Tuesday, 22 February 2022

TẬP CẬN BÌNH, PUTIN và UKRAINE (Ngô Nhân Dụng)

 



Tập Cận Bình, Putin và Ukraine

Ngô Nhân Dụng

21/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-putin-v%C3%A0-ukraine/6451848.html

 

https://gdb.voanews.com/9cb01c65-567e-49f1-988a-0b6754b0dd07_w650_r1_s.jpg

Russia China

 

Dân Ukraine đang chuẩn bị trường kỳ kháng chiến và sẽ được viện trợ khí giới và lương thực không bao giờ ngưng. Nước Nga sẽ phải gánh những đòn cấm vận kinh tế tàn nhẫn và bị cô lập nặng nề hơn; như một chư hầu chỉ còn trông cậy vào Thiên Triều.

 

Trong nửa thế kỷ Nga, Mỹ và Trung Quốc chơi trò cút bắt với nhau. Trước năm 1970, Mỹ vẫn nghĩ Trung Cộng chỉ là một chư hầu của Liên Xô. Stalin cũng nghĩ như vậy, coi Mao Trạch Đông như một đàn em, dù không đáng tin cậy. Năm 1950 Hồ Chí Minh bay qua Bắc Kinh, biết Mao đang đi gặp Stalin, Hồ vội vàng bay qua Moscow xin trợ giúp. Stalin lạnh lùng trút việc đó cho Mao lo. Sau khi Stalin chết, liên minh Nga – Trung Cộng chết theo; năm 1969 quân Nga và quân Trung Cộng đã bắn nhau. Năm 1972, Richard Nixon qua gặp Mao, cuộc tình Nga và Trung Cộng chấm dứt; tới 1989, thời Mikhail Gorbachev mới nối lại. Liên Xô tan rã từ 1991, kinh tế Trung Cộng giờ đứng thứ nhì thế giới; Nga tụt xuống hàng thứ 11, dưới Nam Hàn.

 

Vladimir Putin cần được thế giới kính trọng hơn, với kho vũ khí hạch tâm và đưa quân ra nước ngoài, từ Trung Đông, Bắc Phi tới vùng Trung Á. Putin đang nối lại tình thân với Tập Cận Bình để thêm vây cánh. Mối tình thêm đằm thắm năm 2014, khi Putin bị cả thế giới lên án vì chiếm Crimea của Ukraine; Trung Cộng im không nói một lời, mà cũng không chính thức công nhận.

 

Hiển nhiên là Putin cần Tập nhiều hơn Tập cần Putin. Hai người đã gặp nhau 38 lần. Lần chót ở Bắc Kinh trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, Putin ca ngợi mối bang giao chưa bao giờ đầm ấm như bây giờ; Tập nghe mà không nói gì hết!

 

Tập Cận Bình cần Vladimir Putin vì không có ai khác làm bạn! Trung Cộng đang bị đả kích vì xâm lấn vùng biển Đông Nam Á và vi phạm quyền sống của dân Uyghurs, Hồng Kông, và Tây Tạng. Nhưng kinh tế Nga càng ngày càng yếu nên phụ thuộc Trung Cộng.

 

Kinh tế Trung Quốc bây giờ lớn gấp 6 lần Nga. Công ty dầu Rosneft cần vay tiền của Trung Cộng và ngày càng chuyển thêm dầu khí bán sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất cảng quặng mỏ lớn nhất của Nga. Đó là bạn hàng mua bán nhiều nhất của Nga; còn đối với Bắc Kinh thì Nga đứng sau hơn mười nước khác.

 

Khi bị Mỹ và các nước NATO cấm vận, Nga càng lệ thuộc vào Trung Cộng. Bị cản trở không đổi lấy được đô la Mỹ, Nga phải dùng đồng nguyên của Trung Cộng khi mua bán. Trong kho dự trữ ngoại tệ của Nga năm 2019, số đô la Mỹ chiếm 23%, giảm một nửa so với năm trước; trong khi đồng nguyên dự trữ tăng từ 3% lên 14%, theo tuần báo Economist.

 

Bị cấm không mua được các món kỹ thuật cao của Mỹ, Nga cần Trung Cộng cung cấp. Nga phải nhờ Huawei thiết trí hệ thống truyền thông mới 5G, sau khi công ty này đã bị cấm mua các chíp điện tử mới của Mỹ. Vũ khí quân đội Nga sử dụng cũng phải dùng các bộ phận điện tử của Trung Cộng. Trung Cộng bán cho Nga hệ thống “nhìn mặt” dùng trí khôn nhân tạo (AI) đặt tại các ga xe lửa, phi trường, phố xá để truy tầm và bắt bớ dân bị tình nghi.

 

Mặc dù quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ, Tập và Putin không bao giờ nói đến một liên minh quân sự! Nếu một nước trong khối NATO bị tấn công, Mỹ và các nước khác có bổn phận đem quân tới cứu. Nga và Trung Cộng không ràng buộc với nhau như vậy. Liên minh giữa hai nước lỏng lẻo hay chặt chẽ tùy thuộc các áp lực từ Mỹ và Âu châu.

 

Trong thế kỷ thứ 17, Đại đế Peter đã từng đi tập việc ở Hòa Lan, lấy Tây Âu làm gương để tìm đường cải cách nước Nga. Trong thế kỷ 21 này, Vladimir Putin, một cựu sĩ quan mật vụ, hướng về phía Trung Quốc. Putin gây sự ở Ukraine, chống Mỹ và NATO để giành lại địa vị siêu cường, kích thích giấc mộng vẫn nằm sâu trong tâm lý dân Nga. Trong thực tế, ông ta làm cho Nga ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng.

 

Tập Cận Bình sẵn sàng nhận Putin làm bạn cũng vì muốn ổn định vùng Trung Á. Khi Nga đưa quân tới “dẹp loạn” giúp tổng thống xứ Kazakhstan, bắn giết dân chúng biểu tình, Trung Cộng hoan hô. Trung Cộng đang đóng quân và thao diễn tại Tajikistan, một nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Mối lo lớn của Trung Cộng là phong trào Hồi Giáo quá khích có thể bùng lên ở các nước vùng này, sẽ kích khích dân Uyghurs ở Tân Cương chống Bắc Kinh mạnh hơn.

 

Bên ngoài vùng Trung Á thì việc ai người nấy lo. Putin lên tiếng ủng hộ Trung Cộng khi phản đối liên minh AUKUS (Australia, Anh quốc và Mỹ), nhưng nếu Tập Cận Bình tiếp tuc xâm lấn vùng biển phía Nam và bị Anh, Mỹ, Pháp Austrakia và các Đông Nam Á chống cự, thì Putin cũng không làm gì giúp. Putin cũng hoàn toàn im lặng trước các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Hoa.

 

Cũng vậy, Putin không hy vọng sẽ được Tập Cận Bình hỗ trợ khi đe dọa Ukraine. Tập tuyên bố ủng hộ các đòi hỏi của Putin muốn khối NATO không thâu nhận thêm các nước thuộc Liên Xô cũ. Chỉ nói suông, chẳng tốn kém gì cả. Nhưng nếu Putin tấn công thật, bị các nước Tây phương cấm vận, thì Tập Cận Bình càng mừng vì Nga càng phụ thuộc Trung Cộng hơn nữa.

 

Tại Ukraine Putin đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chuyển quân đến đe dọa Ukraine, Putin tính sẽ ép NATO phải chính thức tuyên bố không bao giờ thâu nhận Ukraine và không đóng quân ở các nước sát bên Nga nữa. Đó sẽ là một thắng lợi vẻ vang mà ít tốn kém. Nhưng Mỹ và NATO đã lật tẩy.

 

Joe Biden tuyên bố Mỹ không thể ép buộc một nước có chủ quyền được hay không được gia nhập bất cứ một liên minh quân sự nào. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận xét dân Ukraine bây giờ muốn gia nhập NATO mạnh hơn trước. Ông Putin gieo gió, gặp bão. NATO chỉ đóng quân ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan sau khi Nga chiếm Crimea, vì các nước thành viên yêu cầu. Bây giờ quân Nga đe dọa Ukraine, quân đội NATO đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến, ba nước vùng Baltic, Ba Lan, Romania được NATO tiếp viện vũ khí mới. Mỹ chuyển 5,000 quân tới Ba Lan, trước kia chỉ có 1,000. Pháp sẵn sàng gửi quân tới Romania khi cần.

 

Khi đến Moscow cầu hòa, các ông tổng thống Pháp, thủ tướng Đức cũng có ý giúp Putin rút lui mà vẫn giữ được thể diện. Tập Cận Bình tự coi như đứng ngoại cuộc, chỉ giả nhân giả nghĩa kêu gọi hai bên xuống thang, bảo vệ hòa bình, nhưng không nói một lời khuyên can ông bạn đồng minh.

 

Nếu Nga tấn công Ukraine, Tập Cận Bình có thiệt hại gì không? Tập sẽ có dịp hùng hồn đả kích Mỹ và NATO; nhưng cũng nhân cơ hội đứng ra đóng vai hòa giải như một chính khách quốc tế hạng lớn. Một điều biết chắc là Nga sẽ sa lầy trong một vụ Afghanistan mới nếu đánh thật. Dân Ukraine đang chuẩn bị trường kỳ kháng chiến và sẽ được viện trợ khí giới và lương thực không bao giờ ngưng. Nước Nga sẽ phải gánh những đòn cấm vận kinh tế tàn nhẫn và bị cô lập nặng nề hơn; như một chư hầu chỉ còn trông cậy vào Thiên Triều.

 

------------------------------------------------

Đánh đòn gió trên xứ Ukraine

Ngô Nhân Dụng

16/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%C3%A1nh-%C4%91%C3%B2n-gi%C3%B3-tr%C3%AAn-x%E1%BB%A9-ukraine/6444055.html

 

https://gdb.voanews.com/c36e0000-0aff-0242-07c3-08d9eecc29f9_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dùng Ukraine làm sàn khiêu vũ với Mỹ và các nước NATO.

 

Trong khi các đòn gió được hai bên thi triển trên đầu dân Ukraine, thì vẫn còn một câu hỏi quan trọng: Ông Putin có thực sự muốn đánh hay không?

 

Tục ngữ Nga có câu: “Khi anh khiêu vũ với một con gấu thì anh muốn ngưng cũng không được. Con gấu sẽ quyết định.”

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dùng Ukraine làm sàn khiêu vũ với Mỹ và các nước NATO. Bao giờ ông Putin quyết định ngưng thì các nước khác mới được nghỉ.

 

Điều may mắn là cho tới nay cuộc chiến vẫn chỉ gồm những “đòn gió.” Hai bên đấu nhau bằng lời nói, chưa dùng chất nổ. Ông Putin tung ra những tin bịa đặt để gây hấn. Ông cố ý dùng các tín hiệu bất đồng, có khi mâu thuẫn, để chia rẽ bên địch. Không thể đoán ông ta tính đánh thật hay không? Bao giờ thì đánh? NATO và Mỹ tuy đồng ý phải ngăn không để Nga uy hiếp Ukraine nhưng vẫn xé lẻ.

 

Chính phủ Mỹ liên tiếp cảnh cáo rằng ông Putin sắp đánh đến nơi. Tổng thống Pháp, thủ tướng Đức lần lượt sang Nga rồi về ghé Ukraine, tuyên bố còn hy vọng. Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn khuyên dân Ukraine bình tĩnh sinh hoạt bình thường. Nhưng tuần trước ông cũng báo động rằng ông nghe nói Nga sẽ đánh vào ngày 16 tháng Hai. Ông kêu gọi dân Ukraine trong tất cả các làng, xóm, hãy treo quốc kỳ, mang màu cờ xanh, vàng, và cất tiếng hát quốc ca vào đúng 10 giờ sáng cùng ngày Thứ Tư. Sau đó, ông minh xác rằng ông chỉ nghe nói như vậy chứ không biết chắc.

 

Các nước Tây Âu cho rằng ông Vladimir Putin chỉ dọa. Đưa 130,000 quân Nga đến biên giới Ukraine để “tháu cáy.” Không phải vì họ coi thường tham vọng bành trướng của ông, nhưng vì họ biết Putin là con người nham hiểm, không đơn giản như người Mỹ tưởng. Biết Mỹ và các nước Âu châu, trừ Anh quốc, không nhất trí, Putin có thể dùng các đòn gió để chơi trò mèo vờn chuột. Cứ dập dình lúc cứng lúc mềm, Vladimir Putin sẽ được lợi hơn.

 

Năm ngoái Nga đã phao tin rằng Mỹ, NATO và Ukraine đang âm mưu đánh vào vùng Donbas nhằm triệt hạ những người gốc Nga ở Ukraine đang muốn ly khai. Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei K. Shoigu còn nói 120 người Mỹ đã mang “các bộ phận vũ khí hóa học,” không nói rõ là cái gì, vào miền Đông Ukraine, nơi nhiều người Nga sống, để khiêu khích. Chính phủ Ukraine phải ngưng hành quân trong vùng này để Putin không lấy cớ tấn công.

 

Ông Putin lại tố cáo chính Mỹ và NATO gây hấn trước! Ông đem quân đội và hỏa tiễn vào cả nước chư hầu Belarus ở biên giới phía bắc Ukraine, một tháng sau lại báo tin đang rút về. Ông nói đang đưa quân ở biên giới Ukraine về căn cứ cũ nhưng cùng lúc đó, 30 chiến hạm, cả hàng không mẫu hạm Nga bắt đầu tập trận với đạn thật trong Hắc Hải

 

Ông Putin có khả năng nói những điều dựng đứng mà không đỏ mặt, khiến các người đối diện ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Nhà báo Peter Baker, tờ New York Times, kể rằng một lần sau khi Mỹ tăng thuế nhập cảng thép từ Nga, ông Putin gặp cựu Tổng thống George W. Bush; ông đã nói phải cấm nhập cảng đùi gà của Mỹ để trả đũa. Nhưng ông nói thêm, cũng bởi vì Mỹ cố ý chỉ bán đùi gà loại xấu cho dân Nga ăn. “Tôi biết các ông có những nhà máy làm thịt gà khác nhau, loại bán cho Nga khác với loại dùng trong nước Mỹ!” Ông nói thẳng với ông Bush. Ông Bush kinh ngạc, “Vladimir! Ông nói sai rồi!” Nhưng Putin vẫn quả quyết: “Dân Nga báo cáo với tôi như vậy!”

 

Trong cuốn hồi ký của ông, Tổng thống Bush kể cuộc nói chuyện giữa hai người năm 2005 ở Bratislava, thủ đô Slovaka. Ông Putin bào chữa cho chính sách kiểm soát báo chí của mình, “Đừng lên lớp dạy tôi về tự do báo chí; sau khi các ông đã trừng phạt nhà báo đó!” Ông Bush hiểu ngay, hỏi, “Vladimir, ông muốn nói đến Dan Rather?” “Đúng vậy.” Ông Bush không thể giải thích cho ông Putin hiểu rằng chính phủ Mỹ không có quyền sa thải một nhà báo, chỉ có đài truyền hình chủ nhân của Dan Rather quyết định.

 

Người ta thường nói “con mắt là cửa sổ tâm hồn.” Khi làm phó tổng thống, một lần gặp Putin, Bush đã nói, “Nhìn vào mắt ông tôi không thấy linh hồn! Ông Putin cười trả lời: “Chúng mình hiểu nhau!” Ông Joe Biden đã từng gọi ông Putin là “Tên sát nhân,” (killer); khi Putin hỏi thì Biden xác nhận đúng như vậy. Nhiều người đối lập với Putin đã bị ám sát. Nữ ký giả Anna Poitkovskaya tường thuật về cuộc chiến ở Checknya đã bị bắn chết năm 2006 trong thang máy, sau khi đã bị đe dọa nhiều lần vì tố cáo các hành động tàn bạo của quân Nga.

 

Với những đòn gió của ông Putin, chính phủ Mỹ đã rút kinh nghiệm và đáp lại bằng các đòn gió khác!

 

Chính phủ Mỹ mở chiến dịch tiết lộ các tin tức về hoạt động quân sự Nga đang toan tính ở Ukraine. Kế hoạch rất giản dị: Các cơ quan tình báo Mỹ được phép thuyết trình cho các đại biểu quốc hội, họ đem chia sẻ với các nhà báo, những người này lại đặt thêm câu hỏi với bộ ngoại giao, bộ quốc phòng! Các báo, đài tung tin cho công chúng biết.

 

Tháng 12 năm ngoái, tình báo Mỹ báo trước Nga sẽ đưa 175,000 binh sĩ chuẩn bị đánh Ukraine. Sau đó, họ cập nhật tin tức về quân số Nga tăng cường từng ngày, từng tuần lễ. Họ báo tin quân Nga đã đầy đủ hỏa lực để, nếu muốn, tiến quân trong một tháng, trong một tuần. Tình báo Anh phụ họa, tiết lộ một âm mưu lật đổ tổng thống Ukraine do Nga đạo diễn. Mỹ lại cho biết Nga đã chuẩn bị một đoạn video giả tạo cảnh quân Ukraine tấn công những người gốc Nga để Putin kiếm cớ đem quân vào cứu! Những tin tức đó có thể do các chính phủ Mỹ, Anh bịa đặt ra không? Chúng ta biết rằng dư luận dân chúng các nước đó rất sắc mắc, các chính phủ này nói dối sẽ bị dân nước họ khui ra liền.

 

Quan chức Mỹ tuần trước nói tình báo mới cho thấy quân Nga đã chuẩn bị xong rồi, có thể tấn công trong bốn, năm ngày. Chính phủ Mỹ ra lệnh gia đình các nhân viên sứ quán trở về nước, chính phủ mấy nước Âu châu làm theo. Sứ quán Mỹ được thu gọn, cũng được đưa ra khỏi thủ đô Kyiv đến một thị xã khác.

 

Những thủ đoạn đánh đòn gió này có thể khiến ông Putin thấy bên địch đã biết trước, phải trì hoãn không đánh ngay. Nhận xét về trò mới này, Beth Sanner, một người từng thuyết trình tin tình báo cho cựu Tổng thống Donald J. Trump, nói, “Hay lắm! Tôi nghĩ những tiết lộ này sẽ khiến ông Putin và Tình báo Nga choáng váng. Hơn nữa, ông ta sẽ mất nhiều tự do hành động và có thể suy nghĩ lại!”

 

Trong khi các đòn gió được hai bên thi triển trên đầu dân Ukraine, thì vẫn còn một câu hỏi quan trọng: Ông Putin có thực sự muốn đánh hay không?

 

Ngay việc đưa hàng trăm ngàn quân tới biên giới Ukraine, ông Putin cũng có thể chỉ đánh một đòn gió. Ông muốn dân Nga tin tưởng rằng ông thiết tha tái lập vùng ảnh hưởng của nước Nga như thời Nga hoàng và thời Xô Viết. Dân Nga tin như vậy là đủ rồi.

 

Một điều chắc chắn là Vladimir Putin luôn tính toán lợi hại, biết mềm nắn, rắn buông. Ông ta không bao giờ dự vào một cuộc chiến, lớn hay nhỏ, nếu không biết chắc mình sẽ thắng. Năm 2018 ở Syria, quân đội Mỹ đã tấn công, giết chết nhiều người lính đánh thuê do Nga gửi qua. Putin có thể trả đũa, nhưng ông lờ đi, làm như không biết chuyện. Năm 2020, khi Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, đánh Armenia, một đồng minh thân cận của Nga, ông Putin không hề đưa một ngón tay ra để cứu. Lính đánh thuê của Nga ở Lybia và Syria bị các máy bay không người lái TB2 đuổi, giết, Putin cũng không làm gì chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bán hàng chục chiếc TB2 cho Ukraine. Ngày 3 tháng 2 vừa qua hai vị tổng thống Volodymyr Zelensky và Recep Erdogan đã ký kết hợp đồng cho hai nước hợp tác chế tạo mở nhà máy ở Ukraine. Những máy bay nhỏ này không thể giúp Ukraine đẩy lui được quân Nga nhưng cho biết trước cuộc chiến tranh sẽ rất tốn người hại của, trong lúc dân Ukraine vẫn cương quyết kháng cự, thà chết không chịu nhục. Ông Putin có thể vì thế mà “nghĩ lại!”

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats