Thursday, 24 February 2022

NATO trong vụ KHỦNG HOẢNG UKRAINE - NGA và QUAN HỆ GIỮA NATO & HOA KỲ (Nguyễn Quốc Khải)

 



NATO Trong Vụ Khủng Hoảng Ukraine-nga Và Quan Hệ Giữa NATO Và Hoa Kỳ

Nguyễn Quốc Khải

23/02/2022

https://vietbao.com/a311239/nato-trong-vu-khung-hoang-ukraine-nga-va-quan-he-giua-nato-va-hoa-ky

 

https://vietbao.com/images/file/5SmdvST32QgBANcY/w400/nato.jpg

Photo từ trang nhà NATO

 

Từ cuối năm 2021, Nga đã di chuyển quân đến vùng biên giới Ukraine và gây ra một cuộc khủng hoảng mới tại Âu Châu sau khi hỗ trợ vùng Donbas ly khai và  chiếm Crimea của Ukraine vào 2014.  Một tài liệu của tình báo Hoa Kỳ Washington Post đã thu thập được vào tháng 12 năm vừa qua cho biết rằng Nga dự định một cuộc tấn công vào Ukraine với 175,000 quân. Đây là một thử thách mà khối NATO đang phải đối phó. Tin giờ chót cho hay, Nga vừa công nhận Donetsk và Luhanks thuộc vùng Donbas độc lập và điều quân Nga vào vùng này vào ngày 21-2-2022. Tình hình trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn.

 

VAI TRÒ CỦA NATO

 

Khối NATO (North Atlantic Treaty Organization), tiếng Việt gọi là Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, được thành lập sau Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1949. 12 nước sáng lập gồm có Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, Canada, Denmark, Iceland, Hòa Lan, Luxembourg, Norway, Portugal, và Ý. Mục tiêu của NATO là để cầm chân Liên Bang Xô Viết trong giai đoạn chiến tranh lạnh.

 

Hiện nay số thành viên của NATO lên tới 30 bao gồm cả một số nước chư hầu của Nga Sô và thành viên của Warsaw Pack cũ như Estonia, Latvia, Lithuania, Albania, Bulgaria, Czech Republic, Hungary, Poland, Romania. Trong khi khối Warsaw tan vỡ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, NATO bành trướng về hướng đông. NATO có năm nước thành viên giáp ranh với Nga.

 

Một trong những nguyên tắc cơ bản của hiệp ước NATO nói rõ trong Điều 5 là phòng vệ chung: “Các thành viên đồng ý rằng một cuộc tấn công võ lực vào một hay nhiều thành viên tại Âu Châu và Bắc Mỹ sẽ được xem như là tấn công vào tất cả các thành viên.” Mặc dù Ukraine chưa là thành viên của NATO, Điều 5 của hiệp ước không được áp dụng, nhưng Ukraine trên thực tế được NATO trợ giúp để chống lại cuộc xâm lăng của Nga.

 

Khi Nga sát nhập Crimea và chiếm miền đông của Ukraine vào 2014, khối NATO đã giúp Ukraine võ khí, huấn luyện quân sự, cải tổ quân lực Ukraine và triển khai thêm quân vào vùng Đông Âu. Viện trợ của các nước NATO cho Ukraine gia tăng đáng kể từ khi Nga dàn quân dọc theo biên giới Ukraine vào cuối năm 2021.

 

TẠI SAO UKRAINE CHƯA LÀ THÀNH VIÊN CỦA NATO?

 

Ukrainian People’s Republic (Cộng Hòa Nhân Dân Ukraine) dành được độc lập vào năm 1991 sau khi Liên Bang Xô Viết xụp đổ. Ukraine, tên mới, gia nhập Commonwealth of Independent States (CIS) của Nga. Ba năm sau, Ukraine thiết lập liên hệ với NATO. Từ đó, quan hệ với NATO ngày một chặt chẽ ngoại trừ 2013-2015 dưới thời Tổng Thống thân Nga Viktor Yanukovych.

 

Ukraine trở thành một trong những nước bạn với NATO (partner country) cùng với Bosnia, Herzegovina và Georgia. Ukraine tuyên bố nhiều lần muốn trở nên thành viên chính thức của NATO và mục tiêu này ghi trong hiến pháp của Ukraine để được bảo vệ theo Điều 5 của Hiệp Ước NATO: phòng thủ tập thể. Tuy nhiên hiện nay Ukraine xem ra chưa đủ điều kiện để vào NATO về phương diện chính trị, kinh tế và quân sự. Vấn đề tham nhũng trong chính quyền là một trở ngại. Ngoài ra, những quốc gia NATO e ngại rằng Ukraine gia nhập NATO trong khi căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang sôi động có thể dẫn đến xung khắc trực tiếp giữa NATO và Nga vì nguyên tắc phòng thủ chung. Ngoài ra, muốn gia nhập phải được sự chấp thuận của tất cả 30 nước hội viên.

 

ĐÒI HỎI CỦA NGA ĐỐI VỚI NATO

 

Tổng Thống Vladimir Putin nhiều lần lên tiếng rằng Tây Phương đã phản bội Nga vì đã không tôn trọng lời hứa vào cuối giai đoạn chiến tranh lạnh rằng NATO sẽ không bao giờ bành trướng về phía Đông Âu. NATO đã phủ nhận lời hứa đó. Không những vậy Nga còn muốn NATO ngưng những hoạt động quân sự ở Đông Âu, lui về Tây Âu, và không bao giờ cho Ukraine gia nhập NATO. 

 

Một điều đáng chú ý là Nga đưa ra những đòi hỏi mà họ cho là cốt lõi sau khi đã dàn quân ba phía quanh Ukraine để gây áp lực. Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Alexander Grushko còn đe dọa dùng võ lực nếu Nga cảm thấy bị đe dọa “Chúng tôi có một loạt biện pháp quân sự chúng tôi có thể xử dụng nếu chúng tôi cảm thấy mối đe dọa thật sự cho an ninh của chúng tôi.” 

 

Dĩ nhiên là NATO và Hoa Kỳ đã bác bỏ yêu cầu của Nga và khéo léo nhắc nhở Putin rằng bức tường Bá Linh đã xụp đổ hơn đã hơn ba thập niên vào 1989, khối Warsaw đã tan rã, và nhiều thành viên của Warsaw Pack nay là hội viên của NATO. Bà phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Wendy Sherman tuyên bố rằng “Hoa Kỳ và những đồng minh NATO đã nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ chính sách mở cửa đón thành viên mới vào NATO.” 

 

https://vietbao.com/images/file/GimMkCT32QgBAOJj/w400/military-power.jpg

Ảnh: từ tạp chí Der Spiegel

 

Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga không có quyền phủ quyết về việc Ukraine gia nhập NATO. Nga cho rằng bị Ukraine đe dọa là sai. “Ukraine là một quốc gia có chủ quyền. Ukraine có quyền tự vệ. Ukraine không là mối đe dọa cho Nga. Nói rằng Ukraine là một mối đe dọa cho Nga là đảo ngược mọi thứ.”

 

Theo thống kê của báo Đức Der Spiegel, sức mạnh của NATO so với Nga như sau:

 

NATO: 3,200,000 quân, 9,800 xe tăng, và 6,100 phi cơ quân sự.

Nga: 830,000 quân, 3,000 xe tăng, và 1,900 phi cơ quân sự.

 

TRUMP VÀ NATO

 

Quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã hư hại nghiêm trong trong bốn năm của Tổng Thống thứ 45.  Trump đã chỉ trích nặng nề NATO, cho rằng đây là một tổ chức thiếu hiệu quả và kết tội hầu hết các đồng minh là ăn bám vào Hoa Kỳ. Đi xa hơn nữa, ông còn đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO nếu những nước thành viên không tăng ngân sách quốc phòng. Trump chỉ trích nhiều nhất Đức, một quốc gia có nền kinh tế lớn nhất tại Âu châu, vì không hành động đủ để tăng cường an ninh của chính mình.

 

Trump từng tuyên bố NATO đã lỗi thời khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo Đức Bild vài ngày trước khi nhậm chức tổng thống vào 2017. Ông nói “NATO lỗi thời thứ nhất vì đã được thành lập rất nhiều năm trước đây. Thứ hai, các quốc gia không chịu chi tiền theo nhu cầu đòi hỏi, và không đối phó với khủng bố.” Ông cũng thường xuyên nhắc nhở đến NATO trong thời gian tranh cử. Trump không ngần ngại chọc giận ngay cả Thủ Tướng Đức Angela Merkel, nói rằng bà đã làm thương tổn nước Đức khi đón nhận những “kẻ phi pháp”. 

 

Trump xem ra bị cô lập với những nhà lãnh đạo NATO khác. Trong hội nghị tại Anh quốc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, Trump đã bỏ về Mỹ nửa chừng sau khi xem một đoạn video quay những nhà lãnh đạo NATO riễu cợt về Trump lúc không có ông vì đến trễ. Hình ảnh thời sự cho thấy nhiều lúc Trump ngồi bơ vơ một mình giữa đám đông và tại Hội Nghị NATO vào năm 2017 tại Brussels, Trump đã xô đẩy Thủ Tướng Dusko Markovic của Montenegro để xen vào đám đông các nhà lãnh đạo NATO. Trump không được ưa thích tại Âu Châu.

 

Cựu Tổng Thống Trump ký thỏa hiệp với lực lượng khủng bố Taliban vào 2020 mà không hỏi ý kiến các đồng minh NATO và quyết định rút quân ra khỏi Afghanistan chỉ trong vòng vài tháng mặc dù đồng minh NATO gửi quân giúp Hoa Kỳ ở đây. Chưa hết, Trump cũng quyết định rút quân khỏi Syria mà không thảo luận gì với các nước đồng minh NATO là Anh và Pháp, có mặt tại chiến trường Syria.

 

Vào 2020 Trump đơn phương quyết định rút 10,000 quân Mỹ ra khỏi nước Đức mà không tham khảo hoặc cũng không thông báo cho nước chủ nhà. Điều này chắc chắn làm Putin hài lòng nhưng tỏ ra thất lễ với chính quyền và nhân dân Đức.

 

Chủ nghĩa đơn phương phản ảnh chính sách thiếu ngoại giao “America First”, làm giảm sự tin cậy giữa Hoa Kỳ và các thành viên NATO. Trong khi chỉ trích các đồng minh NATO, cựu Tổng Thống Donald Trump lại thường xuyên ca ngợi Putin, một đối thủ độc tài của Hoa Kỳ.

 

Một bài phân tích của Juris Jurans trên Atlantic Forum nhận định rằng với chính sách “America first” của Trump, nhận thức của thế giới về nước Mỹ như một người bạn và một đồng minh đã thay đổi sâu sa. Bây giờ nhiều nước xem Hoa Kỳ là một nước không đáng tin cậy và phần nào nguy hiểm.   

 

Peter Buttigieg, nay là Bộ Trưởng Giao Thông trong chánh phủ Biden, và Phillip Gordon, trong một bài phân tích phổ biến trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 7, 2020, đã nhận định xác đáng rằng bốn năm bất cẩn, đơn phương chủ nghĩa, và chánh sách ngoại giao thất bại đã làm cho những liên minh của Hoa Kỳ rách ra từng mảnh. Trump liên tục lập luận rằng Hoa Kỳ trả tới 90% chi phí bảo vệ Châu Âu. Điều này phản ảnh sự thiếu hiểu biết của Trump về NATO hoặc tệ hơn nữa là một mưu tính làm cho những người ủng hộ ông chống lại NATO. Hoa Kỳ thật sự chỉ tiêu một phần nhỏ ngân sách cho NATO. Trong khi đó, những nước đồng minh Âu Châu cung cấp đất, cơ sở hạ tầng, và trợ cấp tài chánh cho những căn cứ của Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ không phải chỉ ở Âu châu, mà còn ở cả Phi Châu và Trung Đông.

 

Fiona Hill, một cựu cố vấn hàng đầu về Nga của cựu Tổng Thống Trump, nói rằng Trump đã nhạo báng và làm suy yếu NATO. Ông ta còn toan tính trục lợi cho chiến dịch tranh cử 2016 bằng cách bắt chẹt Ukraine đang cần viện trợ để chống Nga xâm lược. Theo Bà Hill, Trump đối xử thành viên NATO như những kẻ đóng tiền để được che chở làm ăn.

 

BIDEN VÀ NATO

 

Trump đã để lại cho đương kim Tổng Thống Joe Biden một căn nhà NATO chưa đổ vỡ nhưng xiêu vẹo. Nếu Trump làm thêm bốn năm nữa chắc chắn ngôi nhà NATO sẽ sụp đổ hoặc sẽ không có Hoa Kỳ. Sau khi Trump ra đi, không còn là mối đe dọa cho NATO nữa, nhưng NATO ngày nay đã khác nhiều với các nước thành viên Âu Châu độc lập hơn với Hoa Kỳ.

 

Sau khi nhậm chức Tổng Thống Joe Biden đã mau chóng hàn gắn lại những rạn nứt với NATO do Trump gây ra. Ông đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tiên được tổ chức vào 14-06-2021 tại Brussels. Tại đây ông đã tái xác nhận cam kết của Hoa Kỳ đối với NATO và tuyên bố NATO là cần thiết đối với Hoa Kỳ và Điều 5 là một nghĩa vụ thiêng liêng. Tổng Thống Biden nói “Hiệp Ước NATO vững chắc và không lay chuyển được.”

 

Thủ Tướng Bỉ Alexander De Coo chào mừng Tổng Thống Biden tham dự hội nghị và nói rằng sự hiện diện của ông nhấn mạnh sự tái sinh của hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư Ký của NATO nói đến chương sách mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông nói thêm rằng NATO có thể sống qua khỏi bất cứ lãnh tụ chính trị nào ngay cả Trump, người thường xuyên tấn công NATO.

 

Cuộc điều nghiên của Pew Research Center (PRC) cho thấy hình ảnh của Hoa Kỳ trên thế giới đã hồi phục sau khi Biden lên làm Tổng Thống. Điều này đặc biệt đúng đối với những nước đồng minh và bạn chính của Hoa Kỳ. Cuộc thăm dò dư luận của PRC ở 12 quốc gia vào năm 2020 và 2021 cho thấy 75% số người được hỏi tín cậy Biden so với 17% đối với Trump.

 

Liên hệ giữa Hoa Kỳ và NATO thay đổi rõ rệt một cách tốt đẹp từ khi Joe Biden làm tổng thống dù mới chỉ hơn một năm, kịp thời để đối phó với tình hình Âu Châu ngày một nghiêm trọng hơn do tham vọng xâm chiếm Ukraine của Nga.

 

-----------------

THAM KHẢO

 

1. AFP, “Biden to rebuild sacred NATO bond shaken by Trump,” June 14, 2021.

 

2. Miriam Berger, “What is NATO, and what is its role in the Russia-Ukraine crisis?,” Washington Post, February 14, 2022.

 

3. Pete Buttigieg and Philip H. Gordon, “Present at the destruction of US power and influence,” Foreign Policy, July 14, 2020.

 

4. John Harwood, “Former top Trump Russia adviser details the sharp contrast between the former president and Biden,” CNN, February 20, 2022.

 

5. Al Jareera staff, “NATO and the Ukraine-Russia crisis: five key things to know.” Al Jareera, Febuary 15, 2022.

 

6. Juris Jurans, “NATO after Trump: Nain challenges for the Biden administration,” Atlantic Forum, February 1, 2021.

 

7. Cyra Master, “Trump tells German paper: NA ‘obsolete’,” The Hill, January 15, 2017.

 

8. Patrick Reevell and Conor Finnegan, “NATO rejects Russian demands for security guarantees in latest round of talks,” ABC News, January 12, 2022.

 

9. Richard Wike, et al. “America’s image abroad rebounds with transition from Trump to Biden,” Pew Research Center, June 10, 2021.





No comments:

Post a Comment

View My Stats