Saturday 2 July 2022

15 TUỔI, ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ? (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



15 tuổi, đã làm được gì? 

Lê Huyền Ái Mỹ

2-7-2022  10:15  

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/pfbid0cyS2kYngjZSXE9SfRfhmzfE4R2aXb8RVa75aa6SSNyrudb9zPdgfeAawtJGoL9DCl

 

Ngày 3.7, Đảng ủy khối dân -chính -đảng TP HCM kỷ niệm 15 năm thành lập. Đảng phái nào mà chẳng là liên kết của hai khối còn lại: nhân dân - chính quyền. Phân cấp đảng nào mà không bao gồm hai nhân tố cốt lõi còn lại: chính quyền - nhân dân. Trong khi ở mỗi tỉnh thành, từ trên cao như đảng bộ tỉnh/thành, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh/thành, Đảng đoàn Mặt trận và các tổ chức chính trị -xã hội… xuống tận từng cơ quan, đơn vị đều cài cắm chân rết cấp ủy, chi bộ. Vậy, cái tổ chức đảng “vị thành niên” kia, tôi thật sự không hiểu cho đến nay, nhất là càng về sau này, mục đích, phương thức, hiệu quả tồn tại, hoạt động của riêng nó là để làm gì, được gì. Tất nhiên, cái được phải định chất lẫn định lượng, kiểm nghiệm cụ thể bằng thực tiễn.

 

Trong Đảng ủy khối ấy cũng có đầy đủ ban bệ, tuyên giáo, kiểm tra, tổ chức…; dưới nó - hồi tôi còn làm việc -, một trong những đảng ủy trực thuộc là Hội LHPN TP cũng bấy nhiêu ban bệ. Để có được một hồ sơ (sẽ) kết nạp Đảng, từ đương sự, chi bộ đương sự lên đảng ủy chủ quản, rồi lên đảng ủy khối. Có khi lên “trển” rồi lại quay về điểm xuất phát để… viết lại cho rõ ràng hơn, khai lại cho đầy đủ hơn. Nhiều trường hợp, nản, bỏ luôn.

 

Trong yêu cầu chung, mà là yêu cầu chính đáng, là tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng hành chính hóa công tác đảng; thì việc tinh gọn bộ máy, lấy chất lượng - vốn được đo đếm bằng trình độ, kỹ năng vận dụng kiến thức để xử lý công việc, ra kết quả đầu việc - làm trọng. Chính sự càng bày biện, hàng hàng lớp lớp văn bản, báo cáo lại là “rào chắn” cho tính thực thi được thúc đẩy nhanh, thực chất, hiệu quả.

 

Hôm bà bộ trưởng ngoài ngoải vô làm việc rồi cao giọng phê bình biên chế dôi dư của thành phố. Đâu chừng 5.700 người. Tôi lại nghĩ đến những con số dôi dư ở các khối khác, nó cần tinh giản, để nhường chỗ cho khối chính quyền, sở ngành, vừa phục vụ dân vừa bớt tốn tiền của dân, lại không bị người ngoải nặng nhẹ!

 

Với hàng hàng lớp lớp văn bản, khóa bồi dưỡng, tập huấn …người trong cuộc đã “lắc đầu”, kẻ ở ngoài lại càng “lè lưỡi”. Cơ man báo cáo, chỉ thị nhưng, cái thật sự là lý tưởng, lòng tin đi từ trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm thực thụ có theo cùng? Hay chỉ là nơi dung dưỡng, phát tán thêm virus hình thức, đối phó, nói cho có, làm tưởng có hóa không…

 

Khi chủ trì sinh hoạt, tôi thường không bắt buộc mọi người phải kể những mẫu chuyện Bác Hồ. Bởi, nó ngô nghê, hình thức, nó làm méo mó, tội tình người kể, người nghe và nhất là người-nhân-vật. Với đặc thù nghề nghiệp, với trình độ nền tảng lẫn (ráng) nâng cao thì, tôi chuộng cách cùng trao đổi “Sửa đổi lối làm việc” trong hoàn cảnh hiện tại hơn. Nhưng, cũng không dễ. Song, thà giảm bớt tính hình thức bằng một sự thay thế thực chất có thể, hoặc không làm gì cho nó… giả hơn thì hẳn đó là một sự lựa chọn tốt, không chỉ cho con người mà cả tổ chức của chính nó.

 

“…Hạnh phúc của một dân tộc vĩ đại chính là mối bận tâm duy nhất của chính quyền”, và một khi không/chưa làm được điều đó, người dân có quyền hoài nghi, bất khả tín.

 

Ít nhất trước khi kiên quyết đưa những đảng viên không xứng đáng ra khỏi tổ chức đảng như tinh thần Nghị quyết 21 thì, đảng cũng cần rà soát để nâng chất những tổ chức đảng xứng đáng cho những đảng viên còn ở lại. Bằng không, chỉ tổ tốn cơm nhân dân, xài hoang đảng phí.

 

.

16 BÌNH LUẬN



 

No comments:

Post a Comment

View My Stats