Trần
Phương
- Luật Khoa
22/03/2020
Vào buổi trưa ngày 28/5/1994, Đại đức Thích Huệ
Thâu, 43 tuổi, đi từng bước chậm rãi ra đằng sau tịnh xá của mình tại một miền
quê thuộc xã Ba Càng, tỉnh Vĩnh Long. Ra đến bờ sông, ông ngồi xuống, gập chân
lại trong tư thế thiền của đạo Phật rồi châm lửa tự thiêu.
Người anh trai của Đại đức Huệ Thâu kể
với nhà báo Cameron W. Barr của tờ The Christian Science Monitor rằng
sở dĩ Đại đức Huệ Thâu phải chọn cách tự sát đau đớn như vậy là vì ông đã cùng
đường.
Vào những năm 1990, đạo Phật miền Nam đã ráng hết sức
để sống sót dưới bàn tay toàn trị của chính quyền.
Để yên thân, không ít các nhà sư đã chọn tham gia
Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước thành lập. Nhưng ở các nơi khác, thành
thị cũng như nông thôn, những nhà sư độc lập đã có một số phận rất đau thương.
Trước đó, chính quyền đã cấm Đại đức Huệ Thâu hành đạo
trong các ngôi chùa ở Vĩnh Long, nơi mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiểm
soát hầu hết các ngôi chùa ở đây.
Nhưng điều đó không khuất phục được ông tham gia
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức cho chính quyền thành lập để kiểm soát
Phật giáo. Ông và những người khác vẫn một mực trung thành với Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất, anh trai ông nói với nhà báo Cameron.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập
vào năm 1964 sau cuộc tranh đấu khiến chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ. Vì có kỹ
năng tổ chức và tài huy động dân chúng nên sau năm 1975 chính quyền đã tìm mọi
cách vô hiệu hoá giáo hội này, và thay thế bằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo AP, ba ngày trước khi ông tự thiêu, ông
đã dẫn khoảng 47 tăng, ni, phật tử đến trụ sở của Hội đồng Nhân
dân tỉnh để yêu cầu chính quyền ngừng đàn áp tôn giáo.
Một ngày sau, ngôi tịnh xá bé nhỏ nơi duy nhất mà Đại
đức Huệ Thâu có thể tu hành bị chính quyền ra lệnh đóng cửa với lý do chùa ông
tuyên truyền mê tín dị đoan.
Trong chế độ mới, kỹ năng tranh đấu bất bạo động của
Đại đức Huệ Thâu cũng như các nhà sư thuộc GHPGVNTN đã hoàn toàn vô dụng.
Huế 1993
Ngày nay, khi bạn tham quan chùa Thiên Mụ ở Huế, các
hướng dẫn viên chắc chắn sẽ giới thiệu về “chiếc xe hơi của lòng yêu nước”, chiếc
xe đã chở Hòa thượng Thích Quảng Đức đi tự thiêu ở Sài Gòn vào một buổi sáng
năm 1963. Nhưng chắc chắn các hướng dẫn viên sẽ không kể cho bạn nghe về một cuộc
nổi dậy ở Huế bắt đầu từ một vụ tự thiêu ở chùa Thiên Mụ.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 21/5/1993, du khách đang tham
quan chùa Thiên Mụ thì thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi bước đến trước bảo
tháp chứa hài cốt của Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Người đàn ông này đã châm
lửa thiêu mình ngay tại đó. Công an đã tịch thu thi thể và số
giấy tờ của người đàn ông này, được cho là có cả thư tuyệt mệnh.
Các thầy ở chùa Thiên Mụ biết người đàn ông này, đó
là phật tử Nguyễn Ngọc Dũng, người Huế. Khi các thầy dựng một bàn vong nhỏ ngay
tại chỗ phật tử Dũng tự thiêu, ghi rõ rằng “Nơi đây, vào lúc […] một phật tử đã
phát đại nguyện tự thiêu để ….” thì bị công an đến phá.
Một bàn vong nhỏ được các thầy chùa Thiên Mụ đặt ở
nơi phật tử Nguyễn Ngọc Dũng tự thiêu. Ảnh: Phim tài liệu về vụ việc.
Tối hôm đó, Đài phát thanh Huế phát
trên loa: “Một người nghiện ngập ma túy, mắc bệnh SIDA, vừa tự sát
do xăng!”. Chính quyền nói rằng người
bị bệnh SIDA đó tên là Đào Quang Hộ, cư trú ở tỉnh An Giang, vì cãi nhau với vợ
nên đã đến chùa Thiên Mụ để tự thiêu.
Tuy nhiên, chính quyền không giải thích được vì sao
người đàn ông này lại đi một quãng đường dài đằng đẵng từ An Giang đến Huế chỉ
để tự thiêu. Cũng không hiểu vì sao người đàn ông này lại tự thiêu vào đúng vào
giỗ đầu của Hòa thượng Đôn Hậu.
Theo Phòng thông tin Phật
giáo Quốc tế của GHPGVNTN, ngày 22/5/1993, trụ trì chùa Thiên Mụ là
Đại đức Thích Trí Tựu làm đơn xin nhận xác người đàn ông này về an táng thì hai
hôm sau ông được mời lên Ủy ban Nhân dân tỉnh để làm việc.
Khi Đại đức Trí Tựu lên làm việc thì cán bộ muốn ông
ký xác nhận là có một người thanh niên nghiện ngập bị SIDA đã đến chùa ông để tự
thiêu nhưng ông không ký. Đại đức Trí Tựu bèn ra phía trước cơ quan ngồi xuống
tuyệt thực thì bị công an lôi vào trụ sở.
Tin tức Đại đức Trí Tựu bị cưỡng bức lan ra nhanh
chóng, các thầy chùa Thiên Mụ đã quá sợ hãi những vụ công an làm chết người như
cái chết của Hòa thượng Thích Thiện Minh, nên họ kéo nhau đi đòi người.
Đông đảo các nhà sư đã kéo đến trụ sở Uỷ ban Nhân
dân để tìm Đại đức Trí Tựu, hàng chục nghìn Phật tử đổ ra đường đứng ngập tràn
trên các con phố. Hai bên giằng co nhau rất căng thẳng. Các thầy không chịu giải
tán nếu không có người, chính quyền cũng không chịu thả người nếu các thầy
không giải tán.
Khi thấy một chiếc xe hơi chạy ra từ trụ sở uỷ ban,
nghi ngờ chiếc xe chở theo Đại đức Trí Tựu, đông đảo phật tử và các thầy đã bao
vây chiếc xe này thì thấy Đại đức Trí Tựu đang ngồi bên trong. Bằng mọi giá họ
phải đưa được thầy của mình ra ngoài. Một phật tử mở được cửa xe, các thầy liền
đưa Đại đức Trí Tựu ra ngoài rồi tức tốc leo lên một chiếc xe xích lô chạy thật
nhanh về chùa Thiên Mụ. Chiếc xe hơi nằm ở lại, đầu xe hướng về một hướng khác
hướng đi chùa Thiên Mụ, dân chúng xúm lại lộn ngược chiếc xe này, sau đó chiếc
xe bốc cháy.
Năm tiếng đồng hồ náo loạn ngày hôm đó đều được quay
lại bằng tám máy quay chuyên dụng của chính quyền. Chính quyền đã
dùng băng
ghi hình để cáo buộc các nhà sư đã gây rối ở Huế.
Những hình ảnh về cuộc biểu tình đòi người ở Huế của
các nhà sư vào năm 1993 do máy quay của chính quyền quay lại. Ảnh: Phim tài liệu
về vụ việc.
Liên tục trong năm tháng sau đó, khắp các mặt báo
trong nước đồng loạt bôi nhọ các nhà sư ở Huế đã làm loạn thành phố.
Ngày 15/11/1993, các đại đức Thích Trí Tựu, Thích Hải
Tạng, Thích Hải Chánh và Thích Hải Thịnh bị kết án ba đến bốn năm tù vì tội gây
rối trật tự công cộng. Năm phật tử khác cũng bị kết án từ sáu tháng đến bốn năm
tù giam.
Nhà sư bị bắt cầm súng
Vào cuối những năm 1970, chính quyền đã làm một chuyện
chưa từng có tiền lệ ở miền Nam là gọi các nhà sư trẻ nhập cũ. Họ bị đưa sang
Campuchia để đánh Pol Pot hay ra biên giới Tây Bắc để chống Trung Quốc.
Sư Thích Nhân Tân, trong một cuộc
phỏng vấn với nhà báo Denis D. Gray vào năm 1981, cho biết rằng anh
đã bị chính quyền Việt Nam bắt đi đánh Pol Pot nhưng từ Campuchia anh đã trốn
sang Thái Lan để tị nạn.
Một nhà sư khác của khối Ấn Quang cũng xác nhận là
có việc nhà nước bắt các nhà sư trẻ đi lính.
Chính quyền Việt Nam không cho phép sư Thích Nhân
Tân cũng như các sư khác mặc áo tràng khi ra ngoài chùa. Chính quyền còn cố
tình sắp các cuộc họp công dân vào những giờ mà bà con đi lễ nhà thờ hay lễ
chùa.
Tháng 11/1981, trong một cuộc
phỏng vấn do hãng tin United International Press thực hiện ở thành phố Hồ Chí
Minh, một hòa thượng quen thuộc của giới sinh viên Phật tử Sài Gòn
xin giấu tên nói rằng các thanh niên muốn qua đêm ở chùa thì phải có giấy phép
của chính quyền.
“Không có nhà sư mới nào sau năm 1975”, vị hòa thượng
nói. “Chính quyền sẽ không cho họ ở lại chùa đâu”. Nếu chính quyền biết được
người nào mới xuất gia thì sẽ buộc họ hoàn tục và trả về cho gia đình, ông cho
biết.
Đến việc các nhà sư gặp mặt nhau cũng đầy khó khăn.
Chính quyền luôn luôn theo dõi để cản trở các thầy họp mặt cũng như đến các
ngôi chùa khác.
Ở thành phố thì người dân vẫn được phép đi chùa,
cúng dường, chỉ có điều là các thầy không được thuyết pháp, nhưng tình hình ở
nông thôn thì tệ hơn nhiều, ông cho biết. Ở một số khu vực nông thôn, chính quyền
địa phương chẳng những tịch thu đất ruộng của các chùa mà còn cấm người dân
cúng dường các thầy.
“Các thầy phải thôi tu hoặc chết đói”, ông nói.
Một nhà sư khác trong cuộc phỏng vấn nói: “Ở Hà Nội,
thanh niên không biết Phật giáo là gì cả. Chỉ còn có vài giảng sư già cỗi thôi.
Nhưng chính phủ sẽ không để các thầy dạy những đứa trẻ”.
Khi chính quyền đi thống nhất Phật giáo
Khoảng bốn tháng sau ngày 30/4/1975, chính quyền đã
tìm cách kiểm soát Phật giáo miền Nam bằng cách thành lập Ban liên lạc
Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng nhiều nhà sư đã kiên quyết không tham gia tổ
chức này vì họ đã là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất
(GHPGVNTN).
“Từ đó, cộng sản dùng các vị tăng ‘yêu nước’, ‘yêu
chủ nghĩa xã hội’ đi hăm dọa thúc ép tăng ni trong GHPGVNTN gia nhập ban Liên lạc
Phật giáo yêu nước. […]. Tuy bị hăm dọa, ép buộc, khủng bố, nhưng chỉ có một số
rất ít tăng ni nằm vùng hoặc vì quá sợ hãi mà phải tham gia cho yên thân, còn
tuyệt đại đa số tăng ni trong Giáo hội, từ Quảng Trị vào đến Cà Mau, vẫn một
lòng trung thành với Giáo hội và kiên trì chịu đựng”, trích
đoạn viết về thời kỳ Phật giáo miền Nam sau năm 1975 của Hòa
thượng Thích Quảng Độ.
Một số hòa thượng khác nếu không chịu đựng được thì
họ sẽ tìm cách vượt biên.
Thầy Thích Trí Hòa hay Thích Trí Hoa đã
vượt biên từ một bãi biển ở Vũng Tàu vào ngày 10/10/1980 và được
một tàu Đức cứu vớt sau 25 tiếng trôi dạt trên biển.
Ông nói mình nhận ra rằng nếu ở lại miền Nam thì
không thể tu được vì bị chính quyền cộng sản kiểm soát, tất cả các hoạt động đều
phải nhất nhất theo ý của chính quyền.
Một bức ảnh chụp thuyền nhân Việt Nam cập bến ở Hồng
Kông năm 1981. Như những người dân bình thường, không ít các nhà sư miền Nam chọn
cách vượt biên như thế này đã thoát khỏi chế độ đàn áp tôn giáo sau năm 1975. Ảnh:
UNHCR.
Năm 1977, chính phủ ra Nghị
quyết 297-CP kiểm soát hoạt động tôn giáo và được duy trì cho đến
năm 1999. Trong nghị quyết này, việc mở các lớp giáo lý, các cuộc họp nội bộ
trong các tôn giáo, phong chức hay thuyên chuyển các chức sắc và kể cả tuyển dụng
những tín đồ giúp việc đều phải được chính quyền cho phép.
Vào đầu năm 1980, chính quyền bắt đầu thực hiện kế
hoạch thống nhất Phật giáo.
Vào lúc này, Phật giáo miền Nam chỉ còn lại Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất của khối Ấn Quang, bao gồm đông đảo các nhà sư ở
miền Nam và miền Trung.
Trước kia, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất khi
thành lập Tổng hội Phật giáo tại Huế vào năm 1951. Đến năm 1964, các nhà sư tự
thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để đoàn kết các giáo phái, hội
đoàn sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Các hòa thượng như Thích Huyền Quang, Phó viện trưởng,
Thích Quảng Độ, Tổng thư ký của Viện Hóa Đạo thuộc GHPGVNTN là những người phản
đối việc gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Tuy nhiên, một số lãnh
đạo khác đã đồng ý tham gia.
Vào cuối năm 1981, GHPGVN được
thành lập là một tiền lệ chưa từng có khi một giáo hội Phật
giáo chấp nhận làm thành viên của một tổ chức chính trị là Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam.
Vì sao là một tiền lệ chưa từng có?
Vì cả hai lần thống nhất trước đó đều do các nhà sư
tự sắp xếp, tự thỏa thuận, tự thiết kế giáo hội, chính quyền hoàn toàn không
tham dự.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ sau này đã
giải thích rõ hơn: “Vấn đề Giáo hội nằm trong Mặt trận, tôi không chấp
nhận. Còn vấn đề liên hiệp giữa hai giáo hội. Tôi nói lập trường của chúng tôi
là không có vấn đề liên hiệp. GHPGVN là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, đó là
một tổ chức chính trị; chúng tôi không làm chính trị, không liên hiệp với bất cứ
tổ chức chính trị nào”.
Năm 1982, hai hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích
Quảng Độ bị đưa đi lưu đày mỗi người một nơi tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Thái
Bình.
Hai hòa thượng Thích Quảng Độ (trái) và Thích Huyền
Quang trong một tấm ảnh chưa rõ năm chụp, có thể vào những năm 2000 trong thời
gian Thích Huyền Quang bị lưu đày ở Bình Định. Hòa thượng Thích Huyền Quang
sinh năm 1919, xuất gia ở Bình Định từ năm 13 tuổi. Theo GHPGVNTN, ông bị giam
giữ tại các chùa cho đến khi viên tịch. Ảnh: chưa rõ nguồn.
Bắt giữ đồng loạt các nhà sư
Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời cũng là lúc
các nhà sư bị phân biệt thành hai nhóm: sư hợp pháp và sư bất hợp pháp.
Những nhà sư bất hợp pháp là những người không tham
gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Các nhà sư bất hợp pháp này hoặc lâm vào cảnh khốn
khó như Đại đức Thích Huệ Thâu hoặc góp mặt trong ít nhất 7.000
người trong các trại cải tạo vào năm 1985.
Chính quyền đã tổ chức một cuộc vây bắt đồng loạt
các nhà sư không cùng quan điểm với chính quyền và GHPGVN.
Vào tháng 4/1984, chính quyền Việt Nam đã đồng loạt
bắt khoảng 12 tăng, ni ở nhiều ngôi chùa khác nhau, trong đó có những người
là học
giả uyên bác của Phật giáo miền Nam như Ni trưởng Thích Nữ Trí
Hải, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ hay Hòa thượng Thích Trí Siêu.
Theo sau vụ bắt giữ đồng loạt này, tháng 8/1984,
chính quyền tiếp tục bắt
giữ Hòa thượng Thích Đức Nhuận, giáo sư của Viện Đại học Vạn Hạnh,
biên tập viên của Tạp chí Vạn Hạnh. Cùng vụ bắt Hòa thượng Đức Nhuận, Hòa thượng
Thích Tâm Quang và chú tiểu “Vinh Hien” cũng bị bắt giữ vì không tham gia
GHPGVN.
Vào tháng 10/1984, chính quyền bắt
giữ hai trụ trì của chùa Quang Âm và chùa Đại giác ở thành phố
Hồ Chí Minh là Hòa thượng Thích Thông Bửu và Thích Thiệu Huệ.
Đến năm 1986, chính quyền vẫn tiếp
tục giam giữ mà không đưa ra xét xử các hòa thượng Nguyên Giác,
Như Minh, Đức Nhuận, Trí Siêu tại trại giam Chí Hòa.
Mãi cho đến năm tháng 9/1988, chính
quyền mới xét xử các hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu
cùng 19 tăng ni, phật tử khác. Tất cả đều bị cáo buộc tham gia hoạt động lật đổ
nhà nước và thành lập một tổ chức cách mạng. Hai hòa thượng Tuệ Sỹ và Trí Siêu
bị tuyên án tử hình nhưng sau đó được giảm án, những người khác bị tuyên án từ
bốn năm tù giam đến chung thân.
Giây phút Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (ở giữa) được trả
tự do vào năm 1998 cùng với các thầy Thích Phước An, Thích Phước Viên. Ảnh:
Blog Tuan Khanh
Sau cuộc nổi dậy ở Huế vào năm 1993, nhiều cuộc phản
kháng khác vẫn tiếp tục bùng nổ. Cùng năm 1994, 11
nhà sư ở Huế và Vũng Tàu bị tuyên án vì chống chính quyền, công
an bắt
100 nhà sư ở thành phố Hồ Chí Minh bốn ngày sau khi họ biểu
tình ở trung tâm thành phố. Giữa năm 1994, 49
nhà sư đã tuyên bố sẽ tự thiêu nếu chính quyền không cho họ tái
lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ở một đất nước toàn trị, nơi tư pháp bị thôn tính,
truyền thông độc lập bị xóa sổ, tự do hiệp hội bị loại bỏ, dù kỹ năng tranh đấu
bất bạo động của các nhà sư có tài giỏi đến mấy thì cũng như châu chấu đá xe, họ
bao giờ định đoạt được tương lai của mình.
Năm 1963, pháp nạn của Phật giáo Việt Nam chỉ kéo
dài trong khoảng sáu tháng để chống chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng sau năm 1975,
Phật giáo Việt Nam đã bước vào một cuộc đại nạn vẫn còn kéo dài cho đến ngày
hôm nay.
No comments:
Post a Comment