Sunday, 12 April 2020

TỔNG GIÁM ĐỐC WHO BỊ YÊU CẦU TỪ CHỨC, CÒN LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC THÌ SAO? (Trần Hồng Phong)




Trần Hồng Phong
Sunday, April 5, 2020

Tính tới ngày 5/4/2020, đã có khoảng 560 ngàn người ký đơn yêu cầu Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. Lý do: ông này đã thể hiện sự yếu kém, thậm chí là sai lầm, qua đó vô tình "góp phần" dẫn đến hậu quả hàng triệu người bị nhiễm, hàng chục ngàn người đã chết vì virus Vũ Hán Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến trách nhiệm của lãnh đạo tối cao Trung Quốc.

 Hình ảnh Tổng giám đốc WHO gặp lãnh đạo TQ Tập Cận Bình tháng 2/2020 bàn về virus Vũ Hán. Qua thái độ, phong cách cũng phần nào thể hiện bản chất của mỗi người

Chúng ta, toàn thế giới, đang sống trong những ngày đặc biệt và kỳ lạ chưa từng có: tránh giao tiếp, ở yên trong nhà. Hay còn gọi là "cách ly toàn xã hội" - một thuật ngữ mới. Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng biện pháp cách ly, có thể kể đến như Pháp, Ý, Anh, Mỹ ... Tại Việt Nam, cũng đang áp dụng chế độ "cách ly toàn xã hội" trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4/2020 - theo một chỉ thị được ký bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tất cả chỉ là để ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của con virus cúm nguy hiểm chưa từng có: virus Vũ Hán. Con virus này được xác định xuất hiện tại thành phố Vũ Hán Trung Quốc từ khoảng tháng 11/2019.

Chỉ trong vài tháng qua, khởi đầu chỉ từ vài chục người (mà tôi còn nhớ là hôm mùng 3 tết (ngày 25/1/2020) chỉ mới có khoảng 800 người bị nhiễm, 25 người chết tại Vũ Hán) đến nay trên toàn thế giới đã có trên 1 triệu người bị xác định nhiễm virus Vũ Hán, và nhiều chục ngàn người đã chết. Theo số liệu chính thức và cũng chỉ là "bề nổi" hoặc xác định được: tính đến sáng ngày 5/4/2020, Covid-19 (virus Vũ Hán) đã lây lan sang 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1,2 triệu người đã bị nhiễm và hơn 64.700 người thiệt mạng. Thật là khủng khiếp ngoài sự tưởng tượng.

Đau thương và mất mát vẫn chưa dừng lại. Tại Mỹ, ngày hôm qua 4/4/2020, tổng thống Trump tuyên bố một tuần tồi tệ nhất đang chờ đợi nước Mỹ!

Vì sao visrus Vũ Hán lại lây lan với tốc độ quá nhanh và quá nguy hiểm như vậy?

Có thể thấy 3 lý do chính sau đây:

1. Nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây và Mỹ đã chủ quan trong giai đoạn đầu (thời điểm đến tháng 2, đầu tháng 3/2020). Họ nghĩ rằng virus Vũ Hán không quá nguy hiểm, nên đã chậm một bước trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Một trong những nguyên nhân của sự chủ quan này là do không có đầy đủ thông tin.

2. Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là lãnh đạo Trung Quốc, đã cố ý dối trá, che giấu sự thật, chậm cung cấp thông tin về tình hình và hậu quả dịch bệnh. Thay vì phải cảnh báo ngay cho toàn thế giới, thì Chính phủ TQ do lão Tập Cận Bình (bản thân đã xây dựng thành công kế hoạch làm vua suốt đời) vẫn cho phép, thúc người dân TQ đi khắp thế giới, dẫn đến khả năng mang theo và lây lan con virus Vũ Hán.

Chỉ riêng tại Mỹ, từ ngày 31/12/2019 đến giữa tháng 1/2020, hơn 1.300 chuyến bay thẳng nối liền Trung Quốc đại lục với 17 thành phố của Mỹ đã đưa ít nhất 430.000 hành khách đến Mỹ. Đây là thời điểm lãnh đạo TQ khống chế thông tin về tình hình thực tế của dịch virus Vũ Hán. Công tác kiểm tra sức khỏe hành khách từ TQ đến Mỹ do vậy chỉ bắt đầu vào giữa tháng 1, nhưng chỉ dành cho những người từng đến tâm dịch Covid-19 là Vũ Hán và chỉ được thực hiện tại các sân bay ở Los Angeles, San Francisco và New York. Vào thời điểm đó, khoảng 4.000 người đã từ Vũ Hán đến thẳng Mỹ, theo NYT dẫn thông tin từ công ty dữ liệu về hàng không VariFlight, trụ sở tại Trung Quốc.

Đầu tháng 2/2020, khi dịch đã lan đến nhiều quốc gia, hàng ngàn người đã chết, họ Tập vẫn còn lớn tiếng tuyên bố nước nào hạn chế công dân Trung Quốc nhập cảnh là "kỳ thị" và sẽ bị TQ "đáp trả".

3. Tổ chức Y tế thế giới, đứng đầu là ông Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus - thay vì nhận thức đúng về sự nguy hiểm của virus Vũ Hán, thì lại tin theo, thậm chí bênh vực, "đánh giá cao" những hành động và sách lược (nham hiểm) của Trung Quốc. Cụ thể là WHO đã tiếp tay ủng hộ Trung Quốc, bằng cách đưa ra tuyên bố rằng không cần hạn chế đi lại giữa các quốc gia (đúng ý họ Tập rồi). Thậm chí chỉ 1 tuần trước khi phải chính thức công bố virus Vũ Hán là đại dịch toàn cầu, mặc dù đã có rất nhiều lời kêu gọi từ các chuyên gia, ông ta vẫn một mực cho rằng không cần phải tuyên bố đại dịch toàn cầu(!?). Tóm lại là làm "con rối" cho Trung Quốc).

Thời điểm đầu tháng 3/2020, ông Ghebreyesus vẫn còn nói như thế này khi từ chối công bố đại dịch toàn cầu: "Trừ khi chúng ta nghĩ Covid-19 không còn kiểm soát được, tại sao chúng ta lại gọi nó là đại dịch…Sử dụng từ đại dịch không phù hợp với thực tế có thể gây ra cảm giác lo sợ. Bây giờ không phải lúc chúng ta tập trung vào từ ngữ".

Mặc dù hậu quả khủng khiếp như hiện nay có nguyên nhân chính từ 3 lý do nêu trên (và tất nhiên còn rất nhiều lý do khác nữa, chẳng hạn như do chúng ta chưa có thuốc chữa bệnh virus Vũ Hán...), có thể dễ dàng thấy rằng lý do số 2 (lỗi cố ý của lãnh đạo TQ) là mang tính quyết định và ảnh hưởng. Còn lý do thứ 3 (lỗi của WHO) mang tính "giúp sức".

Và cũng chính vì hai lý do 2 và 3, đã dẫn đến lý do 1: nhiều nước chủ quan, chậm một bước! Hậu quả là thiệt hại khủng khiếp về con người, tài sản, thậm chí là đánh đổi sự suy thoái nghiêm trọng chưa từng có của nền kinh tế toàn cầu; giá trị thiệt hại khổng lồ chưa từng có.

Lẽ ra với trách nhiệm của mình, WHO cần phải tổ chức kiểm tra, thanh tra độc lập tại Trung Quốc, có ngay đánh giá đầy đủ, chính xác sự nguy hiểm (về mặt chuyên môn), lập tức tuyên bố đại dịch toàn cầu, cảnh báo toàn cầu ở mức độ cao nhất. Thế nhưng WHO đã không làm điều đó.

Tôi đánh giá rằng sau khi đại dịch virus Vũ Hán kết thúc, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đối mặt với khả năng bị các nước phương Tây và Mỹ "đánh hội đồng", trừng phạt, nghỉ chơi trong nhiều lĩnh vực, vấn đề; đặc biệt là về kinh tế. Hoàn toàn không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ bị nhiều quốc gia khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại do virus Vũ Hán gây ra. Nếu xét trên khía cạnh pháp luật, điều này là có cơ sở.

Chưa dừng lại ở đó, xét trên khía cạnh pháp luật hình sự quốc tế, thậm chí không loại trừ khả năng lãnh đạo Trung Quốc còn bị các quốc gia yêu cầu Tòa án hình sự quốc tế điều tra về hành vi chống lại loài người. Khi đã cố tình che dấu sự thật, cố ý "phát tán" virus ra khắp thế giới, gây chết chóc kinh khủng khiếp!

Việc hàng trăm ngàn người ký đơn, hàng triệu người (bao gồm cả những người không ký tên) yêu cầu Tổng giám đốc WHO từ chức không có gì là bất ngờ. Điều này là hợp lý, không chỉ là sự đổi thay cần thiết ở cấp lãnh đạo của WHO, mà còn là sự bày tỏ thái độ, sự phẫn nộ đối với sự yếu kém, nhu nhược của lãnh đạo WHO.

Được biết trong đơn kiến nghị, nêu rõ: "Nhiều người cực kỳ thất vọng"; "ông Ghebreyesus đã tin theo số liệu của Trung Quốc mà không tiến hành bất cứ cuộc điều tra nào"". Hôm 2/4/2020, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Taro Aso bình luận: "nhiều người lo ngại WHO đã đổi tên thành "Tổ chức Y tế Trung Quốc".

Thế giới chúng ta đang sống có một ngôi nhà chung là Liên Hiệp Quốc, với rất nhiều cơ quan, tổ chức bên cạnh. Như WHO, WTO, UNESCO, ...vv - đã góp phần quan trọng bảo đảm hòa bình, tiến bộ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu rất đáng ghi nhận.

Nhưng trong khoảng 20 năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế ngày càng bị Trung Quốc tìm cách áp đặt, gây ảnh hưởng một cách đáng quan ngại. Người Trung Quốc có kế hoạch len lỏi về nhân sự, chen chân vào các ghế lãnh đạo ... Trong khi bản thân Trung Quốc là chế độ cộng sản độc đảng, tức là mọi tầng lớp trong xã hội, bất luận thế nào thích hay không thích, cũng chỉ duy nhất do đảng cộng sản TQ lãnh đạo, chỉ huy và quyết định mọi mặt. Toàn bộ đảng viên TQ phải tuân theo ý lệnh của chúa đảng Tập Cận Bình, dù đúng hay sai. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc, nguyên lý tồn tại và phát triển của các nước "tư bản giãy chết" là cạnh tranh, bình đẳng giữa mọi thành phần, cá nhân (theo cách đặt tên và đánh giá của chủ nghĩa Mác Lê từ hàng trăm năm trước) - thì chúng ta sẽ hiểu rõ Trung Quốc nguy hiểm như thế nào nếu chen được vào vai trò "lãnh đạo thế giới".

Đại dịch toàn cầu Virus Vũ Hán tuy là thảm kịch của nhân loại, nhưng đồng thời chính là cơ hội để nhiều nước tư bản và Mỹ tỉnh ngộ. Đây là lúc họ sẽ setup lại mối quan hệ với Trung Quốc. Sự kiện giúp nhiều quốc gia phân biệt được đâu là xấu, tốt, lưu manh, giả dối ... Nhân loại đã thấy được sự nguy hiểm khi để cho Trung Quốc trở thành "đại nhà máy" duy nhất của toàn thế giới. Quá nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và đang phải trả giá đắt.

Cá nhân mình, tôi cũng bỏ một lá phiếu đề nghị Tổng giám đốc WHO từ chức. Vì bất luận thế nào, cá nhân ông cũng đã thể hiện sự yếu kém, hạn chế về chuyên môn, về trách nhiệm trong vai trò là một người chăm sóc sức khỏe cho toàn thế giới. Thật đáng tiếc và đáng phẫn nộ.

Ngày 4/2/2020, thay vì công bố đại dịch toàn cầu, WHO kêu gọi "nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc" !? Góp phần thúc đẩy sự lây lan khủng khiếp của virus Vũ Hán. Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ

Từ cuối tháng 12/2019 đến giữa tháng 1/2020, có khoảng 430 ngàn người từ TQ vào Mỹ. Đây là thời điểm dịch đã bùng phát tại TQ, nhưng lãnh đạo TQ "ém" thông tin. Bài trên báo Thanh Niên

Báo NLĐ ngày 5/4/2020 đưa tin trên 500 ngàn người yêu cầu Tổng giám đốc WHO từ chức

Cập nhật: Theo báo NLĐ ngày 6/4/2020, chỉ sau 2 ngày, số người ký tên kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức đã tăng lên gần 200 ngàn, đạt khoảng 720.000 người.

......

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Tổ chức Y tế Thế giới viết tắt WHO (tiếng Anh: World Health Organization) là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế.

Nhiệm vụ của WHO là giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người. WHO sẽ đứng ra để giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.

Kể từ khi thành lập, WHO đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc loại trừ bệnh đậu mùa. Các ưu tiên hiện tại của tổ chức bao gồm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV / AIDS, Ebola, sốt rét và lao; giảm thiểu những tác động của bệnh không truyền nhiễm; theo dõi sức khoẻ sinh sản và tình dục, sự phát triển và tuổi già; Dinh dưỡng, an ninh lương thực và ăn uống lành mạnh; sức khỏe nghề nghiệp; lạm dụng thuốc kháng sinh; và thúc đẩy sự phát triển của các báo cáo, các ấn phẩm và kết nối mạng toàn cầu.

WHO được Liên Hiệp Quốc thành lập vào ngày 7/4/1948. Tiền thân của WHO là Tổ chức Sức khoẻ, một cơ quan của Hội Quốc Liên trước đây. WHO có trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ.

Ngân sách 2015 của WHO là khoảng 4 tỷ đô la Mỹ trong đó khoảng 930 triệu đô la Mỹ sẽ được cung cấp bởi các quốc gia thành viên với thêm 3 tỷ đô la Mỹ nữa là từ đóng góp tự nguyện.

WHO hiện có gần 200 thành viên quốc gia hay vùng lãnh thổ.

Đứng đầu WHO là Tổng Giám đốc, do Đại hội đồng bầu ra. Giúp việc cho TGĐ là các Phó TGĐ và Ban Thư ký.

Hội đồng chấp hành WHO: gồm 32 thành viên, nhiệm kỳ 3 năm. Nhiệm vụ của Hội đồng chấp hành là thực hiện các quyết định và chính sách của Đại hội đồng, góp ý kiến và thúc đẩy hoạt động của Đại hội đồng.

WHO có 6 Văn phòng khu vực trên thế giới và các Văn phòng Đại diện ở các nước thành viên. Tại Việt Nam, Văn phòng WHO đặt tại Hà Nội, do một Đại diện của WHO đứng đầu.

(Theo Wikipedia)






No comments:

Post a Comment

View My Stats