Trần Minh Triết - Luật
Khoa
25/04/2020
Sau khi Luật Khoa đăng bài viết “Bạn
có thể nghi ngờ Bill Gates. Nhưng có một sự thật khác ta phải chấp nhận”, nhiều độc giả đã có nhiều ý kiến trái chiều về nội dung bài viết. Tác
giả Trần Minh Triết giải thích rõ hơn luận điểm niềm tin trong bài viết dưới
đây, hầu độc giả.
***
Hai quần đảo mà người Việt
Nam gọi là Trường Sa và Hoàng Sa là một thực tại khách quan, một sự thật có thể
kiểm chứng được bởi bất kỳ ai bằng các giác quan nếu muốn. Một nhà nhiếp ảnh có
thể chụp được những bức ảnh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ trên không, một
nhà thám hiểm có thể đi tàu ra hai quần đảo (nếu chính quyền đang kiểm soát các
hòn đảo trên hai quần đảo đó cho phép).
Tuy nhiên, tuyên bố
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” là một niềm tin của người Việt Nam và những
người ủng hộ cho tuyên bố đó.
Rất nhiều người Việt Nam
đang đấu tranh cho niềm tin đó bằng nhiều phương cách khác nhau, từ việc tổ chức
các cuộc hội thảo về chủ quyền biển đảo cho đến việc tranh luận, phản bác ý kiến
của các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền của hai quần đảo này.
Làm thế nào để phân biệt
được đâu là sự thật đâu là niềm tin?
Sự thật khách quan thì
không phụ thuộc vào quan điểm của người quan sát, bạn có thể là người Mỹ hay
người Việt Nam nhưng bạn không thể phủ nhận những bức ảnh chụp hai quần đảo. Mắt
bạn có thể nhìn những mảnh đất, tai bạn có thể nghe gió biển, chân bạn có thể đặt
lên các vùng đảo… đó là sự thật mà bất kỳ ai, cho dù có niềm tin rất khác nhau
về chủ quyền của hai quần đảo đó thuộc về quốc gia nào, cũng đều có thể kiểm chứng
được.
Niềm tin tập thể là điều
chỉ tồn tại khi nhiều người cùng có chung một niềm tin vào một việc gì đó, niềm
tin sẽ biến sự tưởng tượng thành hiện thực. Nếu người Việt Nam tin rằng Hoàng
Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì người Việt Nam mới chấp nhận hy sinh tính mạng
và xương máu để bảo vệ cho niềm tin đó. Nhiều chiến sĩ Việt Nam đã tử trận để bảo
vệ cho niềm tin Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Không có gì thuyết phục
người khác hơn bằng việc hy sinh tính mạng cho một niềm tin. Việc hy sinh đã biến
sự tưởng tượng trở thành hiện thực.
Nếu bạn thực sự tin rằng
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, bạn hãy sống và chết cho niềm tin đó, bạn
hãy làm chứng cho niềm tin đó.
Niềm tin Hoàng Sa, Trường
Sa là của Việt Nam là một niềm tin quan trọng trong việc đoàn kết người Việt
Nam. Người Việt Nam thuộc các phe nhóm khác nhau có thể bất đồng quan điểm với
nhau về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, nhưng đối với niềm tin Hoàng
Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì “sông có thể cạn, nước có thể mòn” nhưng niềm
tin đó là chân lý không bao giờ thay đổi.
Niềm tin càng có giá trị
khi càng có nhiều người tin vào nó và nó được lặp đi lặp lại bằng nhiều cách
khác nhau như các khẩu hiệu tuyên truyền, sách giáo khoa, báo chí, truyền hình,
thơ ca, văn học, điện ảnh, kịch nghệ…
Những người cộng sản đã
làm tốt việc tuyên truyền cho người dân Việt Nam có niềm tin vào sự lãnh đạo
tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực của đất nước Việt Nam. Những người có niềm
tin mãnh liệt vào tuyên bố “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” cũng cần học hỏi
những người cộng sản.
Sứ mệnh truyền bá niềm
tin “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” là công việc dễ dàng đối với đối tượng
là người Việt Nam nhưng lại rất khó khăn đối với những người không phải là công
dân Việt Nam. Nó giống như chủ nghĩa cộng sản rất khó khăn để truyền bá cho các
quốc gia tư bản chủ nghĩa như Mỹ, Anh, Pháp.
Làm thế nào để nhiều người
trên thế giới có chung một niềm tin “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” là một
câu hỏi khó cần có giải pháp.
Đầu tiên, niềm tin đó cần
được thống nhất trong suy nghĩ của người Việt Nam từ những chính trị gia cao cấp
nhất cho đến người dân bình thường. Rất khó để thuyết phục một người chưa có niềm
tin để họ tin vào điều bạn tin nếu bạn không thật sự tin tưởng vào điều đó. Nếu
người Việt Nam không có niềm tin sâu sắc thì khó lòng thuyết phục được người
khác tin vào điều người Việt Nam tin.
Thứ hai, niềm tin cần phải
được hiện thực hoá qua tranh ảnh, bản đồ, sách báo, phim ảnh, kịch nghệ, văn học,
thơ ca, điêu khắc… Tất cả mọi người Công giáo đều tin rằng Chúa Giê-su đã chịu
chết trên cây thập giá khi họ nhìn thấy biểu tượng thập giá mỗi khi đi nhà thờ.
Trẻ con tin rằng ông già Noel là có thật khi mỗi dịp Noel tới chúng nhìn thấy
ông già Noel ở khắp mọi nơi. Niềm tin vào tự do của Mỹ được truyền bá khắp thế
giới thông qua các bộ phim Hollywood.
Thứ ba, niềm tin cần được
củng cố bằng cách nhân chứng sống động. Những nhân chứng sống động nhất đó là
những người đã hy sinh vì niềm tin. Sự tôn vinh ở tầm vóc quốc gia đối với những
chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ hai quần đảo là điều cần thiết để củng cố niềm
tin.
Thứ tư, niềm tin muốn lan
toả ra thế giới cần có những người nhận trọng trách truyền bá niềm tin đó cho
những người chưa tin. Đó là những sứ giả loan báo chủ quyền biển đảo của quốc
gia ra thế giới. Sứ giả đó thường là những trí thức có niềm tin mạnh mẽ vào chủ
quyền biển đảo, có khả năng thuyết phục tốt đối với những người chưa có niềm
tin.
Thứ năm, Việt Nam là một
quốc gia nhỏ hơn Trung Quốc nhiều về mặt diện tích lẫn dân số, niềm tin của người
Việt Nam chỉ có thể tạo nên sức mạnh vượt trội so với Trung Quốc khi trình độ
phát triển khoa học, kỹ thuật của Việt Nam cao hơn hẳn so với Trung Quốc để tạo
nên vị thế cân bằng trên bàn đàm phán chủ quyền quốc gia.
------------
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
=====================
20/04/2020
Ta có quyền nghi ngờ Bill Gates và đề nghị ông ấy sửa
lại bản đồ trong bài thuyết trình của ông ấy, nhưng đồng thời, ta cũng nên làm
quen với một thực tế trần trụi: người nước ngoài không quan tâm Hoàng Sa – Trường
Sa là của ai, có khi họ còn chẳng biết Hoàng Sa – Trường Sa là gì, hay “đường
lưỡi bò” là cái chi chi.
***
Nếu bạn là người Việt
Nam, chắc hẳn bạn sẽ luôn tin rằng: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, giống
như những người Ki-tô giáo luôn tin rằng Chúa Giê-su đã chịu chết trên cây thập
tự, sau ba ngày Người đã sống lại, lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Trong niềm tin của người
Việt Nam, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam là một sự thật không thể chối
cãi giống như niềm tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa là điều không thể chối cãi
đối với những người Ki-tô giáo.
Nhưng nếu bạn là một người
Mỹ, bạn sẽ không có niềm tin Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, cũng giống
như một Phật tử không có niềm tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa.
Một sự thật được gọi là
chân lý phổ phát nếu như sự thật đó không phụ thuộc vào niềm tin và không phụ
thuộc vào quốc gia, không phụ thuộc vào chính kiến của con người. Tất cả mọi
người có nhu cầu tìm kiếm sự thật đều có thể tự mình kiểm chứng được sự thật.
Trái đất hình cầu là một
sự thật có thể được tất cả mọi người trên trái đất kiểm chứng. Cho dù bạn tin rằng
trái đất phẳng (như phong trào Trái
Đất Phẳng trên thế giới), thì trái đất cũng không quan tâm. Nó vẫn là
hình cầu, bất kể niềm tin của bạn là gì.
Tuy nhiên, tuyên bố Hoàng
Sa – Trường Sa là của Việt Nam là một tuyên bố phụ thuộc vào niềm tin. Nếu bạn
là người Việt Nam, bạn sẽ tin vào tuyên bố đó. Bạn sẽ nghĩ rằng đó là sự thật
khách quan không thể chối cãi được. Nhưng đó là một tuyên bố gây tranh cãi giữa
các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền của vùng đất đó. Và có đến năm quốc gia
khác đang có những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên Biển Đông.
Niềm tin “Hoàng Sa và Trường
Sa là của Việt Nam” thông thường không gây ảnh hưởng hay tác động gì đối với những
người sống bên ngoài niềm tin đó. “Nước sông không phạm nước giếng”. Nếu một
người không phải là người Việt Nam, thật khó để thuyết phục họ tin rằng “Hoàng
Sa, Trường Sa là của Việt Nam” vì họ sẽ hỏi ngược lại: Trung Quốc và các quốc
gia khác cũng tuyên bố vùng biển, đảo đó là của họ, vậy tuyên bố nào là đúng? Họ
chỉ thừa nhận đó là vùng đất đang tranh chấp giữa các quốc gia mà thôi.
VIDEO : Living in
extreme poverty
BÀI THUYẾT TRÌNH CÓ BẢN ĐỒ
ĐƯỠNG LƯỠI BÒ CỦA BILL GATES, TỪ PHÚT 2:30 TRỞ ĐI.
Bill Gates, trong video
có tên “Living
in extreme poverty” (Cuộc sống nghèo đói cùng cực) đăng ngày 31/10/2018, đã
sử dụng hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường chín đoạn bao gồm cả Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam.
Nếu chúng ta hiểu rằng
các tuyên bố chủ quyền chỉ là niềm tin chủ quan thì chúng ta sẽ phản ứng và
hành xử khác đi. Thay vì yêu cầu Bill Gates phải có niềm tin như người Việt
Nam, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để giải thích cho bạn bè quốc tế biết rằng
đây là một vùng đất đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc và trên cơ sở
luật pháp quốc tế, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Chúng ta cũng cần giải
thích cho Bill Gates và bạn bè quốc tế hiểu rằng việc sử dụng bản đồ đường chín
đoạn là việc không phù hợp với luật pháp quốc tế bởi vì đây đang là vùng biển
tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và bốn quốc gia khác trong khu vực, và bản
đồ chín đoạn không có giá trị về mặt luật pháp quốc tế.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo
là việc hoàn toàn chính đáng và cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam. Với
tư cách là công dân Việt Nam, chúng ta có quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ
chủ quyền của đất nước.
Tuy nhiên, chúng ta cần
hiểu rằng niềm tin của những người sống ở các quốc gia khác trên trái đất có thể
không giống với niềm tin của người Việt Nam. Bill Gates là một người Mỹ, ông
không phải là người Việt Nam để có niềm tin giống như người Việt Nam về chủ quyền
của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế giới không quan tâm tới
các vấn đề của Biển Đông như người Việt Nam quan tâm, họ cũng không cần biết
Hoàng Sa và Trường Sa là của ai, nên người Việt Nam mặc dù tin rằng chính nghĩa
thuộc về mình nhưng đừng ép buộc một cách thô bạo thế giới phải có nghĩa vụ biết
điều đó.
Trung Quốc đầu tư rất nhiều
vào việc phát hành các bản đồ đường chín đoạn ra thế giới, để khi nào thế giới
tìm bản đồ Trung Quốc trong các kho hình ảnh, đồ họa thì khả năng cao họ sẽ tìm
thấy bản đồ có đường chín đoạn. Việc bài thuyết trình của Bill Gates có bản đồ này
có thể là có âm mưu như một số bạn nghĩ, cũng có thể chỉ là tai nạn của kỹ thuật
viên thiết kế bài thuyết trình.
Nếu chúng ta tin rằng
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, hãy tìm cách lan truyền niềm tin của Việt
Nam ra thế giới một cách khôn ngoan, hòa bình và có bài bản.
---------------------------------
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment