Tuesday, 15 February 2022

TIN TỨC VỀ TÔN GIÁO TRÊN BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC : UỐN NÃO BẢY LẦN TRƯỚC KHI KẾT LUẬN (Thái Thanh - Luật Khoa)

 



 

Tin tức về tôn giáo trên báo chí nhà nước: Uốn não bảy lần trước khi kết luận

Thái Thanh  -  Luật Khoa

15/02/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/02/tin-tuc-ve-ton-giao-tren-bao-chi-nha-nuoc-uon-nao-bay-lan-truoc-khi-ket-luan/

 

Những bài báo một chiều thường gây hiểu lầm và đánh lạc hướng nhiều hơn là cung cấp sự thật.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/A-1024x576.png

Minh họa: Luật Khoa

 

Vào đầu năm nay, dư luận dậy sóng khi báo chí loan tin Tịnh Thất Bồng Lai “đang bị điều tra về tội loạn luân”.

 

Tin đầu tiên xuất hiện trên Facebook của tôi về vụ việc này là bài báo ngày 5/1/2022 của VietNamNet với tiêu đề: “Điều tra tội ‘Loạn luân’ và nhiều tội khác xảy ra ở ‘Tịnh thất Bồng Lai’”. [1]

 

Bài viết trên VietNamNet ghi rõ: “[…] một nguồn tin cho hay, Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án để điều tra các tội: ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân’, ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và ‘Loạn luân’”.

 

Hai ngày sau, hóa ra ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, và ba người khác chỉ bị khởi tố một tội danh là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. [2]

Đây không phải là lần đầu tiên báo chí nhà nước thông tin sai lệch cho công chúng về các vụ việc có yếu tố tôn giáo.

 

Tháng 5/2019, khi dư luận rúng động về vụ án giết người giấu xác trong bê tông tại tỉnh Bình Dương, một bài báo của Tuổi Trẻ đã tường thuật: “Sau mỗi lần một người đàn ông tử vong, nhóm 4 phụ nữ khai đều để xác trong nhà và tiếp tục luyện môn ‘pháp luân công’ cho đến khi tử thi phân hủy mới cho vào thùng rồi đổ bê tông hoặc dán băng keo!”. [3]

 

Nhưng cũng báo Tuổi Trẻ vào ngày 25/6/2020 đã tường thuật lời của Phạm Thị Thiên Hà, người bị cáo buộc chủ mưu của vụ việc, với thông tin khác hẳn. [4]

 

Theo đó, bà Hà khai trước tòa rằng ban đầu cả nhóm quen nhau do tập Pháp Luân Công, nhưng sau đó họ đã tập luyện theo phương pháp riêng “do Hà tự nghĩ ra, không còn tuân theo phương pháp của bất cứ tôn giáo hay trường phái nào”.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/pasted-image-0-1.jpg

Phạm Thị Thiên Hà trong phiên tòa sơ thẩm vào năm 2020. Ảnh: Đỗ Trường/ Báo Thanh Niên.

 

Dù có thông tin mới, Tuổi Trẻ vẫn không đính chính tin trong bài báo trước đó về việc cả nhóm tập luyện Pháp Luân Công khi xảy ra án mạng.

 

Trong tâm tưởng người dân, vụ án mạng này đã vĩnh viễn gắn với việc tập luyện Pháp Luân Công do các tin tức dồn dập của báo chí vào thời điểm phát hiện vụ việc.

 

Vào tháng 10/2021, khi xuất hiện trên kênh truyền hình của tỉnh, một cán bộ công an tỉnh Cao Bằng đã lấy vụ án đó làm ví dụ để khẳng định Pháp Luân Công là một tà đạo nguy hiểm. [5]

 

Vô tình hay cố ý?

 

Trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai, báo VietNamNet có thể cho rằng nguồn tin của họ không chính xác. Trong vụ án giết người giấu xác trong bê tông, báo Tuổi Trẻ có thể nói rằng họ chỉ ghi theo thông tin được cơ quan công an điều tra cung cấp, chứ không có cơ hội kiểm chứng trực tiếp với nghi phạm.

 

Nhưng cũng có những vụ việc cho thấy việc đưa tin thiếu khách quan không phải là sự vô tình, hay nằm ngoài khả năng kiểm chứng của phóng viên.

 

Năm 2016, báo Pháp Luật, một cơ quan của Bộ Tư pháp, đã tường thuật về vụ chặt phá rừng trong khu vực tranh chấp đất đai giữa Đan viện Thiên An (Công giáo) và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế. Bài viết có tiêu đề: “Dùng dao rựa ‘nói chuyện’ với đoàn kiểm tra việc phá rừng”. [6]

 

Trong bài viết, phóng viên đã dẫn lời của chính quyền xã, công an xã cáo buộc đan viện cho người thả chó, cầm dao rựa để đe dọa đoàn làm việc. Phóng viên ghi rằng mình đã đến tận hiện trường, tuy nhiên, bài viết không có ý kiến nào của đan viện Thiên An, dù đan viện tọa lạc ngay khu vực tranh chấp. Bài viết sau đó bị phía đan viện cho là cố tình dàn dựng để bôi nhọ họ. [7]

 

Trong bối cảnh hệ thống báo chí bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam, việc chính quyền muốn định hướng hay đánh lạc hướng dư luận qua các tin tức là điều dễ như trở bàn tay.

 

Một ngày sau báo chí đưa tin về việc điều tra tội loạn luân tại Tịnh Thất Bồng Lai, Thứ trưởng Bộ Y Tế đã bị Chính phủ kỷ luật do có nhiều sai phạm. [8] Tuy nhiên, không một tin tức nào của báo chí đề cập cụ thể vị quan chức Bộ Y tế đã sai phạm như thế nào. Cùng thời điểm này, vụ Việt Á liên quan đến hàng loạt các quan chức cũng thu hút sự quan tâm của công chúng.

 

Tất cả đều bị các tin tức rầm rộ về vụ việc tại Tịnh Thất Bồng Lai lấn át.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/pasted-image-0.jpg

Ông Lê Tùng Vân (giữa) và một số thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai. Nguồn: BBC.

 

Cẩn trọng khi đọc tin về vấn đề tôn giáo

 

Việc truyền thông đưa tin về vụ án mạng ở Bình Dương khiến tôi nhớ lại một vụ án mạng cũng liên quan đến các giáo phái ở Trung Quốc.

 

Tháng 5/2014, một người phụ nữ bị năm người hành hung đến chết trong một cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Một đoạn phim của nhân chứng ghi lại vụ việc được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội. Công an cho rằng các nghi phạm thuộc Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng – một phong trào tôn giáo mới bị chính quyền cho là tà đạo. [9]

 

Ba ngày sau khi xảy ra vụ án mạng, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phỏng vấn một thành viên được cho là chủ mưu của vụ việc. Người này nói nhóm của họ muốn cải đạo cho người phụ nữ đó nhưng bị cô ấy từ chối. Ngay sau sự kiện này, báo chí nhà nước đã công bố danh sách 14 tà đạo bị cấm tại Trung Quốc.

 

Vào tháng 8/2014, năm người liên quan đến vụ án mạng bị đưa ra xét xử. Tất cả bị cáo buộc tội mưu sát, trong đó có ba người bị cáo buộc thêm tội “sử dụng tà đạo nhằm phá hoại luật pháp”. Hai người bị kết án tử hình.

 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng các bị cáo không phải là thành viên của Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng, một số nhà nghiên cứu khác nghiêng về khả năng các bị cáo đã từng là thành viên của hội thánh này nhưng khi xảy ra án mạng họ đang theo một niềm tin khác. [10] Nhưng dù sao đi nữa, vụ việc này đã được chính quyền Trung Quốc dùng làm phương tiện hiệu quả để tuyên truyền cho cuộc chiến tiêu diệt các giáo phái.

 

Tương tự như Trung Quốc, chính quyền Việt nam có quan điểm nhất quán về tôn giáo: tôn giáo nào được hoạt động, tôn giáo nào cần phải cấm. Báo chí trong nước không thể vượt qua khuôn khổ này.

 

Khi đọc một bài báo có yếu tố tôn giáo, thứ mà bạn đang đọc rất có thể không phải thông tin khách quan của báo chí mà chính là thông tin được chính quyền sắp xếp.

 

Vào tháng 11/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã công bố một tài liệu dành cho các cán bộ về quản lý tôn giáo. Tài liệu nhấn mạnh rằng báo chí là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc đấu tranh với các hiện tượng tôn giáo mới. Cơ quan này cũng thừa nhận rằng ban tôn giáo các tỉnh, thành đã hợp tác với các cơ quan báo chí để tuyên truyền về các vấn đề tôn giáo. [11]

 

Một trong những tác động nặng nề của báo chí nhà nước đối với các vấn đề tôn giáo là gây ra sự chia rẽ, kỳ thị của xã hội đối với một nhóm người nhất định để họ từ bỏ niềm tin của mình. Việc này thường xảy ra đối với các nhóm tôn giáo nhỏ, không có tổ chức đại diện, không có khả năng phản bác lại các thông tin sai lệch.

 

Chính vì thế, bạn cần hết sức cẩn trọng trước khi ra kết luận về các vấn đề, sự kiện có yếu tố tôn giáo, nhất là khi thông tin có được là từ những bài báo một chiều.


 

Chú thích

 

1.  VietnamNet. (2022, January 5). Điều tra tội “Loạn luân” và nhiều tội khác xảy ra ở ‘Tịnh thất Bồng Lai.’ https://web.archive.org/web/20220118075847/https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/dieu-tra-toi-loan-luan-va-nhieu-toi-khac-xay-ra-o-tinh-that-bong-lai-806634.html

 

2.  Tuổi Trẻ. (2022, January 7). Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố tội gì? https://web.archive.org/web/20220107031834/https://tuoitre.vn/ong-le-tung-van-bi-khoi-to-toi-gi-20220107095436484.htm

 

3.  Tuổi Trẻ. (2019, May 19). Rùng mình với lời khai của 4 phụ nữ vụ giết người đổ bê tông. https://web.archive.org/web/20220116041734/https%3A%2F%2Ftuoitre.vn%2Frung-minh-voi-loi-khai-cua-4-phu-nu-vu-giet-nguoi-do-be-tong-20190519093010188.htm

 

4.  Tuổi Trẻ. (2020, June 25). Bị cáo Thiên Hà vụ thi thể trong bêtông: “Mẹ tôi không đồng phạm giết người.” https://web.archive.org/web/20200626104700/https://tuoitre.vn/bi-cao-thien-ha-vu-thi-the-trong-betong-me-toi-khong-dong-pham-giet-nguoi-20200625113359449.htm

 

5.  Truyền hình An ninh Cao Bằng. (2021, October 12). Cảnh giác với các chiêu bài của Pháp luân công. https://web.archive.org/web/20220116042619/https://www.facebook.com/truyenhinhanninhCaoBang/videos/205573791646625/

 

6.  Pháp Luật Việt Nam. (2016, January 6). Dùng dao rựa “nói chuyện” với đoàn kiểm tra việc phá rừng. https://web.archive.org/web/20220119080234/https://baophapluat.vn/dung-dao-rua-noi-chuyen-voi-doan-kiem-tra-viec-pha-rung-post210588.html

 

7.  Đan viện Thiên An Facebook. (2016, March 22). Thông báo một số nội dung liên quan đến Đan viện Thiên An Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. https://www.facebook.com/photo/?fbid=207647929601355&set=pcb.207655426267272

 

8.  Người Lao Động. (2022, January 6). Thủ tướng kỷ luật Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-ky-luat-thu-truong-bo-y-te-nguyen-truong-son-20220106182944894.htm

 

9.  The China Story. (2014). Almighty God: Murder in a McDonald’s. https://www.thechinastory.org/yearbooks/yearbook-2014/forum-the-rights-and-wrongs-of-the-law/almighty-god-murder-in-a-mcdonalds/

 

10.  The China Story. (2019). ‘Evil Cults’ and Holy Writ. https://www.thechinastory.org/yearbooks/yearbook-2019-china-dreams/forum-under-observation/evil-cults-and-holy-writ/#

 

11.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, November). Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo. http://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/03_11_2021/tai-lieu-boi-duong-de-an-2021-11-03-16-41-27.pdf





No comments:

Post a Comment

View My Stats