Tuesday 1 February 2022

BÉ HẠT TIÊU LITHUANIA ĐỐI ĐẦU VỚI GÃ KHỔNG LỒ TRUNG QUỐC (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Bé hạt tiêu Lithuania đối đầu gã khổng lồ Trung Quốc

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

31 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/be-hat-tieu-lithuania-doi-dau-ga-khong-lo-trung-quoc/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Paulius-Andriekus-1024x683.jpeg

Một lâu đài cổ ở Kaunas, Lithuania. Ảnh: Paulius Andriekus/Unsplash

 

Trong những tháng gần đây, Lithuania, một quốc gia Đông Âu nhỏ bé chưa đầy ba triệu dân đã thu hút được sự chú ý của thế giới khi dám công khai đối đầu với Trung Quốc, một siêu cường hơn 1.1 tỷ dân và có nền kinh tế sắp vượt qua Mỹ. Nhưng xe nghiêng hay chấu chết? Hãy chờ thời gian trả lời.

 

Chọc gai vào mắt Bắc Kinh

 

Mọi chuyện bắt đầu vào năm ngoái, khi Lithuania “liều mạng” chọc gai vào mắt Bắc Kinh, không chỉ một lần mà đến hai lần trong chỉ vài tháng!

 

Đầu tiên, quốc gia nhỏ bé từng thuộc Liên Xô cũ này rút khỏi cái gọi là “nhóm 17+1”, một diễn đàn gồm 17 quốc gia Đông, Trung Âu, Trung Quốc và khuyến khích những nước châu Âu khác làm điều tương tự. Khi Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh doanh trong khu vực (đáng chú ý nhất là là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) với các dự án cơ sở hạ tầng) thì bất kỳ hình thức phản đối nào của châu Âu đều không được Bắc Kinh hoan nghênh.

 

Tiếp theo, đến Tháng Mười Một, Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện với tên gọi “Đài Loan” hẳn hòi chứ không phải “Đài Bắc, Trung Quốc” như thường thấy ở châu Âu và Mỹ để tránh ám chỉ sự độc lập của hòn đảo. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc mở văn phòng đại diện tại Vilnius sẽ “tạo ra một lộ trình mới và đầy hứa hẹn cho quan hệ song phương giữa hai nước”.

 

Động thái này ngay lập tức làm Bắc Kinh phẫn nộ, xúc phạm nguyên tắc Một Trung Quốc vì Đài Loan không phải là lãnh thổ có chủ quyền độc lập (dù hai bên được quản lý riêng biệt bởi hai hệ thống chính trị riêng biệt trong hơn bảy thập kỷ sau một cuộc nội chiến). Theo nguyên tắc “bất di bất dịch”, bất cứ nước nào muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc đều phải mặc nhiên thừa nhận ngoại giao thực tế này.

 

Nhưng Lithuania giải thích văn phòng mới của Đài Loan không có tư cách ngoại giao chính thức và không mâu thuẫn với chính sách Một Trung Quốc. Bắc Kinh không đồng ý nên đã trả đũa bằng cách hạ cấp quan hệ ngoại giao với Vilnius. Theo Lithuania, Trung Quốc đã chặn hàng nhập của Litva và dựng lên một rào cản thương mại.

 

Chính phủ Trung Quốc nhiều lần bác bỏ đổ lỗi cho chính Lithuania là nguyên nhân của căng thẳng khi gây tổn hại đến “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh, đẩy quan hệ song phương rơi vào thế “đóng băng toàn diện”.

 

Đài Loan giúp đỡ bằng cách mua các sản phẩm lẽ ra Lithuania xuất sang Trung Quốc (có cả 20,400 chai rượu rum) và cam kết sẽ đầu tư hàng trăm triệu đôla vào Lithuania để hỗ trợ nước này thoát sức ép của Trung Quốc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Lithuania-China-Taiwan-Semiconductor-Industry-1024x575.jpg

Minh họa: tfiglobalnews

 

Châu Âu đoàn kết… bằng mồm?

 

Cuộc tranh cãi được Liên minh châu Âu (EU), mà Lithuania là thành viên tham gia. Brussels xem cách Bắc Kinh đối xử với Vilnius là một mối đe dọa cho các nước EU khác vì nhiều thành viên có liên kết kinh tế với Trung Quốc và muốn gắn bó hơn nữa. Ngày Thứ Năm tuần trước, EU đã kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc Bắc Kinh “có các hành vi thương mại phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến cả các mặt hàng xuất khẩu từ Thị trường chung EU”.

 

Vụ kiện lên WTO có thể chỉ là bước khởi đầu trong lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Trung Quốc dù vẫn có những cảnh báo Bắc Kinh có thể trả đũa bằng chiến tranh thương mại hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư vào châu Âu. Năm 1990, Lithuania là nước cộng hoà đầu tiên thuộc Liên Xô tuyên bố tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau đó, quốc gia này gia nhập EU và NATO vào năm 2004.

 

Khi một nước lớn như Trung Quốc thể hiện sự hung hăng, đặc biệt là với Đài Loan và sử dụng thương mại làm vũ khí chống lại các quốc gia châu Âu nhỏ hơn, nhiều người dân Lithuania nhớ về cuộc sống dưới sự thống trị của Liên Xô. “Trung Quốc cần rút ra bài học về việc không tuân thủ các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi, ỷ thế quá giàu – cựu Thủ tướng Lithuania Andrius Kubilius nói – Tôi chưa thấy nước EU lớn nào dám đương đầu với họ. Nay hy vọng, từ Lithuania sẽ lan sang các nước khác, và trong thời gian tới, châu Âu sẽ đoàn kết chống lại một cường quốc không tôn trọng các tiêu chuẩn của mình”.

 

Một trong những lý do khiến các quan chức Lithuania thoải mái hơn so với các đồng minh khi thể hiện lập trường cứng rắn là Trung Quốc chỉ chiếm thị phần xuất khẩu nhỏ của họ. Năm 2019, Lithuania xuất sang Trung Quốc 1.18% so với 13.1% sang Nga và 3.64% sang Mỹ (dù Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất).

 

Đối với Lithuania, lập trường cứng rắn với Trung Quốc không chỉ là một sứ mệnh đạo đức, mà nhiều quan chức còn hy vọng sẽ gửi một thông điệp cho Moscow và chứng minh cho EU thấy là nếu đoàn kết có thể đẩy lùi được các chế độ chuyên quyền.

 

Velina Tchakarova, người đứng đầu Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo, giải thích: “Lithuania đã chịu áp lực thường trực của Nga kể từ khi gia nhập NATO. Nay họ muốn nói với các đồng minh châu Âu là đừng khuất phục các chế độ chuyên quyền ở Bắc Kinh, ở Moscow và châu Âu cần chuẩn bị các biện pháp chống gây áp lực hiệu quả hơn”.

 

Brussels gần đây đã đề xuất một cơ chế pháp lý “có cấu trúc và thống nhất” để “hoá giải” đe dọa kinh tế bằng các phản ứng phù hợp với từng tình huống như thuế quan, hạn chế nhập khẩu và hạn chế tiếp cận thị trường nội bộ của EU. Nhưng các quốc gia EU nhỏ hơn luôn nghi ngờ các nước thành viên lớn có quan hệ thương mại rộng rãi với Trung Quốc sẽ ủng hộ họ khi bị Trung Quốc chèn ép.

 

Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc nằm trong chiến lược “tự chủ” của EU nhằm bớt lệ thuộc vào Mỹ, một siêu cường địa chính trị. Thông qua hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, châu Âu hy vọng sẽ đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc và không còn lo bị một bên lấn áp.

 

Các quốc gia thành viên lớn hơn, đặc biệt là Pháp, đã ủng hộ mạnh mẽ chiến lược tự chủ này. Hệ quả là trong khi các chính trị gia châu Âu bất mãn với cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đàn áp dân chủ ở Hồng Kông và sự hung hăng với Đài Loan, nhiều nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng xa lánh Trung Quốc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Lasma-Artmane-1024x683.jpeg

LATVIJA . Minh họa: Lāsma Artmane/Unsplash

 

Châu Âu rất khó thống nhất đối đầu với Trung Quốc

 

Theo Tchakarova, bằng cách tạo ra cuộc đối đầu với Trung Quốc, Lithuania vừa giúp củng cố vị thế của Mỹ ở châu Âu, vừa cảnh báo Brussels và các đồng minh lớn Đức, Pháp về những rủi ro và nguy hiểm tiềm tàng khi quan hệ quá sâu với Trung Quốc để họ thay đổi lập trường. Một số chính trị gia Lithuania tin rằng lập trường cứng rắn của họ đã mang lại kết quả.

 

Thực tế, Pháp đã ủng hộ họ và cùng phần còn lại của EU kêu gọi Trung Quốc làm dịu tình hình. Pháp đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và đang ở giữa chiến dịch bầu cử tổng thống. Đầu tháng này, Slovenia thông báo sẽ tăng cường thương mại với Đài Loan. Một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định “Lập trường của Brussels là Lithuania không đi ngược lại chính sách Một Trung Quốc, và nếu Trung Quốc tiếp tục có thái độ thù địch, họ phải cung cấp bằng chứng là chính sách này bị vi phạm thế nào”.

 

Gần đây, Brussels đã đoàn kết hơn về một số vấn đề. Sau nhiều năm bất đồng có lúc gay gắt, có thể Brexit và đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo EU rằng sự thống nhất cũng có nghĩa là ngay cả các quốc gia nhỏ như Lithuania cũng có thể sử dụng cơ chế EU để đối đầu với một trong những quốc gia giàu có, quyền lực nhất trái đất.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, kể cả ở Lithuania, đều nghĩ như thế. Tổng thống Gitanas Nauseda ủng hộ việc mở Văn phòng đại diện Đài Loan, nhưng xem việc dùng tên ‘”Đài Loan” là “khiêu khích không cần thiết” khiến Lithuania đang phải giải quyết hậu quả. Bắc Kinh đánh giá cao “thừa nhận sai lầm” này nhưng vẫn khăng khăng Lithuania đã phá vỡ nguyên tắc Một Trung Quốc nên cần sửa sai nhiều hơn nữa!

 

Liệu lập trường của Lithuania với sự ủng hộ của EU sẽ dẫn đến bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Bắc Kinh hay không? Câu trả lời là không. Một bài xã luận gần đây trên tờ Global Times, tờ báo nhà nước theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã đưa ra một loạt bước đi mà Lithuania phải thực hiện để khôi phục quan hệ, đồng thời cảnh báo: “Bất kể họ dùng thủ đoạn nào, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ, dù chỉ nửa cm trong các vấn đề thuộc về nguyên tắc”.

 

Nhưng các chuyên gia nhất trí rằng cách duy nhất để buộc Trung Quốc nhượng bộ là châu Âu phải đoàn kết và thống nhất. Benedict Rogers, một nhà vận động nhân quyền lâu năm hiện là Giám đốc điều hành của Hong Kong Watch, nhận định: “Một cường quốc lão luyện như Trung Quốc trong việc chia rẽ các quốc gia để dễ đánh bại thì chiến thuật bắt nạt và gây sức ép của nó chỉ có thể bị vô hiệu bằng sự đoàn kết và thống nhất. Nhưng thực tế cho thấy, đây là… yêu cầu quá mức đối với EU!”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats