Trung Nguyễn
09/03/2020
Ngày 10/2 vừa
qua, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước
“đang phát triển”, đồng nghĩa với việc hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu
sang Mỹ không còn được hưởng các ưu đãi và sẽ phải chịu các tiêu chuẩn, điều kiện
nghiêm ngặt hơn về chất lượng, môi trường, quyền của người lao động,…
Việt Nam trở thành quốc gia phát triển: Vui hay buồn?
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về việc này một cách chung
chung, theo đó Việt Nam “sẽ tiếp tục theo dõi, đánh
giá tác động của việc này, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp các biện pháp
với phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển
theo hướng hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Bộ Ngoại giao chưa nêu lên các “quan ngại” của giới
cai trị cộng sản Việt Nam nhưng các chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan đã phát biểu ngay trên báo chí. Bà Lan cho
rằng, đặt Việt Nam ngang hàng với các nước như Hàn Quốc, Singapore, thậm chí là
Malaysia là không công bằng và áp đặt đối với Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của
Việt Nam rất có thể sẽ chịu thiệt hại nặng khi hàng xuất khẩu phải cạnh tranh
bình đẳng với các nước phát triển khác.
Có lẽ cũng vì lý do đó mà giới cai trị Việt Nam
không vồ vập với thông tin Mỹ xếp Việt Nam vào hàng ngũ các nước “phát triển”
như thường thấy vì họ hiểu thiệt hại từ sự kiện này gây ra. Bình thường, việc Mỹ
“công nhận” Việt Nam là một quốc gia “phát triển” sẽ khiến các nhà cai trị Việt
Nam hồ hởi sung sướng khoe ngay trên báo chí về “sự lãnh đạo sáng suốt và tài
tình” của đảng cộng sản. Các “thế lực thù địch” sẽ không thể “bôi nhọ”, “xuyên
tạc” về sự lãnh đạo của đảng cộng sản được nữa vì ngay cả Mỹ cũng công nhận Việt
Nam đã “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Từ góc độ chính trị mà nói, thật ra việc Mỹ đưa Việt
Nam ra khỏi danh sách các nước “đang phát triển” có lợi hơn là có hại. Đây là hồi
chuông cảnh tỉnh để người dân Việt Nam, doanh nhân Việt Nam nhìn nhận rõ lại
“tài năng” của giới cai trị cộng sản để dứt khoát từ bỏ chế độ “đảng trị”, cùng
nhau xây dựng chế độ pháp trị, trong đó người dân Việt Nam có quyền làm chủ đất
nước thực sự.
Ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài, nhưng “bạc đãi” doanh
nghiệp trong nước
Như bà Phạm Chi Lan đã nêu ra, thành tích xuất khẩu
của Việt Nam thật ra là ảo vì đến 70% kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp
nước ngoài thực hiện. Ví dụ như năm 2018, Samsung đã chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt
Nam. Chỉ cần Samsung “hắt hơi sổ mũi” là thành tích xuất khẩu của Việt
Nam có vấn đề ngay. Lợi nhuận Samsung thu được phần lớn cũng được chuyển về trụ
sở Samsung ở Hàn Quốc chứ không phải ở Việt Nam. Ngoại tệ thu được vì thế cũng
không phải là thực chất.
Doanh nghiệp nước ngoài áp đảo thị trường Việt Nam, thu tóm nhiều doanh nghiệp Việt nổi tiếng, ví dụ như
Lotte Hàn Quốc thu tóm Bibica, Thai Beverage Thái Lan thâu tóm Sabeco, Siam
Thái Lan thu tóm nhựa Tiền Phong, nhựa Bình Minh,…
Các doanh nghiệp nước ngoài thích Việt Nam vì nó
giúp họ đa dạng hóa rủi ro do họ không đặt “tất cả trứng vào một rổ [Trung Quốc]”.
Họ tìm thấy ở Việt Nam là một nơi tuyệt vời để tận dụng nhân công giá rẻ, tiêu chuẩn
môi trường, lao động thấp. Nói theo kiểu của đảng cộng sản thì đây là “chủ
nghĩa thực dân mới” khi các tập đoàn đa quốc gia tạo sức ép lên chính phủ các
nước nghèo, buộc các nước nghèo phải mở cửa thị trường và buộc nhà cầm quyền phải
ban hành các chính sách có lợi cho họ, ví dụ tiêu biểu như công ty Coca Cola nhiều năm không đóng thuế.
Trong khi đó,
doanh nghiệp Việt Nam khó vay vốn và không được ưu đãi về đất
đai như các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó khiến các doanh nghiệp Việt
ngày càng teo tóp và yếu thế trước doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà
nước. Sức mạnh nội tại của dân tộc về công nghệ, tư bản rất thấp dù các con số
GDP có vẻ ấn tượng.
Tư duy cộng sản lỗi thời
Đầu tiên, ngay trong lý luận cộng sản thì họ đã coi
tư hữu là nguồn gốc của bóc lột, chủ doanh nghiệp tư nhân là thành phần bóc lột.
Lịch sử đảng cộng sản VN từ khi thành lập đến khi “đổi mới” năm 1986 toàn là lịch
sử giết chóc địa chủ, tư sản dân tộc,…
Trong nội bộ của đảng cộng sản đã tranh luận với nhau từ nhiều
năm qua nhưng kết quả trên thực tế vẫn là kỳ thị với doanh
nghiệp tư nhân. Dẫn chứng thực tế là giới cai trị cộng sản vẫn không dám kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng, họ
chỉ làm rất dè dặt hoặc cho có lệ.
Cũng do “kiên định chủ nghĩa Mác Lênin”, tức phủ định
tư hữu, mà những doanh nhân Việt Nam nếu có may mắn thành công thì cũng nhanh
chóng chuyển tài sản của mình sang các quốc gia khác, nơi mà tài sản của họ được
bảo đảm, ví dụ như qua visa EB-5 đầu tư định cư tại Hoa Kỳ. Họ sẽ không còn động
lực để làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Một lý do thực tiễn về chính trị khác là, nếu một chủ
doanh nghiệp tư nhân thành công, giàu có, có đông nhân viên, có sức ảnh hưởng tới
xã hội thì dân sẽ tín nhiệm doanh nhân đó hơn là các lãnh đạo cộng sản chỉ biết
nói dối và tuyên truyền. Một doanh nghiệp tư nhân như thế chính là một “xã hội
dân sự” có tổ chức chặt chẽ, có lực lượng, và trở thành một mối đe dọa ngược lại
với chế độ cộng sản.
Doanh nghiệp
nước ngoài không quan tâm đến việc tranh đoạt quyền lực chính trị ở Việt Nam. Họ
chỉ việc kiếm tiền trên đất nước này rồi chuyển lợi nhuận về nước họ. Do đó, giới
cai trị cộng sản an tâm và ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp quốc
doanh trong khi bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước.
Từ đó có thể nhận định là các doanh nghiệp tư nhân
khổng lồ trong nước hiện tại đa số là “sân sau” của các quan chức cộng sản, nếu
không muốn nói là toàn bộ.
Như thế, từ một đảng tự nhận là “cách mạng” với sứ mệnh
“giải phóng dân tộc”, trên thực tế là đã biến dân tộc Việt Nam trở thành “nhân
công giá rẻ” cho tư bản nước ngoài và công ty quốc doanh độc quyền, ví dụ như họ
độc quyền bán điện giá cao cho dân. Đảng cộng sản cũng
tước đoạt luôn quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân Việt Nam để dễ
bề đàn áp công nhân, thủ tiêu quyền được đấu tranh, đình công đòi quyền lợi của
công nhân Việt Nam.
Cũng vậy, cuộc
nội chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc, “chống Mỹ cứu nước” do đảng cộng sản
phát động, sau vài chục năm thì đảng cộng sản cũng phải mời tư bản Mỹ đầu tư
vào Việt Nam, xin Mỹ cứ giữ Việt Nam là quốc gia “đang phát triển”
để được ưu đãi xuất khẩu, mời tàu sân bay, tàu chiến Mỹ vào cảng Việt Nam…
Tư duy nông cạn giáo điều như vậy nên đảng cộng sản
đã dẫn dắt cả dân tộc này đi lòng vòng, nói như nhà văn Trần Đĩnh là con đường
xã hội chủ nghĩa này giống như “đèn cù“.
Không có phát triển thực chất nếu độc đảng và ngu dân
Thật ra, tôi vẫn nghĩ giới lãnh đạo cộng sản cũng muốn
đất nước Việt Nam được cường thịnh, tuy nhiên, do giới hạn về ý thức hệ cũng
như do giới quan chức muốn giữ đặc quyền, đặc lợi nên cuối cùng những thành
tích cầm quyền như tăng trưởng GDP đều là ảo và chạy theo thành tích, nhằm mục
đích để lừa dân và được thăng tiến.
Đảng cộng sản cho phép tư bản nước ngoài được đầu tư
vào những ngành dù gây ô nhiễm môi trường, lương thấp nhưng tạo ra nhiều việc
làm như may mặc, giày dép để giữ cho thanh niên Việt Nam có việc làm, tránh biến
động xã hội.
Trong giáo dục, đảng cộng sản cũng chủ trương nhồi sọ, ngu dân
bằng cách dạy học áp đặt. Ví dụ như tình trạng
phổ biến trong môn Tập Làm Văn là tất cả học sinh trong một lớp viết bài giống hệt nhau, miễn là
đúng đáp án, văn mẫu. Kết quả là năng suất lao động Việt Nam thấp và chỉ
là nơi gia công giá rẻ cho nước ngoài.
Ngay tháng 9 năm ngoái 2019, trước kỳ đại hội đảng cộng
sản các cấp diễn ra, nhà cầm quyền đã cho tính lại GDP và “đột nhiên” thu nhập bình quân của Việt Nam tăng vọt lên xấp xỉ
3000 đô-la. Dù có giải thích quanh co nhưng người dân cũng thừa hiểu việc
thu nhập của mình tăng lên trên giấy tờ chỉ để phục vụ cho mục tiêu giành ghế của
một vài quan chức. Và con số GDP đó, thật ra làm giàu cho doanh nghiệp nước
ngoài là chính.
Phải từ bỏ thể chế chính trị độc đảng toàn trị
Việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước
“phát triển” lần này chính là dịp để người dân, trí thức, doanh nhân Việt Nam,
thậm chí cả các đảng viên cộng sản Việt Nam yêu nước thương nòi phải cùng nhau
lên tiếng, dứt khoát từ bỏ chế độ cộng sản độc đảng toàn trị đang lừa dối cả
dân tộc, kìm hãm sự phát triển của dân tộc, để cùng nhau thiết lập chế độ dân
chủ pháp quyền, đem lại lợi ích thực sự cho người dân, nhằm biến Việt Nam thành
một quốc gia phát triển thực chất, hàng hóa đủ sức cạnh tranh đẳng với
các nước công nghiệp khác, và thật sự không cần đến ưu đãi của Mỹ nữa.
Chưa xóa bỏ được điểm nghẽn về thể chế chính trị, chắc
chắn Việt Nam sẽ không thể có phát triển kinh tế thực chất, mà chỉ phát triển dựa
trên những con số báo cáo.
No comments:
Post a Comment