Hoài Hương (Báo Văn Nghệ - Hội
NVVN)
06:54 07/03/2020
Trung tuần tháng 3 này, Hội Điện ảnh
Việt Nam tổ chức hai sự kiện lớn: Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội (1970-2020)
và Lễ Trao giải Cánh Diều Vàng 2019. Rất nhiều vấn đề về điện ảnh Việt Nam
trong suốt chiều dài 50 năm qua được giới chuyên môn đề cập, phân tích, mổ xẻ,
đánh giá, định hướng. Một trong những vấn đề mới nhất của điện ảnh nước ta hiện
nay là sự phát triển ngày một rực rỡ của một dòng phim mang bản sắc Việt kiều.
Cảnh trong
phim "Hạt mưa rơi bao lâu" của nhà văn, đạo diễn điện ảnh Đoàn Minh Phượng
Khoảng mười năm trở
lại đây, dòng phim của các đạo diễn Việt kiều đã trở nên quen thuộc với khán giả
trong nước. Các đạo diễn trẻ khi làm phim Việt, ngoài những thành công ở nước
ngoài, thì họ đã khuấy động, tạo thành nhiều cơn sốt phòng vé, lập kỷ lục doanh
thu, hình thành dòng chảy mạnh mẽ, sinh động nền điện ảnh Việt Nam.
Không thể phủ nhận
các nhà làm phim, trong đó có các đạo diễn Việt kiều đã trở thành một bộ phận
có ảnh hưởng trong toàn bộ quá trình phát triển nền điện ảnh ở Việt Nam hiện
nay và cả tương lai. Từ việc thành lập đoàn làm phim đến phát hành trong các rạp
chiếu phim, có một lượng lớn các bộ phim được sản xuất trong nước hiện tại là sản
phẩm liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các đạo diễn Việt kiều.
Nhiều đạo diễn Việt
kiều với phong cách làm phim được học bài bản chuyên nghiệp của các hãng phim lớn,
trong đó có Hollywood, đã mang đến cho ngành sản xuất phim điện ảnh Việt những
cách tiếp cận mới, công nghệ mới, ý tưởng và phong cách mới.
Khởi đầu làm phim đề tài Việt Nam
Đề tài Việt Nam xuất
hiện trong điện ảnh thế giới từ nửa sau thập niên 1960, khi có mặt người Mỹ ở
Việt Nam. Nhiều năm sau 1975, những người Việt sống ở nước ngoài mới bắt đầu
làm phim đề tài về Việt Nam. Nhưng chỉ sau năm 2000, khi Luật Điện ảnh sửa đổi
mang tính hội nhập cao, thì các nhà làm phim Việt kiều, đặc biệt các đạo diễn
trẻ bắt đầu trực tiếp về nước làm phim về Việt Nam và công chiếu trong nước.
Phim của đạo diễn
Việt kiều theo ba xu hướng: Phim tác giả, hay art-house; Phim nghệ thuật do các
đạo diễn Việt kiều thực hiện với sự tham gia tích cực của các đồng nghiệp trong
nước; Phim thương mại như một xu hướng thị trường đang thịnh hành.
Xu hướng thứ nhất
có trình độ chuyên môn cao và những giá trị nghệ thuật không thể chối cãi, trở
thành hiện tượng nổi bật của điện ảnh thế giới, đã được trao giải một cách xứng
đáng tại các Liên hoan phim quốc tế khác nhau. Có thể xem đạo diễn Việt kiều đầu
tiên làm phim về đề tài Việt Nam vào năm 1981 là Lê Lâm, hiện sống ở Pháp. Đó
là phim ngắn về đề tài lịch sử – dân tộc học Long Vân Khánh Hội,
cũng vào năm này, phim được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes trong chương
trình “Phim triển vọng của điện ảnh Pháp”. Hai năm sau, ông làm phim nghệ thuật
dài Đế chế tàn lụi về Việt Nam thuộc địa. Năm 2012, ông làm
phim tài liệu lịch sử Công binh – đêm dài Đông Dương, nói về số phận
bi thương của hàng ngàn người Việt trước Thế chiến II bị cưỡng bức sang Pháp
lao động trong các công xưởng, nhà máy và hầm mỏ…
Đạo diễn Tony Bùi
sinh năm 1973 tại Sài Gòn, năm 1975 định cư tại một thị trấn nhỏ ở bang
California, Mỹ. Học đạo diễn điện ảnh tại Đại học Los Angeles, phim đầu tay năm
1995 Ba mùa đã mang Giải thưởng lớn – Grand Prix của ban giám
khảo và giải của khán giả trong Liên hoan phim độc lập Sundance Mỹ năm 1999.
Người nổi tiếng nhất
có lẽ là đạo diễn Trần Anh Hùng, định cư tại Pháp. Ông vào học trường điện ảnh
danh tiếng École Louis – Lumière. Phim tốt nghiệp của ông có tên Người
thiếu phụ Nam Xương (1987) lọt vào chương trình song song của Liên
hoan phim Cannes 1989. Đặc biệt, ba phim Mùi đu đủ xanh (1993), Xích
lô (1995), Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) đã mang về
nhiều danh tiếng trong các Liên hoan phim quốc tế.
Việt Nam - nơi thể hiện tài năng
Phim mang xu hướng
nghệ thuật kết hợp với các nhà làm phim trong nước, phải kể đến đạo diễn Hồ
Quang Minh (phim Thời xa vắng (2004), dựa theo tiểu thuyết nổi
tiếng cùng tên của nhà văn Lê Lựu) , Nguyễn Võ Nghiêm Minh (phim: Mùa
len trâu, được nhiều giải thưởng trong các Liên hoan phim quốc tế lớn),
Đoàn Minh Phượng (phim: Hạt mưa rơi bao lâu, được trao giải
Phim ASEAN hay nhất tại Liên hoan phim Bangkok 2006, giải Đặc biệt của Ban Giám
khảo Liên hoan Phim quốc tế Rotterdam (Hà Lan) và giải Phim đầu tay hay nhất với
tượng Rajata Chakoram tại Liên hoan Phim Quốc tế Kerala lần thứ 10 tại Ấn Độ).
Bằng tình yêu Việt Nam, yêu những giá trị văn hóa tinh thần mang tính truyền thống
của dân tộc, cộng với sự nhiệt tình, đam mê nghệ thuật thứ bảy, họ đã “trình”
quê hương những tác phẩm khắc họa chân thực đời sống, văn hóa và lịch sử đất nước
bằng ngôn ngữ điện ảnh mới và phong cách riêng. Động lực sáng tác của họ là hồi
ức, hoài niệm về quê hương, chúng tạo ra tâm trạng và vẻ đẹp trong các tác phẩm.
Tiếp con đường như
ba đạo diễn này, một loạt tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật của các đạo diễn
Việt kiều trẻ hơn đã “đổ bộ” vào Việt Nam, tạo thành một làn sóng gây khá nhiều
xáo trộn trong việc nhìn nhận về xu hướng phát triển điện ảnh Việt Nam giai đoạn
này. Ba bộ phim nổi tiếng nhất được quay năm 2007: Dòng máu anh hùng –
đạo diễn Charlie Nguyễn, Áo lụa Hà Đông – đạo diễn Lưu Huỳnh
và Sài Gòn nhật thực – đạo diễn Othello Khánh.
Tạo xu hướng trong điện ảnh Việt đương đại
Khi Luật Điện ảnh sửa
đổi có hiệu lực, các hãng phim tư nhân đã được củng cố và được đối xử công bằng.
Phim của họ sản xuất chiếm lĩnh gần như các rạp, hình thành một dòng phim thị
trường của đạo diễn Việt kiều.
Những năm gần đây,
ngày càng có nhiều đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên Việt kiều trở về nước và
tích cực tham gia vào đời sống điện ảnh đương đại. Trong số họ nổi tiếng nhất
là đạo diễn Victor Vũ, đại diện thế hệ thứ hai các nhà làm phim Việt kiều. Phim
của Victor Vũ đã đoạt nhiều giải thưởng Liên hoan phim quốc gia. Đặc biệt, cuối
năm 2015, với phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh dựa theo
truyện vừa cùng tên của nhà văn Việt Nam đương đại Nguyễn Nhật Ánh, đã tạo
thành một cơn “sốc” đại thắng kỷ lục của các kỷ lục phòng vé phim Việt ở Việt
Nam. Đây cũng là phim mang dấu ấn một mô hình làm phim mới của điện ảnh Việt, sự
bắt tay giữa Nhà nước và tư nhân.
Các đạo diễn Việt
kiều trẻ về nước làm phim hiện nay rất nhiều. Họ được đào tạo bài bản ở nước
ngoài và liên tục về nước làm phim nên tác phẩm ít nhiều gây được dấu ấn, cả ở
các giải thưởng trong nước và quốc tế.
Họ không chỉ làm
cho điện ảnh Việt có cảm hứng sáng tạo và phát triển, mà đây cũng chính là “con
đường” ngắn nhất kết nối kiều bào Việt Nam, để cho dù có đi muôn phương thì văn
hóa Việt, truyền thống Việt vẫn là “quê hương”.
Nguồn : Văn
nghệ số 10/2020
No comments:
Post a Comment