Monday, 7 February 2022

THẾ VẬN HỘI và TUYẾT GIẢ (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Thế vận hội và tuyết giả

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
7 tháng 2, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/the-van-hoi-va-tuyet-gia/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1363072968-1024x674.jpg

Máy tạo tuyết giả tại Beijing 2022 Winter Olympics (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

 

Tất cả tuyết tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 đều do con người tạo ra. Theo các chuyên gia, đây là một cách làm nguy hiểm, lạm dụng lượng nước vô cùng lớn trong khi Trái đất tiếp tục nóng dần lên.

 

Thật khó để có thể trò chuyện trước âm thanh chói tai của những cỗ máy đang ở công đoạn cuối cùng tạo tuyết nhân tạo cho các địa điểm thi đấu ở phía Tây Bắc thủ đô Bắc Kinh. Rất ồn ào và rải rác khắp nơi, những cỗ máy thi nhau thổi tuyết xuống những con dốc là “điểm nhấn” trước ngày diễn ra Thế vận hội. Tuyết trông khá hoàn hảo và đẹp nhưng xung quanh các địa điểm thi đấu là khung cảnh rất khác, khô cằn với màu nâu của đất, hoàn toàn không có tuyết!

 

Lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Mùa Đông, Trung Quốc đã phải dùng tuyết nhân tạo. Đây cũng là xu hướng chung tại những sự kiện thể thao mùa Đông trên khắp thế giới khi lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa được kiểm soát. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ 1/21 thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa Đông trong 50 năm qua là có “khí hậu thích hợp” cho các môn thể thao mùa Đông, tức là có tuyết. Khi hành tinh ấm lên và thời tiết ngày càng thất thường, tuyết tự nhiên không hề đủ và không bảo đảm ổn định trong suốt thời gian diễn ra sự kiện thể thao. Nhưng giải pháp “không có chọn lựa thay thế” này cũng phải trả giá đắt: Tuyết do con người làm ra luôn tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên nước và nguồn điện.

 

Các vận động viên nổi tiếng đã bắt đầu nói về sự tai hại của những môn thi đấu thể thao mùa Đông và mức an toàn thấp của tuyết nhân tạo. Hiện, khu vực xung quanh các địa điểm thi đấu ngoài trời tại Bắc Kinh đều đang ở trong tình trạng khô hạn nặng. Nhưng ngay cả một năm bình thường, khí hậu cũng không còn thích hợp với các môn thể thao trên tuyết. Lượng tuyết rơi trung bình hàng năm tại thị trấn Yanqing (nơi có sườn trượt tuyết lao dốc Alpine) và thành phố Zhangjiakou (Trương Gia Khẩu), nơi tổ chức nhiều môn thi đấu khác, chỉ dày khoảng 20 cm, thấp hơn nhiều năm trước.

 

Tháng Mười Một 2021, máy tạo tuyết đã được sử dụng cho cúp thế giới FIS Snowboard World Cup 2022, diễn ra tại tại Công viên tuyết Genting ở thành phố Trương Gia Khẩu, một thử nghiệm cho Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh. Công ty TechnoAlpin có trụ sở tại Ý đã được thuê để sản xuất đủ số tuyết bao phủ bốn không gian thi đấu ngoài trời. “Chúng tôi rất hãnh diện khi trở thành công ty duy nhất cung cấp hệ thống tạo tuyết cho Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 – Michael Mayr, Giám đốc khu vực TechnoAlpin châu Á, nói – Đây cũng là lần đầu tiên một công ty được giao nhiệm vụ cung cấp tất cả tuyết cho Thế vận hội Mùa Đông”.

 

Có một yếu tố quan trọng để tạo tuyết mà một số địa điểm ở Bắc Kinh thiếu: Nhiệt độ đủ lạnh để biến nước thành băng. Ngay tại Bắc Kinh, nơi có vài cuộc thi đấu ngoài trời, gần như nhiệt độ Tháng Hai suốt 30 năm qua đều cao hơn mức đóng băng (theo báo cáo “Slippery Slopes” vừa công bố do Đại học Loughborough ở London chủ trì, về ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu đối với Thế vận hội Mùa Đông). Địa hình Yanqing và Zhangjiakou khá cao nên có nhiệt độ trung bình đạt mức đóng băng và nhiệt độ thấp nhất ban đêm khoảng -10 độ C. Jordy Hendrikx, Giám đốc Phòng thí nghiệm tuyết và tuyết lở tại Đại học tiểu bang Montana, giải thích: “Đã có những tiến bộ công nghệ gần đây cho phép tạo ra tuyết ở nhiệt độ trên mức đóng băng. Đây không phải là loại tuyết bông nhẹ (light fluffy) mà đậm đặc hơn và không mềm lắm”.

 

Việc tạo tuyết chủ yếu dựa vào súng bắn tuyết trong nhiệt độ bằng hoặc dưới mức đóng băng. Muốn tạo tuyết trong nhiệt độ ấm hơn và độ cao thấp hơn, cần phải có cách tạo tuyết khác. Để làm thay “Mẹ thiên nhiên”, năm 2018, TechnoAlpin vận chuyển đến Bắc Kinh một kho “vũ khí” đầy đủ, gồm súng bắn tuyết, máy tạo tuyết thổi quạt và tháp làm lạnh. Trong số những chiếc máy đó có một công nghệ được thử nghiệm lần đầu tại SnowFactory, một trung tâm đào tạo vận động viên của Trung Quốc.

 

Theo báo cáo “Slippery Slopes”, với 1.2 triệu mét khối tuyết cần để phủ lên khoảng 800,000 mét vuông thi đấu, và do vậy, nhu cầu nước tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh là rất lớn. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ước tính cần đến 49 triệu gallon nước để sản xuất tuyết cho Thế vận hội, đủ để lấp đầy 3,600 bể bơi kích thước trung bình và bằng lượng nước uống hàng ngày cho gần 100 triệu người! Con số này không nhỏ khi bạn nhìn thế giới đang cạn kiệt nguồn nước ngọt.

 

Các vận động viên cũng nhấn mạnh đến nguy hiểm tiềm tàng khi cạnh tranh cấp độ cao trên tuyết nhân tạo. Vận động viên trượt tuyết người Pháp Clement Parisse, từng giành huy chương đồng tại Thế vận hội Pyeongchang 2018, nói: “Dù việc phải thi đấu trên tuyết do con người tạo ra không phải là hiếm, nhưng tuyết nhân tạo thường rất trơn và lạnh cóng, khiến thi đấu vất vả hơn”. Trung Quốc hứa tổ chức Thế vận hội “xanh” nhất, vậy tại sao quốc gia này lại xây dựng một điểm trượt tuyết nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên? Laura Donaldson, vận động viên trượt tuyết tự do đến từ Scotland, từng thi đấu tại Thành phố Salt Lake năm 2002, thuộc số người chỉ trích mạnh mẽ tuyết nhân tạo.

 

Nhưng không chỉ có Thế vận hội Mùa Đông mới gặp thách thức về tuyết. Tuyết nhân tạo đang được sử dụng để kéo dài các mùa thi trượt tuyết và tại các khu nghỉ dưỡng trên khắp thế giới, đặc biệt là những nơi đang bị đe dọa bởi nhiệt độ nóng lên trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Những thách thức này sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp tạo tuyết nhân tạo tăng trưởng. Vấn đề là người ta không màng đến hậu quả!

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats