Wednesday, 16 February 2022

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT về CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG 1979 (Luật Khoa Tạp Chí)

 



 

Những điều cần biết về Chiến tranh Biên giới Việt – Trung 1979

LUẬT KHOA TẠP CHÍ

17/02/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/02/nhung-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-viet-trung-1979/

 

Nhìn lại một cuộc chiến mà cả hai bên chính quyền đều muốn lãng quên.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-W-1702-Chien-tranh-bien-gioi-cover-1-1024x576.png

Nguồn ảnh: Getty Images, VnExpress, AP Photo, Bettmann/ CORBIS, Flickr. Đồ họa: Luật Khoa

 

1. Thông tin sơ lược

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-FB-1602-6-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-Viet-Trung-1.png

 

Rạng sáng 17/2/1979, tức ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc cho hàng trăm nghìn quân tấn công vào 6 tỉnh dọc biên giới phía Bắc Việt Nam, bao gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

 

Theo các dữ liệu phổ biến, số quân lính Trung Quốc lên đến hơn 600 nghìn, cùng với khoảng 400 xe tăng, xe bọc thép và hơn 1.500 khẩu pháo. [1] [10]

 

Cuộc chiến chính thức kéo dài 30 ngày. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam (một số trang tiếng Anh ghi Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3). Dù vậy, các cuộc tấn công quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn đến tận 10 năm sau đó.

 

Kết quả: Cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Các con số thương vong chính xác không được công bố, mỗi bên đều có xu hướng giảm con số phía bên mình và tăng con số phía đối phương. Theo một ước tính của giới nghiên cứu phương Tây được dẫn lại trên tờ Time, Trung Quốc mất ít nhất 20 nghìn người, trong khi số người tử vong tại Việt Nam là dưới 10 nghìn. [2]

 

2. Quyết tâm tàn phá của Trung Quốc

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-FB-1602-6-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-Viet-Trung-2.png

Quân Trung Quốc áp dụng chiến thuật “tiêu thổ” (scorched-earth policy), tức là đặt mục tiêu hủy hoại tất cả những gì mà họ cho là có lợi cho kẻ thù. Đây là sách lược mà Trung Quốc sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950. [1]

 

Đoàn quân đông đảo của Trung Quốc vì thế phá hủy mọi thứ họ gặp trên đường, chiếm đóng các khu dân cư, giết hại thường dân. Cuộc chiến dù ngắn, nhưng sự hủy hoại của nó lại khủng khiếp.

 

Phía Việt Nam tuyên bố có đến hàng chục nghìn thường dân đã bị giết hại. [3] Không thể kiểm chứng con số này, nhưng có nhiều lời kể của nhân chứng về việc trẻ em và phụ nữ mang thai đã bị quân Trung Quốc giết hại và ném xuống giếng. [4] Nhiều thị xã bị hủy diệt hoàn toàn.

 

3. Lý do của cuộc chiến

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-FB-1602-6-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-Viet-Trung-3.png

 

Lý do phổ biến nhất được đưa ra là Trung Quốc “muốn dạy cho Việt Nam một bài học”, trích dẫn câu nói của Đặng Tiểu Bình trong cuộc họp riêng của ông này với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter về vấn đề Việt Nam vào tháng 1/1979 tại Washington. [5]

 

Phía Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ để chống lại Liên Xô. Đặng Tiểu Bình gọi việc “Việt Nam xâm lược Campuchia” là tiếp tay cho chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô. Ông bày tỏ ý định sẽ đưa quân vào để trừng phạt Việt Nam. [6]

 

Theo nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, Việt Nam đã “không khôn ngoan” trong việc cân bằng quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Các động thái ngả về phía Liên Xô – kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc lúc đó, cùng với chính sách hà khắc với người Hoa trong nước đã tạo thành cớ để Trung Quốc tấn công. Trong khi đó, việc dính líu sâu và lâu vào vấn đề Campuchia khiến Việt Nam mất đi sự ủng hộ của khu vực ASEAN, đồng thời để tuột mất cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. [6]

 

4. Ứng xử của Việt Nam

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-FB-1602-6-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-Viet-Trung-4.png

 

Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã tiếp tay cho các hành động của Pol Pot, xâm phạm tình hữu nghị của hai nước và dựng lên sự kiện nạn Kiều để làm cớ tấn công Việt Nam. Phía Việt Nam tuyên bố chiến thắng cuộc chiến năm 1979, bảo vệ thành công biên giới phía Bắc. [7]

Trong phần lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, Việt Nam gọi Trung Quốc là “bọn bá quyền xâm lược”. Câu này được bỏ đi vào năm 1988, khi hai nước tiến đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao. [8]

 

Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam tránh nhắc đến sự kiện này. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông dâng cao. Năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở thành chủ tịch nước đầu tiên công khai tưởng niệm cuộc chiến. Đến năm 2019, dịp kỷ niệm 40 năm, sách báo về cuộc chiến bắt đầu xuất hiện, cùng với lời kêu gọi sửa đổi sách giáo khoa để viết chi tiết hơn về cuộc chiến này. Các cựu chiến binh lên tiếng mạnh mẽ để đòi công bằng cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến. [1] [7]

 

5. Quan điểm quốc tế

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-FB-1602-6-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-Viet-Trung-5.png

 

Ngày nay, Trung Quốc vẫn gọi cuộc chiến 1979 là động thái “tự vệ” trước Việt Nam. Bộ máy tuyên truyền của nước này thuyết phục công chúng rằng Trung Quốc là phe chính nghĩa, và đã bảo vệ thành công đất nước. [9]

 

Theo The Diplomat, giới nghiên cứu phương Tây đã đồng thuận rằng Trung Quốc mới là bên gây hấn, với bằng chứng rõ rệt rằng gần như toàn bộ khu vực chiến sự nằm ở phía lãnh thổ Việt Nam. [1]

 

Nhiều học giả cho rằng cuộc chiến là một thất bại của phía Trung Quốc ở ba phương diện: (1) không khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, (2) không làm tổn hại nhiều đến quân lực chính của Việt Nam, vì lực lượng tham chiến phía Việt Nam phần lớn là dân quân tự vệ, và (3) không thuyết phục được Mỹ tham gia liên minh chống Liên Xô.

 

Đối với mục tiêu phá hoại miền Bắc Việt Nam, có thể nói Trung Quốc đã thành công, tuy nhiên, họ phải mất thời gian đến vài tuần, thay vì vài ngày như dự định.

 

6. Đọc thêm về cuộc chiến

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/LK-FB-1602-6-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-Viet-Trung-6.png

 

·         “Hồi ức và suy nghĩ”, hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ. Link tải.

 

·         Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc – Phóng sự đặc biệt của báo điện tử VnExpress.

 

·         “Những mùa xuân con không về” – Tập bút ký về Chiến tranh Biên giới 1979, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ 2019

 

·         The bitter legacy of the 1979 China – Vietnam war, Nguyễn Minh Quang, đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 23/2/2017.

 

·         “Bên thắng cuộc – Quyển I: Giải phóng”, chương 4: Vụ Nạn kiều

 

·         Bài viết tổng hợp các nguồn tư liệu về cuộc chiến trên Luật Khoa: Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Đọc gì về một cuộc chiến bị lãng quên?

 


Các nguồn ảnh: Getty Images, VnExpress, AP Photo, Bettmann/ CORBIS, Flickr. Đồ họa: Luật Khoa.


 

Tài liệu tham khảo

 

[1] The Diplomat. (2017, February 24). The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam Warhttps://thediplomat.com/2017/02/the-bitter-legacy-of-the-1979-china-vietnam-war/

 

[2] Time, China-Vietnam Border War, 30 years later http://content.time.com/time/photogallery/0,29307,1879849_1846224,00.html

 

[3] VnExpress. (2014, February 13). 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-2950346.html

 

[4] VnExpress. (2017, February 17). Remembering Vietnam’s bloody border war with China – VnExpress Internationalhttps://e.vnexpress.net/news/news/remembering-vietnam-s-bloody-border-war-with-china-3542147.html

 

[5] VnExpress. (2019, July 4). Biên giới 1979 trước “biển người” phương Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bien-gioi-1979-truoc-bien-nguoi-phuong-bac-3879866.html

 

[6] Hồi ức và suy nghĩ, Trần Quang Cơ, 2001.

 

[7] VnExpress. (2019, February 15). Cuộc chiến biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Tin nhanh VnExpress. https://web.archive.org/web/20200813094247/https://vnexpress.net/cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-se-co-vi-tri-xung-dang-trong-sach-giao-khoa-3881522.html

 

[8] Hiến pháp 1980, Nghị quyết về việc sửa lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 28/6/1988.

 

[9] Lu, R. (2014, February 21). Comment: Beijing wants people to forget the Sino-Vietnamese War. SBS News. https://www.sbs.com.au/news/comment-beijing-wants-people-to-forget-the-sino-vietnamese-war

 

[10] Báo Thanh Niên (2021, February 17). 42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 – 17.2.2021): Thắm màu cờ cực Bắc. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/42-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-1721979-1722021-tham-mau-co-cuc-bac-post1038033.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats