Monday, 14 February 2022

CÂU HỎI LỚN XOAY QUANH NHỮNG VŨ KHÍ BIẾT TỰ QUYẾT SẼ GIẾT AI (Die Welt)

 



Câu hỏi lớn xoay quanh những vũ khí biết tự quyết sẽ giết ai

WELT

Nguyễn Xuân Hoài, biên dịch

13/02/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/02/13/cau-hoi-lon-xoay-quanh-nhung-vu-khi-biet-tu-quyet-se-giet-ai/

 

Một cuộc cách mạng đang diễn ra trong nghệ thuật chiến tranh, vũ khí hiện đại không cần con người điều khiển, chúng tự nhận dạng và giết chết nạn nhân của mình. Các nhà nghiên cứu Đức đang kêu gọi cấm các loại robot giết người kiểu này. Nhưng điều đó không phù hợp với một số quốc gia.

 

Trong bộ phim “Kẻ hủy diệt” (Terminator) năm 1984, máy tính và cỗ máy chiến tranh thông minh đã giành quyền lực trong tương lai, Kẻ hủy diệt đưa một robot được lập trình để giết người vào cuộc chiến với hiệu quả cao. Người xem nghĩ đây là khoa học viễn tưởng thuần túy. Trong thực tế, kỷ nguyên của những cỗ máy chiến đấu biết “tư duy” đã diễn ra từ lâu, cho dù chúng chưa mang hình hài con người, mà mới ở dạng chó robot có khả năng chiến đấu.

 

Drone (thiết bị bay không người lái) cho thấy trong thực tế chiến tranh đã thay đổi nhiều như thế nào. Đối với việc sử dụng thiết bị bay không người lái, người ta không còn cần người theo dõi tại chỗ hình ảnh mà camera trên thiết bị đã ghi lại và cuối cùng là nhấn nút trên cần điều khiển từ xa. Drone ngày nay có thể độc lập phá hủy thiết bị chiến tranh của đối phương và tiêu diệt quân địch.

 

Daan Kayser đến từ Paxforpeace, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Utrecht, Hà Lan, một người rất am hiểu về các hệ thống vũ khí tự động này cho biết: “Tất cả những gì bạn phải làm là tải bản đồ khu vực và nạp các thông tin về mục tiêu vào cơ sở dữ liệu.

 

Người ta thậm chí có thể kết hợp các drone này thành bầy đàn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc, và theo các đơn vị, mỗi đơn vị thực hiện các chức năng khác nhau. Cái thì quan sát hoạt động của kẻ thù, cái khác phá liên lạc vô tuyến, số còn lại tham gia tấn công đối phương.

 

Một trong những drone loại mới này có thể tấn công theo bầy đàn là STM Kargu của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng có tên “loitering munition”, bay lững lờ trên không, rình mò mục tiêu, khi phát hiện kẻ thù chúng lao thẳng vào đối thủ tiêu diệt chúng theo kiểu “thần phong” kamikaze. Theo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hệ thống vũ khí tự động này được đưa vào cuộc chiến ở Libya lần đầu tiên, mùa hè 2020.

 

Khi đó, STM Kargu của Thổ Nhĩ Kỳ rượt đuổi binh lính của tướng Khalifa Haftar khi tháo chạy khỏi thủ đô Tripoli. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhận thấy: “Các mục tiêu đã bị tấn công mà không cần liên kết dữ liệu giữa người điều khiển và drone”. Điều đó có nghĩa là drone đã được lập trình để giết binh lính mà không cần sự can thiệp của con người.

 

Kayser giải thích: “Với thời gian số người cần thiết để điều khiển một đàn drone kiểu này ngày một giảm. Điều chỉ cần phải làm là cho chúng xuất phát. Khâu triệt hạ đối thủ drone tự làm dựa vào trí tuệ nhân tạo, tức các thuật toán mà chúng đã được lập trình.

 

 

“Một sự phát triển đáng sợ”

 

Kayser nói: “Khi khoa học viễn tưởng phát triển thành sự thật thì thật rất đáng sợ. Đối với ông, các hệ thống vũ khí tự động đại diện cho một bước nhảy vọt quyết định trong lịch sử phát triển công nghệ vũ khí. “Đó là cuộc cách mạng thứ ba”, Kayser nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi. “Đầu tiên là sự phát minh ra bột đen (thuốc súng), sau đó là đầu đạn hạt nhân, và bây giờ là hệ thống vũ khí tự động.”

 

Libya không phải là địa bàn duy nhất mà loại vũ khí mang tính cách mạng mới cho thấy sức mạnh của nó. Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020, Azerbaijan chỉ có thể tái chiếm các khu vực tranh chấp với Armenia với sự trợ giúp của các drone của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Quân đội Mỹ cũng đã sử dụng các hệ thống vũ khí này ở Iraq và Afghanistan.

 

Công nghệ quân sự tự động đang trên đà phát triển, nếu không sử dụng nó thì khó có thể thắng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai. Bởi lẽ chúng không chỉ giới hạn dưới dạng máy bay không người lái, mà có thể được lắp đặt trong hầu hết các hệ thống vũ khí trên tàu thủy, trên máy bay và các phương tiện giao thông trên bộ.

 

Hiện đã có một số robot giết người di động có thể hoạt động cùng các đơn vị bộ binh trên chiến trường. “Tương lai là của vũ khí không có người điều khiển”, công ty Mỹ SWORD Defense Systems viết trên trang web của mình về SPUR (Súng trường không người lái đặc biệt). Hệ thống vũ khí, được phát triển cùng với công ty Ghost Robotics, giống như một con chó robot. Theo nhà sản xuất, SPUR có thể được sử dụng cả ngày lẫn đêm nhờ nhiều cảm biến và trang bị súng trường Creedmore 6,5 có thể bắn xa 1200 mét.

 

http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/02/dog-robot-768x751.jpg

Quân đội Mỹ đang huấn luyện chó robot

 

Các cường quốc thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nga, lẫn Anh, Israel và Hàn Quốc, đều đang thúc đẩy sự phát triển này. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang yêu cầu chính phủ tổng cộng 874 triệu USD cho 600 dự án trí tuệ nhân tạo vào năm 2022. Thị trường vũ khí tự động toàn cầu ước tính trị giá 11,56 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​đạt 30 tỷ USD vào năm 2030.

 

Hệ thống vũ khí tự động đã có từ nhiều năm nay. Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel tự động tính toán quỹ đạo tiếp cận tên lửa đối phương, phóng tên lửa đánh chặn và bắn hạ kẻ tấn công trên không.

 

Ở Hàn Quốc, biên giới với Triều Tiên được canh gác bởi các robot chiến đấu phản ứng với các chuyển động và có thể tự nạp đạn. Tuy nhiên, những vũ khí này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của con người. Mặt khác, với các hệ thống tự động mới, vào một thời điểm nhất định có thể tự quyết định theo các thuật toán của nó, đối thủ nào sẽ bị triệt hạ.

 

Kayser từ Paxforpeace cho biết: “Tất nhiên, điều này đặt ra những câu hỏi lớn về luân lý và đạo đức khi không có người tham gia và máy móc quyết định về sự sống và cái chết.” Trong quá khứ, các cuộc tấn công bằng drone thực hiện từ một phòng tác chiến đã bộc lộ rất nhiều sai sót bi thảm.

 

Tháng 8 năm ngoái, quân đội Mỹ tại Afghanistan đã nhầm lẫn giữa một chiếc xe bán tải bình thường với một chiếc xe của lực lượng dân quân khủng bố IS. Mười thường dân vô tội đã thiệt mạng trong cuộc không kích bằng drone gần sân bay Kabul. Liệu những rủi ro khôn lường sẽ còn nảy sinh khi hệ thống vũ khí và máy tính nắm quyền điều khiển?

 

“Chúng ta cần một thỏa thuận quốc tế cấm các loại vũ khí này”, Kayser yêu cầu. “Và Đức có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc này.” Một mặt, chính phủ liên bang mới muốn đẩy mạnh “chế độ kiểm soát quốc tế đối với máy bay không người lái có vũ trang”. Đặc biệt chính phủ Đức muốn “thúc đẩy lệnh cấm quốc tế đối với các hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người”.

 

Tháng 11 vừa qua, 84 nhà nghiên cứu nổi tiếng của Đức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và người máy đã viết thư ngỏ gửi chính phủ Liên bang mới ủng hộ lệnh cấm này. “Lập trường kiên quyết của Đức có thể không chỉ ảnh hưởng đến các nước trong phạm vi EU”, Kayser cho biết.

 

Cho đến nay, lệnh cấm đối với các robot sát thủ vẫn chưa được đưa ra. Các cuộc đàm phán giữa 125 quốc gia tham gia Công ước về vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Geneva bị đổ vỡ hồi tháng 12. Một trong những lý do là Mỹ và Nga đã ngăn cản việc sửa đổi công ước. Tuy nhiên, Kayser tỏ ra tự tin, “Sẽ có một thỏa thuận, như đã được thực hiện trước đây về mìn, bom và đạn chùm.” Câu hỏi còn lại là: Liệu các ông lớn Mỹ, Nga và Trung Quốc có nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận đó hay không?

 

 

Nguồn: Autonome Kampfmaschinen: Diese Waffen entscheiden allein, wen sie töten, WELT, 06/02/2022.

 

 

----------------------------

 

XEM THÊM

 

Làm thế nào để chống lại chiến lược bầy đàn rô-bốt

Nguồn: Paul Scharre, “Counter-Swarm: A Guide to Defeating Robotic Swarms”, War on the Rocks, 23/3/2015.

Biên dịch: Lê Thanh Danh |

Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương Kỳ 1: Công nghệ rô-bốt trong quân sự: Tự vận hành là gì? |

Kỳ 2: Rô-bốt tham chiến: Ưu thế của số lượng | Kỳ 3: Các đàn rô-bốt và …

Continue reading Làm thế nào để chống lại chiến lược bầy đàn rô-bốt

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats