Monday, 7 February 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 07/02/2022 (The Economist)

 



 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 07/02/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

07/02/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/02/07/the-gioi-hom-nay-07-02-2022/

 

Nga vẫn tiếp tục dàn quân xung quanh Ukraine. Theo các quan chức Mỹ, Nga đang cử thêm 14 nhóm tiểu đoàn chiến thuật đến các vị trí gần biên giới Ukraine và đến nay đã bố trí được 70% lực lượng cần thiết cho một cuộc xâm lược toàn diện. Mỹ cũng cho biết sẽ gửi gần 3.000 binh sĩ đến các đồng minh NATO ở Đông Âu, dù Tổng thống Joe Biden nói các binh sĩ này không được triển khai để chiến đấu ở Ukraine.

 

Gần 50.000 người phải di dời và sáu người thiệt mạng ở Madagascar khi bão Batsirai ập vào bờ biển phía đông của hòn đảo. Sức gió trong bão đạt cực đại 146 dặm/giờ, gây lũ lụt trên diện rộng và thiệt hại lớn về tài sản. Chỉ mới hai tuần trước nước này đã hứng chịu Bão Ana vốn làm 55 người thiệt mạng.

 

Thủ tướng Tây Ban Nha tiết lộ kế hoạch mở cuộc điều tra chính thức đầu tiên của nước này về hành vi lạm dụng tình dục của các giáo sĩ Công giáo. Pedro Sánchez nói thanh tra viên sẽ biên soạn bản báo cáo dựa trên một cuộc điều tra độc lập. Cơ quan đại diện cho các giám mục Tây Ban Nha đã phản đối điều tra toàn diện: vì cho rằng các đơn khiếu nại nên được tiếp nhận trên cơ sở từng giáo phận.

 

Tòa án tối cao Iraq tạm thời đình chỉ Hoshyar Zebari tranh cử tổng thống, viện dẫn các cáo buộc tham nhũng trước đây mà ông luôn phủ nhận. Ông Zebari hiện đang dẫn đầu cuộc đua cho vị trí này, dự kiến ​​được bỏ phiếu ở quốc hội vào thứ Hai này. Tuy nhiên các nghị sĩ thuộc phe lớn nhất trong quốc hội đã cho biết sẽ tẩy chay phiên họp, khiến cuộc bỏ phiếu không thể được tổ chức.

 

Chánh án tòa án tối cao Tunisia đã buộc tội tổng thống Kais Saied phá hoại nền độc lập tư pháp của đất nước, sau khi ông giải tán Hội đồng Tư pháp tối cao của đất nước. Ông Saied đang tìm cách củng cố quyền lực tại quốc gia từng một thời là ngọn hải đăng dân chủ duy nhất trong khu vực: năm ngoái ông giải tán quốc hội và sa thải cả thủ tướng.

 

Lata Mangeshkar, ca sĩ nổi tiếng được mệnh danh là Chim Sơn ca của Bollywood, đã qua đời ở tuổi 92. Bà Mangeshkar theo nghiệp hát từ khi mới 5 tuổi, với sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ và hơn 1.000 bộ phim. Bà cũng biểu diễn bằng tổng cộng 36 thứ tiếng. Bà sẽ được tổ chức quốc tang vào Chủ nhật, theo sau là hai ngày tưởng niệm.

 

Các nhà đầu tư đã rút trung bình mỗi tuần 61 triệu đô la khỏi các phương tiện tài sản kỹ thuật số trong tháng 1, đánh dấu tốc độ rút tiền nhanh nhất từ ​​các sản phẩm đầu tư tiền điện tử trong ít nhất một năm qua. Các loại phương tiện này thu hút hàng tỷ đô la trong năm 2021; nhưng khi giá bitcoin giảm vào đầu năm nay, nhà đầu tư lập tức chùn tay. Trong khi đó bitcoin tăng trở lại vào thứ Bảy, đạt gần 42.000 đô la.

 

Con số trong ngày: 1 tỷ đô la, là số tiền đầu tư vào công nghệ Trung Quốc có liên quan đến metaverse từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Thoả thuận hạt nhân Iran chưa có đột phá

Các nhà đàm phán sẽ tề tựu về Vienna trong tuần này cho vòng đàm phán thứ chín mang tính quyết định nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama hồi năm 2015 nhưng bị Donald Trump từ bỏ ba năm sau đó. Nó hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và thắt chặt các hoạt động kiểm tra, đổi lại việc dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt.

 

Iran đã tiến gần hơn đến khả năng chế tạo bom hạt nhân. Các nhà ngoại giao đều nhận định hai tuần tới chính là “chung kết”, nhưng không thống nhất về khả năng có bứt phá. Mỗi tuần trôi qua khiến triển vọng của thỏa thuận càng xa vời hơn. Đối với Mỹ, mỗi ngày trôi qua chương trình hạt nhân Iran càng trở nên khó đảo ngược. Còn đối với Iran là khả năng họ sẽ lại bị trừng phạt nếu ông Trump hoặc một đảng viên Cộng hòa khác trở lại nhiệm sở, một điều rất có khả năng xảy ra.

 

Ấn Độ xảy ra bạo loạn vì thiếu việc làm

Người trẻ Ấn Độ từ lâu thất vọng về tình trạng thiếu việc làm ở nước này. Mới tháng trước hàng ngàn người đã bạo loạn ở hai bang nghèo ở miền bắc, Uttar Pradesh và Bihar. Cả hai bang đều không có chính quyền tốt, và khét tiếng với tỷ lệ tham nhũng cao. Trong trường hợp này, bạo loạn xuất phát từ tình trạng cạnh tranh khốc liệt cho các công việc văn thư trong ngành đường sắt quốc doanh.

 

Tuần này, bầu cử khu vực sẽ được tổ chức ở 5 bang, bao gồm cả bang Uttar Pradesh rộng lớn, với dân số hơn 220 triệu. Liệu biểu tình có dẫn đến hậu quả chính trị? Đảng Bharatiya Janata cầm quyền có vẻ tự tin. Trong dự thảo ngân sách tuần trước, chính phủ đã hứa chi mạnh cho cơ sở hạ tầng, qua đó tạo ra nhiều việc làm. Trong khi đó họ lại cắt giảm chi tiêu cho một chương trình việc làm khá phổ biến ở nông thôn. Quyết định này tuy rủi ro, nhưng cũng cho thấy thủ tướng Narendra Modi tự tin về triển vọng của đảng mình.

 

Haiti ngày càng lún sâu vào khủng hoảng

Tình hình Haiti ngày càng tệ đi kể từ khi cựu tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát vào tháng 7 năm ngoái. Các băng đảng tạo dựng được thế lực trong khi nền kinh tế gần như sụp đổ. Giờ đây, nền chính trị mong manh của đất nước, vốn chìm trong tham nhũng, càng trở nên bất ổn khi nhiệm kỳ của thủ tướng kiêm tổng thống đương nhiệm Ariel Henry đi đến hồi kết.

Ông Henry lên tiếp quản ghế tổng thống sau cái chết của ông Moïse, và dự kiến rời nhiệm sở ngày 7 tháng 2, thời điểm người tiền nhiệm của ông đáng lẽ sẽ mãn nhiệm. Hai nhóm dân sự đã chọn cựu thống đốc ngân hàng trung ương Fritz Alphonse Jean để thay ông lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp. Song ông Henry không đồng ý. Ông khẳng định sẽ chỉ rời đi sau cuộc bầu cử quốc gia – một điều viễn vông trong tình trạng bất ổn hiện tại. Trong khi đó, số người Haiti tị nạn bị Mỹ trục xuất về nước đang ngày càng tăng. Tình trạng hỗn loạn có lẽ sẽ chỉ ngày một tồi tệ hơn.

 

Mỹ đấu tranh với Trung Quốc trên mặt trận bán dẫn

Các quan chức của Tổng thống Joe Biden thường nêu vấn đề buôn bán chất bán dẫn khi thảo luận với các đồng minh của Mỹ. Mục tiêu là giữ cho chất bán dẫn, cũng như các công cụ và vật liệu được dùng để sản xuất chúng, khỏi tay Trung Quốc trong khi không làm ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu.

 

Để làm vậy, các chính phủ và công ty đã và đang thiết lập các diễn đàn nhằm điều chỉnh chính sách, trong đó Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU-Hoa Kỳ là chính thức nhất. Chất bán dẫn sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi hội đồng họp trong năm nay. Ngoài ra đàm phán thương mại về chip cũng đã xuất hiện bên lề các cuộc họp quốc tế.

 

Tất cả đều có cùng một vấn đề. Bất kỳ quy tắc thương mại về chip nào nhằm làm tổn thương Trung Quốc đều có nguy cơ gây thiệt hại cho ngành công nghệ Mỹ. Các quy định nhẹ nhàng có thể là tốt hơn về lâu dài, nhưng sẽ cho phép các nhà sản xuất chip Trung Quốc tận dụng cơ hội. Do đó sẽ rất khó để soạn thảo các quy tắc thương mại cho ngành công nghiệp phức tạp nhất thế giới.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats