Monday, 7 February 2022

KHỦNG HOẢNG UKRAINA : VLADIMIR PUTIN, NGA HOÀNG ĐƠN ĐỘC và NHÀ NGOẠI GIAO BẤT ĐỊNH (Minh Anh - RFI)

 



Khủng hoảng Ukraina: Vladimir Putin, Nga Hoàng đơn độc và nhà ngoại giao bất định

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 07/02/2022 - 14:42

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220207-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ukraina-vladimir-putin-nga-ho%C3%A0ng-%C4%91%C6%A1n-%C4%91%E1%BB%99c-v%C3%A0-nh%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%8Bnh

 

Hôm nay, 07/02/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Matxcơva để gặp đồng nhiệm Vladimir Putin nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm leo thang căng thẳng trong hồ sơ Ukraina. Trong cuộc đọ sức này với phương Tây, Vladimir Putin là người « quản trò ». Với một nhóm cố vấn ít ỏi, tổng thống Nga lại là người duy nhất ấn định trình tự quân sự-ngoại giao. Nhưng tất cả đều có chung một nỗi ám ảnh : Ukraina, và có cùng một tham vọng : Một thắng lợi phục thù trước phương Tây. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/645d87a8-8815-11ec-b65e-005056a97e36/w:1024/p:16x9/AP21355688753894.webp

Tổng thống Vladimir Putin (G) và bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu, tham quan một triển lãm quân sự, Matxcơva, Nga, ngày 21/12/2021. AP - Mikhail Metzel

 

Gây bất ngờ, không thích hành động dưới áp lực, lá chủ bài chiến thuật quen thuộc của tổng thống Nga rồi cũng đã được phô trương. Sau nhiều tuần im lặng, chủ nhân điện Kremlin, ngày thứ Ba 01/02/2022 đã bày tỏ quan điểm về hồ sơ Ukraina. Nhật báo La Croix lưu ý, khi tổng thống Nga lên tiếng không có nghĩa là ông cùng với các cộng sự đã quyết định bước tiếp theo cho những sự kiện đang diễn ra. Chủ nhân điện Kremlin không thể kết thúc cuộc chơi quân sự - ngoại giao do chính ông khai màn mà không đạt được kết quả gì. Ông dành thời gian và ấn định chương trình nghị sự. Phát biểu hiếm hoi nhưng mang nặng ý nghĩa và hàm ý, tổng thống Nga duy trì một kiểu căng thẳng mà ông cần cho chính sách đối ngoại bất định của mình. 

 

Thế nên, đích thân ông chọn khách mời. Trước nguyên thủ Pháp, tổng thống Nga đã đón tiếp Viktor Orban, thủ tướng Hungary, đồng minh hờ của Matxcơva nhưng lại là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO. Sau Macron, chủ nhân điện Kremlin sẽ tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz. Và trái với những lời kêu gọi đối thoại từ Paris và Berlin, Vladimir Putin chọn lời lẽ cứng rắn. Những đòi hỏi của ông (chấm dứt mở rộng khối NATO và các cuộc tập trận) là phải trở về với cột mốc của 30 năm trước, sau ngày Liên Xô tan rã. 

 

Nhưng những yêu cầu đó là do một nhóm cố vấn thân cận rất hạn chế ấn định. Họ cũng từng là sĩ quan KGB như Vladimir Putin và đã có được một tầm ảnh hưởng ngày càng lớn. Nếu như những vị khách mời châu Âu đến Matxcơva là để đàm phán giảm bớt quân số ở biên giới gần Ukraina, thì những « diều hâu » KGB này – những người đã từng bắt đầu sự nghiệp chính trị  trong những năm còn Liên Xô cũ – lại hướng theo trục đọ sức với Washington về những vấn đề rộng lớn hơn của cấu trúc an ninh. Họ biện minh cho luận điểm chống phương Tây khi nhắc lại những lời « nói dối » của Mỹ những năm 1990.  

 

Nhóm cố vấn thân cận của Putin, họ là những ai ?  

 

Theo thông tín viên của báo La Croix, Benjamin Quénelle, tại Matxcơva, trong số những người được cho là thân tín nhất, mà chủ nhân điện Kremlin có thể lắng nghe, người ta thấy có hai nhân vật được cho là cực kỳ trung thành và tiếng nói có trọng lượng nhất là Nikolai Patrouchev – thư ký Hội Đồng An Ninh Nga, cựu lãnh đạo cơ quan phản gián ; Serguei Narychkine – giám đốc cơ quan tình báo.  

 

Rồi còn có hai Serguei khác, chơi theo một bản nhạc khác nhưng có tính chất bổ sung : Lavrov – ngoại trưởng Nga, nhạc trưởng cho các cuộc đàm phán và Choigou – bộ trưởng Quốc Phòng, người bày binh bố trận. Người thứ nhất có được sự tin tưởng, còn người thứ hai là bằng hữu của ông. Bên cạnh những người trên, còn phải kể đến Igor Setchine – chủ nhân tập đoàn Rosneft, hay Evgueni Prigojine – người giữ vai « ác » trong chính sách đối ngoại của Nga, vị doanh nhân đứng sau tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga…  

 

Có thể nói, giờ thì người Nga cảm thấy tự hào vì đã tìm lại được vị thế và uy tín của mình. Nhưng những lời lẽ mang nặng tinh thần dân tộc đang làm dấy lên nhiều lo lắng, ngay cả trong lòng khối cử tri trung thành nhất với nguyên thủ Nga : Ưu tiên dành cho chi tiêu quân sự và những đe dọa chiến tranh liệu có sẽ đi đến đẩy xa hoàn toàn nước Nga – nay đã trở thành một ông khổng lồ chính trị nhưng vẫn là một chú lùn kinh tế, ra khỏi phương Tây hay không ?  

 

Chỉ có điều câu hỏi này được phe chủ trương tự do có tầm ảnh hưởng thu hẹp đặt ra, lại không là chủ đề đáng bận tâm đối với phe diều hâu, vốn dĩ không chút e sợ các biện pháp trừng phạt. Trong nhãn quan của tổng thống Nga và những người thân tín, mối bận tâm duy nhất là Washington, chứ không phải là các thủ đô châu Âu, bị khinh bỉ, bị thao túng do những chia rẽ và bất đồng.  

 

Những nhân vật « diều hâu » Nga này chỉ có một ám ảnh duy nhất là làm thế nào giữ Ukraina, xưa kia còn được gọi là Tiểu Nga trong vòng ảnh hưởng. Giới tinh hoa nuôi dưỡng một trạng thái mập mờ về tầm nhìn đế quốc của họ, theo đó, nền độc lập của Ukraina chỉ là một trò giả tạo. 

 

Thế nên, theo La Croix, tại Matxcơva, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải hiểu được tâm trạng này và tránh để bị sập bẫy về một thỏa thuận có nguy cơ sẽ sụp đổ trong vài tuần. La Croix cảnh báo, điện Kremlin nắm rất rõ các lịch trình bầu cử ở châu Âu. Chủ nhân điện Kremlin, tuy chưa hẳn là một chiến lược gia, nhưng vẫn là một kỳ thủ cờ vua, sẵn sàng gây bất ngờ các đối thủ. Với tầm nhìn này, bất kể có ra sao, đây sẽ là một thắng lợi hồi tố 30 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ.  

 

-------------

NGA - UKRAINA

Năm kịch bản về việc Nga xâm lược Ukraina

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats