Monday, 14 February 2022

CUỘC KHỦNG HOẢNG GỌNG KÌM CHƯA AI MUỐN THỪA NHẬN (Thục Quyên)

 



Cuộc khủng hoảng gọng kìm chưa ai muốn thừa nhận

Thục Quyên

13/02/2022

https://baotiengdan.com/2022/02/13/cuoc-khung-hoang-gong-kim-chua-ai-muon-thua-nhan/

 

Bài này dựa trên bài bình luận của Joachim Krause, giám đốc Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel (Cộng Hỏa Liên bang Đức), đăng trên báo Neue Zürcher Zeitung, nhật báo Thụy Sĩ, tiếng Đức, ngày 22-4-2021.

 

                                                          *

Không phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc và Nga đang cùng lúc leo thang quân sự. Trong khi Nga đổ quân ồ ạt dọc biên giới Ukraine thì Trung Quốc tăng cường vi phạm không phận Đài Loan: Đôi bên cấu kết để cùng lúc gây ra các cuộc khủng hoảng khu vực, một cuộc chiến chống lại phương Tây đang hình thành.

 

Một mô hình mà thật ra các chuyên gia quân sự từ lâu đã nhắc tới: Đó là mối hiểm nguy khi Moscow và Bắc Kinh thông đồng với nhau, cùng lúc chọn cách giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực chung quanh họ bằng quân sự.

 

Gần một năm qua người ta có thể theo dõi hoạt động triển khai quân sự của Nga ở khu vực biên giới phía đông với Ukraine và tại Crimea. Đồng thời, Trung Quốc có vẻ chuẩn bị giải quyết “vấn đề Đài Loan” thông qua phong tỏa hàng hải hòn đảo này, cũng như bằng các cuộc tấn công có chủ đích vào các cơ sở chính trị và quân sự quan trọng, hoặc thậm chí thông qua một cuộc xâm lược quân sự bằng đường biển và đường hàng không.

 

Liên minh chính trị và quân sự

 

Nga và Trung Quốc không chỉ thách thức những luật lệ điều hành trật tự quốc tế, mà họ còn coi những khu vực chung quanh họ thuộc phạm vi ảnh hưởng và dưới quyền thống trị độc quyền của họ, đẩy Hoa Kỳ vào vai trò đối thủ chính trị và quân sự chính. Nhiều dấu hiệu cho thấy, rõ ràng Moscow và Bắc Kinh đã tạo thành một liên minh chính trị và quân sự, cho phép họ tăng cường sức mạnh trong khu vực, hầu khẳng định quyền lực tối cao của mình.

 

Họ né tránh một cuộc xung đột vũ trang lớn với Hoa Kỳ. Thay vào đó, họ cố gắng sử dụng chiến thuật lát xúc xích (salami) trong các cuộc xung đột khu vực ở những vùng ngoại vi của họ, dùng các biện pháp can thiệp quân sự hạn chế, để dần dần đạt kết quả mong muốn. Những can thiệp này có thể gián tiếp về bản chất, nhưng cũng có thể dưới dạng một cuộc xâm lược cổ điển.

 

Tại những khu vực này (cụ thể: Biển Đông, Đài Loan, Biển Hoa Đông, các nước Baltic và khu vực Biển Đen), có những quốc gia nằm trong một liên minh an ninh chính thức với Hoa Kỳ hoặc ít nhất duy trì hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong các vấn đề an ninh.

 

Trên thực tế, Mỹ là quốc gia duy nhất có thể bảo vệ những quốc gia này khỏi sự xâm lược quân sự của Moscow hoặc Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu các lực lượng vũ trang Mỹ trong trường hợp khẩn cấp có thể nhận được lực lượng tiếp viện đang đóng quân ở Mỹ hoặc các khu vực khác.

 

Điểm mấu chốt hiện nay là Mỹ không còn khả năng huy động quân tiếp viện cho hai cuộc chiến tranh khu vực đồng thời xảy ra ở châu Âu và châu Á.

 

Đây chính là động lực để Moscow và Bắc Kinh cùng lúc thúc đẩy các mục tiêu lan rộng trong khu vực. Điều này sẽ buộc chính quyền Biden phải chỉ chọn một trong hai nơi để đối đầu, hoặc lâm vào nguy cơ bị tê liệt nếu đối đầu cả hai.

 

Trong hoàn cảnh hiện tại, không thể phân biệt được ai đang “phò” ai. Có phải Nga đang ủng hộ Trung Quốc cho một cuộc tấn công Đài Loan sắp xảy ra? Hay ngược lại, chính Trung Quốc đang đánh trống trận với Đài Loan để tạo cơ hội cho Nga xâm lược Ukraine?

 

Châu Âu cần phải bước vào vòng

 

Tình hình trên có ý nghĩa gì đối với chính sách an ninh của châu Âu?

 

Một mặt, trước các cuộc khủng hoảng, các chính trị gia châu Âu hàng đầu không thể chỉ theo chính sách giảm leo thang. Đã đến lúc họ phải chia nhau trách nhiệm cụ thể để vượt qua các cuộc khủng hoảng, và phải phát triển các cách tiếp cận chính trị, hầu hạn chế hành vi gây hấn của Nga ở châu Âu.

 

Mặt khác, vô cùng cần thiết, là các quốc gia như Đức hoặc các nước châu Âu khác phải xây dựng lực lượng vũ trang của mình càng nhanh càng tốt để bù đắp cho các nguồn lực quân sự đang giảm dần của Hoa Kỳ.

 

Năm 2014, chính phủ Liên bang Đức đã quyết định không chỉ tái vũ trang hoàn toàn quân đội cho tới năm 2030, mà còn mở rộng nó thành ba đơn vị để sẵn sàng cho các hoạt động ở các nước Baltic. Đáng tiếc, việc thực hiện mục tiêu này cho tới nay liên tục bị trì hoãn.

 

Hiện nay, Anh tuyên bố có kế hoạch triển khai binh lực sang châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang xem xét triển khai quân ở sườn phía Đông, trong đó có Slovakia, Bulgaria, Hungary và Romania. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine, Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch dùng các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào Nga như giới hạn xuất khẩu, khóa tài khoản, và cả đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats