Wednesday, 9 February 2022

TÁC ĐỘNG CỦA GLOBAL MAGNITSKY : TRƯỜNG HỢP BANGLADESH (Phạm Phú Khải)

 



Tác động của Global Magnitsky: Trường hợp Bangladesh

Phạm Phú Khải

09/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-global-magnitsky-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%A3p-bangladesh/6434112.html

 

https://gdb.voanews.com/8EAE4F45-122E-4605-B200-3FDE27DCE22D_w650_r1_s.jpg

Sinh viên và giới hoạt động Bangladesh biểu tình sau cái chết của blogger nổi tiếng Avijit Roy, tại Dhaka. Hình minh họa.

 

Tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, lực lượng trách nhiệm về an ninh công cộng và an ninh quốc gia, như cảnh sát, biên phòng và quân đội, đã sử dụng bạo lực quá mức và giết người vô tội vạ. Tuy thế, họ vẫn có vẻ an nhiên tự tại, miễn nhiễm từ sự ràng buộc của pháp luật. Những nơi càng chuyên chế, càng độc tài toàn trị, thì tình trạng sử dụng bạo lực quá mức càng trầm trọng. Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, Campuchia, Lào, Iran, Cuba, v.v… và Việt Nam, là những nơi điển hình như thế.

 

Lý do? Vai trò ưu tiên của lực lượng võ trang tại những nơi này chủ yếu là để bảo vệ chế độ cầm quyền, người dân chỉ là thứ yếu. Ngược lại, chế độ cầm quyền cũng phải bảo vệ lực lượng võ trang bằng mọi giá, để chính họ được tồn tại.

 

Cho đến khi không thể tiếp tục như trước hoàn toàn. Bangladesh đang đứng trước hoàn cảnh này.

 

Đầu tháng Hai vừa qua, một tòa án tại Cox’s Bazar thuộc Bangladesh (cũng là nơi khoảng một triệu người tị nạn Rohingya đang tạm trú) tuyên án năm nhân viên an ninh có tội, mà tòa án gọi là “vụ án giết người thuần tuý và đơn giản” (pure and simple murder). The Daily Star, tờ báo tiếng Anh lớn nhất tại Bangladesh, cho rằng đây là lần đầu tiên mà tên của những kẻ thi hành pháp luật đã được ghi vào sổ sách công lý vì chính họ là kẻ đã dàn dựng vụ đọ/xả súng (shootout). Hai trong năm người này bị án tử hình vì đã dàn dựng vụ giết một cựu thiếu úy quân đội.

 

Hàng năm, kéo dài nhiều năm qua, có cả trăm vụ bắn nhau (crossfire) giữa cảnh sát và người dân tại Bangladesh. Nhưng các bản báo cáo, tường trình, đặc biệt từ văn phòng cảnh sát Teknaf, nơi xảy ra vụ án nói trên, gần giống y chang nhau. Tựu chung, các báo cáo từ phía cáo cảnh sát chỉ biện minh cho lý lo sử dụng vũ lực của họ: họ chỉ dùng súng để bắn trả, để tự vệ, trong tình huống như thế.

 

Câu chuyện như thế cứ kéo dài năm này sang năm khác, tuy bao nhiêu chứng cớ cho thấy cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, đưa đến giết người phi pháp. Nhưng không một cảnh sát/an ninh nào bị hề hấn gì.

 

Cho đến khi tòa án Cox’s Bazar đưa ra một bản án mang tính lịch sử, như đã nói trên.

 

Làm sao chuyện này có thể xảy ra?

 

Đầu tiên, đây là vụ án khác thường, không phải thuần túy giữa cảnh sát/an ninh và người dân. Người bị giết là cựu thiếu tá Sinha Md Rashed Khan, từng nằm trong danh sách an ninh của Thủ tướng Sheikh Hasina. Vào ngày 31 tháng Bảy năm 2020, Sinha bị viên cảnh sát Liaqat Ali bắn chết tại Teknaf, mà người ra lệnh, qua điện thoại, là cấp trên, tên Pradeep Kumar Das. Das và Ali biện hộ rằng họ đã tịch thu ma túy từ xe cuả Sinha, và Sinha đã rút xuống, nên họ đã phải nổ súng để tự vệ. Sau khi vụ này bị điều tra thì mới biết rằng Sinha đã có thông tin về đường dây buôn bán ma túy của Das, và Sinha đang thực hiện phim tài liệu về đường dây tội phạm này. Điều này đã làm cho Das tức giận, dẫn đến việc ra lệnh cho Ali bắn Sinha. Sau vụ án Sinha, cảnh sát trưởng Benazir Ahmed, người từng giữ vai trò Giám đốc của RAB, và người đứng đầu quân đội lúc đó, Aziz Ahmed, đã ra lệnh cho các lực lượng thuộc cấp không thể để sự việc tương tự như thế tái diễn.

 

Tuy các vụ bắn giết người phi pháp như thế đã giảm đáng kể từ vụ án trên, nó vẫn tiếp tục xảy ra. Cho đến khi có quyết định trừng phạt của Mỹ từ cuối năm ngoái.

 

Các chuyên gia quan sát về Bangladesh và các nhà hoạt động nhân quyền tại đây cho rằng sự thay đổi này có liên quan trực tiếp đến sự trừng phạt của chính quyền Biden lên lực lượng võ trang và các cá nhân đã và đang vi phạm nhân quyền tại Bangladesh.

 

Như đã nói trong một bài trước đây về Bangladesh, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, chính quyền Biden, dựa trên Luật Magnitsky toàn cầu, qua cơ quan hữu trách là Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã chỉ định 15 cá nhân và 10 tổ chức liên quan đến việc lạm dụng và đàn áp nhân quyền. Tiểu đoàn Hành động Cấp tốc (Rapid Action Battalion/RAB) và 6 viên chức cao cấp đang hay từng phục vụ cho RAB tại Bangladesh đã nằm trong danh sách này. RAB là một lực lượng đặc nhiệm hình thành vào năm 2004, bao gồm các thành viên của cảnh sát, lục quân, hải quân, không quân và lực lượng biên phòng được biệt phái cho RAB từ các đơn vị tương ứng của họ. Kể từ năm 2009, RAB chịu trách nhiệm cho 600 người bị mất tích tại Bangladesh, và kể từ năm 2018 gần 600 vụ giết người phi pháp (extrajudicial killings), và bị tra tấn.

 

Theo tờ The Daily Star, chỉ vài giờ trước khi bị chính quyền Biden áp dụng đạo luật Magnitsky toàn cầu để trừng phạt RAB và sáu viên chức cao cấp của chính quyền Bangladesh, các vụ bắn nhau giữa băng đảng tội phạm vẫn xảy ra; cách đó bốn ngày, cũng có vụ xả súng giữa tội phạm và cảnh sát. Nhưng kể từ khi bị tuyên bố trừng phạt thì không còn những vụ bắn giết nhau nữa.

 

Một số nhà quan sát Bangladesh nhận định rằng sự trừng phạt qua đạo luật Magnitsky toàn cầu của Mỹ lên Bangladesh sẽ tiếp diễn, dù chính quyền Bangladesh phản đối. Tốt hơn hết, chính quyền Bangladesh nên cân nhắc kỹ càng chính sách và hành động của mình trong thời gian tới, nhất là vì nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều về ngành may mặc, có xuất cảng sang Mỹ. Họ cũng tin rằng sẽ có nhiều sự trừng phạt từ phía Mỹ hơn nếu chính quyền Bangladesh vẫn coi thường và vi phạm nhân quyền tại đây.

 

Sự trừng phạt của Mỹ lên RAB cũng có nghĩa rằng những ai đang phục vụ cho RAB có thể không được tham gia vào các nghĩa vụ bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc mà Bangladesh đang tiến hành. Để đối phó với áp lực này, Ngoại trưởng Masud Bin Momen mới đây cho biết Bangladesh đang cân nhắc “thành lập một ‘tế bào’ nhân quyền trong một nỗ lực để phân tích tốt hơn tình hình nhân quyền hiện hành”. Nếu không bị Mỹ trừng phạt thì chính quyền Bangladesh chắc chắn sẽ không có những nỗ lực cải thiện về nhân quyền như trên.

 

Thật là quá sớm vào lúc này để biết được chính quyền Hasina có chủ trương thay đổi lực lượng võ trang của mình thật sự hay không? Họ có muốn thay đổi văn hóa bạo lực của cảnh sát và quân đội tại đây không? Vụ án Sinha mà tòa án Cox’s Bazar đưa ra phán quyết trên rất có thể chỉ là để giảm không khí ngọt ngạt giữa quân đội và cảnh sát, và những cựu quân nhân cảm thấy bị đe dọa bởi cảnh sát. Nếu xảy ra cho một thường dân thì có lẽ sẽ không được tòa án giải quyết như thế. Tuy nhiên sự trừng phạt của chính quyền Biden qua đạo luật Magnitsky toàn cầu lên lực lượng RAB đã rõ ràng có tác dụng đáng kể, nhất là các vụ án giết người phi pháp đã ngưng hẳn. Benazir Ahmed, cảnh sát trưởng, và cũng là cựu Giám đốc RAB, đang bị chính đạo luật Magnitsky này trừng phạt. Các hoạt động quốc tế, kinh tế lẫn chính trị, của Bangladesh sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nếu vẫn xâm phạm nhân quyền.

 

Chính quyền Hasina có vận dụng cơ hội này để làm sạch lực lượng võ trang hầu bảo vệ an toàn, an ninh và quyền lợi của quốc gia, hay vẫn tiếp tục bảo vệ những kẻ đã và đang bảo vệ mình nhưng vi phạm nhân quyền trầm trọng, kể cả giết người? Điều này chỉ có thể được kết luận qua cách cảnh sát và an ninh đối xử với người dân, và qua cách chính quyền có bao che miễn tội cho họ không, từ các báo cáo nhân quyền tại đây trong những ngày tháng tới.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats