Monday, 23 March 2020

QUYỀN VỀ NHÀ (Võ Xuân Sơn)





Tôi đã bàn bạc với con trai tôi, và thống nhất với nhau, rằng con tôi sẽ ở lại mà không về Việt Nam vào lúc này, mặc dù sắp hết hạn kí túc xá, sắp hết hạn VISA.

Không phải vì tôi nghe ai đó bảo, ở đâu ở yên đó mới là yêu nước. Tôi không yêu nước theo kiểu ai bảo sao nghe vậy. Cũng không phải tôi nghĩ rằng, việc con tôi trở về là làm khó cho đất nước, là gây nguy hiểm cho quê nhà. Tôi không nghĩ con tôi có tầm ảnh hưởng to lớn đến mức có thể làm hại, hay gây nguy hiểm cho đất nước. Tôi và con tôi chưa muốn con tôi về Việt Nam lúc này đơn giản chỉ là nguy cơ bị lây nhiễm quá cao nếu con tôi trở về Việt Nam vào lúc này.

Mấy ngày nay, tôi nhận thấy sự chia rẽ của người Việt Nam. Rất nhiều người Việt Nam, trong đó có trí thức, có nhà báo, cho rằng những người Việt Nam đi du học, đi lao động ở nước ngoài, bây giờ trở về Việt Nam như là một sự “đào thoát”, một cuộc “trốn chạy”, giống như những kẻ phản bội.

Họ nghĩ rằng, những người ấy ra đi là lánh khổ tìm sướng cho riêng mình, rồi bây giờ trở về, là lánh nơi nguy hiểm, để mang nguy hiểm về cho đất nước, cho chính những người đang phản đối họ quay về.

Tôi có gần 4 năm ở Đông Âu, có nhiều kỉ niệm vui buồn ở đó. Là một người khá quảng giao, tôi hội nhập với cuộc sống ở đó rất nhanh chóng. Sau này, tôi có thời gian học ở Nhật, ở Mỹ, cũng có rất nhiều bạn bè tại chỗ, đến mức mà giai đoạn sau, tôi phải hơi vất vả trong việc sắp xếp cho các weekend. Tuy vậy, suốt mấy chục năm nay, khi ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ nằm mơ thấy mình đang ở nước ngoài. Nhưng khi ở nước ngoài, tôi thường xuyên nằm mơ, thấy mình đang ở Việt Nam.

Hồi đó, nếu tôi biết rằng có nhiều người Việt Nam vừa mới khống chế dịch thành công bước đầu, chưa biết kết quả cuối cùng ra sao, đã vội ngạo nghễ, đã vội mạt sát những du học sinh, những công nhân lao động trở về, coi họ như cùi, như hủi, mang lại xui rủi cho cái đất nước mà họ tưởng chỉ có họ mới có quyền sống ở đó, thì có khi tôi đã không trở về.

Tôi không biết những du học sinh khi đi ra nước ngoài thì lấy mất cái gì của đất nước này, lấy mất cái gì của những người không đi du học? Họ nhường lại những suất vào đại học cho các bạn ở trong nước, họ làm giảm bớt sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy một ghế trên giảng đường đại học ở Việt Nam cho những người không có điều kiện du học.

Ngoại trừ những con ông cháu cha, những hạt giống đỏ lấy tiền ngân sách đi học, những du học sinh khác đều lấy tiền của cha mẹ mình để đi. Bản thân các bạn ấy phải tích cực học tiếng Anh, lấy IELTS 7 hay 7.5. Qua đến bên đó còn đi làm thêm, bưng bê ở quán ăn, quần quật trong các farm, hoặc miệt mài trong các phòng thí nghiệm, để có tiền cho ăn uống, cho thuê chỗ ở. Họ đâu có tranh giành gì với các bạn không đi du học đâu, mà sao lại hằn học với họ khi họ trở về?

Các bạn đi lao động cũng vậy. Các bạn phải vay nợ, thậm chí phải chấp nhận chui vào container, và đã có nhiều người chết vì đi như vậy. Họ đâu có tranh giành gì với các bạn đang “ngạo nghễ” đâu. Họ chịu cực chịu khổ, chịu nguy hiểm, đâu có phải chỉ cho bản thân họ. Họ muốn đổi đời cho họ, cho gia đình họ, và thực ra là đổi đời trên chính đất nước này, dù họ phải sống chui, sống nhủi ở nước ngoài.

Nhờ những đồng tiền mồ hôi nước mắt, và thấm cả máu của họ, mà có những vùng quê Việt Nam có nhà cao cửa rộng, có tiện nghi. Nhiều doanh nghiệp được xây dựng lên từ những đồng tiền thấm đẫm nhọc nhằn, để có những đồng thuế đóng vào cho ngân sách, cho các bạn bây giờ có cái để mà “ngạo nghễ”.

Thế thì tại sao khi dịch bệnh bùng nổ, khác biệt văn hóa làm cho họ bị kì thị, bị mắng, bị chửi, bị xa lánh, thậm chí có khi còn bị đánh, mỗi khi họ mang khẩu trang ra đường, đến nơi công cộng, tại sao khi họ cần sự che chở của cha mẹ họ, họ lại không trở về quê hương? Với những bạn đi lao động, không có việc làm, không có thu nhập, nguy cơ đói, thậm chí chết đói, thì tại sao họ lại không được quyền trở về đất nước?

Các bạn đã làm gì cho họ, mà đòi hỏi họ phải hi sinh cho các bạn?

Nhờ có vụ dịch này tôi mới thấy được tâm địa thật của một số người, mà đó giờ tôi cứ nghĩ họ có tâm lắm, họ nhân văn lắm.






No comments:

Post a Comment

View My Stats