Friday, 4 February 2022

TẠI SAO CHÂU ÂU ĐỔ XÔ SẮM SIÊU CHIẾN ĐẤU CƠ F-35? (Mỹ Anh - Saigon Nhỏ)

 



Tại sao Châu Âu đổ xô sắm siêu chiến đấu cơ F-35?

Mỹ Anh – Saigon Nhỏ
4 tháng 2, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/tai-sao-chau-au-do-xo-sam-sieu-chien-dau-co-f-35/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/f35.jpg

Chiến đấu cơ F-35 (gao.gov)

 

Ngày 10 Tháng Mười Hai, Phần Lan thông báo họ sẽ mua 64 phản lực cơ F-35A Lighting II của Lockheed Martin với giá $11.3 tỷ để thay thế phi đội F/A-18 Hornet của họ. Những chiếc F-35 đầu tiên sẽ đến năm 2026 và đây là hoạt động mua sắm quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay của Helsinki và là một trong những hoạt động mua sắm lớn nhất ở châu Âu. Khách hàng gần đây nhất là Thụy Sĩ. Tháng Sáu 2021, nước này cho biết họ sẽ mua 36 chiếc F-35A trong một thỏa thuận trị giá $5.5 tỷ…

 

Có truyền thống không liên kết, Phần Lan cũng không phải là thành viên NATO nhưng quốc gia thành viên EU này thường xuyên hợp tác với NATO. Trong chuyến thăm tới nước này vào Tháng Mười 2021, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Phần Lan là một trong những đối tác thân thiết nhất của NATO. Ông Stoltenberg phát biểu: “Chúng tôi có chung các giá trị”, rằng “cánh cửa NATO vẫn còn mở” nếu Phần Lan quyết định nộp đơn xin gia nhập.

 

Ngoài Phần Lan và Thụy Sĩ thì Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Anh và Hà Lan cũng sử dụng F-35 hoặc chờ bàn giao. Cần biết, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Anh và Hà Lan là những nước nằm trong nhóm quốc gia sáng lập chương trình F-35 (Thổ Nhĩ Kỳ thoạt đầu cũng là đối tác quan trọng nhưng sau đó nước này bị loại bỏ sau khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga). Hy Lạp cũng bày tỏ sự quan tâm đến chiếc máy bay tối tân của Lockheed Martin; tương tự Tây Ban Nha và Czech. Chưa hết, ngày 2 Tháng Hai 2021, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã bày tỏ ý định mua F-35.

 

F-35 là máy bay thế hệ thứ năm, có khả năng hoạt động linh hoạt, từ choảng nhau trên không đến tấn công không đối đất. F-35 có hiệu ứng cấp số nhân (force-multiplier effect), với khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISTAR) giúp tăng hiệu quả phối hợp hoạt động với các đơn vị không quân, hải quân và mặt đất khi cung cấp dữ liệu chiến trường có giá trị trong thời gian thực. Khả năng sống sót của F-35 được tăng lên nhờ tính năng tàng hình của nó. F-35 thật sự là vũ khí lợi hại. Trong chế độ “Beast Mode”, máy bay có thể mang bốn quả bom GBU-12 (dẫn đường bằng laser) nặng 500 pound trên cánh, hai GBU-12 trong khoang chứa vũ khí bên trong và một tên lửa tầm nhiệt không đối không AIM-9.

 

F-35, nói chung, là “hệ thống tấn công biết bay”. Lịch sử không quân thế giới chưa từng có hệ thống vũ khí nào tương tự. Chỉ riêng cái mũ phi công F-35 đã là một kiệt tác kỹ thuật quân sự. Giúp nhìn toàn cảnh 350o với hệ thống kết nối với các điểm cảm ứng gắn khắp thân máy bay, phi công có thể thấy được bên ngoài khi đưa mắt xuống sàn! Được sản xuất bởi RCESA (liên doanh giữa hãng Cedar Rapids tại tiểu bang Iowa với tập đoàn vũ khí Elbit của Israel), chiếc mũ F-35 trị giá khoảng $500,000 này không chỉ giúp nhìn được không gian phía sau máy bay (không cần quay đầu) mà nó còn hiển thị tất cả thông tin cần thiết ngay trước mặt (trên kính chụp đầu), từ vận tốc, mức độ nhiên liệu, đến định vị…

 

Một cách chính xác, F-35 là một hệ thống chứ không phải máy bay. Khi tác chiến, chiến đấu cơ thông thường, chẳng hạn F-22, phải đi thành nhóm (hai hoặc bốn chiếc). Trong thực tế, đồng đội họ thường cách xa đến mức không thể thấy nhau bằng mắt thường. Trong khi đó, cỗ máy siêu vi tính F-35 có thể liên kết và truyền dữ liệu thông qua hệ thống máy chủ. Họ vẫn “thấy nhau” dù cách xa đến hàng dặm. Những ý kiến chỉ trích rằng F-35 mang theo ít vũ khí hơn các loại máy bay chiến đấu đời cũ đã tỏ ra không chính xác, bởi F-35 có thể kích hoạt bắn diệt mục tiêu từ các hệ thống vũ khí trên hàng không mẫu hạm, trên các tàu khu trục (sử dụng hệ thống tên lửa Aegis) hoặc trên F-35 đồng đội! Chưa bao giờ trong lịch sử máy bay quân sự có một chiến đấu cơ có thể sử dụng tàu khu trục Aegis như một “đồng đội bay” (wingman)! Lần đầu tiên, với dữ liệu thông tin được ghi nhận từ F-35, Không quân, Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ có thể phối hợp tác chiến chặt chẽ theo cách chưa từng có trước đó.

 

Tuy nhiên, chi phí vận hành và bảo trì F-35 là rất lớn – ví dụ, lớp phủ tàng hình của nó phải được sơn lại sau mỗi chuyến bay. Một giờ bay của F-35 hiện tốn $36,000. Lockheed đang tìm cách giảm, xuống còn$25,000 mỗi giờ bay. Trong khi đó, chi phí vận hành một giờ bay của F-16 là $22,000 – theo Business Insider (ngày 4-2-2022)…

 

Tại sao “bà con” châu Âu khoái F-35? Bằng cách mua máy bay chiến đấu của Mỹ, các nước có thể tăng cường liên kết công nghiệp quân sự với Mỹ, thông qua việc đào tạo phi công và nhân viên bảo dưỡng. Việc sử dụng các hệ thống tương tự cũng giúp cải thiện khả năng tương tác quân sự với Mỹ. Với nhiều nước châu Âu, việc lựa chọn F-35 cũng là một quyết định địa chính trị, đặc biệt khi quân sự Nga ngày càng mạnh và mối đe dọa của Nga luôn lấp ló.






No comments:

Post a Comment

View My Stats