Phạm Hạnh dịch
Cơn bão này rồi sẽ qua đi nhưng những lựa chọn bây
giờ có thể sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai.
*
Nhân loại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn
cầu. Có lẽ đây là khủng hoảng lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Những quyết định
mà người dân và các chính phủ đưa ra trong mấy tuần tới có thể sẽ định hình thế
giới trong tương lai. Không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng lớn mà còn cả kinh tế,
chính trị và văn hóa.
Lúc này chúng ta phải hành động nhanh và dứt khoát.
Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc đến hậu quả về lâu về dài của những hành động
này. Khi đắn đo giữa các lựa chọn, chúng ta nên tự hỏi không chỉ làm sao để vượt
qua mối đe dọa hiện tiền mà còn về thế giới mà chúng ta sẽ sống sau khi cơn bão
này đi qua. Rồi bão sẽ qua đi, loài người sẽ vượt qua biến cố này, phần lớn
chúng ta sẽ sống sót – nhưng là sống sót trong một thế giới đã đổi thay.
Nhiều biện pháp khẩn cấp mang tính tạm thời lúc này
sẽ trở thành những thứ gắn chặt với đời sống về sau. Đó là bản chất của khẩn cấp.
Các biện pháp khẩn cấp đẩy nhanh tiến trình của lịch sử. Bình thường người ta
có thể mất nhiều năm để cân nhắc khi đưa quyết định nhưng trong thời đại này
các quyết định được thông qua chỉ trong vài giờ. Những công nghệ còn non yếu,
thậm chí gây nguy hiểm, bị “ép chín” đưa vào sử dụng vì rủi ro sẽ còn lớn hơn nếu
không làm gì cả. Các quốc gia trở thành những con chuột bạch trong các cuộc thử
nghiệm xã hội trên quy mô lớn.
Chuyện gì xảy ra khi chúng ta làm việc ở nhà và giao
tiếp với nhau từ xa? Chuyện gì xảy ra khi tất cả các trường đều học trực tuyến?
Bình thường, chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục sẽ không đời nào đồng
ý thực hiện một cuộc thử nghiệm như thế. Nhưng bây giờ không phải là lúc bình
thường.
Trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn
đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là chọn lựa giữa sự giám sát độc tài hay trao quyền
cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa
hay sự đoàn kết toàn cầu.
Giám sát phía-dưới-lớp-da
Để ngăn chặn đại dịch, tất cả dân chúng phải tuân thủ
các quy định cụ thể. Có hai cách khiến người dân tuân theo. Cách thứ nhất là
chính phủ giám sát và trừng phạt những người làm trái quy định. Ngày nay, lần đầu
tiên trong lịch sử nhân loại, nhờ công nghệ, việc giám sát tất cả mọi người vào
mọi lúc trở nên khả thi. 50 năm trước, KGB, cơ quan tình báo Nga, không thể
theo dõi 240 triệu công dân Xô Viết 24 giờ/ngày, và cũng không hy vọng có thể xử
lý hiệu quả tất cả thông tin thu thập được. KGB dựa vào con người – các đặc vụ
và các nhà phân tích. Cơ quan này không thể cắt cử một đặc vụ kèm một công dân.
Nhưng giờ đây các thiết bị cảm biến và các thuật toán mạnh có thể thay thế cho
những bóng ma-bằng-xương-bằng thịt trước kia.
Trong cuộc chiến chống đại dịch corona, nhiều quốc
gia đã triển khai các công cụ giám sát mới. Trường hợp điển hình nhất là Trung
Quốc. Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ điện thoại thông minh của công dân, sử dụng
hàng trăm triệu camera an ninh có khả năng nhận diện khuôn mặt, buộc người dân
tự kiểm tra và báo cáo thân nhiệt và tình hình sức khỏe. Bằng cách này, chính
quyền Trung Quốc không chỉ nhanh chóng xác định được những ca nghi nhiễm mà còn
truy lùng ra được hành tung của các cá nhân này cũng như bất cứ ai từng tiếp
xúc với họ. Hàng loạt ứng dụng điện thoại ra đời nhằm cảnh báo người dân khi có
một ca nhiễm bệnh ở gần.
Công nghệ này không chỉ được sử dụng ở đông Á. Thủ
tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây cho phép cơ quan tình báo triển khai
công nghệ giám sát, vốn dùng để lùng bắt các phần tử khủng bố, vào việc theo
dõi các bệnh nhân nhiễm virus corona. Khi ủy ban phụ trách của quốc hội phủ quyết,
ông Netanyahu thông qua bằng một “sắc lệnh khẩn cấp”.
Bạn có thể cho rằng điều này có gì lạ đâu. Những năm
gần đây chính phủ và các tập đoàn đã và đang sử dụng những công nghệ phức tạp để
theo dõi, giám sát và thao túng người dân. Nhưng nếu chúng ta không thận trọng, đại dịch lần này sẽ
tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử chính phủ giám sát công dân.
Việc triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ trở thành điều bình thường ở
cả những quốc gia cho đến nay vẫn từ chối áp dụng. Hơn thế nữa, đó còn là một
bước chuyển đột ngột từ giám sát “trên bề mặt da” sang giám sát “dưới bề mặt
da”.
Trước kia, khi ngón tay bạn chạm vào màn hình điện
thoại thông minh và nhấn vào một đường link, chính phủ muốn biết chính xác bạn
đã truy cập thông tin gì. Nhưng sau dịch corona, mục tiêu quan tâm của các
chính phủ đã thay đổi. Giờ đây chính phủ muốn biết nhiệt độ trên đầu ngón tay của
bạn và huyết áp phía dưới đó.
Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt khi bàn
về việc chính phủ giám sát công dân là không một ai biết chúng ta đang bị giám
sát như thế nào, việc này sẽ tiếp diễn ra sao trong tương lai. Công nghệ giám
sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Những thứ mà 10 năm trước dường như
chỉ có trong khoa học viễn tưởng ngày nay không còn mới lạ.
Thử suy nghĩ, giả dụ có một chính phủ giả định yêu cầu
mọi công dân đeo vòng tay sinh trắc học giúp theo dõi thân nhiệt và nhịp tim 24
giờ/ngày. Chính phủ sau đó sẽ dùng thuật toán để lưu trữ và phân tích dữ liệu
thu thập được. Các thuật toán máy tính sẽ biết bạn dính virus trước cả khi bạn
có triệu chứng, chúng cũng nắm được bạn đã đi đâu và gặp gỡ ai. Nhờ vậy, dây
chuyền lây nhiễm sẽ bị cắt ngắn lại, thậm chí là cắt đứt ngay lập tức. Một hệ
thống như vậy chắc chắn có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan chỉ trong vài ngày.
Nghe tuyệt vời, phải không?
Nhưng mặt trái, đương nhiên, điều này mở đường cho
việc hợp thức hóa một hệ thống giám sát đáng sợ. Ví dụ nếu bạn biết tôi nhấn
vào đường link dẫn đến Fox News thường xuyên hơn CNN, điều này có thể hé lộ cho
bạn biết về quan điểm chính trị và thậm chí tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn biết
thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi xem một video trên mạng, bạn
có thể biết điều gì khiến tôi vui, điều gì khiến tôi buồn và điều gì khiến tôi
thực sự, thực sự tức giận.
Nên nhớ tức giận, hạnh phúc, buồn chán và yêu thương
là những hiện tượng sinh học cũng giống như cơn sốt hay cơn ho. Thứ công nghệ
dùng vào việc xác định tiếng ho cũng có thể nhận diện được một tràng cười. Nếu
các công ty và các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học trên diện rộng,
họ sẽ hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu bản thân mình. Đến lúc đó họ không
chỉ đoán trước mà còn có thể thao túng cảm xúc của chúng ta và nhờ đó họ có thể
thuyết phục ta tin vào bất cứ thứ gì, dù đó là một sản phẩm hay một chính trị
gia.
Giám sát sinh trắc sẽ khiến cho vụ bê bối Cambridge
Analytica thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook trở
thành “tiền cổ”. Tưởng tượng Bắc Triều Tiên vào năm 2030, mọi người dân phải
đeo vòng sinh trắc học 24 giờ/ngày. Khi anh lắng nghe bài phát biểu của Lãnh tụ
và chiếc vòng thu thập được tín hiệu cảm xúc tức giận thì anh toi đời chắc!
Đương nhiên, bạn có thể phản biện rằng giám sát sinh
trắc học chỉ là biện pháp tạm thời trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Người ta
sẽ dẹp nó đi khi đời sống trở lại bình thường. Nhưng đáng tiếc, lịch sử đã chứng
minh các biện pháp tạm thời thường tiếp tục tồn tại sau khi tình thế khẩn cấp
qua đi, đặc biệt nếu như luôn có một mối đe dọa mới lẩn khuất đâu đó ở phía trước.
Lấy ví dụ, Israel, quê hương tôi, tuyên bố tình trạng
khẩn cấp quốc gia trong cuộc chiến giành độc lập năm 1948. Điều này hợp thức
hóa hàng loạt các biện pháp tạm thời từ kiểm duyệt báo chí, tịch thu đất đai, cho
đến quy định đặc biệt liên quan đến việc làm bánh pudding (Tôi không đùa đâu).
Dù cuộc chiến đã kết thúc từ lâu, Israel chưa bao giờ tuyên bố chấm dứt tình trạng
khẩn cấp và cũng không gỡ bỏ các biện pháp tạm thời năm 1948 (vào năm 2011,
chính phủ cuối cùng cũng “nhân từ” xóa bỏ nghị định về bánh pudding).
Kể cả khi số ca nhiễm corona giảm về 0, một vài
chính phủ thèm khát dữ liệu công dân có thể sẽ trần tình rằng họ cần duy trì hệ
thống giám sát sinh trắc học vì lo ngại đợt sóng corona thứ hai hoặc bởi virus
Ebola đang biến chủng ở Trung Phi hay bởi vì… bạn hiểu ý tôi nói rồi đấy! Một
cuộc chiến dằng dai xoay quanh quyền riêng tư của mỗi cá nhân đã diễn ra suốt
những năm qua. Dịch corona có thể chính là “điểm bùng phát” trong cuộc chiến
này. Khi người dân phải chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ sẽ luôn chọn sức
khỏe.
Cảnh sát-xà phòng
Gốc rễ của vấn đề nằm ở việc đưa ra câu hỏi buộc người
dân phải lựa chọn giữa sức khỏe và quyền riêng tư. Bởi vì nó sai ngay ở cách đặt
vấn đề. Chúng ta có thể và nên có cả sức khỏe lẫn quyền riêng tư. Thay vì thiết
lập nên các thể chế giám sát chuyên chế nhằm ngăn chặn đại dịch, chúng ta có thể
thực hiện bằng cách trao quyền lực cho người dân. Những tuần gần đây, Hàn Quốc,
Đài Loan và Singapore nổi lên là những quốc gia khống chế đại dịch corona thành
công nhất. Ngoài các ứng dụng theo dõi, các nước này chủ yếu dựa vào hoạt động
xét nghiệm trên diện rộng, báo cáo số liệu trung thực và sự hợp tác tự nguyện của
quần chúng hiểu biết.
Việc giám sát tập trung và trừng phạt nặng tay không
phải là cách duy nhất khiến người dân tuân thủ quy định. Khi người dân được tiếp
cận thông tin khoa học, khi họ tin rằng chính quyền đang nói thật, họ sẽ hành xử
đúng đắn mà không cần một Ông Kẹ kè kè theo dõi. Một xã hội có ý thức và được
thông tin đầy đủ thường mạnh mẽ và hiệu quả hơn một xã hội mù mờ thông tin và bị
kiểm soát.
Hãy lấy ví dụ việc rửa tay bằng xà phòng. Đây là một
trong những cải tiến lớn nhất trong hoạt động vệ sinh cá nhân của con người.
Hành động rửa tay đơn giản mỗi năm giúp cứu sống hàng triệu mạng người. Chúng
ta ngày nay có thể coi nhẹ việc rửa tay nhưng mấy ai biết rằng mãi đến tận thế
kỷ thứ 19, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc rửa tay bằng
xà phòng. Trước đó, thậm chí bác sĩ và y tá không rửa tay giữa các ca phẫu thuật.
Giờ đây hàng tỷ người rửa tay mỗi ngày, không phải bởi vì họ sợ lực lượng cảnh
sát-xà phòng giám sát, mà bởi vì họ ý thức được những lợi ích sức khỏe. Tôi rửa
tay với xà phòng bởi vì tôi đã nghe về vi khuẩn và virus, tôi hiểu những sinh vật
nhỏ bé này gây ra bệnh tật và tôi biết xà phòng có thể giúp diệt khuẩn.
Nhưng để đạt được mức độ tuân thủ và hợp tác như việc
rửa tay bằng xà phòng, anh cần niềm tin. Người ta cần phải tin khoa học, tin
chính quyền, và tin báo chí. Các
chính trị gia vô trách nhiệm trong những năm gần đây đã chủ ý phá họai
niềm tin của công chúng vào khoa học, chính quyền và truyền thông. Giờ đây lấy
lý do rằng không thể đặt niềm tin vào công chúng sẽ hành xử đúng, cũng chính họ
đang có ý định lựa chọn con
đường chuyên quyền.
Bình thường khi niềm tin đã xói mòn qua năm tháng
thì không thể gây dựng lại trong ngày một ngày hai. Nhưng đây không phải là lúc
bình thường. Trong cơn khủng hoảng, người ta thay đổi suy nghĩ rất nhanh. Anh
có thể cãi cọ với chị em trong nhà suốt bao năm qua nhưng khi tình thế khẩn cấp
ập đến, anh bỗng phát hiện ra trong lòng ẩn chứa niềm tin và tình thương và vội
chạy đến giúp người thân của mình.
Thay
vì xây dựng một chế độ giám sát công dân, hiện vẫn chưa quá muộn để gây dựng niềm
tin của người dân vào khoa học, chính quyền và báo chí. Chúng ta đương nhiên cũng nên tận dụng sức mạnh của công nghệ nhưng công
nghệ phải nhằm mục đích gia tăng sức mạnh cho người dân.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc theo dõi thân nhiệt và áp
huyết nhưng những dữ liệu đó không phải để phục vụ một chính phủ nắm mọi quyền
lực mà nó nên giúp tôi có đủ thông tin hơn để đưa các quyết định cá nhân đồng
thời khiến chính phủ chịu trách nhiệm với mỗi quyết sách.
Nếu tôi có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe của mình
24 giờ/ngày, tôi sẽ không chỉ biết liệu mình có gây hại cho người khác hay
không mà còn biết những thói quen nào ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Và nếu
tôi có thể tiếp cận và phân tích các thống kê đáng tin cậy về sự lây lan của
virus corona, tôi có thể đánh giá liệu chính phủ đang nói thật hay không và liệu
chính phủ có áp dụng các chính sách đúng đắn để phòng chống dịch hay không. Khi
nói đến giám sát, người ta thường chỉ nghĩ công nghệ giúp chính phủ giám sát mỗi
cá nhân mà không nhớ rằng công nghệ cũng có thể giúp mỗi cá nhân giám sát chính
phủ.
Đại dịch corona vì vậy là một bài kiểm tra lớn về
quyền công dân. Trong những tháng ngày trước mắt, mỗi chúng ta nên chọn tin vào
số liệu khoa học và các chuyên gia y tế thay vì tin vào các thuyết âm mưu và những
chính trị gia chỉ biết tư lợi. Nếu chúng ta không lựa chọn đúng, chúng ta có thể
đang tự tay ký vào văn bản tuyên bố từ bỏ sự tự do quý giá mà trong đầu thì
nghĩ rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ mình.
Chúng ta cần một kế hoạch toàn cầu
Lựa chọn quan trọng thứ hai mà chúng ta đối mặt là lựa
chọn giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu. Đại dịch
corona và khủng hoảng kinh tế theo sau là những vấn đề toàn cầu. Chỉ có hợp tác
toàn cầu mới có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề này.
Đầu tiên, để đánh bại con virus này, chúng ta cần
chia sẻ thông tin trên toàn cầu. Đó là lợi thế lớn của chúng ta khi đương đầu với
đám virus. Một con virus corona ở Trung Quốc và một con virus ở Mỹ không thể
phím nhau cách thức lây nhiễm cho con người. Nhưng Trung Quốc có thể truyền cho
Mỹ những bài học quý giá để hiểu về virus corona và làm sao để chống lại nó.
Thông tin mà một bác sĩ ở Milan, Italy phát hiện ra lúc đầu buổi sáng có thể
giúp cứu sống nhiều người ở Tehran vào cuối buổi chiều. Khi chính phủ Anh do dự,
đắn đo giữa các chính sách, họ có thể tham khảo Hàn Quốc vì trước đó một tháng
Hàn Quốc đã trải qua tình cảnh tương tự. Nhưng để làm được như thế, chúng ta cần
một tinh thần hợp tác và tin tưởng toàn cầu.
Các nước nên sẵn lòng chia sẻ thông tin một cách cởi
mở đồng thời khiêm tốn lắng nghe lời khuyên, bên cạnh đó, tin tưởng vào các số
liệu và phân tích chuyên sâu mà họ nhận được. Chúng ta cũng cần một nỗ lực toàn
cầu trong việc sản xuất và phân phối các thiết bị y tế, quan trọng nhất là các
kit thử và máy thở. Thay vì tất cả các nước bươn ra tự sản xuất và tích trữ bất
cứ thiết bị nào mua được, một nỗ lực hợp tác trên quy mô toàn cầu sẽ giúp đẩy
nhanh việc sản xuất và phân phối các thiết bị hiệu quả hơn. Cũng giống như việc
quốc hữu hóa các ngành công nghiệp quan trọng trong chiến tranh, cuộc chiến giữa
con người và virus corona khiến chúng ta phải “nhân tính hóa” những dây chuyền
sản xuất quan trọng.
Một quốc gia giàu có ít các ca nhiễm virus nên sẵn
lòng tiếp viện những thiết bị y tế quý giá cho những nước nghèo hơn đang bị ảnh
hưởng nặng nề với niềm tin rằng khi đến lượt mình cần giúp đỡ, các quốc gia
khác sẽ chung tay.
Một chiến dịch hợp tác tương tự cũng có thể áp dụng
với lực lượng y tế. Các nước hiện đang ít bị ảnh hưởng có thể gửi nhân viên y tế
đến những vùng dịch trong khu vực vừa, để giúp cứu người kịp thời vừa có thể
thu thập được những kinh nghiệm quý giá. Nếu sau đó tâm dịch chuyển hướng, sự
giúp đỡ sẽ quay theo chiều ngược lại.
Sự hợp tác toàn cầu cũng quan trọng trên mặt trận
kinh tế. Xét bản chất toàn cầu của kinh tế và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ
tự ý hành động mà không đếm xỉa gì đến những quốc gia khác, hậu quả sẽ là hỗn
loạn và suy thoái sâu. Chúng ta cần một bản kế hoạch hành động toàn cầu và
chúng ta cần xúc tiến nhanh.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần đạt được thỏa thuận toàn
cầu về việc di chuyển giữa các quốc gia. Đi lại quốc tế bị ngừng trệ trong nhiều
tháng sẽ đẩy chúng ta vào tình cảnh vô cùng khó khăn và cản trở cuộc chiến chống
lại virus corona. Các quốc gia cần hợp tác để ít nhất cho phép một số ít những
người quan trọng tiếp tục di chuyển qua biên giới như các nhà khoa học, bác sĩ,
nhà báo, chính trị gia, và thương nhân. Chúng ta có thể ký một thỏa thuận toàn
cầu về việc sàng lọc ngay tại quê hương của các du khách. Nếu ta biết chỉ những
hành khách được sàng lọc cẩn thận mới được phép lên máy bay, ta sẽ sẵn lòng cho
họ nhập cảnh.
Đáng tiếc hiện
nay các quốc gia gần như chưa thực hiện bất cứ biện pháp hợp tác nào kể trên. Sự tê liệt tập thể đang bóp nghẹt cả thế giới. Và dường như không có một
người lớn nào trong dàn lãnh đạo. Đáng nhẽ ra chúng ta phải chứng kiến từ nhiều
tuần trước một cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo quốc tế để đưa ra một bản
kế hoạch hành động chung. Cho đến tận tuần này các nhà lãnh đạo khối G7 mới thu
xếp một cuộc họp trực tuyến nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.
Trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây, ví
dụ như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Ebola 2014, Mỹ luôn nắm vai trò
dẫn dắt. Nhưng chính quyền Mỹ hiện nay đã từ bỏ vai trò lãnh đạo. Washington nói rõ lập trường rằng
nước Mỹ hiện nay quan tâm đến sự vĩ đại của mình hơn là tương lai của nhân loại.
Chính quyền Trump thậm chí đã bỏ rơi cả
các đồng minh thân cận nhất. Khi cấm tất cả các chuyến bay từ EU, Mỹ chẳng buồn
báo trước với EU, chứ đừng nói đến việc hỏi ý kiến của EU về biện pháp mạnh tay
này. Mỹ vừa khiến Đức nổi đóa sau khi bị cho là đã đề nghị trả 1 tỷ đô cho một
công ty dược phẩm của Đức để mua độc quyền sáng chế vaccine Covid-19. Kể cả khi
chính quyền Mỹ hiện nay thay đổi cách tiếp cận và đưa ra một kế hoạch hành động
toàn cầu, hiếm ai chịu đi theo một lãnh đạo không biết chịu trách nhiệm, không
bao giờ thừa nhận sai lầm, và có thói quen nhận hết công trạng về phần mình còn
đổ thất bại lên đầu người khác.
Nếu không có quốc gia nào đứng ra thế vào chỗ trống
mà Mỹ để lại, thì không chỉ việc ngăn chặn đại dịch trở nên khó khăn hơn mà hậu
quả còn làm quan hệ quốc tế xấu đi trong những năm tới. Tuy nhiên trong nguy có
cơ. Chúng ta hy vọng đại dịch này sẽ giúp con người nhận ra sự nguy hiểm của
chia rẽ toàn cầu.
Nhân loại cần đưa ra quyết định. Chúng ta sẽ tiếp tục
đua xuống đáy vực chia rẽ hay chúng ta sẽ rẽ lối sang con đường của đoàn kết
toàn cầu? Nếu chúng ta chọn chia rẽ, nó sẽ không chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng
này mà còn có thể dẫn đến thảm họa khốc liệt hơn trong tương lai. Nếu chúng ta
chọn đoàn kết, đó sẽ không chỉ là chiến thắng virus corona mà còn là chiến thắng
mọi đại dịch và khủng hoảng khác sẽ dồn dập tấn công nhân loại trong thế kỷ 21.
No comments:
Post a Comment