Tuesday 10 March 2020

VIRUS CORONA ĐANG ĐE DỌA NHÀ TRẮNG & TỔNG THỐNG DONALD TRUMP (RFI)




NỘI DUNG :
.
Thụy My  -  RFI
.
Trọng Nghĩa  -  RFI
.
Mai Vân  -  RFI
.
========================================
.
Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày: 10/03/2020 - 11:00 

Theo tin từ Báo điện tử của chính phủ Việt Nam hôm nay, 10/03/2020, bộ Y Tế vừa thông báo đã có ca nhiễm virus corona thứ 34 tại Việt Nam. Bệnh nhân thứ 34 là một phụ nữ quốc tịch Việt Nam, sang Mỹ từ ngày 22/02 và trở về Việt Nam ngày 02/03. Khi bay sang New York, người này đã quá cảnh ở Hàn Quốc.

Bệnh nhân thứ 33 là một du khách quốc tịch Anh, đi trên cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân thứ 17, một cô gái đi du lịch châu Âu trở về Hà Nội ngày 02/03. Khi được đưa đi xét nghiệm, bệnh nhân người Anh này lưu trú tại Hội An. Còn bệnh nhân thứ 32 là nữ, quốc tịch Việt Nam, đã có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 tại Luân Đôn ngày 27/02 và đã thuê máy bay riêng về Việt Nam hôm qua, 09/03.

Theo trang vnExpress, trên chuyến bay VN0054 còn có 11 người khác đã được xác nhận nhiễm virus corona, trong đó có 10 du khách. Các bệnh nhân từ chuyến bay này « đã đi nhiều tỉnh thành Việt Nam, tiếp xúc hàng trăm người khác ».

Như vậy là tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 34 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó, theo thông báo chính thức, 16 người đã khỏi bệnh và 18 người đang bị điều trị cách ly.

Theo thông báo của Vietnam Airlines, kể từ hôm nay, toàn bộ hành khách khởi hành từ châu Âu được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay và phải đeo khẩu trang y tế. Hôm qua, Việt Nam đã thông báo ngưng miễn visa nhập cảnh đối với 8 nước châu Âu, trong đó có Pháp, sau khi đã thi hành biện pháp này đối với Ý.

-----------------------------------
.
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 10/03/2020 - 14:00

Con virus corona xuất phát từ Vũ Hán đang tiến lại gần Nhà Trắng và tổng thống Mỹ Donald Trump vì ông có các tiếp xúc cá nhân với năm dân biểu, nghị sĩ đang bị cách ly.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời về dịch coronavirus trong cuộc họp báo thường nhật tại Nhà Trắng. Ảnh ngày 09/03/2020. REUTERS/Jonathan Ernst

Phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham hôm qua 09/03/2020 tuyên bố : « Tổng thống chưa xét nghiệm virus corona, vì ông không có cuộc tiếp xúc gần và kéo dài với một bệnh nhân bị nhiễm, và cũng không có triệu chứng nào ».

Tuy nhiên có năm thành viên Quốc Hội đã tiếp xúc với tổng thống trong những ngày gần đây, và hôm qua họ đã tự cách ly 14 ngày vì có nguy cơ lây nhiễm, dù không có triệu chứng. Chánh văn phòng tương lai vừa được bổ nhiệm cách đây vài ngày, Mark Meadows cũng thông báo tương tự.

Dân biểu Cộng Hòa Matt Gaetz hôm qua thậm chí còn đi cùng phi cơ Air Force One với tổng thống đến Washington. Ít lâu sau ông cho biết « cách đây 11 ngày » có tiếp xúc với một người nay được biết là dương tính với virus corona. Dù không có những biểu hiện đáng ngờ, ông Gaetz đã đi xét nghiệm và đang chờ kết quả.

Một dân biểu Cộng Hòa khác là Doug Collins, đã gặp tổng thống Trump hôm thứ Sáu 6/3, hôm qua cũng loan báo sẽ tự cách ly. Trong những tấm ảnh AFP chụp được, ông Collins đứng ngay sau ông Trump trong chuyến thăm Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) ở Atlanta. Theo một số báo, Doug Collins có bắt tay Donald Trump trong dịp này.

Hai dân biểu trên tham dự một hội nghị quan trọng thường niên của phe bảo thủ (CPAC) ngày 26-29/2 gần Washington. Tổng thống Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence đều hiện diện. Cũng tại hội nghị này, thượng nghị sĩ Ted Cruz và dân biểu Paul Gosar đã bắt tay một người bị dương tính, vào tối Chủ nhật cả hai loan báo tự cách ly.

Dân biểu Julie Browley (Dân Chủ) cũng quyết định làm việc từ xa sau khi gặp một người bị nhiễm « vào tuần trước ».

Nổi tiếng là một người ngán ngại các loại virus từ trước khi xảy ra nạn dịch, tuần trước tổng thống Trump nói đùa là từ nhiều tuần qua ông không đụng đến khuôn mặt mình. Cho đến nay, Donald Trump có xu hướng làm giảm nhẹ tầm mức của dịch bệnh này, Nhà Trắng hôm qua 9/3 bác tin ông Trump rút gọn chương trình hoạt động.

Tuy nhiên trong giai đoạn tranh cử, cuộc khủng hoảng dịch tễ đã gây ảnh hưởng nặng nề : khó thể tổ chức những cuộc mít-tinh lớn, còn tăng trưởng - một trong những chủ đề chính trong chiến dịch vận động của ông Donald Trump cũng bị virus corona làm chao đảo.

--------------------------------------------
.
Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày: 10/03/2020 - 11:07

Trước đà lây lan rất nhanh của dịch virus corona (Covid-19) tại Ý, thủ tướng Giuseppe Conte vào hôm qua (09/03/2020) đã ban hành một sắc lệnh hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người trên toàn quốc kể từ hôm nay 10/03 và kéo dài cho đến ngày 03/04.

Những biện pháp tương đương với chế độ “cách ly” này được áp dụng trên một số dân 60 triệu người, với hy vọng ngăn không cho dịch Covid-19 lan rộng, vốn đã làm cho 9.172 người Ý bị nhiễm bệnh, trong đó có 463 người đã thiệt mạng.

Từ Rôma, thông tín viên RFI Eric Senanque tường trình :

"Quả là một điều chưa từng thấy tại Ý khi thủ tướng Giuseppe Conte loan báo tối hôm qua quyết định cách ly toàn bộ đất nước. Rất nhiều người đã không tránh khỏi ngỡ ngàng.

Như vậy là kể từ hôm nay, “Vùng đỏ” thiết lập trước đây ở miền bắc nước Ý được mở rộng ra toàn lãnh thổ. Một cách cụ thể, tất cả người dân Ý được mời ở yên trong nhà, tránh mọi hoạt động đi lại để không lan truyền con virus, cũng như tránh các cuộc tụ họp.

Giao thông công cộng tuy nhiên vẫn được duy trì, cho dù trong những ngày qua hầu như không có khách. Các quán bar và nhà hàng trên toàn quốc đều phải đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều kể từ hôm nay.

Một biện pháp nặng ý nghĩa biểu tượng khác : Giải Vô Địch Bóng Đá Quốc Gia Calcio đã bị đình chỉ. Phải lần ngược về thời Đệ Nhị Thế Chiến mới thấy giải Calcio bị đình hoãn.

Dĩ nhiên, người dân cũng có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác nhưng một cách rất hạn chế, phải có giấy phép đặc biệt hoặc giấy chứng nhận y tế. Những ai không tuân thủ các quy tắc đi lại có thể bị phạt tù.

Trong cuộc họp báo tối qua, thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định : Không nên để phí thời gian nữa, một tuyên bố mang đậm không khí thời chiến.

Trên mạng internet, hashtag #ItaliazonaRossa tức là “Vùng đỏ của Ý” đã trở thành phổ biến nhất trong vỏn vẹn vài phút. Bán đảo Ý sáng nay đã giống như một hòn đảo bị cắt rời khỏi thế giới.

--------------------
.
Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày: 10/03/2020 - 15:19

Điều được ghi nhận đầu tiên về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á, là những con số rất khiếm tốn về ca nhiễm, nhìn chung chỉ từ vài người cho đến vài chục người.

Đây quả là một điều rất khác thường đối với một vùng là láng giềng sát cạnh Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch Covid-19 vốn đã lan rộng ra toàn thế giới, với nhiều nơi có số ca nhiễm đã vượt mức 1000. Càng khác thường hơn nữa là một số nước có biên giới chung với Trung Quốc, cho đến cuối tháng Giêng, vẫn tiếp đón những chuyến bay thẳng thường nhật từ tâm dịch là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.

Giới quan sát đã bước đầu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những con số nhỏ bé đó để cho rằng chính quyền một số nước, vì những động cơ chính trị, đã cố tình giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của tình hình.

Theo những con số được chính thức thông báo cho đến hết ngày hôm qua, 09/03/2020, Singapore là nước Đông Nam Á ghi nhận số ca bị nhiễm virus corona cao nhất, với 150 trường hợp, theo sau là Malaysia với 99 ca, kế đến là Thái Lan với 50 ca lây nhiễm, Việt Nam 31 ca.

Và ở tận cuối bảng, người ta ghi nhận 7 trường hợp ở Philippines, 4 trường hợp ở Indonesia, 2 trường hợp ở Cam Bốt. Còn ở Lào, Miến Điện và Brunei, hoàn toàn không có một trường hợp lây nhiễm nào.

Những lời giải thích “trời ơi” từ một số nước
Theo Carole Isoux, thông tín viên đài RFI và nhật báo Libération tại Bangkok, không thiếu cách diễn giải của một số chính quyền tại chỗ về tình trạng miễn dịch, hay ít bị lây lan của nước họ.

Tiêu biểu nhất là lời giải thích của bộ trưởng Y Tế Indonesia. Nhân vật này đã không ngần ngại giải thích công khai rằng: “Chính những lời cầu nguyện đã bảo vệ chúng tôi khỏi virus”.

Còn tại Thái Lan, lời giải thích không đến nỗi siêu hình, nhưng rất vô tư: Đó là do thói quen sạch sẽ của người Thái, thường tắm nhiều lần trong ngày. Mặt khác, đó cũng là do cách chào của người Thái, chỉ chắp tay vái chứ không bắt tay, hay ôm hôn.

Tại Việt Nam, cụ thể là ở miền Nam, lập luận cho rằng con virus corona, cũng như một số virus khác, rất sợ trời nóng, vì thế đã tránh Việt Nam!

Hệ thống y tế yếu kém
Nhưng đối với giới chuyên môn, những con số lây nhiễm cực thấp tại nhiều nước phản ánh một hệ thống y tế yếu kém.

Một báo cáo gần đây của một nhóm bác sĩ và nhà toán học thuộc đại học Mỹ Harvard cho rằng căn cứ vào các dữ liệu thống kê về những dịch bệnh khác, đối với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Thái Lan và Cam Bốt, số các ca nhiễm Covid-19 trong thực tế không thể thấp như vậy.

Marc Lipsitch, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Động Lực Các Loại Bệnh Truyền Nhiễm, đại học Mỹ Harvard khẳng định: “Có nhiều ca nhiễm bị bỏ qua không bị phát hiện trong vùng”.

Dẫu sao thì tại các nước phát triển, các giới chức y tế đã hiểu rất rõ tình trạng đó. Mặc dù có số liệu chính thức về các ca nhiễm Covid-19 rất thấp, Thái Lan và Cam Bốt chẳng hạn, đều bị đưa vào danh sách các quốc gia nguy hiểm và những người trở về từ hai quốc gia đó đã được khuyến cáo là nên chịu một thời gian cách ly.

Tại các quốc gia mà phần đông người dân sống mấp mé ngưỡng nghèo khó, do thiếu bảo hiểm y tế, nhiều người không đi khám bệnh khi chỉ có những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ngay cả khi có đi khám, thì họ gặp phải tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, chỉ được dành cho những ca rất nặng hay những người vừa đến từ những nước có nguy cơ cao. Những người bị ho và sốt thì được cho về với thuốc kháng sinh.

Lãnh đạo y tế thành phố Phuket ở Thái Lan chẳng hạn, mới đây đã công nhận trước các phóng viên là ông không được phép cung cấp cho nhà báo thông tin về chuyển biến của dịch Covid-19!

Ngân sách y tế hạn hẹp
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore được đánh giá cao và được giới chuyên gia khen ngợi về cách xử lý khủng hoảng, các nước ASEAN còn lại chỉ dành ngân sách tối thiểu cho hệ thống y tế của mình.

Một ví dụ điển hình là Miến Điện, nước chia sẻ đường biên giới dài 1.400 cây số với Trung Quốc, với người và hàng hóa tự do qua lại dọc theo biên giới này. Cho đến ngày 20/02 vừa qua, đất nước này không có thiết bị thử nghiệm của mình mà các mẫu xét nghiệm phải gởi sang Thái Lan phân tích. Hàng năm ngân sách Miến Điện dành cho y tế chỉ là 600 triệu euro. Để so sánh, ngân sách y tế của Pháp lên đến 20 tỷ.

Ngoài ra còn có vấn đề ưu tiên khiến cho dịch Covid-19 không được coi trọng. Theo Carole Isoux, vào lúc Đông Nam Á đang phải vật lộn với một đợt dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của khu vực, một số nước còn phải đối phó với bệnh lao đang trỗi dậy trở lại. Vấn đề tử vong trẻ sơ sinh, nạn suy dinh dưỡng vẫn luôn là yếu tố bình thường trong cuộc sống thường ngày ở nhiều vùng. Trong tình hình đó, theo như phân tích của bác sĩ Somnak Kongchathai, ở Surat Thani, miền nam Thái Lan thì “việc hoảng hốt trước virus corona, thẳng thắn mà nói, chỉ là vấn đề của nước giàu mà thôi”.

Giấu bệnh để thu hút du khách
Tầm quan trọng của ngành du lịch cũng giải thích phần nào những báo cáo về số liệu ít ỏi người nhiễm virus corona.

Ngày 02/03, bộ trưởng Y Tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã công bố trên mạng xã hội một tài liệu theo đó những người đến từ Pháp và Đức cam kết sẽ tuân thủ một thời gian tự cách ly trong phòng khách sạn của họ. Trước làn sóng phản ứng, ông đã phải lùi bước ; đất nước Thái Lan không thể làm phật lòng số ít du khách còn lại với những biện pháp cứng rắn hay số liệu quá thật.

Theo bộ trưởng Du Lịch Thái Lan, du khách Trung Quốc giảm đến 86%, ngành thua thiệt đến 7,5 tỷ euro. Ở những nơi trong vùng Đông Nam Á, các bãi biển hầu như hoang vắng, những địa điểm du lịch như đền Angkor ở Cam Bốt hay vịnh Hạ Long ở Việt Nam cũng trống vắng. Du khách Trung Quốc mang lại ít ra một phần tư thu nhập cho ngành du lịch trong khu vực.

Không muốn làm Trung Quốc mếch lòng
Ngoài ra, theo giới quan sát, cũng có tính toán chính trị. Nhiều nước trong vùng không muốn cho thấy là họ quá sốt sắng trong việc thông báo quá sát về số lượng người nhiễm virus để khỏi làm mếch lòng người láng giềng Trung Quốc hùng mạnh mà kinh tế cả vùng đều lệ thuộc vào, nhưng lại là nơi phát tán con virus độc hại.

Một ví dụ điển hình. Ngay đầu tháng Hai, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đến Trung Quốc và đã tuyên bố trong một tin nhắn Twitter rằng: “Người ta không thể bỏ bê một người bạn trong cơn khó khăn”.

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.
.
.
.
.
.





No comments:

Post a Comment

View My Stats