Saturday 14 March 2020

TRONG TÂM BÃO DỊCH : ĐỪNG QUÊN GẠC MA (Nguyễn Ngọc Chu)





GẠC MA MÃI LÀ MỘT VẾT THƯƠNG KHÔNG LÀNH

1.
Đúng 32 năm trước vào sáng ngày 14/3/1988, Hải Quân Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma. Lực lượng tàu chiến của Trung Quốc gồm 3 tàu khu trục:

• Tàu khu trục 502 Nanchong / Nam Sung / 南充, lớp Giang Nam/065 (Jiangnan Class/065). Nặng 1.400 tấn, trang bị 3 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm;

• Tàu khu trục 556 Xiangtan / Tương Đàm / 湘潭, lớp Giang Hộ II/053H1 (Jianghu II Class/053H1). Nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 2 pháo 37mm;

• Tàu khu trục 531 Yingtan / Ưng Đàm / 鹰潭, lớp Giang Đông/053K (Jiangdong Class/053K). Nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm) – đã bất ngờ nã pháo tấn công 3 tàu công binh trọng tải 500 tấn của Việt Nam là HQ 604, HQ605, HQ505. Dã man hơn chúng dùng pháo 100mm và 37mm bắn vào 70 chiến sĩ công binh Việt Nam lưng trần đứng vòng tròn xung quanh cờ Tổ quốc bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma, làm 64 chiến sỹ hy sinh. Thảm sát Gạc Ma là vết nhơ của Hải Quân Trung Quốc.

2.
Thế nhưng, Trung Quốc đã chơi lá bài hai mặt trong tuyên truyền về Thảm sát Gạc Ma.

Một mặt, trong nội quốc, liên tục hàng năm Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền về thắng thợi “Hải chiến Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi Trường sa), không chỉ trong quân đội, mà trong toàn dân, nhất là trong các trường học ở bậc phổ thông. Trung Quốc còn đê tiện đưa các hình ảnh Thảm sát Gạc Ma trong phim kỷ niệm 70 năn ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.

Ở bình diện Quốc tế, Trung Quốc lại bịa đặt rằng trong khi các tàu Trung Quốc đang bỏ neo để yểm trợ cho “một nhóm nghiên cứu Liên hợp quốc thăm dò mỏ dầu ở Gạc Ma” thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế Hải quân Trung Quốc “bắt buộc phải tự vệ”.

3.
Sự bịa đặt vu khống của nhà cầm quyền Trung Quốc là vô đối trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc bịa đặt vu khống từ ngàn xưa, hôm nay, và còn mãi về sau. Trung Quốc bịa đặt vu khống không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với tất cả các quốc gia có quan hệ.

4.
Cụ thể, mới cách đây 2 ngày (12/3/2020), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã vu cáo Mỹ đưa virus corona đến Vũ Hán. Triệu Lập Kiên viết trên Twitter rằng “quân đội Mỹ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán”.

Phản ứng tức thì, ngày 13/3/2020 Bộ Ngoại giao Mỹ – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stil – đã triệu tập đại sứ Thôi Thiên Khải để phản đối “chiến dịch tung tin giả toàn cầu trắng trợn về nCoV” của Trung Quốc.

Đến cường quốc số 1 Hoa Kỳ còn bị Trung Quốc vu cáo là nguyên nhân gây ra đại dịch virus Vũ Hán mà cả thế giới đã biết rõ, thì trong quan hệ nửa kín nửa mở giữa Trung Quốc với Việt Nam – có điều gì mà Trung Quốc không thể không bịa đặt vu cáo.

5.
Nhắc lại sự tráo trở của nhà cầm quyền Trung Quốc không phải để gây hận thù, mà để không quên.

Nhắc lại Lịch sử Gạc Ma để nhớ công ơn các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, để không quên lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Nhắc đến Gạc Ma để rút ra những bài học trong quan hệ với Trung Quốc, rằng:

a. Ý THỨC HỆ VỚI TRUNG QUỐC CHỈ LÀ VỎ BỌC CHO Ý THỨC ĐẠI HÁN,

b. Ý THỨC HỆ VÔ NGHĨA TRƯỚC Ý THỨC DÂN TỘC,

c. SỢ ĐỐI ĐẦU SẼ KHÔNG TRÁNH KHỎI ĐỐI ĐẦU ,

d. YẾU THÌ BỊ BẮT NẠT.

Từ đó để có sách lược phù hợp.

Gạc Ma mãi là một vết thương không lành.



-----------------------------------------------------------------------


Cách đây 32 năm, tức ngày 14 tháng 3 năm 1988, quân đội Trung Quốc nổ súng tấn công các chiến sĩ hải quân Việt Nam tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh khánh Hòa. Kết quả, 64 chiến sĩ hy sinh, người bị bắn, người bị lưỡi lê đâm, trước khi chết họ kết chặt tay nhau, tạo thành một vòng tròn bất tử, thiếu úy Trần Văn Phương kịp hô to lần cuối:

– Thà hy sinh, quyết không để mất đảo!

Có thể nói, vòng tròn đó vừa là vòng tròn huyền thoại, vừa là vòng tròn bi kịch, bởi đến ngày nay người ta vẫn chưa tìm thấy hài cốt các chiến sĩ, oan hồn còn lênh đênh trên biển, vợ mất chồng, mẹ mất con, con mất bố. Gạc Ma chưa lấy lại được còn truyền thông, giới viết sử im bặt.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam không hề biết đến sự kiện Gạc Ma cùng những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, sách giáo khoa ở các cấp học không nhắc đến dù chỉ một dòng.

Trong buổi tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói:

– Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng!

Còn điều gì đau đớn hơn khi kẻ thù đến xâm lược, người lính không được phép chống trả, các thế hệ cháu con không được biết đến câu chuyện lịch sử, người đi tưởng niệm thì bị đánh, có bao giờ thân phận người Việt Nam bị xem thường đến thế?

Oan thấu trời xanh

Vòng tròn bất tử – cụm tượng đài khu tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.


Tuy nhiên, ngay gần khu tưởng niệm Gạc Ma có rất nhiều dân oan nhờ tôi lên tiếng, ngồi thức trắng đêm nghiên cứu hồ sơ về họ, cũng đã nuốt nước mắt vào trong bởi có quá nhiều dấu hiệu oan sai.

Tiêu biểu là trường hợp 5 hộ dân có đất bị thu hồi gần khu tưởng niệm Gạc Ma, tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, trong đó có ông Ngô Minh Hiệp, ông Bùi Văn Rớt…

Đất của họ khai hoang trước năm 1993 để trồng điều, thanh long,… sử dụng ổn định, không tranh chấp nhưng lại bị chính quyền huyện Cam Lâm thu hồi phục vụ cho dự án nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty cổ phần du lịch biển Nam Hùng.

Những người dân khốn khổ đi kêu cứu gần 10 năm, chủ tịch huyện Cam Lâm, phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra văn bản thừa nhận sai phạm của chính quyền và yêu cầu các đơn vị chức năng xác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ bà con.

Tuy nhiên, sai phạm nối tiếp sai phạm, thu hồi rồi lại cưỡng chế, đang trong giai đoạn tranh chấp doanh nghiệp Nam Hùng tự ý cho quân đến đến cướp đất, đốt lều ở của bà con, đánh đuổi dân, xúc cát gần bờ biển, cát ngoài dự án phục vụ công trình của họ.

Chính quyền địa phương có dấu hiệu bao che, cố ý làm sai lệch hồ sơ, người dân tố cáo họ lấy tiền đền bù của chủ đất, lập hồ sơ khống đền bù cho người thân quen của lãnh đạo.

Không chỉ có Nam Hùng, còn rất nhiều dự án cao cấp ở đây, những căn biệt thự biển được bán ra với giá vài chục tỷ đồng/căn, nhưng đền bù cho dân với giá 17 nghìn đồng/m2, thậm chí cướp trắng.

Oan khuất chất chồng oan khuất, nỗi đau chất chồng nỗi đau. Trong khi người Việt vẫn còn loay hoay trong việc xác định bạn – thù, mải mê lên chùa cúng sao giải hạn, thì cha, ông họ đã làm mồi cho cá, những người đồng bào của họ đang kêu cứu từng ngày. Còn họ, sẽ chẳng có thánh, thần nào muốn giải hạn cho họ ngoài chính lương tâm họ.

Đỗ Cao Cường


*
Sau khi chiếm được Miền Nam năm 1975, Lãnh đạo VN đã ko biết mình là ai. VN rơi vào thế đơn độc, bị bao vây cấm vận tứ bề; hệ thống XHCN đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. VN đã phải chấp nhận chịu trận, chịu chết trước đồng chí TQ. Nếu lúc đó VN nổ súng chống lại ở Gạc Ma thì ko biết chừng TQ lấy cỡ dùng vũ lực chiếm một loạt các đảo khác ở Trường Sa mà VN đang đóng quân. Mất Gạc Ma chỉ là kết quả của việc đưa đất nước vào đường cùng của Ban lãnh đạo thời kỳ đó.

*
ân VN ko bao giờ quên nỗi đau này,cũng ngày này năm trước xem ti vi đưa tin anh bộ đội đến thăm người mẹ của liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma bây giờ nghĩ lại mà vẫn thấy thương người mẹ ấy vì đó cũng là hình ảnh của mẹ mình khi nhận được tin con trai hy sinh

*
Các bài viết liên quan đến GM ko đi sâu vào vấn đề đánh hay không đánh nó chỉ nhắc lại 1 trang đen tối, cơ cực của các chiến sĩ và đất nước!




No comments:

Post a Comment

View My Stats