Saturday, 21 March 2020

ĐỊA NGỤC LÀ KẺ KHÁC? (Laurent Joffrin - Liberation)




Laurent Joffrin
20/03/2020

Ta còn nhớ câu nói của Margaret Thatcher, tán dương chủ nghĩa cá nhân vốn là nền tảng cho niềm tin của bà: "Không có thứ gọi là xã hội", "không có xã hội", cách ngôn thô bạo theo đó, để tạo thành khế ước xã hội, trên thực tế chỉ có quyền và lợi ích của các cá nhân, riêng biệt và tự trị. Kể từ trưa nay, người Pháp, cũng như nhiều người châu Âu, bị bế môn vì con coronavirus, đã cảm nhận cụ thể sự sai lầm của cái định lý đã thay đổi thế giới qua "cuộc cách mạng bảo thủ" phát động vào những năm 1980.

Bị tách biệt với những người khác nhân danh sự phòng ngừa y tế, họ nhận ra - hoặc sẽ nhận ra - rằng người công dân thời đại này, tuy coi trọng sự tự do và không gian của riêng mình, dù sao, và có lẽ trước hết, vẫn là một động vật xã hội. Giống như những người Ý lên ban công ba lần một ngày để cùng hát hoặc vỗ tay hoan nghênh những nhân viên của các bệnh viện, họ sẽ nhận thấy cần biết bao được gặp gỡ những người khác để tự trấn an và xác minh rằng họ quả là thành viên của cái điều "không hiện hữu" ấy : xã hội.

Nhu cầu tâm lý, đơn giản, cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, bao hàm sự kết nối, trao đổi, làm việc hoặc giải trí chung. Cuộc sống hạt nhân, gia đình hoặc đơn độc, do hoàn cảnh áp đặt, có cái gì đó giả tạo, gò bó, trống rỗng và khó nhọc, nếu nó không được bổ sung, làm phong phú trong khuôn khổ những mối quan hệ xã hội đủ loại, tạo nên ý nghĩa tập thể của cuộc sống. "Địa ngục, là kẻ khác," Sartre viết. Một công thức siêu hình ít thực chất trong cuộc sống đời thường. Bị cắt đứt tiếp xúc với người khác, người Pháp có thể sẽ tới lúc nghĩ rằng "địa ngục" chính là khi vắng bóng người khác.

Phục hồi chức năng nhà nước

Nhất là khi sự phong toả tạm thời này làm nổi lên một thực tế khác: vai trò bỗng nhiên trở thành quyết định và sáng ngời của cộng đồng, được đại diện và tổ chức bởi Nhà nước của nó, trong đó mỗi thành viên, do mất khả năng hành động, giờ đây phụ thuộc gần như hoàn toàn. Nhà nước ban hành các quy tắc y tế để hạn chế tổn thất sinh mạng, Nhà nước chống lại vi-rút nhờ các dịch vụ công cộng mà ai cũng lại thấy là vô cùng tiện ích, Nhà nước không còn bị trách móc là chi tiêu quá nhiều, mà ngược lại, được thúc giục cứ chi không cần đếm để tài trợ bệnh viện công, để bảo đảm an toàn, để trợ giúp những người yếu kém nhất, để ngăn chặn các công ty phá sản, để đời sống kinh tế có thể hoạt động bình thường nhất. Nhà nước mà ông Boris Johnson, thủ tướng môn đệ của Thatcher, muốn cho đứng ngoài cuộc thử thách, để dành chỗ cho trách nhiệm cá nhân, nhưng đột nhiên lại phải huy động khi phải đối mặt với những hậu quả đáng sợ của một chính sách "mặc kệ" mầm mống của thảm hại y tế và xã hội.

Đây có lẽ sẽ là bài học lớn về cuộc khủng hoảng không lường trước này, có thể so sánh với cú sốc của chiến tranh thế giới vừa qua, khi các xã hội châu Âu được huy động vào cuộc chiến đã nghiệm thấy tầm quan trọng của sự đoàn kết, của sức mạnh tập thể, và khi hòa bình trở lại, đã tạo ra Nhà nước phúc lợi, chịu trách nhiệm một cách dân chủ trong việc bảo vệ các cá nhân trước những bấp bênh của một đời sống cô đơn vô cùng khắc nghiệt. 

Được tán thưởng: các giá trị về chia sẻ, về ý thức công dân, sự hợp tác và hành động tập thể. 

Bị mất điểm: cái chủ thuyết "mỗi người vì mình" của những xã hội chạy theo vật chất, Nhà nước tối thiểu, tự bằng lòng với vài chức năng "vương giả" và dần dần rút khỏi cuộc sống xã hội, sự bãi bỏ các quy định vì niềm tin mù quáng vào các cơ chế của thị trường trong khi chỉ những quy tắc tập thể được chấp nhận mới tạo nên một xã hội văn minh, trong sự cân bằng giữa sáng kiến ​​cá nhân và đoàn kết tập thể.

Một sự thức tỉnh phù du? Một cảm giác thoảng qua, sẽ biến mất khi giai đoạn cay đắng của cuộc khủng hoảng y tế này khép lại ? Vẫn còn quá sớm để phán xét. Nhưng có thể linh cảm về một khúc quanh lịch sử sẽ phục hồi xã hội và Nhà nước, khác xa với khái niệm cá nhân độc tôn hoang tưởng và đã cũ mòn.

Laurent Joffrin
(H.V. dịch)

Nguồn: 

Báo Libération ngày 17.3.2020. Tác giả là Giám đốc Bộ biên tập nhật báo này.

La lettre politique
de Laurent Joffrin

L'enfer, c'est les autres ?





No comments:

Post a Comment

View My Stats