịp thời,  để dập tắt mọi mầm mống bất mãn trong xã hội. Khủng hoảng tín dụng và thị trường bất động sản đe dọa trực tiếp đến cam kết xây dựng một xã hội « thịnh vượng chung » ông đã đề ra. Do vậy, tất cả các chuyên gia đều quả quyết là bằng mọi giá, Bắc Kinh phải duy trì « ổn định » vào lúc họ Tập có tham vọng điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ thứ ba - và có thể là giữ chức chủ tịch Trung Quốc mãn đời.

 

Để đổi lấy sự « ổn định trong xã hội đó », Bắc Kinh phải làm gì ? Chuyên gia Di Meglio trả lời :

 

« Sẽ có những quyết định đau đớn. Ở cấp cá nhân, một số người đã từ chối tiếp tục trả góp cho các nhà thầu. Điều đó có nghĩa là họ có thể mất trắng số tiền mà tới nay đã nộp cho các công ty môi giới. Ở cấp nhà nước, chính quyền không thể cứu hết tất cả các tập đoàn xây dựng và các công ty môi giới nhà đất. Họ buộc phải chọn ‘cứu ai, bỏ ai’. Có nhiều khả năng chính phủ sẽ cứu những hãng quá lớn, hay là tương đối còn có một chút khả năng tài chính để chống chọi với khủng hoảng.

 

Với những tập đoàn mà thân chủ đã từ chối trả góp, thì có thể là nhà nước sẽ can thiệp, bù vào khoảng trống tài chính đó. Như vậy tiếp sức cho ngành địa ốc. Song vấn đề còn nguyên vẹn : hàng trăm, hàng ngàn tòa nhà cao tầng xây xong coi như là tài sản của các ngân hàng, nhưng giá trị của chúng là bao nhiêu khi mà thị trường địa ốc ách tắc, giá cả đổ dốc ? Kịch bản khủng hoảng tín dụng địa ốc, subprime ở Hoa Kỳ năm 2007 tái diễn ».

 

Dù vậy giám đốc trung tâm nghiên cứu Asia Centre Jean-François Di Meglio không tin là khủng hoảng tín dụng địa ốc phiên bản Trung Quốc sẽ xảy ra, bởi vì « chủ trương cố hữu của Bắc Kinh là làm tất cả để cố gắng giữ một thế cân bằng nào đó, tránh để nổ ra khủng hoảng như ở Mỹ. Vụ subprime hồi 2007 ở Mỹ đã dẫn tới vụ Lehman Brothers. Rồi khủng hoảng tài chính này lan ra toàn cầu. Hoa Kỳ là một nền kinh tế mở rộng, ngành tài chính, các ngân hàng Mỹ liên hệ với toàn thế giới. Các ngân hàng Trung Quốc thì không, nhờ vậy khủng hoảng địa ốc hay tài chính Trung Quốc sẽ không tác động trực tiếp đến tài chính của thế giới ».

 

Chuyên gia Pháp kết luận : Bắc Kinh có nhiều phương tiện để tránh một cuộc khủng hoảng kép từ thị trường địa ốc lan sang tài chính, ngân hàng Trung Quốc. Nhìn xa hơn, có nhiều khả năng Trung Quốc đi theo mô hình của Nhật : đầu thập niên 2000, Nhật Bản cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng địa ốc. Chính phủ đã can thiệp. Mất 20 năm, ngành địa ốc Nhật mới đi vào quy củ. Chưa thể nói là lĩnh vực này khởi sắc trở lại nhưng đã lấy lại cân bằng, và tình hình không đến nỗi tệ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats