Saturday, 2 July 2022

ÔNG XÍT TA LIN (Trịnh Hải)

 



 

Ông Xít Ta lin

Trịnh Hải

03/07/2022

https://baotiengdan.com/2022/07/03/ong-xit-ta-lin/

 

Tôi đã có cơ hội ra Hà Nội từ rất sớm, chỉ vài năm sau ngày cộng sản cưỡng chiếm được miền nam. Ngày ấy, sau khi thấy được những cái “phồn vinh giả tạo” ở miền nam, cộng sản đâm ra mặc cảm và lo sợ người dân trong nam thấy những cái nghèo đói thực sự của miền bắc nên việc người dân nam ra bắc không phải ai cũng làm được dù rằng đất nước đã hòa bình và thống nhất.

 

Tôi đã gặp một số họ hàng ở Hà Nội. Tuy liên hệ ruột thịt, nhưng họ lại là những người mà tôi được gặp lần đầu tiên trong đời. Sau những phút bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi cũng nhanh chóng thân thiết lại gần với nhau.

 

Một người bạn của ông cậu tôi đã ghé thăm sau khi nghe nói có người từ trong nam ra.  Sự hiện diện của một dân đen trong nam ra bắc ngày ấy là chuyện vô cùng hiếm hoi nên được gặp tôi để tìm hiểu về miền nam là một chuyện thú vị đối với họ. Sau những lời chào và thăm hỏi, ông ta âu yếm, cẩn thận lấy ra khoe tôi bản nhạc “Diễm Xưa” của Trịnh công Sơn được in trên giấy mà chúng ta thường thấy ở trong nam trước năm 75. Với tôi thì vì nó quá thường nhưng tôi cũng lịch sự cười và cầm lấy bản nhạc đó nhìn qua loa. Lúc ấy tôi không biết đó là một “di tích lịch sử” quý giá mà người dân miền bắc phải thu lượm từ trong nam hoặc mua bán lại với một giá rất cao.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/07/2-2.jpg

Ảnh: Tờ nhạc Diễm Xưa

 

Hóa ra rằng người cộng sản miền bắc coi Trịnh Công Sơn là một thiên tài, như một Mozart hay Beethoven của Việt Nam. Ngay cả lúc chiến tranh còn gay gắt, họ cũng biết Khánh Ly đã trình diễn bản nhạc Diễm Xưa, tựa đề tiếng Nhật là Utsukushii Mukashi, ở hội chợ Osaka, Nhật Bản vào năm 1970, đã khiến dân Nhật phát sốt. Hãng đĩa Myrica Music sau đó đã mời Khánh Ly sang Tokyo để thu âm một số bản nhạc bằng cả 2 ngôn ngữ Việt – Nhật. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/07/2-3.jpg

Ca sĩ Khánh Ly vào những năm đầu thập niên 70 được dân Nhật gọi là “Công chúa áo dài”

 

Chúng ta phải hiểu trong chế độ cộng sản miền bắc, những người công nhân hay nông dân trình độ thấp kém là nồng cốt trong guồng máy cai trị. Thế nhưng họ cũng hiểu và mơ ước Việt Nam có được những người có thể đem chuông đi đấm xứ người và Trịnh Công Sơn đã được coi là người có khả năng nhất vào lúc đó. Có thể vì lý do đó, họ đã tìm cách kết thân và mua chuộc Trịnh Công Sơn, trước là để giành giựt nhân tài về phía họ, sau là sẽ dùng Trịnh Công Sơn để tuyên truyền và chinh phục cảm tình thế giới.

 

Rất tiếc trước khi Trịnh Công Sơn ngả về phe cộng sản, ông ta đã sáng tác ra những bản nhạc đã được “thế lực thù địch” ngày nay ưa thích vì ông ta đã vạch ra những điều sai trái của chế độ cộng sản bằng những lời nhạc ghi sâu vào lòng người.

 

Tại sao “gia tài của mẹ” lại là “một bọn lai căng”? Bốn ngàn năm văn hóa của người Việt tồn tại là vì chúng ta không bao giờ đưa một người ngoại quốc lên bàn thờ. Hãy đọc bài thơ “Đời đời nhớ ông” [1] của Tố Hữu để chúng ta thấy được mức độ mất gốc, lai căng của chế độ miền bắc như thế nào:

 

Xta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng con thơ gọi Xta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hoà bình trắng trong…

 

Lời nhắn nhủ “Mẹ dạy cho con tiếng nói thật thà” trong bài Gia tài của mẹ cũng là chủ yếu để gởi gấm đến cho phe cộng sản miền bắc. Ông Thiệu sau này có nói một câu để đời mà nội dung cũng không mấy khác với lời nhắn nhủ của Trịnh Công Sơn trong bài Gia tài của mẹ trước đó nhiều năm.

 

Chuyện “hai mươi năm nội chiến từng ngàу” đó là sự thật. Toàn dân Việt Nam ai cũng đều nỗ lực chống Pháp, nhưng chắc chắn một điều là không phải ai cũng theo cộng sản. Việc Hồ Chí Minh trải thảm đỏ đón Pháp về, mà hậu quả là biến Việt Nam trở thành nước thuộc địa duy nhất còn lại trên thế giới sau thế chiến thứ hai [2] là một nỗi đau không nguôi của dân tộc. Những người còn ở lại VN sau năm 75 không thể làm gì khác hơn là chịu đựng, nhưng những người may mắn thoát được ra nước ngoài, họ vẫn tiếp tục kiên cường chiến đấu, chống lại chủ nghĩa lai căng ở bên nhà.

 

Nói gì thì nói, theo Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được cộng sản VN ban hành thì quy định cấp phép ca khúc miền Nam trước năm 1975 bị bãi bỏ từ ngày 1/2/2021 trở đi, nên nói về lý, người hát bản Gia tài của mẹ trong nước không vướng vào tội gì. Họ chỉ có thể bắt bẻ chuyện Khánh Ly hát một bài ngoài danh mục mà ban tổ chức đã xin phép. Tội đó thì chỉ đánh nhẹ lên mu bàn tay người phạm tội là hết chuyện. Thế nhưng dư luận trong và ngoài nước đã biến nó từ một ụ đất nhỏ thành một ngọn núi khổng lồ.

 

Không biết ca sĩ Khánh Ly có cố tình trình diễn bản nhạc ‘Gia tài của mẹ’ trong lần trình diễn cuối cùng được coi là “như một lời chia tay” hay không, nhưng người Việt không cộng sản xin được cám ơn Khánh Ly đã gửi gấm đến đồng bào trong nước một bản nhạc nhớ đời.

__________

 

Tham khảo

 

[1]Thơ “Đời Đời Nhớ Ông”: https://www.thivien.net/T%E1%BB%91-H%E1%BB%AFu/%C4%90%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BB%9Di-nh%E1%BB%9B-%C3%94ng/poem-phQI-0H5–cb4jP8jTUWDw

 

[2] Chính Nghĩa Nào Cho Đảng Cộng Sản Việt Nam: https://lsvn101.blogspot.com/2019/12/viet-lai-nhung-dong-lich-su.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats