Thursday, 3 February 2022

TRÒ CHƠI GÂY CHIẾN CỦA PUTIN (David Remnick - The New Yorker)

 



Trò Chơi Gây Chiến Của Putin  

David Remnick  -  The New Yorker  

Nguyễn Minh Tâm  dịch

February 3, 2022

https://www.baocalitoday.com/breaking-news/tro-choi-gay-chien-cua-putin.html

 

Cali Today News – Vladimir Putin muốn phô trương bản chất thật của con người ông ta cho dân Nga, và thế giới biết ông muốn phá vỡ tất cả những khuôn thức theo tiêu chuẩn cũ, chống lại mọi hình thức được gọi là hoàn hảo của thời đại hiện nay. Ông từng tuyên bố rằng thể chế dân chủ chỉ là cách sắp xếp cần bị đào thải vì nó đã sống quá lâu. Mục tiêu của chế độ đó không còn hợp thời nữa. Một trong những nhân vật lịch sử được Putin kính nể nhất để noi gương, là Đại Đế Alexander III, ông Sa Hoàng phản động của hoàng triều Nga Romanov. Ông ta chủ trương cần phải hạn chế tối đa quyền tự do ngôn luận, báo chí. Hoàng đế Alexander III muốn thực hiện kế hoạch “Nga hóa” tất cả các nhóm sắc tộc thiểu số trong một đế quốc rộng lớn có nhiều sắc dân do ông cai trị. Đồng thời ông chủ trương cần huy động lực lượng quân sự để đập tan mọi mối đe dọa thù trong giặc ngoài. 

 

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/12/putin-300x190.jpg

Photo Credit: kron4

 

Bốn năm trước đây, Putin bày tỏ sự ngưỡng mộ, bái phục của ông đối với nhà độc tài Sa Hoàng Alexander đệ Tam khi ông đi thăm Bán Đảo Crimea . Đây là vùng đất thanh bình thuộc lãnh thổ của nước Ukraine . Phần đất đó không hề đem lại  một đe dọa nào cho nước Nga cả. Vùng lãnh thổ rất đẹp này bị Nga thôn tính vào năm 2014, và chiếm giữ từ cho đến nay.    

 

Bây giờ, Putin lại có ý định xâm lăng Ukraine một lần nữa. Ông đã cho di chuyển, vũ khí, quân đội, và chuẩn bị cả bộ máy tuyên truyền, kể cả xâm nhập bằng điện toán để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng. Trong đợt xâm lăng lần trước, ông Putin đã dùng sức mạnh tối đa, sử dụng “đoàn quân nhỏ mũ xanh”, đây là đơn vị lính tinh nhuệ đặc biệt của ông được dùng để tạm thời che mắt công luận trong lúc đơn vị chính quy xông vào chiếm lấy Simferopol, Yalta, và Sevastopol. Trong đợt xâm lăng mới, ông tìm cách chia rẽ, và đánh lạc hướng Tây phương để họ không biết rằng trong tầm ngắm  của ông, ông muốn xâm chiếm các vùng Donetsk, Kharkiv và Luhansk, toàn bộ khu kỹ nghệ miền đông của Ukraine, và cả thủ đô Kiev cũng có thể bị thôn tính.  

 

Trong nhiều tuần lễ vừa qua, các phụ tá và guồng máy tuyên truyền của ông Putin tung ra rất nhiều câu tuyên bố mâu thuẫn, trái ngược nhau. Có lúc họ nói rằng họ không có ý đồ xâm lăng Ukraine, họ chỉ muốn chống lại sự lấn lướt, áp đặt vội vàng của phương Tây trên những vùng lãnh thổ mới sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc Họ nói Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương- NATO- là một thứ bệnh ung thư, cứ tiếp tục di căn lan truyền đi nơi khác. Và hôm tuần trước tờ báo thân Kremlin, tên là Argumenti  i Fakty đặt câu hỏi: “Liệu chúng tôi có thể chữa trị được chứng bệnh ung thư này hay không?”.

 

Trên tờ báo Literaturnaya Gazeta,  chuyên gia phân tích quân sự Konstantin Sivkov tuyên bố rằng: “Nước Nga phải dùng biện pháp mạnh, cương quyết, bất chấp những thủ tục thông thường. Nếu không, đối thủ của chúng ta sẽ nghĩ rằng chúng nó có thể đặt chân lên nước Nga dễ dàng.”. Ông ta còn viết thêm rằng ông băn khoăn là cách nào có thể chế tạo ra được hỏa tiễn bắn xa đến tận công viên Yellowstone Park, hay tạo ra được đợt sóng thần tsunami thật to cao hàng trăm mét để có thể quét sạch mọi thứ trên lộ trình tiến quân của Nga.  

 

Chỉ có một số nhỏ nhà lãnh đạo đi theo con đường xây dựng quyền lực một cách khó hiểu như Putin. Những tay chuyên về tuyên truyền, những tay thuộc hạ của ông có đầu óc tham lam ưa chuyện ăn cắp, cướp đoạt, và cả đám mật vụ phục vụ cho ông cũng không thể nào đoán được ông ta sẽ làm gì trong những kế hoạch sắp tới. Nhưng mệnh lệnh tổng quát của ông thì rõ ràng là phải duy trì quyền lực và sức mạnh cho ông ta. Là một tay tình báo đầy kinh nghiệm, làm việc cho KGB trong nhiều năm, Putin nhìn thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi, và ông từng được đào luyện trong bối cảnh nhà cầm quyền ở Kremlin lúc nào cũng bị thách đố, đòi lật đổ. Ví dụ như ông biết rất rõ vào trưa ngày 25 tháng Tám năm 1968. Bốn ngày sau khi hồng quân Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc để đập tan âm mưu của “bọn phản động” trong phong trào đòi cải cách. Vụ này thường được gọi là Cuộc Nổi Dậy Mùa Xuân Prague. Bốn nhà trí thức của thủ đô Mạc Tư Khoa đến công trường Đỏ, và trương lên lá cờ có khẩu hiệu: “Vì Tự Do của Bạn và của Chúng Tôi”. Thi sĩ Natalya Gor Nevskaya rút từ trong chiếc xe đẩy dành cho em bé một lá cờ Tiệp Khắc. Theo báo cáo của Sở An Ninh Trung Ương Đảng Cộng Sản: Cuộc Nổi Dậy Chống Liên Xô bùng phát trong một thời gian rất ngắn, và Sở Tình Báo KGB gửi người đến để làm một biểu tình giả để đập tan âm mưu nổi dậy.   

 

Cuộc phản kháng phù du, ngắn ngủi đó lại có những hậu quả hết sức sâu đậm. Một trong vài  người có mặt trong cuộc biểu tình ở Quảng Trường Đỏ lần đó là ông Vadim Delaunay. Ông khai trước tòa rằng: “Năm phút tự do” qúy báu đó đáng giá gấp ngàn lần so với bản án tù lâu dài họ sẽ phải nhận. Ông ấy không còn sống lâu để hiểu được lời nói của ông thấm thía đến mức nào.

 

Có nhiều yếu tố tích lũy khiến ông Mikhail Gorbachev đưa ra đề nghị phải cải tổ tận cơ cấu chế độ, thường được gọi là “glasnost” và Perestroika”: Một đế quốc hoang phí, nặng nề, vô dụng, một nền kinh tế nội địa co cụm, trí thức và khoa học gia bị cô lập, người dân trở nên vô cảm, lạnh lùng với chủ nghĩa Cộng Sản. Phong trào phản kháng bắt đầu từ cuộc biểu tình ở Quảng Trường Đỏ là nguồn cảm hứng cho tất cả những tư tưởng đòi hỏi tự do, và được phép làm những điều gì có thể làm được. Vào những năm cuối thập niên 1980’s, chính ông Gorbachev đã ngỏ lời vinh danh lãnh tụ phong trào phản kháng: Ông Andrei Sakharov.  

 

Trong nhiều năm sau đó, Putin chỉ rút ra được một bài học, cho rằng sở dĩ có những kẻ phản kháng đến quảng trường Đỏ chỉ vì họ muốn được tự trị. Trong cuộc diễu binh ngày Một Tháng Năm 1990 – Ngày Lao Động Quốc Tế- nhiều nhóm công dân đã tụ tập trước trụ sở Đảng Cộng Sản, sau đó đến trước mộ Lenin để bày tỏ sự oán hận, và trương cao khẩu hiệu: “Đả Đảo Bộ Chính Trị” Hãy từ chức đi.” hay “Đả Đảo Đế Quốc Đỏ, Chủ Nghĩa Cộng Sản Phát Xít”. Một năm rưỡi sau, Liên Bang Xô Viết tan rã. Một biến cố sau này Putin tuyên bố đây là “Một thảm họa về chính trị địa dư lớn nhất trong thế kỷ 20. Từ đó đến nay, mỗi khi có những cuộc biểu tình phản kháng, dù là ở Mạc Tư Khoa, ở quảng trường Bolotnaya năm 2011, hay ở bất cứ nơi nào trong “Vùng ảnh hưởng của Liên Bang Xô Viết cũ”, kể cả ở Georgia, Ukraine, Belarus và Kazakhstan đều bị ông ta cho rằng “đó là những dấu hiệu gần gũi với tinh thần phản kháng cũ”. Cứ như thế, ông ta trở thành một triết gia, một người thực hiện chế độ cai trị độc tài, toàn trị.  

 

Ông Putin thực hiện hình thức cai trị độc tài với nhiều đợt tấn công thô bạo, tàn ác đối với những người chống lại nhà cầm quyền. Tháng Tám năm 2020, Putin cho mật vụ sử dụng chất độc Novichok để đầu độc ông Alexey Navalny, một nhân vật đối lập quan trọng và gan lỳ. Khi ông Navalny thoát chết, chính quyền bèn bắt giam ông, và sau khi đem ra tòa xử trong một phiên tòa đóng kịch, cúng tống ông vào nhà tù gần tỉnh Vladimir . Dưới triều đại của Putin, Bầu cử chỉ là trò hề, Tòa án là đóng kịch, và Quốc Hội chỉ làm theo lệnh của Tổng thống. Nhiều nhân vật chính trị, nhà hoạt động, hay nhà báo bày tỏ sự khó chịu đối với chế độ đều bị ám hại chết, bị đánh đập, bỏ tù, hay bị tống ra nước ngoài- tuy Putin không làm kiểu số đông, hàng loạt như dưới thời Stalin, nhưng cũng đủ khiến cho cuộc sống của công chúng trở nên nhạt nhẽo, buồn tẻ, đến độ rùng mình. Nhà cầm quyền đàn áp, gây khó dễ cho những tổ chức bảo vệ nhân quyền, và những hệ thống truyền thông cấp tiến, chẳng hạn như Meduza, hay TV Rain, chính quyền cáo buộc những cơ quan truyền thông này là tay sai cho ngoại quốc. Những đài tưởng niệm, hay tổ chức có ý định muốn khôi phục lại sự thật  lịch sử đều bị ngăn cấm buộc phải ngừng hoạt động.  

 

Putin có một tài hết sức đặc biệt là khai thác tối đa những nhược điểm của đối thủ, những điểm yếu của kẻ thù, những điều nói dối, hay những lầm lỗi của người khác. Ông ta ra tay rất nhẹ đối với những ưu điểm chiến thuật của ông, trong lúc đó ông ta chơi thẳng tay với việc Âu châu bị lệ thuộc vào nguồn khí đốt thiên nhiên của Nga, và ông ra sức làm tối đa để gây sự bất ổn trong các chế độ dân chủ ngoại quốc, nhất là Hoa Kỳ. Hành động gây rối loạn ngày 6 tháng Giêng của triều đại Tổng thống Donald Trump, và cuộc rút lui đầy xáo trộn của người Mỹ ra khỏi Afghanistan chính là những món quà đặc biệt để tặng cho Putin, để ông ta khai thác. Ông ta lớn tiếng chế giễu rằng cái gọi là “bó đuốc” soi đường cho “thế giới tự do” là như thế đó, khiến cho hàng triệu người dân ở đó tin rằng vị Tổng thống hiện tại của họ bị mất chức vì bầu cử gian lận, vì thế cần phải lấy lại kết quả bằng vũ lực. Đây là một vố hời vô cùng quý giá, dễ dàng được dùng trong chiến tranh tuyên truyền để đập đối thủ, nhất là khi nước thù nghịch lâm tình trạng chia rẽ, chống phá nhau, và lo âu về sự phân hóa trong cuộc sống chính trị.  

 

Ukraine là một quốc gia có chủ quyền với dân số hơn 40 triệu. Nước này đã độc lập, thoát khỏi vòng ảnh hưởng, sự cai trị của Mạc Tư Khoa từ hơn ba chục năm qua. Trong nước Ukraine có những vấn đề riêng của họ như tham nhũng, chia rẽ về chính trị. Nhưng thế hệ trẻ Ukraine được sinh trưởng dưới những chế độ không quá độc tài, cứng rắn như ở Nga.

 

Không chắc ông Putin có sẽ xâm lăng Ukraine hay không. Nhưng có điều chắc chắn là bất cứ ai muốn chiếm đóng nước Ukraine , chắc chắn kẻ đó sẽ gặp sự đề kháng dữ dội, và sẽ đưa đến thảm họa đẫm máu.  

 

Bài phân tích của David Remnick trên THE NEW YORKER  ngày 31/1/2022  

Nguyễn Minh Tâm  dịch  






No comments:

Post a Comment

View My Stats