Monday, 21 February 2022

NHÀ BÁO NGUYỄN HOÀI NAM VÀO TÙ VÌ TRÓT TIN "THAM NHŨNG KHÔNG CÓ VÙNG CẤM" (Gió Bấc, RFA)

 



Nhà báo Nguyễn Hoài Nam vào tù vì trót tin “tham nhũng không có vùng cấm”

Bình luận của blogger Gió Bấc
2022.02.21

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/journalist-nguyen-hoai-nam-jailed-for-believing-in-anti-corruption-propaganda-by-party-02212022084558.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/journalist-nguyen-hoai-nam-jailed-for-believing-in-anti-corruption-propaganda-by-party-02212022084558.html/@@images/42d118c8-a468-4a3e-a03c-cb63509c8a5d.jpeg

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam.  FB Nguyen Hoai Nam

 

Ngày 18-2, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hoài Nam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Điều đáng nói là Nguyễn Hoài Nam bị truy tố chỉ vì cái tội trót tin vào khẩu hiệu “chống tham nhũng không có vùng cấm” và dấn thân dành trọn tuổi trẻ của mình để chống tham nhũng như là lý tưởng, như là niềm đam mê. Nguyễn Hoài Nam đã dùng quyền ngôn luận để nói trên báo, trên diễn diễn đàn mạng yêu cầu phải xử lý tới nơi tới chốn những cá nhân tham nhũng và đã xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, tập đoàn tham nhũng đang nắm quyền trong các cơ quan tố tụng.

 

Nguyễn Hoài Nam không phải kẻ xấu, không phải loại loại diễn biến hòa bình thế lực thù địch muốn chống lại chính quyền nhân dân mà có lý lịch, lý tưởng nhân cách đỏ rặt từ đầu đến đít theo đúng mẫu mực con người mới XHCN. Sinh ra và lớn lên trên địa bàn Bắc Giang XHCN, đi bộ đội, xuất ngũ đi làm báo và vận dụng kỹ năng, kiến thức quân sự trở thành nhà báo điều tra tầm cỡ lôi ra ánh sáng pháp luật hàng chục vụ án tham nhũng, buôn lậu tầm vóc quốc gia. Gần đây nhất là hai vụ án đình đám vụ nhận hối lộ lập quỹ đen gần năm tỉ đồng ở Cục Đường Thủy nội bộ, và phá đường dây trộm tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu ở Sân Bay Tân Sơn Nhất.

 

Cung cách tác nghiệp của Nguyễn Hoài Nam cũng cực kỳ độc đáo là đơn độc thâm nhập, điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ các đường dây tội phạm rồi đăng báo trước, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu (vụ quỷ đen ở Cục Đường Thủy), hoặc chủ động cung cấp cho cơ quan chức năng phá án trước đăng báo sau (Đường dây trộm cắp tiêu thụ xăng dầu). Chứng cứ của Hoài Nam thì cụ thể đầy đủ hình ảnh, âm thanh, con người, địa chỉ, số lượng, thời gian cụ thể như là người bưng mâm dọn cỗ sẵn sàng, cơ quan chức năng chỉ cần sử dụng quyền lực, trách nhiệm của mình thò tay vào túi mà bắt phạm.

 

Với slogan trên ảnh nền Facebook là “quyết không thỏa hiệp”, Nguyễn Hoài Nam đã không ngại đấu tranh,  với ngay cả cơ quan chủ quản của mình khi lãnh đạo trực tiếp là Phó TBT Đặng Việt Hoa ém không đăng những bài điều tra của anh và dùng bài để hợp đồng quảng cáo với đơn vị bị điều tra. Lãnh đạo báo Thanh Niên bao che và trù dập, phạt tiền, chấm dứt HĐLĐ, Nguyễn Hoài Nam không ngại khởi kiện ra tòa. (1)

 

Việc báo Thanh Niên bao che dung túng sai phạm của Đăng Việt Hoa dẫn đến scandal tung tin sai lệch nước mắm truyền thống để quảng bá cho nước mắm hóa chất, báo Thanh Niên bị phạt 200 triệu đồng. Đăng Việt Hoa bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo khi vụ án Phạm Đình Hòa và đồng bọn bị đưa ra xét xử với các tội danh “đưa nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án tham nhũng trong lĩnh vực nạo vét này là vụ án đầu tiên trong lĩnh vực nạo vét bị phanh phui có đầy đủ người đưa và người nhận hối lộ. Đây cũng là vụ án mà Đặng Việt Hoa ngăn cản quyết liệt không cho Nguyễn Hoài Nam điều tra. (2)

 

Tính cách gai góc cương trực cả làng báo đều biết nhưng với bản lĩnh tay nghề như vậy, nên sau vụ kiện cáo với báo Thanh Niên, Nguyễn Hoài Nam vẫn lăn trải qua rất nhiều cơ quan báo chí đình đám của Việt Nam:  Pháp Luật TP.HCM, VTV, Pháp Luật Việt Nam, … và được trọng dụng với vai trò nhà báo điều tra.

 

Ngày 1-8-2018, Bài “Nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa” của Nguyễn Hoài Nam trên báo Pháp Luật TPHCM đã gây bão dư luận và được hàng trăm tờ báo khác chạy theo.

Theo nội dung bài báo thì các doanh nghiệp trúng thầu các công trình do Cục Đường Thủy đầu tư sau khi trừ thuế thu nhập phải nộp từ năm đến 20% giá trị gói thầu ngay ngày đầu năm khi gói thầu được giải ngân.

 

Số tiền thấp nhất là 90 triệu và nhiều nhất vài trăm triệu. (3)

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/journalist-nguyen-hoai-nam-jailed-for-believing-in-anti-corruption-propaganda-by-party-02212022084558.html/cucduongthuytrial2019.jpeg/@@images/31c19169-0ef2-4ad6-8562-b77680235500.png

Các bị cáo tại phiên xử vụ án "quỹ đen" tại Cục Đường thuỷ nội địa thuộc Bộ GTVT, ảnh chụp hôm 19/10/2019 ở Hà Nội. Hình: PLO

 

Sau khi báo đăng, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Thanh Tra Bộ vào cuộc. Ngày 29-8-2018, Thanh tra Bộ ban hành Kết luận, xác định có chín cá nhân liên quan đến việc chi quỹ đen, buộc Cục Đường thủy nộp vào ngân sách nhà nước 406 triệu đồng, cá nhân ông Phạm Văn Thông (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án) chịu trách nhiệm hơn 4,3 tỉ đồng. 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ GTVT chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền, VKSND Tối cao được giao giám sát theo thẩm quyền.

 

Ngày 24-9-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ra công văn gửi báo Pháp Luật TP.HCM, đề nghị cung cấp bản chính tài liệu hồ sơ loạt bài “Nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa” và đề nghị báo tạo điều kiện cho PV phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an trong quá trình điều tra. Cũng như những lần điều tra trước đây Nguyễn Hoài Nam đã có đủ chứng từ giao nhận tiền quỹ đen của các doanh nghiệp, băng ghi âm lời khai của Phạm Văn Thông, nguyên giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa về chủ trương, cách thức thu tiền quỷ đen tính theo % giá trị hợp đồng doanh nghiệp được giao và thu ngay đầu năm khi được giai ngân.

 

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Trần Đức Hải (Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam); ông Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa và ông Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng Phòng KHĐT Cục Đường thủy nội địa về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

Đến đây cách hành xử của cơ quan điều tra và hồ sơ vụ án phát sinh nhiều mâu thuẫn.

Thứ nhất số tiền thu của 14 doanh nghiệp đưa vào quỹ đen được xác định  4,8 tỉ đồng đã được nộp vào Kho bạc để khắc phục hậu quả. Theo Kết luận điều tra, cán bộ Cục Đường thủy nội địa báo cáo giải trình không quyên góp, ủng hộ tiền. Ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng) khai ủng hộ năm triệu đồng, bị can Vũ Mạnh Hùng khai ủng hộ năm triệu đồng, bị can Trần Đức Hải khai ủng hộ 400.000 đồng. Các cá nhân còn lại có ý kiến không quyên góp, ủng hộ tiền, 

 

Như vậy số tiền 4,8 tỉ đồng khắc phục hậu quả cơ quan công an chỉ làm rõ 10,4 triệu đồng, còn lại không làm rõ, cũng không kết luận gì.

 

Theo cáo trạng, lãnh đạo Cục Đường thủy đã thống nhất và có chủ trương giao cho tổ chức Công đoàn Cục Đường thủy phát động ủng hộ, quyên góp khắc phục hậu quả.

 

Như vậy thật sự số tiền này từ đâu ra? Do quyên góp hay do nguồn nào khác? Những người như Cục Trưởng, Cục Phó vì lý do gì đã đóng tiền để khắc phục hậu quả?

 

Mâu thuẫn, mập mờ về số tiền này đã dẫn đến mù mờ khác.

 

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, có cơ sở xác định có việc 14 cá nhân thuộc 14 doanh nghiệp đã đưa tổng số tiền 4.255.705.652 đồng và 17.900 USD cho bị can Phạm Văn Thông. Hành vi của họ có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Họ còn không thực thà thừa nhận việc đưa tiền dù kết luận của Viện Khoa học Hình sự xác định chữ viết và chữ ký trên các giấy tờ giao nhận tiền là của họ.

 

Với những chứng cứ đã nêu nhưng người đưa tiền đã phạm vào tội đưa hối lộ với hành vi đưa hối lộ có tổ chức bằng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước, số tiền đưa hối lộ rất lớn lên đến 4,8 tỉ đồng. Tất cả đều là những tình tiết định tội, định khung cho mức hình phạt cao nhất của tội đưa hối lộ. Thế nhưng đến đây, Cơ quan điều tra đã có kết luận khoan dung thật kỳ lạ như là bài bào chữa thương tâm mà không có cơ sở pháp lý “Cơ quan CSĐT Bộ Công an thấy rằng việc họ khai không đưa tiền cho bị can Thông là tâm lý chung, sợ bị pháp luật xử lý; bản thân họ là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng hiện nay; là đối tượng bị các công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước nhũng nhiễu, gây phiền hà, bản thân họ đều mong muốn công việc làm ăn cho người lao động. Do vậy Cơ quan CSĐT Bộ công an không đặt vấn đề xử lý hình sự đối với 14 cá nhân này trong vụ án”.

 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị xử lý hành chính 13 cá nhân, 16 doanh nghiệp có hành vi sai phạm, cấm tham gia đấu thầu, thi công các gói thầu có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước từ nay về sau.

 

Ông Cục Trưởng nơi lập quỹ đen có công đóng góp năm triệu đồng khắc phục hậu quả cũng thoát tội ngoạn mục, chỉ bị đề nghị kỷ luật nhẹ nhàng khiển trách

 

Oái oăm hơn nữa là lập luận nhân đạo xá tội đến mức Đức Phật sống dậy cũng phải lắc đầu ấy lại được Viện Kiểm Sát và Tòa Án chấp nhận.

 

Vụ án đưa nhận hối lộ to đùng như con voi với số tiền 4,8 tỉ đồng được xét xử nhẹ nhàng chỉ ba con chuột và tội danh nhẹ nhàng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. (4)

 

Nặng lòng tin là “tham nhũng không có vùng cấm” và với ý chí quyết không thỏa hiệp, Nguyễn Hoài Nam đã kiên trì tố cáo, đấu tranh với các cơ quan tố tụng yêu cầu khởi tố 15 tội phạm bị bỏ lọt trong vụ án quỹ đen ở Cục Đường Thủy Nội Địa bao gồm Cục trưởng Hoàng Hồng Giang và 14 cá nhân đưa hối lộ. Nguyễn Hoài Nam cung cấp thêm chứng cứ băng ghi âm Cục Trưởng Hoàng Hồng Giang gọi điện thoại chỉ đạo đàn em xóa dấu vết phạm tội và tổ chức hội họp bàn cách đôi phó và thêm nhiều chứng cứ khác. Thế nhưng những người có trách nhiệm đã bao che, ém nhẹm bẻ cong chứng cứ kiên định bảo vệ quan điểm nhân đạo của kết luận điều tra.

 

Không dừng lại, Nguyễn Hoài Nam tố cáo đích danh Trung Tướng Trần Văn Vệ, Thủ trưởng cơ quan điều tra, ĐTV Trần Việt Dũng (phó phòng 4 C01); ĐTV được giao thụ lý chính vụ án; KSV cao cấp Nguyễn Thị Thanh Tú đã không làm tròn chức trách bỏ lọt tội phạm.  

 

Đại biểu Quốc Hội, Phó trưởng Ban Dân Nguyện Quốc Hội thời điểm ấy là một chuyên gia pháp luật tầm cỡ đã tiếp nhận những quan điểm pháp lý và chứng cứ của Nguyễn Hoài Nam có văn bản chất vấn Bộ Trưởng Công An Tô Lâm.

 

Nhưng rất tiếc thay gì tổ chức một đơn vị độc lập kiểm tra, xem xét vụ việc thật khách quan, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá lại cách áp dụng pháp luật lạ lùng, không có căn cứ của Cơ quan Điều tra, Bộ Trưởng Tô Lâm lại giao Văn Phòng Bộ và chính đơn vị bị tố cáo soạn văn bản trả lời. Cũng giống như điệp khúc “có sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án” khi trả lời những án bắt oan, truy tố oan, lần này điệp khúc muôn thuở vẫn là có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ nhưng “họ là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng hiện nay; là đối tượng bị các công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước nhũng nhiễu…”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/journalist-nguyen-hoai-nam-jailed-for-believing-in-anti-corruption-propaganda-by-party-02212022084558.html/tolamtranvanve.jpeg/@@images/05731852-2968-4230-9c41-4f79280c8ab1.jpeg

Bộ trưởng Công an Tô Lâm (trái) trao quyết định Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho Trung tướng Trần Văn Vệ hồi năm 2017. Hình: Báo Chính Phủ

 

Tướng Trần Văn Vệ và các cá nhân bị Nam tố cáo đã làm đơn tố cáo ngược lại Nam và từ năm 2020, Nguyễn Hoài Nam trở thành một đối tượng bị cơ quan mà mình tố cáo xem là đối tượng điều tra và chính thức trở thành bị can.

 

Điều đáng nói là trong hoàn cảnh đó, trên Facebook cá nhân Nguyễn Hoài Nam vẫn kiên định lòng tin vào khẩu hiệu “tham nhũng không có vùng cấm” vẫn nhiệt huyết tin tưởng mong đợi sư công minh chính trực của những lãnh đạo cấp cao. Sau Đại hội Đảng, Nguyễn Hoài Nam reo mừng trước thông tin tái đắc cử của ông Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình không phải bằng ngôn ngữ nịnh nọt bưng bô mà bằng niềm vui nhiệt thành của nắng hạn gặp mưa, sự hân hoan của thần dân chúc mừng minh quân xuất thế.

 

Ngày 3-2-2021 Nguyễn Hoài Nam có status: “Vùng cấm trong đấu tranh tham nhũng vẫn còn cụ Tổng ơi!

 

Trong đó Hoài Nam đã viết “Hai ngày qua, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư, có gặp gỡ báo chí và chia sẻ những nỗi niềm của ông vì việc nước. Trong đó Cụ kể có người mang vali USD đến UBKT trung ương hối lộ. Cụ cũng cương quyết trong việc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm…

 

Từ thông điệp của Cụ, mình đã có thêm động lực để đấu tranh. Đêm qua mình đã viết tâm thư sáng nay gửi cho Cụ, khẳng định vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhưng vẫn còn, còn ngay ở cơ quan chống tham nhũng….”

 

Có lẽ những người ngây thơ như Nguyễn Hoài Nam bây giờ không còn nhiều. Bài viết này không nhằm để cảnh báo cho những ai có lòng tin ngây thơ như Nam. Bài viết này nhằm trả lời cho câu hỏi vì sao càng chống tham nhũng càng nhiều, quy mô càng lớn và càng leo lên cấp cao hơn. 

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

___________

 

Tham khảo

 

1. https://phanbien.net/binh-luan-an-240/vu-nha-bao-nguyen-hoai-nam-kien-bao-thanh-nien-thua-so-tham-cho-phuc-tham-3629.html

 

2. https://congan.com.vn/tin-chinh/thu-hoi-the-nha-bao-cua-pho-tong-bien-tap-bao-thanh-nien_30309.html

 

3. https://m.plo.vn/thoi-su/nghi-van-quy-den-o-cuc-duong-thuy-noi-dia-785251.html

 

4. https://m.plo.vn/thoi-su/truy-to-3-bi-can-vu-quy-den-o-cuc-duong-thuy-noi-dia-863993.html

 

*

Tin, bài liên quan

·         Báo chí đảng & báo chí người Việt

·         Báo chí “Cách mạng” hay “Phản Tiến Bộ”?

·         Ngày nhà báo: Chỉ chúc mừng “Báo chí cách mạng”

·         Tiếp tục chuyện làng báo Việt Nam: “Nhỏ không học lớn đi làm báo”

·         “Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à?”





No comments:

Post a Comment

View My Stats