Tuesday 22 February 2022

PUTIN TIẾP TỤC LEO THANG THÁCH THỨC CỘNG ĐỒNG THẾ GIỚI (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Putin tiếp tục leo thang thách thức cộng đồng thế giới

Lê Tây Sơn
22 tháng 2, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/putin-tiep-tuc-leo-thang-thach-thuc-cong-dong-the-gioi/

 

Tại sao hai lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk ở khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine lại rất quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Putin?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-462928672-1024x683.jpg

Năm 2015, khu vực Donbas từng xảy ra giao tranh khốc liệt giữa quân đội Ukraine và phe thân Nga – ảnh: Một xe tăng Ukraine bị bắn cháy (Pierre Crom/Getty Images)

 

Thách thức của Putin

 

Khu vực Donbas là tâm điểm của cuộc khủng hoảng leo thang giữa Nga-Ukraine và có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược đối với cả Nga lẫn Ukraine. Thậm chí Donbas còn trở nên quan trọng hơn khi vào ngày 21 Tháng Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai được Moscow hậu thuẫn với danh xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (DPR và LPR).

 

Nhà lãnh đạo Nga cũng ký sắc lệnh cho phép lực lượng vũ trang Nga tiến vào khu vực để “gìn giữ hòa bình”. Sự công nhận của Putin đã chính thức đánh dấu một bước leo thang đáng kể, đồng thời đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận hòa bình Minsk ký cách nay bảy năm. Đây cũng được xem là “bảo đảm pháp lý” một chiều để Nga xâm lược Ukraine. Việc Nga chính thức công nhận DPR và LPR đã khiến phương Tây nhanh chóng lên án, với một số lệnh trừng phạt, mở các cuộc họp khẩn nhưng cũng chỉ dừng ở mức cáo buộc: Moscow vi phạm luật pháp quốc tế; ngoài ra không còn biện pháp tương ứng nào khác (trong các lý do biện minh có việc Ukraine chưa thuộc khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO). Riêng Mỹ, việc xem hành động của Nga là xâm lược hay không vẫn đang còn trong vòng tranh cãi nội bộ. Washington còn đang cân nhắc giữa lợi ích của đảng cầm quyền và uy tín quốc tế.

 

Vùng Donbas ở miền Đông Ukraine trước chiến tranh được biết đến như một cường quốc công nghiệp, với năng lực khai thác và sản xuất thép, cũng như trữ lượng than lớn. Sau cuộc xâm lược năm 2014 của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, khu vực này bị chia thành các vùng lãnh thổ do Kyiv kiểm soát và do DPR, LPR kiểm soát. Những người theo chủ nghĩa ly khai tuyên bố tất cả khu vực Donetsk và Luhansk là lãnh thổ của họ, nhưng đến nay họ chỉ kiểm soát được khoảng một phần ba lãnh thổ (6,500 dặm vuông) nằm dọc biên giới với Nga.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238681068-1024x654.jpg

Với cuộc khủng hoảng leo thang và nguy cơ bùng nổ chiến tranh, chính quyền Donetsk và Lugansk tại khu vực Donbas yêu cầu người dân di tản sang Nga – ảnh: Tại trạm xe lửa Aprelevka, Donbas, ngày 22 Tháng Hai 2022 (Sergei Karpukhin/TASS/Getty Images)

 

Khó xác định chính xác dân số của DPR và LPR, nhưng đây là nơi sinh sống của 1.5-2.3 triệu người, phần lớn nói tiếng Nga. Giao tranh ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai và chính phủ Ukraine chưa bao giờ ngưng hoàn toàn kể từ năm 2014, làm chết hơn 14,000 người. Bạo lực, chia rẽ và suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại nặng nề cho khu vực. Hơn hai triệu người đã di tản sang Nga hay các vùng khác của Ukraine. Gần đây, các cuộc pháo kích diện rộng ở miền Đông Ukraine đã làm tăng lo ngại của phương Tây và Kyiv về một cuộc tấn công xâm lược qui mô, khi Nga tiếp tục xây dựng lực lượng (hiện có khoảng 150,000 lính Nga trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bao vây một dải dài dọc biên giới Ukraine).

 

Ngày 21 Tháng Hai, các lãnh đạo hai khu vực ly khai yêu cầu Putin công nhận và hỗ trợ quân sự tạo điều kiện cho lực lượng Nga can thiệp quân sự hợp pháp. Tuần trước, Duma quốc gia Nga thông qua lời kêu gọi Putin công nhận các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk. Moscow luôn xem Ukraine là “vùng đệm” của NATO (khối minh ước quân sự ra đời năm 1949 để tự vệ và chống lại nguy cơ xâm lược của Liên Xô) và xem việc NATO mở rộng về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine, là “lằn ranh đỏ” đối với ông.

 

Quay lại lịch sử

 

Mối liên hệ lịch sử giữa Nga và Ukraine đã có từ thế kỷ thứ 9 và Putin đã nhiều lần viện dẫn di sản này một cách hiệu quả trong chiến lược sáp nhập. Putin mô tả người Nga và người Ukraine là “cùng một dân tộc” trong bài xã luận được đăng trên trang web Điện Kremlin vào Tháng Bảy 2021, trong đó nhấn mạnh: “Chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ thực hiện được khi hợp tác với Nga. Ukraine chưa bao giờ có một nhà nước đích thực của riêng mình”.

 

Trong một bài phát biểu gây sốt hôm Thứ Hai 21 Tháng Hai, Putin tiếp tục xoáy sâu vào lịch sử Liên Xô để phá hoại ý tưởng Ukraine là một quốc gia độc lập. Đầu năm 2014, sau khi các cuộc biểu tình lớn ở Ukraine lật đổ một tổng thống thân Moscow, Nga đã xâm lược và sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine, một động thái bị châu Âu và Mỹ xem là bất hợp pháp. Quân ly khai được Moscow hậu thuẫn cũng chiếm các khu vực công nghiệp phía Đông Donetsk và Luhansk giáp giới Nga, kể cả các tòa nhà chính phủ và tuyên bố thành lập hai “nước cộng hòa của nhân dân”.

 

Cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa khi phe ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk tổ chức trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập tách khỏi Ukraine. Kyiv và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ quân nổi dậy bằng quân đội và vũ khí, nhưng Nga nói rằng tất cả đều là quân tình nguyện. Các cuộc đụng độ giữa phe ly khai và lực lượng do Kyiv hậu thuẫn cứ tái đi tái lại và chưa bao giờ ngừng.

 

Năm 2015, Nga và Ukraine thông qua “Thỏa thuận hòa bình Minsk”, một kế hoạch do Pháp và Đức làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột ở Donbas. Theo thỏa thuận, Ukraine sẽ trao cho DPR và LPR qui chế đặc biệt và quyền tự quyết gần như hoàn toàn để đổi lấy việc giữ lại quyền kiểm soát đường biên giới với Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận hầu như chỉ có trên giấy tờ! Putin tố cáo Ukraine không có ý định thực hiện các điều khoản của thỏa thuận, còn chính phủ Ukraine tìm cách sửa đổi thỏa thuận được ký sau một loạt thất bại quân sự với lý do “thỏa thuận đã mang lại cho Moscow quyền lực để tác động đến chính sách đối ngoại của Ukraine và làm suy yếu chủ quyền”.

 

Theo Kyiv, các điều khoản do Nga tác động trong thỏa thuận, nếu được thực thi, sẽ dẫn đến bạo loạn và hỗn loạn. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh vẫn ủng hộ thỏa thuận đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện các phần của thỏa thuận. Phần mình, Moscow cấp 800,000 hộ chiếu Nga cho người dân tại các khu vực ly khai. Phía Ukraine và phương Tây tố cáo Nga vũ trang và hỗ trợ phe ly khai, nhưng Nga phủ nhận.

 

Cuộc điều tra dân số chính thức gần đây nhất năm 2001, cho thấy hơn một nửa dân số ở Crimea và Donetsk nói rằng tiếng Nga là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Nhưng việc áp đặt miền Đông Ukraine là vùng nói tiếng Nga, và miền Tây nói tiếng Ukraine là một sự đơn giản hóa quá mức vì nhiều người ở vùng nông thôn phía Đông nói tiếng Ukraine hoặc tiếng Nga lai tiếng Ukraine gọi là Surzhyk. Tuy nhiên, Putin đã nhiều lần viện dẫn ý tưởng về bản sắc khu vực đặc biệt của Donbas làm cơ sở để “bảo vệ” những người nói tiếng Nga của mình khỏi một Ukraine “không khoan dung”. Những người theo chủ nghĩa ly khai cũng tận dụng “nguồn gốc” dân tộc để huy động sự ủng hộ và nổi dậy chống lại Kyiv. Theo một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2021; tại khu vực Donbas do Kyiv kiểm soát, đa số muốn các vùng ly khai trở về Ukraine. Tại khu vực do phe ly khai kiểm soát, hơn một nửa muốn gia nhập Nga mà không quan tâm đến quy chế tự trị.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats