Sunday, 12 April 2020

NỘI BỘ TRUNG QUỐC "LỤC ĐỤC" VÌ COVID-19? (Minh Anh - RFI)




Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 12/04/2020 - 09:20

Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc đã mở cửa lại với thế giới sau 11 tuần bị “giam lỏng” nhằm chận dịch virus corona chủng mới lây lan. Dịch bệnh xem như được khống chế, Trung Quốc giờ triển khai “ngoại giao khẩu trang” trên toàn thế giới. Thế nhưng, nhà báo Frederic Lemaitre trên tờ Le Monde (11/04/2020) nhận xét rằng có nhiều yếu tố cho thấy cuộc khủng hoảng này, tuy là dịch tễ, ngoại giao và kinh tế, nhưng cũng đủ nghiêm trọng để gây ra những căng thẳng chính trị tại Trung Quốc.

Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc che giấu tầm mức nghiêm trọng của khủng hoảng, tranh cãi dấy lên tại Hà Lan và Tây Ban Nha về chất lượng trang thiết bị y khoa do Trung Quốc cung cấp và những căng thẳng với Matxcơva do những ca nhiễm bệnh mới xuất hiện ở đông bắc Trung Quốc, vùng biên giới giữa hai nước đặt Bắc Kinh trong thế phòng thủ. Nhất là ở trong nước, căng thẳng đang chực chờ.

Về mặt chính thức, 5 triệu dân Trung Quốc mất việc làm kể từ đầu năm nay. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy gần 180 triệu việc làm đã biến mất trong lĩnh vực dịch vụ. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn một nhà kinh tế học thuộc quỹ Upright Assets cho rằng “thất nghiệp tạm thời” dường như tác động đến hơn 200 triệu người. Một mối họa xã hội tiềm tàng tại một đất nước không có hệ thống  bảo hiểm thất nghiệp. Xóa bỏ nạn đói nghèo, lẽ ra phải là một trong những thắng lợi lớn của đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2020 này, kể từ giờ khó được bảo đảm. Ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ cho rằng “người ta đã đánh giá thấp các điểm yếu của Trung Quốc”.

Không được quyền chỉ trích
Vũ Hán, tâm dịch Covid-19, nhưng cũng là tâm điểm của những căng thẳng. Lệnh phong tỏa thành phố đúng là đã được chính thức dỡ bỏ, nhưng trở lại Bắc Kinh không phải dễ dàng. Không quá 1.000 người mỗi ngày trong khi có ít nhất 11.000 ứng viên muốn khởi hành về thủ đô.

Chiến dịch tuyên truyền hiện nay ca ngợi những “anh hùng Vũ Hán” cũng chẳng phải là một sự ngẫu nhiên. Đầu tháng Ba, bí thư thành ủy Vũ Hán, Vương Trung Lâm (Wang Zhonglin), đã có một ý tưởng “tuyệt vời” tổ chức một chiến dịch để cư dân thủ phủ tỉnh Hồ Bắc bày tỏ “lòng biết ơn” đối với Tập Cận Bình. Làn sóng phản đối trên mạng xã hội mạnh mẽ đến mức chiến dịch tuyên truyền phải đổi ý. Từ giờ, chính đảng phải biết ơn người dân Vũ Hán.

Tác giả nhắc lại, ngày 03/4, trong một đoạn video, ông Vương Thần (Wang Chen), một chuyên gia về các bệnh đường hô hấp, chủ tịch Viện các ngành Khoa học Y Trung Quốc, bị cách ly ở Vũ Hán, mạo muội lên tiếng chỉ trích về cách quản lý khủng hoảng trong một cuộc thảo luận chuyên đề. Ông cho rằng Hoa Kỳ và Châu Âu đã có một cách quản lý lệnh phong tỏa “hợp lý” hơn. Theo ông, chỉ có các nhà khoa học mới có thể ngăn chận được dịch bệnh. Một lời phê phán ngầm nói đến một chính sách quản lý khủng hoảng.

Điều ngạc nhiên là đoạn video đó vẫn còn trên mạng ngày 10/4, dấu hiệu cho thấy có thể có những tranh luận trên thượng tầng lãnh đạo. Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: “Cứ mỗi lần có khủng hoảng ở trong nước, đảng Cộng Sản Trung Quốc lại chia rẽ. Đó là những gì từng xảy ra vào năm 1976 khi Mao qua đời, và năm 1989 với phong trào sinh viên Thiên An Môn. Lần này cũng vậy.”

Tập Cận Bình “đóng chốt” bộ máy cầm quyền
Trong đối ngoại, những bất đồng này còn hiện rõ. Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, ngày 12/3 tuyên bố “rất có thể là quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán”. Vài ngày sau, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đại sứ Trung Quốc tại Washington phán rằng một thuyết như thế là “điên rồ” và “chỉ có các nhà khoa học” mới xác định được nguồn gốc của virus. Rõ ràng hai tuyên bố này là hai đường hướng khác nhau.

Theo nhận định của một nhà quan sát với thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh, “đúng là có những hồng quân mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc thật sự, nhưng cũng có những kẻ cơ hội trở thành hồng quân, vì họ nghĩ rằng như vậy sẽ có lợi cho sự nghiệp của họ, và còn có những người lão luyện trong ngành ngoại giao, như Thôi Thiên Khải chẳng hạn, tìm cách kháng cự”. Một nhà quan sát khác lưu ý thêm rằng “giữa những người bắt đầu sự nghiệp dưới thời Đặng Tiểu Bình luôn xúc tiến mở cửa Trung Quốc và những người phải hoàn toàn hoặc gần như chịu ơn Tập Cận Bình, là một hố ngăn cách thế hệ”.

Việc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, ngày 02/4 đã để cho bà Phó Oánh (Fu Ying), một gương mặt tiêu biểu của ngành ngoại giao, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc lên tiếng ngầm ủng hộ ông Thôi Thiên Khải, cho thấy rằng những vị lão thành vẫn chưa buông vũ khí.

Trong bối cảnh căng thẳng này, Tập Cận Bình thật sự có thể trông cậy vào ai? Kể từ cuối tháng Hai, sáu thành viên khác của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trung tâm quyền lực, đã giữ im lặng một cách lạ lùng. Một nhà quan sát phương Tây nói “bởi vì tại đất nước này, khi họ không đồng tình, họ im lặng”.

Ngày 07/4, thông báo mở điều tra của ủy ban kỷ luật đảng nhắm vào Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một “hoàng tử đỏ” – cách gọi con trai của những quan chức chính trị Trung Quốc thời Mao Trạch Đông – và cũng là cựu doanh nhân ngành bất động sản đã trở thành một đề tài để tranh luận. Người này, hồi cuối tháng Hai, đã mạnh mẽ chỉ trích cách điều hành chuyên chế của Tập Cận Bình.

Lời giải thích hiển nhiên nhất chính là không một ai được phép chỉ trích tổng bí thư đảng mà không bị trừng phạt. Nhưng chính sự gần gũi – thậm chí quá thân mật – giữa Nhậm Chí Cường với Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch và là đồng minh chính giúp ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực khiến một số nhà quan sát nghĩ đến một giả thuyết khác: Khi hạ Nhậm Chí Cường, chính ông Vương mới là đích nhắm. Về điểm này, nhà báo Frederic Lemaitre nhìn nhận khó có thể khẳng định.

Có điều chắc chắn là, chính Tập Cận Bình giữ quyền bổ nhiệm và sắp đặt người của mình vào các chốt quan trọng. Ông vừa bổ nhiệm hai người thân cận,  Cung Chánh (Gong Zhang) và Sun Licheng lần lượt vào các vị trưởng chủ tịch thành phố Thượng Hải và bí thư thành ủy thành phố Tế Nam (tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc). Người thứ nhất thăng tiến sự nghiệp chủ yếu trong ngành hải quan và người thứ hai là kỷ luật và an ninh công cộng. Từ những quan sát này, một nhà phân tích kết luận: “Rõ ràng là ông Tập đang đóng chốt bộ máy”.

----------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN









No comments:

Post a Comment

View My Stats