Anh
Vũ - RFI
Đăng
ngày: 24/04/2020 - 15:17
Trong rất nhiều trang báo tập trung vào các giải
pháp gỡ bỏ phong tỏa hay tác động của khủng hoảng dịch tễ đối với kinh tế, xã hội,
chính trị, nhật báo Le Figaro (24/04/2020) tiếp tục chú ý tới Trung Quốc ở góc
độ quan hệ với Mỹ trong thời Covid-19. Tờ báo chạy tựa : « Cạnh
tranh Trung – Mỹ bị khơi dậy vì khủng hoảng Covid-19 ».
Le Figaro quan sát thấy,
« đại dịch Covid-19 đã dẫn đến quan hệ Trung – Mỹ bị xuống cấp nhanh
chóng. Căng thẳng giữa hai đại cường thế giới trong những tuần qua đã ở mức cao
nhất kể từ khi hai nước thiết lập ngoại giao năm 1979 ».
Theo tờ báo, năm 2020 đã
được khởi đầu bằng những dấu hiệu hòa hoãn trong cuộc cạnh tranh thương mại với
việc ký kết thỏa thuận sơ khởi hồi giữa tháng Giêng sau hơn hai năm ăn miếng trả
miếng trong cuộc thương chiến căng thẳng. Cả tổng thống Mỹ Donald Trump cũng
như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tỏ hài lòng về thỏa thuận đã đạt được.
« Thế nhưng, trận đại dịch virus corona đã phá tan bước khởi đầu bình
thường hóa ».
Le Figaro điểm lại : Hồi
đầu khủng hoảng dịch, ông Trump đã từng không ngớt lời ca ngợi phản ứng chống dịch
của Tập Cận Bình, nhưng rất nhanh sau đó ông đã đổi giọng kể từ khi đại dịch
lan sang hoành hành ở Mỹ. Đầu tiên là việc ông Trump không ngần ngại chỉ mặt đặt
tên « virus Trung Quốc » , khiến Bắc Kinh tức giận. Kế đến
không cần lý lẽ nhiều, ông Trump tỏ nghi ngờ về những con số chính thức của
Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh đã che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch khiến cả
thế giới phải trả giá đắt.
Chưa hết, tổng thống Mỹ
còn quay sang tính sổ, cắt tài trợ cho Tổ Chức Y tế Thế Giới cũng chỉ vì cho rằng
tổ chức này bị Trung Quốc thao túng. Hai nước đối đầu nhau trong lĩnh vực thông
tin tìm cách gán trách nhiệm cho nhau về nguồn gốc phát sinh virus. Cao điểm của
cuộc chiến truyền thông là việc Trung Quốc và Mỹ lần lượt trục xuất các nhà báo
của nhau.
Thái độ dè chừng nhau đã
vượt quá khuôn khổ giữa hai chính phủ. Theo một điều tra mới đây của viện Pew
Research Center, 2/3 người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc và nhất là 90%
số người được hỏi coi cường quốc Trung Hoa như là mối đe dọa. Theo các chuyên
gia thì đây là một biến chuyển mới vì từ trước tới giờ chủ yếu giới chính trị mới
có quan điểm chỉ trích Trung Quốc còn dư luận Mỹ không mấy có thái độ như vậy.
Bà Mira Rapp-Hooper,
chuyên gia về an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc nhóm tư vấn
Council of Foreign Relations nhận định đây là « thời điểm tồi tệ nhất của
quan hệ Trung – Mỹ », quan hệ hai nước bị đẩy lên căng thẳng chưa từng
thấy. « Trận đại dịch là một cú sốc lịch sử cho quan hệ Mỹ – Trung, vốn
đã căng thẳng trước một thử thách khắc nghiệt. Nhưng đợt dịch bệnh này chỉ càng
làm gia tăng, củng cố thêm xu hướng đã tồn tại từ lâu nay. Cuộc cạnh tranh giữa
Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng mạnh những năm qua, không phải chỉ do ông Trump. Hai
đảng ở Mỹ nhất trí với nhau trên việc cạnh tranh với Trung Quốc là vấn đề lớn ».
Hồi tháng 7/2019, trước
Quốc Hội, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley từng cảnh báo « Trung
Quốc sẽ là thách thức cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong 50 đến 100 năm tới ».
Le Figaro bình luận :
« Người Mỹ bị chi phối bởi tâm lý bị một kẻ cạnh tranh đuổi kịp,nhất là
trong lĩnh vực thương mại và quân sự. Còn người Trung Quốc thì ngất ngây với
hình ảnh cường quốc xưa tìm lại được cùng với mối thâm thù phương Tây. Đó là
tâm lý đã được chế độ cộng sản rất chăm chút khơi dậy. Ông Trump chỉ đóng vai
trò như một chất xúc tác. Hoa Kỳ thấy sức mạnh Trung Quốc nổi lên trên bình diện
kinh tế, quân sự như là mối đe dọa của một đối thủ muốn hất cẳng mình. Trung Quốc
về phần mình, nhận thấy các can thiệp từ bên ngoài của Mỹ hay sự hiện diện quân
sự trong Thái Bình Dương hay sự ủng hộ Đài Loan là sự can dự không thể tha thứ. »
Chính sự vắng mặt của Mỹ
trên trường quốc tế để tổ chức ứng phó chung như trong cuộc khủng hoảng tài
chính 2009, dịch Ebola 2014-2016, đã cho phép Bắc Kinh thực thi một chính sách
ngoại giao hung hăng. Giáo sư Mira Rapp-Hooper giải thích « Bắc Kinh
tìm cách lợi dụng các hoàn cảnh để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình… Trung Quốc
huênh hoang đã thanh toán được dịch trong dân mình và lợi dụng khó khăn của Mỹ
để chứng tỏ là một đại cường và là tấm gương mới để noi theo trên trường quốc tế… »
Để kết luận tờ báo dẫn nhận
định của chuyên gia Rapp-Hooper : « Chắc chắn chúng ta đang bước vào một
thời kỳ nguy hiểm, các căng thẳng do trận đại dịch này gây ra có thể mở ra sự
biến đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế giống như nó thường xảy ra sau một cuộc
xung đột lớn ».
« Dỡ phong tỏa »:
Mối lo hàng đầu tại Pháp
Trở lại với trang nhất của
các báo Pháp. Thời hạn gỡ bỏ phong tỏa vì Covid-19 ngày 11/05 đang là mục tiêu
hướng tới của nước Pháp. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.
Từ « dỡ phong tỏa »
xuất hiện khắp trang nhất các báo Pháp ra hôm nay. Nhất là khi kế hoạch
triển khai dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ đang hình thành dần dần từng bước sau
cuộc họp qua truyền hình của tổng thống Emmanuel Macron với 22 thị trưởng các địa
phương lớn của nước Pháp ngày 23/4. Vẫn còn quá nhiều vấn đề đặt ra để nước
Pháp thoát ra khỏi vòng phong tỏa trong khi dịch virus corona chưa thể nói sẽ
được thanh toán.
Các báo đều ghi nhận là
việc triển khai dỡ bỏ phong tỏa bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ cũng như khởi động
lại các hoạt động của chính phủ vẫn còn chưa rõ ràng.
Covid-19: Kinh tế Pháp trong
trạng thái « hôn mê sâu »
Về kinh tế, tất cả các
báo Pháp ra hôm nay đều có chung nhận định là kinh tế Pháp đang trong
« hôn mê toàn phần» hay kinh tế Pháp đang trong tình trạng « hồi
sức tích cực ». Gỡ bỏ phong tỏa, nhưng kinh tế Pháp vẫn còn xa mới khởi
động lại được. Trong tháng Tư này các chỉ số trong mọi lĩnh vực đều rơi tự do
theo chiều thẳng đứng trên các biểu đồ vì phong tỏa.
Ngay cả khi ra khỏi phong
tỏa, các điều kiện không chắc chắn về vệ sinh y tế cũng khiến cho các hoạt động
khó có thể khởi động trở lại bình thường ngay. Trên cơ sở các số liệu của Viện
Thống kê Quốc gia Insee về kinh tế Pháp, Le Figaro nhận định : Thoát khỏi hôn
mê, các doanh nghiệp Pháp dự báo sẽ còn đau đớn hơn nhiều so với nước khác và sẽ
còn cần đến rất rất nhiều tiền để phục hồi chức năng.
« Miễn dịch »: Thực
tế còn xa
Từ khi xuất hiện cách nay
bốn tháng, virus SARS-CoV-2 đã làm hơn 180 nghìn người chết trên thế giới mà
người ta vẫn chưa biết được gì nhiều về kẻ thù vô hình kinh sợ này. Le Monde chạy
tựa lớn : « Miễn dịch, những câu trả lời đầu tiên từ các nhà nghiên cứu. »
Hôm 23/4, lần đầu tiên
các nhà khoa học Viện Pasteur Pháp cho công bố hai nghiên cứu về miễn dịch,
nhưng cũng chỉ nói thêm chút ít về bệnh dịch Covid-19. Nghiên cứu cho biết, kháng
thể chống SARS-CoV-2 xuất hiện ngay ngày thứ 5 hoặc thứ 6 nhiễm virus, trước
khi có biểu hiện bệnh. Những người đã nhiễm virus có kháng thể cũng chỉ được bảo
vệ trong một thời gian ngắn từ 2 đến 3 năm. Khái niệm miễn dịch cộng đồng chỉ
là trên lý thuyết khi mà tối thiểu có từ 60% đến 70% dân cư nhiễm virus. Con số
này không thể có được ở Pháp.
Theo các nhà khoa học được
le Monde trích dẫn thì có thể mùa hè này mức độ lây lan của dịch giảm xuống ở
Pháp nhưng mọi người vẫn phải đeo khẩu trang cho tới tận mùa thu. Điều quan trọng
nữa là theo các nhà khoa học, trong 7 chủng virus corona đã được biết đến, chưa
có vác-xin nào hữu hiệu với chủng mới gây bệnh Covid-19 lần này và người ta
cũng không hy vọng sớm có được thuốc phòng ngừa trong nay mai.
Vẫn là một nghiên cứu về
virus corona, nhật báo Les Echos đưa ra con số ấn tượng : Hơn 60 nghìn
nhân mạng được cứu nhờ phong tỏa ở Pháp.
Theo một nghiên cứu dịch
tễ học của Pháp do nhóm 3 nhà nghiên cứu của hệ thống các trường y tế cộng đồng
bệnh viện được công bố hôm 23/4, những biện pháp hạn chế lưu thông đã giúp giảm
được 83,5% số lượng tử vong ở bệnh viện trong khoảng từ 19/03 đến 19/04. Nhu cầu
giường bệnh hồi sức tăng cường nếu không có lệnh phong tỏa có thể lên tới 100
nghìn giường, tức là gấp 20 lần so với khả năng ban đầu của cả nước Pháp và số
người nhập viện sẽ phải là con số 590 nghìn. Như vậy có thể nói, những cố gắng
của người Pháp tôn trọng phong tỏa hẳn là không vô ích chút nào.
No comments:
Post a Comment