Thursday 17 February 2022

BA KỊCH BẢN TƯƠNG LAI CỦA KHỦNG HOẢNG UKRAINE (Theo Yahoo News, Al Jazeera)

 



Ba kịch bản tương lai của khủng hoảng Ukraine   

Thanh Tâm (Theo Yahoo News, Al Jazeera)

Thứ năm, 17/2/2022, 19:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/ba-kich-ban-tuong-lai-cua-khung-hoang-ukraine-4428573.html

 

Khủng hoảng Ukraine có thể hạ nhiệt khi Nga đạt được một số lợi ích và xuống thang, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xung đột nếu các bên bế tắc về Thỏa thuận Minsk.

 

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần biên giới Ukraine. Đây được coi là một động thái bày tỏ thiện chí của Nga trong đàm phán và hạ nhiệt tình hình.

 

Tuy nhiên, Ukraine và các nước phương Tây nói chưa nhận thấy dấu hiệu rút quân rõ ràng của Nga trên thực địa và kêu gọi Moskva có những bước đi "giảm leo thang thực sự".

 

Quan chức cấp cao Nhà Trắng hôm qua cáo buộc Nga điều thêm 7.000 lính đến biên giới giáp Ukraine những ngày gần đây và cho rằng Moskva đang tìm cớ tấn công nước láng giềng. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo rút thêm các đơn vị đã hoàn tất diễn tập trên bán đảo Crimea về căn cứ thường trực.

 

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh này, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể diễn tiến theo một trong ba kịch bản chính.

 

Giảm leo thang

 

Một số chuyên gia cho rằng khi đã gây áp lực tối đa bằng chiến lược "bên miệng hố chiến tranh" với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đây rất có thể sẽ củng cố thành quả đã đạt được, chấp nhận một số nhượng bộ của đối phương trước khi từng bước giảm leo thang căng thẳng.

 

Phát biểu với các nhà ngoại giao Nga hồi tháng 11/2021, Putin tuyên bố "căng thẳng gia tăng với phương Tây là tốt" và "điều quan trọng là các nhà ngoại giao phải duy trì trạng thái này càng lâu càng tốt". Ông cũng yêu cầu họ gây sức ép để phương Tây đưa ra các "đảm bảo an ninh" cùng cam kết mang tính ràng buộc rằng Ukraine sẽ không bao giờ được kết nạp vào NATO.

 

Nhưng Putin bất ngờ thay đổi chiến lược hôm 15/2, cho phép Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo rút quân gần biên giới Ukraine.

 

"Trong cuộc họp tuần này, ngôn ngữ cơ thể của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho thấy họ muốn giảm leo thang ở mức độ nào đó. Tôi cho rằng đây là kịch bản hợp lý và có khả năng xảy ra nhất trong tương lai", Pavel Podvig, chuyên gia Nga kiêm nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc, nói.

 

Sau nhiều tháng điều binh áp sát biên giới Ukraine, Nga đã khiến Mỹ và NATO phải xem xét nghiêm túc các lo ngại an ninh của Moskva, thay vì phớt lờ chúng như trước đây.

 

"Nỗi tức giận của Putin đã khiến phương Tây chú ý và giúp đạt được một số tiến bộ trong Thỏa thuận Minsk. Ông ấy có khả năng tuyên bố chiến thắng và bắt đầu xuống thang, khi Nga từ lâu đã khẳng định sẽ không tấn công Ukraine", Podvig nói. "Đó là con đường khả thi nhất, vì dư luận Nga chắc chắn không ủng hộ một chiến dịch quân sự vào Ukraine".

 

Theo quan điểm của Điện Kremlin, chiến lược bên miệng hố chiến tranh đã giúp Nga đạt được những nhượng bộ đáng kể, gồm cả áp lực từ các các cường quốc châu Âu với Ukraine để thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Minsk ký năm 2015. Thỏa thuận được cho sẽ giúp chấm dứt cuộc chiến giữa phe ly khai miền đông Ukraine và quân đội chính phủ, vốn đã kéo dài 8 năm qua và khiến gần 14.000 người thiệt mạng.

 

Trong chuyến thăm Kiev đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên, trong đó có chính phủ Ukraine, quyết tâm thực hiện đầy đủ các điều khoản Thỏa thuận Minsk.

 

Phát biểu bên lề cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí thừa nhận mong muốn được kết nạp làm thành viên NATO của Kiev, điều dường như dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại, có thể "chỉ là mơ ước".

 

Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói Putin đang có vị thế mạnh mẽ. "Ông ấy đã đạt được nhiều mục tiêu", Volker nói. "Tổng thống Nga đã cho Ukraine thấy rằng phương Tây sẽ không điều quân tới bảo vệ Kiev và lưu ý rằng họ không có tương lai với NATO".

 

Putin cũng khiến hình ảnh Mỹ và đồng minh trở nên yếu đuối khi phải rút nhân viên khỏi đại sứ quán ở Kiev, theo Volker.

 

"Nhiều lãnh đạo, quan chức châu Âu đã phải tới Moskva gặp Putin, tôi cho rằng những lãnh đạo đó đang âm thầm đảm bảo NATO sẽ không để Ukraine gia nhập. Đó chính là thông điệp của Tổng thống Macron khi ông nói rằng có những bước đi đơn giản, thiết thực để giải quyết khủng hoảng", Volker nói.

 

Khi Thỏa thuận Minsk được khôi phục và thực hiện đầy đủ theo cách diễn giải của Nga, điều này sẽ buộc Ukraine phải cấp quyền tự trị cho hai vùng ly khai và tổ chức bầu cử khi khu vực này vẫn dưới quyền kiểm soát của những người được Nga hậu thuẫn.

 

Kiểm soát một phần

 

Với nhiều đơn vị quân đội vẫn hiện diện quanh biên giới Ukraine, Putin cũng có thể hướng tới kịch bản đưa lực lượng vào khu vực do phe ly khai miền đông Ukraine kiểm soát.

 

Khi NATO tuyên bố năm 2008 rằng Gruzia và Ukraine "có thể trở thành thành viên NATO", quân đội Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia để hỗ trợ khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Sau cuộc chiến 5 ngày, quân đội Nga chiến thắng và triển khai lực lượng ở Nam Ossetia và Abkhazia, nơi họ vẫn ở lại đến ngày nay.

 

Nếu Putin không đạt được những nhượng bộ như kỳ vọng trong Thỏa thuận Minsk, ông có thể dễ dàng điều hai cánh quân từ vùng Donbass ở phía đông bắc và Crimea ở phía đông nam để kiểm soát dải đất ven biển nối liền hai khu vực.

 

Tuần này, Hạ viện Nga đã báo hiệu sự ủng hộ bằng cách thúc giục Tổng thống Putin công nhận hai tỉnh ly khai miền đông Ukraine, gồm Donetsk và Luhansk, là "các quốc gia độc lập có chủ quyền". Tuy nhiên, Putin cho biết ông chưa xem xét phương án này.

 

"Tôi vẫn nghĩ mục tiêu chính của Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine là thách thức NATO và để xem liệu liên minh có chùn bước hay không", tướng về hưu Martin Dempsey, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói. "Nhưng nếu ông ấy quyết định hành động, đưa quân kiểm soát khu vực duyên hải phía đông Ukraine để tạo cầu nối đến bán đảo Crimea và cửa ngõ ra Biển Đen là phương án hợp lý về mặt quân sự".

 

Chiến tranh tổng lực

 

Đây là kịch bản khiến nhiều người lo ngại nhất, nhưng cũng bị đánh giá là ít có khả năng xảy ra nhất.

 

Giới chức Mỹ từng nhận định nếu Putin quyết định động binh, lực lượng Nga có thể nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc tấn công toàn diện và chóng vánh vào Ukraine trong vài tuần, thậm chí vài ngày, với thương vong dân thường có thể lên tới 25.000-50.000 người.

Tuy nhiên, cuộc chiến tổng lực như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro với Nga, ngay cả khi họ giành chiến thắng nhanh chóng. Nga sẽ phải đối mặt với một đất nước hơn 43 triệu dân bị tổn thương và phẫn nộ, cũng như nguy cơ về một cuộc nổi dậy lớn. Chi phí khổng lồ cho chiến dịch quân sự như vậy cùng tác động từ những biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế cũng như đời sống của người Nga.

 

"Tôi nghĩ Putin chắc chắn có đủ sức mạnh quân sự để tấn công Ukraine. Tôi cũng biết có tin tình báo về ý định này", tướng về hưu Joseph Ralston, cựu tư lệnh lực lượng NATO, nói. "Nhưng tôi cũng biết người Nga rất giỏi tung hỏa mù và tôi vẫn không tin kịch bản này sẽ diễn ra".

 

Ralston giải thích rằng một cuộc chiến tổng lực sẽ dẫn tới những trận giao tranh khủng khiếp gây thương vong cao cho cả hai bên. "Thay vì đạt mục tiêu chính là gây chia rẽ trong liên minh NATO, nó sẽ tạo ra hiệu ứng ngược khi kéo NATO xích lại gần nhau", ông nói.

 

Nga cũng nhiều lần lên tiếng bác bỏ khả năng tấn công Ukraine, khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

 

"Xuyên suốt cuộc khủng hoảng, tính toán của Putin không phải là giải quyết vấn đề bằng chiến tranh, mà là đặt phương Tây vào bàn đàm phán về các nguyên tắc dàn xếp an ninh châu Âu", Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại ở Moskva, nhận định.

 

-------------

Xem thêm:

5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine

Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi

Vì sao Nga không động binh với Ukraine?

Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?





No comments:

Post a Comment

View My Stats