NỘI DUNG :
Người
Việt Online
VOA Tiếng Việt
.
Nguyễn
Đạt Thịnh
=================================
.
Người Việt Online
March 3, 2020
NEW
YORK (NV) – Chỉ số Dow giảm mạnh chiều Thứ Ba, 3 Tháng Ba, cho thấy thị trường chứng
khoán Mỹ tiếp tục lo sợ và mất ổn định do dịch COVID-19, mặc dù Quỹ Dự Trữ Liên
Bang (Fed) đã cắt lãi suất đến .5%, theo AP.
Dow rớt 785 điểm, tức 2.9%, chiều Thứ Ba. Trước đó một
ngày, chỉ số này tăng 5% vì các nhà đầu tư hy vọng sẽ được Fed và các ngân hàng
trung ương khác hỗ trợ.
Một dấu hiệu
khác chứng tỏ thị trường vẫn dè chừng. Đó là công trái 10 năm rớt xuống dưới 1%
lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Mặc dù mức lãi suất mà Fed cắt giảm là đúng với kỳ vọng
của một số nhà đầu tư, nhưng ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, thừa nhận giải
pháp cuối cùng chống virus Corona là thuộc về chuyên gia y tế và những người
khác, chứ không phải ngân hàng trung ương.
Một số nhà đầu tư cũng đang thắc mắc liệu sẽ có thêm
biện pháp hỗ trợ nào khác để ổn định thị trường hay không. Một số người khác
thì cho rằng quyết định của Fed là vội vã.
Nhìn chung, các thị trường vẫn đang đối mặt với cùng
tình trạng mất ổn định mà đã khiến giá chứng khoán rớt 11% kể từ khi lập kỷ lục
cách đây hai tuần: Không ai biết virus Corona sẽ lây lan đến mức nào thì chính
quyền mới có thể kiểm soát được, và lợi nhuận của công ty sẽ giảm bớt bao
nhiêu.
Fed đóng vai trò ngân hàng trung ương Mỹ. Cơ quan
này thường cứu thị trường bằng việc cắt lãi suất cũng như một số biện pháp kích
thích khác. Một số nhà phân tích cho rằng lần giảm lãi suất mới nhất này của
Fed có thể giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn.
“Trên thị trường, niềm tin là rất quan trọng,” bà
Quincy Krosby, kinh tế gia của Prudential Financial, giải thích. (Th.Long)
-------------------------------
VOA Tiếng Việt
04/03/2020
Cục
Dự trữ Liên bang (FED), tức Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. cắt giảm lãi suất hôm
3/3 trong một nỗ lực nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới chống lại tác động
của dịch Covid-19, mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cảnh báo
rằng mối đe dọa đối với nền kinh tế sẽ không giảm trong tức thời.
Phát biểu tại một cuộc họp báo không lâu sau khi FED loan báo sẽ
cắt lãi suất chính xuống 0,5% còn khoảng từ 1% tới 1.25%, ông Powell nói:
“Virus Covid-19 và các biện pháp đang được áp dụng để kiềm chế dịch bệnh
chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, cả ở trong và ngoài nước, trong một
thời gian nữa.”
Quyết định cắt lãi suất đã được các nhà hoạch định
chính sách đồng thanh ủng hộ. Đây là lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp đầu tiên kể từ năm 2008 -
đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nêu bật tính chất nghiệm trọng của đánh giá của
ngân hàng trung ương về tác động của dịch Covid-19.
Động thái này không lập tức trấn an các thị trường
tài chính vốn hết sức lo ngại về tác động của virus Covid-19 đối với đà tăng
trưởng kinh tế. Thua lỗ trên phố Wall ngày càng sâu sắc. Suất thu lợi của trái
phiếu chính phủ thoạt tiên giảm, nhưng sau đó tăng nhẹ.
Chủ tịch FED nói rằng hành động của ngân hàng trung
ương sẽ đẩy mạnh nền kinh tế một cách có ý nghĩa bằng cách nới lỏng các điều kiện
tài chính và tăng cường sự tự tin của các doanh nghiệp và các hộ gia đình.
“Chúng tôi thấy được những sự rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế
và đã chọn giải pháp hành động”, ông Powell nói.
Tuy vậy, ông thừa nhận với triển vọng kinh tế trong các điều kiện bất định hiện
nay, tình hình hãy còn bấp bênh, dễ xoay chiều.
Không chỉ có ngân hàng trung ương Mỹ ra tay hành động,
trước đó trong ngày 3/3, các ngân hàng trung ương Úc và Malaysia cũng cắt giảm
lãi suất và ngày hôm trước, thứ Hai 2/3, Ngân hàng Nhật Bản đã thực hiện các bước
để cung cấp thanh khoản nhằm ổn định thị trường tài chính trong nước.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã hoan
nghênh quyết định của Cục Dự trữ Liên bang, nói rằng cắt lãi suất sẽ giúp ích
cho nền kinh tế Mỹ. Trên trang Twitter của ông, Tổng thống Trump kêu gọi ngân
hàng trung ương hãy cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa.
-------------------------------------
Nguyễn Đạt Thịnh
Mar 1, 2020
Dịch virus Corona chỉ là một trận dịch nhỏ – gọi là
tiểu dịch – đang lan tràn trên 60 quốc gia, gây bệnh cho 87,000 người; dịch khởi
phát từ Trung Quốc, với 79,824 trường hợp; chỉ tính riêng về tổn thất nhân
mạng, cho đến ngày 25 Tháng Hai, 2020, đã lên đến 2,760 người – rất ít.
Tuy nhiên nếu kể lại câu chuyện con số 2,760 người bị
một con virus bé tí, bé đến mức không nhìn qua kính hiển vi, không thấy nó được,
thì cô nàng Corona, phải được nhận xét bằng câu nói cửa miệng của người Pháp,
“petit mais dure.”
Trong khoảng thời gian trên 300 năm vừa qua, từ ngày
lập quốc của nước Mỹ, người Mỹ đã phải chứng kiến ít nhất là chín cuộc đại dịch;
loại dịch thường gặp nhất là dịch cúm. Trận dịch cúm năm 1918 tại Tây Ban Nha
giết khoảng từ 50 đến 100 triệu người.
Trận dịch cúm đó quan trọng đến mức không một bệnh
viện nào còn chỗ trống để đón nhận thêm bệnh nhân
Giai thoại “cúm giết người” còn được lưu truyền đến
ngày hôm nay là chuyện cô sinh viên Alice Wolowitz học nghề điều dưỡng tại
Philadelphia. Một buổi sáng năm đó đang làm việc, cô than với bạn đồng nghiệp
là cô cảm thấy bệnh. Sáng hôm sau cô không đi làm được nữa, vì bệnh cúm Spanish
flu pandemic giết cô đêm hôm trước.
Toàn bộ 31 bệnh viện tại thành phố Philadelphia,
không bệnh viện nào còn giường trống; nhân viên y tế chỉ dẫn cho thân chủ đến
những bệnh xá lều vải, nơi còn có bác sĩ, y tá chăm sóc họ.
Nhà
văn John M. Barry viết nguyên một quyển sách về cơn dịch “The Great
Influenza,” với rất nhiều tình tiết mà ngay cả những người đương thời cũng phải
tra cứu.
Barry kể lại là vào lúc dịch cúm hoành hành tối đa,
vợ chồng cũng tránh không đối diện trong lúc nói chuyện với nhau; họ không cho
con vi trùng cúm, qua hơi thở của họ mà đem bệnh cúm lây lan cho người bạn đời.
Một cách khác để che chở lẫn cho nhau là họ dùng điện thoại.
Số tổng đài viên điện thoại mới được thuê mướn thêm,
lên đến 1,800 người mà vẫn không đủ để nối mạch cho mọi đường dây trong cùng một
lúc; cuối cùng các hãng điện thoại đi đến quyết định chỉ nối mạch cho những cú
điện thoại khẩn cấp.
Tác phẩm “The Great Influenza” của nhà văn John M.
Barry. (Hình: store.bullockmuseum.org)
Tính cho đến
ngày 29 Tháng Hai, 2020, thì tổn thất nặng nhất của Mỹ và của Trung Hoa vì dịch
Corona nằm trên địa hạt kinh tế, tài chánh.
Trung Hoa – trong vai trò xưởng sản xuất cung cấp
cho nhu cầu của toàn thế giới – gần như ngưng hẳn mọi hoạt động trong Tháng
Hai. Tuy nhiên, cơ quan NBS (National Bureau of Statistics – Cục Thống Kê Quốc
Gia) lại cho là Trung Hoa bị thiệt hại trên bình diện “không sản xuất nặng hơn
bình diện sản xuất.”
Cục Thống Kê của Trung Hoa giải thích virus
Corona khiến toàn bộ những hoạt động như xê dịch, chuyên chở, gặp gỡ, thực phẩm,
du lịch, và việc nhà, đều ngưng đứng, không tạo lợi tức nữa.
Tổn thất kinh tế của Hoa Kỳ nằm trên địa hạt tài
chính nhiều hơn những địa hạt khác; trên thị trường chứng khoán, tổ chức
The Dow Jones Industrial Average tụt xuống 357.28 điểm chỉ riêng trong ngày Thứ
Sáu, 28 Tháng Hai. Trước đó, trong một khoảng thời gian ngắn, Dow Jones đã rớt
đến gần 1,000 điểm.
Nasdaq mất trong ngày Thứ Sáu đó 3.5%; the S&P
500 mất $203 tỷ trị giá, trong lúc CNBC báo cáo họ mất $3.18 tỷ trị giá của
stock. Các thị trường đã có được một số cứu trợ sau khi Chủ Tịch Fed Jerome
Powell cam kết hành động đối với các rủi ro vì virus Corona, nếu cần thiết, và
tờ Washington Post loan tin chính quyền Trump đang cân nhắc cắt giảm thuế.
Bộ Trưởng Y Tế Alex Azar xác nhận tin một bệnh nhân
đã chết tại bệnh viện Evergreen Health Medical Center tại tiểu bang Washington
hôm Thứ Bảy, 29 Tháng Hai, vì bệnh virus Corona; Tổng Thống Trump nói thêm chi
tiết về nạn nhân, và cho biết bà là một phụ nữ vốn bệnh hoạn, và đã gần 60 tuổi;
ông Trump còn nói thêm là nếu bệnh nhân trẻ hơn, có sức hơn, thì hy vọng có thể
được điều trị lành bệnh.
Trong lúc đó, ông Jay Inslee – thống đốc tiểu bang
Washington – lại nói người chết là một người đàn ông. Ông Inslee tuyên bố,
“Chúng ta sẽ sát cánh làm việc cho đến ngày không một người Mỹ nào còn phải chết
vì con virus Corona nữa.”
Santa Clara County phát hiện hai trường hợp khả nghi
là nhiễm trùng virus Corona; một trong hai người đó cũng là một phụ nữ đứng tuổi;
bà được đưa vào bệnh viện vì chứng khó thở. Bác Sĩ Sara Cody, giám đốc Sở Y Tế
Santa Clara County, nhận định, “Sinh hoạt của người Mỹ rất sinh động, họ xê dịch
nhiều hơn các sắc dân khác. Chúng tôi chưa xác định được nguyên nhân của căn bệnh
– có yếu tố lây lan hay không.”
Bộ Y Tế California xác nhận họ được Trung Tâm Kiểm
Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) cung cấp đầy đủ y liệu để có thể thử
nghiệm bệnh nhân nghi ngờ là bị nhiễm trùng virus Corona, dù số bệnh nhân
có nhiều tới mức 1,200 người mỗi ngày.
Mỹ tỏ ra là đang làm chủ tình hình; dĩ nhiên thế chủ
động đó là điều đáng mừng, dù trận dịch Corona nhỏ hay lớn. (Nguyễn Đạt
Thịnh)
No comments:
Post a Comment