Saturday, 25 April 2020

PHỤ THUỘC TRUNG QUỐC VỀ DƯỢC PHẨM : PHƯƠNG TÂY THỨC TỈNH TRONG ĐAU ĐỚN (Thùy Dương - RFI)




Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 24/04/2020 - 09:53

Trong những năm 1990, hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm châu Âu và Mỹ đa phần chuyển sang Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, phương Tây tỉnh thức trong đau đớn và phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mọi ngả đường đều dẫn đến Trung Quốc

Theo nhận định của báo Le Figaro trong bài viết « Khi Tây phương từ bỏ ngành sản xuất dược phẩm » đăng ngày 13/04/2020, sức khỏe của người dân phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và chính sự bùng phát toàn cầu của dịch bệnh Covid-19 đã giúp người châu Âu và Mỹ « tỉnh ngộ ». Có một điều các nhà khoa học, giới chuyên môn phần nào đã nắm rõ, nhưng đa phần công chúng thì chưa biết : trong vòng chưa đến 30 năm, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là châu Âu và Mỹ, đã « nhường » một phần lớn « chủ quyền » về thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Quốc gia rộng lớn này trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. Đáng nói hơn nữa là Trung Quốc nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa.
Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất tới 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng (générique) tiêu thụ tại Mỹ - đối thủ địa chính trị của Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách di dời ngành công nghiệp dược phẩm của Tây phương, song suy cho cùng thì nền sản xuất Ấn Độ cũng không thoát được cảnh phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế. Nói một cách hình ảnh như chuyên gia Rosemary Gibson của viện Hastings, Mỹ, thì « Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc ».
Bức màn bí mật thời « thị trường toàn cầu »
Cũng theo chuyên gia Gibson, điều đáng ngạc nhiên là số liệu thống kê về lĩnh vực dược phẩm thường được bao phủ bằng một bức màn bí mật cho dù chúng ta đang sống trong « một thị trường toàn cầu ». Tuy nhiên, việc khan hiếm nói chung các loại thuốc quan trọng sống còn vào lúc nhiều nhà máy của Trung Quốc phải ngưng hoạt động, khiến chính phủ các nước yêu cầu phải có các số liệu chính xác. Từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nguyên thủ Nga Vladimir Putin cho đến lãnh đạo Mỹ Donald Trump dường như đều có chung yêu cầu khôi phục lại nền sản xuất dược phẩm và công nghiệp hóa học của quốc gia. Các nhà lãnh đạo cũng bắt đầu suy tính đến việc đa dạng hóa và « hồi hương » các dây chuyền sản xuất quan trọng.
Ông Bruno Bonnemain, chủ tịch một nhóm làm việc về việc gián đoạn chuỗi cung ứng, cho Le Figaro biết là tại Viện Dược Phẩm Quốc Gia Pháp, từ 10 năm nay, các nhà nghiên cứu đã gióng những hồi chuông báo động về việc Pháp mất quyền tự chủ về dược phẩm do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Bonnemain giải thích là, ngay từ năm 2011, cơ quan này đã được huy động để tiến hành một nghiên cứu cho bộ Y Tế Pháp. Theo báo cáo của Viện Dược Phẩm Quốc Gia, « đối với 86% bệnh viện ở châu Âu, việc khan hiếm thuốc đã trở thành một chủ đề gây lo ngại hàng ngày. Những loại thuốc có liên quan nhiều nhất là thuốc chống nhiễm trùng, chống ung thư, tiếp theo đó là các loại thuốc hồi sức cấp cứu, thuốc tim mạch và thuốc gây mê ».
PUBLICITÉ
Chiến lược yếu kém
Nhu cầu cao của các nước mới mới trỗi dậy đã khiến nhu cầu thuốc trên toàn cầu khó được đáp ứng. Ngoài ra, còn phải kể đến việc nhiều nhà máy phải ngưng sản xuất vì các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, kỹ thuật hay xã hội. Đó là chưa kể đến các vụ tai tiếng về chất lượng thuốc, chẳng hạn héparin, chất làm loãng máu được nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm 81 người tại Mỹ thiệt mạng. Chuyên gia Bruno Bonnemain lấy làm tiếc là « Không một ai đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi khi vẫn chưa quá muộn ».
Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính vẫn được sản xuất tại châu Âu, chỉ có 20% được nhập từ nước ngoài. Ấy vậy mà sau 30 năm, hiện nay các con số này đã bị đảo ngược. Ông Bonnemain nhấn mạnh : « Sự thay đổi lớn bắt đầu diễn ra trong những năm 1990, sau đó tăng tốc dần vào đầu những năm 2000, khi các doanh nghiệp quyết định dịch chuyển ồ ạt vì chi phí nhân công và các quy định về môi trường ».
Kế hoạch ban đầu là tất cả đều được sản xuất tại một nơi. Thế nhưng, với sự cạnh tranh của thuốc đồng dạng generique được sản xuất tại các nước đang phát triển, ngành dược phẩm đã thuê thầu phụ cả mảng sản xuất dược liệu thô, hoạt chất và kể cả thuốc. Đó là thời toàn cầu hóa theo kiểu đôi bên đều có lợi, cho phép một số doanh nghiệp cất cánh và những công ty khác sản xuất với giá thấp. Từng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, ông Bonnemain nói thẳng : « Sai lầm lớn nhất của các chính phủ của chúng ta là không coi các loại thuốc là sản phẩm chiến lược nữa. Khi ưu tiên giá thành, họ đã để các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Quyền tự chủ đã bị từ bỏ ».
Quá lơ là về hóa hữu cơ
Đã có thời nước Đức, chứ không phải Trung Quốc, được gọi là nhà máy dược phẩm và hóa chất của cả thế giới. Nói về chuyện nước Đức dịch chuyển các nhà máy dược phẩm, giáo sư Stefan Laufer, từng là chủ tịch hiệp hội Dược Sĩ Quốc Gia Đức cho đến tháng 12/2019, có cùng phân tích như chuyên gia Pháp Bruno Bonnemain. Sự thay đổi cũng bắt đầu từ đầu những năm 1990, và sự di chuyển lớn nền sản xuất sang Châu Á và đặc biệt là tới Trung Quốc cũng diễn ra từ 10 năm nay. Ông Laufet tóm lược : « Do áp lực từ các cơ quan bảo hiểm y tế Đức, thuốc trở thành một sản phẩm mà tiêu chí quan trọng nhất là giá thành chứ không phải chất lượng ». Theo ông, yếu tố môi trường là một lý do lớn dẫn đến việc dịch chuyển ngành hóa học hữu cơ, vốn có lợi cho ngành công nghiệp hóa dược phẩm rất phát triển của Đức. Chuyên gia Laufer lấy làm tiếc là Đức đã quá lơ là, bỏ bê các nhà máy hóa hữu cơ ».
Giáo sư Laufer nhấn mạnh : « Nước Đức đã quá đề cao giá trị thị trường toàn cầu khi cho rằng không cần nghĩ tới sự độc lập quốc gia bởi vì thị trường luôn được đáp ứng. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Bây giờ không có thị trường toàn cầu. Nước nào cũng đóng cửa biên giới và đấu đá nhau để giành giật khẩu trang và thuốc men ! » Cũng giống như chuyên gia Pháp Bonnemain, giáo sư Đức Laufer đã gióng những hồi chuông báo động ngay từ năm 2012. Quân đội Đức cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự yếu kém về chiến lược. Ông Laufer nhớ lại : « Chúng tôi đã đến Quốc Hội. Các bản báo cáo được gửi đến rất nhiều. Nhưng chẳng ai quan tâm … »
Còn dân biểu Đức Claudia Bernhard, thuộc đảng Die Linke, một người lưu tâm đến hồ sơ này, giải thích : « Sự thiếu phản ứng của các cơ quan công quyền là do sự tác động của các nhà vận động hành lang cho ngành dược phẩm », liên quan đến việc các Quỹ bảo hiểm chịu trách nhiệm ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc. Dân biểu này lấy làm tiếc là « Sự thiếu vắng hành động của chính phủ trung ương đã duy trì sự phụ thuộc về dược phẩm. Nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh cuối cùng tại Đức đã đóng cửa vào năm 2017. Nhà nước cần cho tái thiết nền công nghiệp dược phẩm, quay lại bào chế các hoạt chất chính. Nói thì dễ hơn làm, nhưng cuộc khủng hoảng không để cho chúng ta có sự lựa chọn, đây là câu hỏi sống còn ». Dân biểu Claudia Bernhard lấy làm mừng vì lãnh đạo Y Tế ở các bang của Đức cũng đề xuất theo hướng nói trên. 
Sự thức tỉnh đầy đau đớn

Liên quan đến nước Nga, một nhà tư vấn của hãng tin RNC Pharma, Nikolai Bespalov, cho Le Figaro biết « một cuộc di dời, tương tự những gì đến với phương Tây, đã xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ, tạo ra sự phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc và Ấn Độ (về các hoạt chất và dược liệu thô, 50-70%) » Mối lo là có thật cho dù Nga vẫn có kho dự trữ. Kể từ năm 2010, một nỗ lực dịch chuyển sản xuất về nước đã được khởi động và chính phủ Nga hồi cuối tháng Hai đã quyết định thúc đẩy sản xuất trong ngành hóa chất và dược phẩm.
Nhìn sang nước Mỹ, theo Le Figaro, có môt sự tỉnh thức đầy đau đớn. Với virus corona, người Mỹ mới nhận ra sức khỏe của họ phụ thuộc vào « đại địch thủ » Trung Quốc như thế nào. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì sản xuất những hoạt chất chính và các nhà máy vẫn bào chế dược phẩm, nhưng Trung Quốc vẫn thống trị thị trường Mỹ về dược liệu và các hoạt chất chính để sản xuất thuốc đồng dạng và kháng sinh đồng dạng. Tình trạng này tạo ra sự suy yếu chiến lược nghiêm trọng cho nước Mỹ.
Trong một báo cáo của Hội đồng quan hệ đối ngoại, nhà nghiên cưu Yang Zong Yuhan nhắc tới một cuộc trao đổi ở Nhà Trắng mà nhà báo Mỹ Bob Woodward từng nới tới, theo đó kinh tế gia trưởng Gary Cohn của Nhà Trắng lưu ý là trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc có thể dùng thuốc kháng sinh để đáp trả Mỹ vì Trung Quốc cung cấp tới 97 % lượng kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ : « Nếu quý vị là người Trung Quốc và quý vị muốn hủy hoại nước Mỹ, đơn giản quý vị chỉ cần ngưng gửi thuốc kháng sinh cho chúng tôi ».
Nhà nghiên cứu Rosemary Gibson của viện Hastings nhấn mạnh virus corona càng khiến Mỹ có ý thức về sự phụ thuộc nói trên. Tân Hoa Xã hôm 04/03 nhận định kịch bản Trung Quốc ngưng xuất khẩu thuốc men sang Mỹ sẽ gây khó khăn cho Mỹ, « nhấn chìm nước Mỹ trong đại dương virus corona ». Nhiều nhà chiến lược Mỹ có ý tưởng tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Tại Hạ Viện, một nhóm dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật nhằm khuyến khích việc « hồi hương » một số dây chuyền sản xuất thuốc.
Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hồ sơ này đều lưu ý về những khó khăn liên quan đến thời hạn, chi phí, kiến thức hiểu biết để tái lập nền sản xuất. Chuyên gia Đức Laufer cũng tỏ ý hoài nghi về lâu dài : « Việc này sẽ phải mất nhiều năm, các quy trình sản xuất hóa học tinh khiết rất phức tạp, nhất là phải sáng chế ra các công nghệ riêng để đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn xanh (…) Việc này đương nhiên sẽ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu, bởi vì các nước không thể sản xuất toàn bộ chỉ trong nước họ (…) Tất cả những điều trên đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy. »







No comments:

Post a Comment

View My Stats