Wednesday 18 March 2020

THÁI THANH : TIẾNG HÁT ĐỦ SỨC ÂM VANG ĐẾN TẬN MAI SAU! (Diễm Thi - RFA)




Diễm Thi, RFA
2020-03-18

Nữ danh ca Thái Thanh - giọng hát vượt thời gian - đã qua đời tại Mỹ hôm 17 tháng 3 năm 2020. Bà tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934. Bà theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa cho đến năm 1975. Bà sang mỹ định cư năm 1985.

Hình ảnh nữ ca sĩ Thái Thanh trên băng đĩa trước 1975 ở Sài Gòn. Screenshot

Dù chỉ là một cậu bé vào năm 1975, nhưng đến năm 2014, khi Thái Thanh tròn 80 tuổi, Nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài viết tạ ơn bà với câu mở đầu:

“Trong những món quà mà tạo hoá đã ban tặng riêng cho người Việt, thật không thể không nghĩ đến tiếng hát Thái Thanh. Gần một thế kỷ của đời nghệ sĩ, Thái Thanh có lẽ là người duy nhất xứng danh diva trong âm nhạc Việt Nam. Tiếng hát của bà không những là những bài học về thưởng thức tinh tế cho nhiều thế hệ, mà còn là lời khai tâm cho tình dân tộc, đủ sức âm vang đến tận mai sau.”

Giọng hát của Thái Thanh được giới mộ điệu dùng những mỹ từ để mô tả như diễm tuyệt, lộng lẫy, thiên bẩm, xuất chúng, đệ nhất danh ca, giọng hát vượt thời gian...

Là một đứa trẻ chỉ 7 tuổi vào năm 1975, Luật sư Đặng Đình Mạnh chưa một lần được nghe ca sĩ Thái Thanh hát trên tuyền hình, truyền thanh, nhưng với ông, Thái Thanh là một tượng đài âm nhạc; là một trong những ca sĩ mở đầu cho nền tân nhạc Việt Nam. Khi nghe tin Thái Thanh mất, ông ngậm ngùi gởi đến bà nén tâm hương tưởng niệm từ thế hệ hậu sinh người miền Nam. Ông chia sẻ:

“Bà một người có giọng hát thiên bẩm, xuất chúng mà không thể lầm lẫn được với ai. Tôi nghĩ những người thuộc thế hệ chúng tôi, đã một lần nghe Thái Thanh thì họ sẽ thích. Thế hệ chúng tôi đi qua rất nhiều nỗi trầm luân của đất nước nên chúng tôi dễ đồng cảm với ca từ cũng như cách bà hát.
Có những ca sĩ tuyên bố rất mạnh mẽ về quan điểm chính trị, chẳng hạn như không muốn sống dưới chế độ cộng sản, hoặc chỉ về hát khi không còn cộng sản...
Bà Thái Thanh không tuyên bố những lời như vậy, chưa bao giờ bà công khai thể hiện quan điểm chính trị, nhưng hành xử của bà thì lại mạnh mẽ, hùng hồn gấp bội phần so với những lời tuyên bố lớn tiếng nhất."

Là một thành viên của Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước năm 1975, gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng, nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ngưng trình diễn. Từ đó, không ai thấy bà xuất hiện trên bất cứ sân khấu hay chương tình ca hát nào ở Việt Nam cho đến ngày bà từ giã cõi đời.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, một người từng học thanh nhạc, sinh ra và trải qua thời niên thiếu dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhận định về giọng hát của bà:

“Bà có giọng ca rất đẹp, có màu giọng rất riêng không nhầm lẫn với bất cứ giọng ca nào hết.
Bà sở hữu giọng ca Soprano, giọng nữ cao, phải nói là rất hiếm mà không phải ai cũng có thể cảm được. Bà hát nhạc tiền chiến, dòng nhạc sang trọng chủ yếu của nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương và một số nhạc sĩ tiếng tăm của Sài Gòn trước 1975.
Cái may mắn của nữ danh ca Thái Thanh (không biết tôi dùng từ may mắn có đúng hay không) là bà di cư vào Nam khá sớm. Nhờ cái tự do trong sáng tác của chế độ VNCH mà giọng của bà được tiếp tục khẳng định và đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn âm nhạc của người miền Nam. Cái may mắn thứ hai nữa là bà đến được bến bờ tự do sau năm 75 .”

Khi biết tin trái tim của nữ danh ca Thái Thanh đã ngừng đập, ông ngậm ngùi: Một ngôi sao của bầu trời âm nhạc đã rơi!

Danh ca Thái Thanh cùng con gái, ca sĩ Ý Lan. Screenshot

Trong thế giới phẳng ngày nay chúng ta không cần mở trang báo, không cần xem TV cũng có thể biết những gì vừa xảy ra từ nửa bên kia trái đất. Những bài viết, chia sẻ, tin tức về ca sĩ Thái Thanh tràn ngập mạng xã hội mà tác giả có khi chẳng ở trong lĩnh vực âm nhạc. Họ chia sẻ cảm nhận một cách nhẹ nhàng với trái tim của người Việt Nam trên mảnh đất Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, tác giả cuốn sách “Bàn về Trung Quốc trỗi dậy” chia sẻ với RFA cảm nhận về bà Thái Thanh:

“Về nội dung mà ca sĩ chọn là 3 trường phái, hay ba nhánh chính dù có thể là có sự giao thoa cả ba nhánh này. Đó là nhạc chiến chinh, nhạc xuân và nhạc về đất nước Việt Nam đẹp xinh.
Bà là bậc thầy về xử lý cung bậc, luyến láy, sức mạnh của hơi lan tỏa mà không kém tinh tế chút nào, đắm chìm nội tâm, chia sẻ thân phận của người phụ nữ. Bà hát về phụ nữ rất ngọt ngào và hát non sông đất nước đầy hào khí."

Ông Trương nói thêm rằng, ngoài nhạc chiến và nhạc Xuân, mỗi khi Thái Thanh cất giọng hát nhạc quê hương là lúc bà lột tả hết xương da như tiêm rượu nồng vào máu tủy. Bà mang lúa chiêm và nắng quái cô thôn gieo rắc trên bước chinh Nam của những bác nông phu áo nâu. Gối đầu trên Lào Cai, Việt Trì, mơ Xuân vinh quang. Bà đến với Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, ngập vườn lúa chín, luyến cuộc đời với những giang nữ và bầy cá lội ngù ngờ 40 năm trước. Tấm áo nâu không phai màu ấy đã lảng bảng chìm trong nhân thế, chìm trong tâm khảm mỗi con nhà Nam, như hình bóng cha ông lầm lũi đi dựng nghiệp với núi non sông rạch. Bà sáng tạo những trầm bổng, phả vào đó những ngóc ngách mà Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lê Thương và Văn Phụng như còn quên đâu đó. Chính hùng khí trong giọng ca truyền cảm của bà làm cho tiếng Việt, nhạc Việt phong phú hơn lên, con dân Việt Nam yêu thương đất nước và con người hơn.

Là con gái lớn của ca sĩ Thái Thanh, nữ ca sĩ Ý Lan từng tâm sự với RFA:

“Bà lớn lên cùng với âm nhạc qua nhiều thời đại của cuộc sống và điều này cũng có những gắn bó và điều này đưa đến sự thông cảm và hiểu biết về thời gian, về âm nhạc và ngay cả đời sống họ đã từng trải qua. Mỗi khi Ý Lan nghe tiếng hát của mẹ từ những ngày còn bé bỏng 5,6 tuổi, mỗi khi nghe mẹ hát và đã từng rơi nước mắt là bởi vì nó rất đơn sơ vì đây là tiếng hát đã nuôi nấng Ý Lan đây, một người mẹ cáng đáng đời sống để nuôi một đàn con.”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ rằng, ông lớn lên với hình ảnh Việt Nam ngổn ngang các ý thức Quốc - Cộng. Hận thù và thương đau không đủ vẽ nên trong ông hình ảnh một Việt Nam mến thương để sống, để nói. Nhưng trong run rủi, ông nghe được Thái Thanh, khi bà hát về thân phận từ Trịnh Công Sơn hay bao la và vĩ đại từ Phạm Duy.
Tiếng hát của bà vang vọng trong chia ly, mất mát, mà cũng quyện quanh trong hạnh phúc, sum vầy. Tiếng hát của bà là phần không nhỏ, dạy cho ông biết yêu đất nước này, dù cùng quẫn trong khổ đau hay hạnh phúc trong giả tạo lăng trì.






No comments:

Post a Comment

View My Stats