Tuesday, 8 February 2022

QUAN ĐIỂM VỀ 'BẢN SAO ANGKOR WAT' Ở ĐÀ NẴNG MÀ CAMPUCHIA ĐÒI ĐIỀU TRA (RFA)

 



Quan điểm về ‘bản sao Angkor Wat’ ở Đà Nẵng mà Campuchia đòi điều tra

RFA
2022.02.07

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodia-probes-claims-about-angkor-wat-replica-being-in-vietnam-s-da-nang-theme-park-02072022143739.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodia-probes-claims-about-angkor-wat-replica-being-in-vietnam-s-da-nang-theme-park-02072022143739.html/@@images/image

Phiên bản Angkor Wat ở Công viên giải trí Đà Nẵng.  Huỳnh Hằng

 

Theo Báo Khmer Times của Campuchia hôm 7/2/2022, sau khi thông tin ‘bản sao’ Angkor Wat trong công viên giải trí ở Đà Nẵng của Việt Nam lan truyền trên mạng xã hội ở Campuchia... người phát ngôn Bộ Văn hóa và Mỹ thuật nước này là Long Buna Sereivath cho biết đang điều tra vấn đề này và thu thập đủ thông tin trước khi bắt đầu thảo luận với Việt Nam.

 

Ông Long Buna cho Khmer Times biết thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam đi thực địa và điều tra xem ngôi đền có được xây dựng như bản sao chính xác của Angkor Wat hay không và sẽ đệ trình một báo cáo chi tiết về việc này.”

 

Theo ông Long Buna, Việt Nam chưa bao giờ thông báo với Campuchia về ý định xây dựng một bản sao của đền Angkor Wat hoặc thảo luận với họ trước khi công trình bắt đầu xây dựng.

 

Trên mạng xã hội phổ biến tại xứ chùa tháp, ngoài một số ý kiến phản đối, cũng có nhiều người Campuchia cho rằng không nên phản ứng thái quá về việc này:

 

“Công viên chủ đề mang tên Asia Park ở thành phố Đà Nẵng nên họ sao chép các địa danh ở nhiều nước Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Campuchia ... nên đừng phản ứng thái quá về điều này. Không ai đánh cắp Angkor Wat của Campuchia. Mọi người đều biết nó là của Campuchia.”

 

“Họ sao chép để thu hút khách du lịch có tiền xem Angkor Wat giả, khách du lịch muốn xem đền thật cho dù nó có bị hư hại... Đừng lo lắng, người dân Campuchia vẫn đến xem đền thật.”

 

“Hãy truyền bá tình yêu văn hóa và di sản của chúng ta, tôi không thấy có gì sai cả. Giống như chúng tôi đang cố gắng mang những nền văn hóa khác nhau đến với xã hội của chúng ta ngày nay.”

 

 Khu ‘bản sao’ Angkor Wat mà báo chí Campuchia nói đến nằm trong khuôn viên của Sun World Danang Wonders tại số 01 Phan Đăng Lưu, Quận Hải Châu, Đà Nẵng. Nó được mô phỏng theo kiến trúc của đền Angkor Wat, khu di tích lịch sử - văn hóa ở Campuchia, một trong những kỳ quan của thế giới.

 

Toàn bộ quần thể kiến trúc mô phỏng đền Angkor Wat gồm tháp, những bức phù điêu, hành lang làm từ đá tảng, xếp chồng lên nhau với tượng Phật, vũ nữ, chiến binh và những hình hoa sen... Khu du lịch Sun World Danang Wonders đã hoạt động nhiều năm qua. Tuy nhiên đền Angkor Wat ‘phiên bản Việt Nam’ hiện đã bỏ hoang và bị rào lại.

 

Chị Huỳnh Hằng, một cư dân Đà Nẵng, người đã đến công trình mô phỏng Angkor Wat ở Đà Nẵng, cho RFA biết ý kiến của mình hôm 7/2:

 

“Việt Nam bây giờ rất lộn xộn về mọi thứ, họ không hề có kiến thức và ý thức về tác quyền, họ xây dựng để muốn khác lạ và thu tiền vé tham quan của người dân. Cái chính là cần giáo dục cho họ biết họ đã sai. Vụ này Campuchia làm mạnh tay cũng tốt, trả lại sự đàng hoàng khái niệm trong kiến trúc. Chị thì không ủng hộ bởi mỗi nước sẽ có những bản sắc riêng hoặc ý tưởng hay không cần vay mượn, hơn nữa các đền thờ Angkor vốn rất thiêng liêng với người dân Campuchia. Hiện công trình đã bị bỏ hoang, rào rất kỹ và người dân Đà Nẵng ít ai biết. Công trình được xây bằng đá rất đẹp và công phu.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodia-probes-claims-about-angkor-wat-replica-being-in-vietnam-s-da-nang-theme-park-02072022143739.html/000_8w49lh.jpg/@@images/c43a2f50-5f67-4c53-bc10-1938082475df.jpeg

Đền Angkor Wat tại tỉnh Siem Reap, Campuchia hôm 29 tháng 11 năm 2020. AFP.

 

Ông Long Kosal, phát ngôn viên của Cơ quan Apsara, khi trả lời Khmer Times cho biết đang thu thập thông tin về cấu trúc được xây dựng tại Việt Nam và một khi họ có đủ bằng chứng, sẽ trình lên tất cả các bộ và cơ quan liên quan.

 

Ông Kosal nói thêm: “Theo video chúng tôi đã xem về Đà Nẵng ở Việt Nam, một số bộ phận trông giống với Đền Ta Prohm, cổng Angkor Wat và Đền Banteay Chhmar...”

 

Liệu có thể có tranh chấp pháp lý giữa Việt Nam và Campuchia liên quan vấn đề này?

 

Luật gia Phạm Công Út khi trả lời RFA hôm 7/2 cho biết về những quy định pháp luật liên quan vấn đề tranh chấp tác quyền khi xây dựng công trình Angkor Wat mô phỏng:

 

“Nó còn tùy kiện ai. Thứ nhất là Chính phủ Việt Nam, thứ hai là cơ quan tổ chức nằm trong Việt Nam, thứ ba là cá nhân của Việt Nam. Nhưng vậy tùy chủ thể nào bị kiện, ví dụ Chính phủ VN thì thông qua trọng tài quốc tế, còn cá nhân hay pháp nhân thì kiện tại VN. Theo luật thì bảo hộ quyền tác phẩm, tác giả có hiệu lực 50 năm, nhưng Angkor Wat đã có hàng ngàn năm nên không còn quyền tác giả, tác phẩm. Do thời hiệu không còn nên kiện thì bất kỳ tòa nào cũng sẽ từ chối. Vì dụ tháp Eiffel, một biểu tượng quốc gia của Pháp... thì nhiều nước cũng nhái theo làm trong các khu vui chơi nhưng Pháp không kiện vì hết thời thiệu. Cổng Khải Hoàn Môn của Pháp cũng vậy.”

 

Do đó theo Luật gia Phạm Công Út, Angkor Wat mà bất kỳ quốc gia nào hay Việt Nam làm thì Campuchia cũng không thể kiện theo luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Thạc sĩ Hoàng Việt - Giảng viên trường Đại học Luật TPHCM, khi trả RFA hôm 7/2 cũng cho rằng việc này đã có tiền lệ và có thể sẽ không ảnh hưởng gì:

 

“Thật ra trên thế giới có nhiều tiền lệ rồi, thứ nhất là Angkor Wat thì người ta nhái lại cũng không ảnh hưởng bản quyền đó. Vì chúng ta đã thấy tiền lệ ví dụ như Las Vegas họ có xây Kim Tự Tháp ở đó. Hay Trung Quốc có xây Trung Hoa Cẩm Tú... họ xây mô phỏng thu nhỏ tất cả di tích, kỳ quan trên thế giới... Tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì, có lẽ phải coi thêm nhưng trước đây nhiều quốc gia không có vấn đề gì trong chuyện này. Tôi sẽ nghiên cứu thêm nhưng Campuchia thì thường có những tuyên bố mang tính chính trị nhiều hơn.”

 

Tại nhiều địa phương của Việt Nam, rất nhiều khu du lịch xây dựng các mô hình mô phỏng các kỳ quan thế giới như Angkor Wat, Tượng Nữ Thần Tự Do, Tháp Eiffel... Liệu việc xây dựng các công trình mô phỏng có hiệu quả trong việc thu hút du lịch?

 

RFA hôm 7/2 liên lạc ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công Ty Lửa Việt Tour, và được ông cho biết ý kiến:

 

“Với quan điểm cá nhân thì theo tôi là không nên, vì cái gì mô phỏng thì không bao giờ bằng thật được. Vì nó không chỉ cần giống nhau đơn thuần về chất liệu, kiểu dáng mà còn phải là thời gian, đặc biệt là cái hồn của nó, nhất là các công trình tầm cỡ thế giới. Giờ mình dùng kỹ thuật hiện đại tái tạo cho giống thì theo tôi bắt chước một cách máy móc không bao giờ đạt chuẩn về văn hóa và tôi không khuyến khích. Theo tôi, mình có thể học tập thiên hạ để sách tạo, văn hóa VN có kiến trúc rất riêng. Còn làm công trình kiến trúc đó để câu khách câu view thì cũng chỉ đáp ứng được một lượng khách nội địa nhất định thích selfie, thích hào nhoáng kiểu check-in... mới tìm đến cái giả, chứ khách nước ngoài họ tìm cái thật chứ rất ghét cái giả tạo và người ta đi tìm đến điểm thật chứ ai đi điểm giả như thế.”

 

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, các nước văn minh không ai bắt chước như thế cả. Việt Nam dù không có công trình tầm cỡ, nhưng cũng có kiến trúc đặc thù riêng gắn với lịch sử, văn hóa, cốt cách của người Việt. Ông Mỹ cho rằng, du lịch là nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm, nhưng phải gắng với ngon, đẹp tùy theo khẩu vị, quan điểm của mỗi người nhưng phải lạ không đâu có... Vì theo ông Mỹ, nếu đi du lịch mà chỗ nào cũng giống nhau thì người ta ở nhà cho sướng.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats