Hoài Phương
(Doanh Nhân Plus)
Thứ bảy, 21/03/2020
Đến
với Đồng bằng sông Cửu Long là đến với những dòng sông. Tự ngàn xưa, những dòng
sông bao giờ cũng hiền dịu, êm ái, cần mẫn và chở che. Mỗi con kinh con rạch, mỗi
ngọn xẻo dòng sông đều có sự quyến rũ diệu kỳ, nhất là đối với những người đi
xa, dòng sông luôn là nơi để nhớ, để thương và để hoài niệm.
Nói đến văn hóa một dòng sông, không phải chỉ có
sông Hồng, sông Bạch Đằng “ngàn năm vang vọng mãi lời nước non” hay
Cửu Long Giang cuộn khúc mà ngay cả con kinh, con rạch ở mỗi miền như kinh xáng
Xà No, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mang Thít, Vàm Nao… cũng đã làm nên lịch sử hào
hùng và gắn liền với nền văn hóa mang sắc thái của một vùng sông nước.
Từ xa xưa, phương tiện đi lại phổ biến của ông cha
ta là đường thủy, ghe xuồng được coi là một nhu cầu thiết yếu để mưu sinh, nhất
là vùng Cái Nước, Năm Căn (Cà Mau), Nhà Bè (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang),
Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang)… nhiều bà con đã lấy ghe làm nhà, lấy sông làm
đường, chọn hai bên bờ sông để định cư, thậm chí còn lấy tên sông đặt cho tên
đường, tên người, tên xóm ấp.
Sông Chợ Gạo (Tiền Giang) nơi tàu ghe qua lại suốt
ngày.
Xem thế, hình ảnh con thuyền và dòng sông đã ăn sâu
vào tâm tư tình cảm con người biết dường nào! Dòng sông còn là tấm gương phản ánh
mọi sinh hoạt, tâm lý và triết lý sống của con người: “Chớ thấy sóng cả
mà ngả tay chèo”, hoặc “Sông sâu còn có kẻ dò. Nào ai lấy thước mà đo
lòng người”.
Sách Lĩnh Nam chích quái đã viết “Người
Việt cổ lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền” và trong
quá trình sinh cơ lập nghiệp, bà con ta lại tỏ ra năng động, ít chịu khép kín,
chỗ nầy làm ăn không được họ sẵn sàng xuống ghe đi tìm vùng đất mới hào sảng
hơn “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá về đồng ăn cua”.
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long có tới 57.000km đường
sông rạch chằng chịt, riêng Cà Mau chiếm 18.000km. Chính môi trường đó đã tác động
đến phong tục, tập quán, tâm lý, tình cảm và nếp sinh hoạt đặc thù của một vùng
sông nước. Nhiều người gọi Nam bộ là “Vùng văn minh sông rạch”.
Chợ nổi, ngã bảy.
Điều đó không sai chút nào, bởi vì trong quá trình
xuôi ngược, giao lưu mua bán trên sông, ông cha ta đã đúc kết được nhiều kinh
nghiệm quý báu, tạo nên những dấu ấn của một thời khai hoang mở cõi: “Chèo
ghe sợ sấu cắn chân/ Xuống sông sợ đĩa, lên bờ sợ ma”, hoặc “Bìm bịp
kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chóng mỏi mê”.
Có thể nói, nơi nào ghe xuồng neo đậu là nơi đó xuất
hiện những làn điệu dân ca, hò vè, tạo cho mỗi con kênh con rạch đều đi vào lời
ru tiếng hát ngọt ngào, đầm ấm và còn gắn liền với văn hoá ẩm thực “Trà
Ôn cá cháy lạ kỳ/ Nấu rim kho mặn món gì cũng ngon”.
Dọc theo những dòng sông Phụng Hiệp – Sóc Trăng –
Ngã Bảy – Ngã Năm (Hậu Giang), nhiều đoàn ghe thương hồ xưa kia suốt ngày bồng
bềnh xuôi ngược, thỉnh thoảng cất lên tiếng hò dìu dặt, trữ tình: “Ngã
Bảy rẻ lối xuôi dòng/ Cà Mau Rạch Giá đau lòng chia ba/ Ngàn năm không nhạt
tình ta/ Mến yêu non nươc ông cha tạo thành”.
Ngoài ra, mỗi tên sông tên rạch ở Đồng bằng sông Cửu
Long, hình như lúc nào cũng lấp lánh nhiều giai thoại đáng yêu, mặc dù đó là những
câu chuyện mang tính huyền thoại nhưng đôi khi nó cũng lung linh ngời sáng khiến
cho các nhà khảo cứu phải bận tâm.
Đó là trường hợp song Vàm Nao ở An Giang, sông Mỹ
Thanh, Cù Lao Dung ở Sóc Trăng, rồi nào Bình Thuỷ, Chắc Băng… nơi đoàn tuỳ tùng
của Nguyễn Ánh đã đi qua còn để lại nhiều nghi vấn lịch sử. Chính những hình tượng
thẩm mỹ đó đã thể hiện rõ những nét văn hóa đặc trưng của một vùng sông nước hữu
tình.
Làng Nổi Cá Bè Châu Đốc.
Tại Hậu Giang, từ khi kinh xáng Xà No ra đời, tiếp đến
là kinh xáng Lái Hiếu, Ngã Nảy, Ngã Năm… đã làm thay đổi đời sống kinh tế-văn
hóa- xã hội, tạo điều kiện cho sự hình thành chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và
nhiều thị tứ sầm uất trong vùng. “Kinh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy/
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình…”. Nhà văn Sơn Nam gọi đó
là “Văn minh kinh xáng”.
Mỗi khi đề cập đến tình yêu đôi lứa hoặc bàn về thế
thái nhân tình, người ta cũng thường hay mượn hình ảnh của dòng sông, bến nước,
con đò để gợi lên niềm thương nỗi nhớ “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến
thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Môi trường sông nước còn là cái nôi êm
ái để cho các chàng trai cô gái giải bày, thề thốt, nhớ nhung.
Soạn giả Viễn Châu đã cho ra đời bài Tình anh bán
chiếu ngọt ngào bên bờ kinh Ngã Bảy: “Chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ
kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào? Sông sâu bên lở bên bồi,
tình anh bán chiếu trọn đời không phai”.
Nếu như cây đa, giếng nước, sân đình là cái nôi của
ca dao Bắc bộ thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi dòng sông, bến nước, mỗi hàng
dừa nghiêng bóng hoặc cây bần đều gắn liền với những câu ca, câu hát mượt mà đầy
chất trữ tình lãng mạn: “Bần gie đóm đậu sáng ngời. Lỡ duyên tại bậu
trách trời sao nên”, hoặc như “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No/
Anh có thương em thì cho một chiếc đò/ Để anh lên xuống thăm dò ý anh”.
Dòng sông mang đến cho con người bao niềm ước mơ và
hy vọng nhưng đôi lúc cũng làm cho con người khiếp sợ và kính nể trước sự
thiêng liêng và kỳ vĩ của mênh mông sóng nước. Do đó, dân thương hồ bao giờ
cũng dành cho những dòng sông một gốc thiêng trong lòng, thể hiện qua việc thờ
cúng “Thuỷ Long”.
Tắm mát trên những dòng sông.
Trăm sông đều đổ về biển cả và dù lớn hay nhỏ, mỗi
dòng sông đều mang trong lòng một hồn thiêng sông nước để biến thành tình tự
dân tộc. Khí thiêng đó luôn tiềm ẩn trong hoài niệm và ký ức của mỗi con người,
trong nhiều áng văn thơ, câu hò, điệu lý và truyện kể dân gian. Tất cả những thứ
đó đã làm nên văn hóa – văn hóa một dòng sông.
Thế nhưng, vài thập niên gần đây, do ảnh hưởng của
chất thải, hóa chất và rác rưởi, tai hại nhất là rác thải nhựa đã khiến cho nhiều
dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, mặt sông trở nên eo sèo vì phải gánh vác quá sức
chịu đựng, ngay cả các loài cá tôm cũng không còn chốn dung thân. Nếu như chúng
ta không tích cực bảo vệ mà cứ tiếp tục ứng xử thô bạo với những dòng sông, chắc
chắn dòng sông sẽ nổi giận, hai bên bờ sẽ sạt lở, nhà cửa tan tác, con người sẽ
phải hoàn toàn gánh chịu.
Hoài
Phương
Nguồn Doanh Nhân Plus, KTNN 1052
No comments:
Post a Comment