Monday, 16 March 2020

COVID-19 : MALAYSIA TRỞ THÀNH TÂM DỊCH VÙNG ĐÔNG NAM Á (tổng hợp)




NỘI DUNG :

Khánh Linh  -  ZING.VN
05:30 17/03/2020
.
Dân Trí
.
Trọng Thuấn  -  ZING.VN
.
VnExpress  (Theo SCMP)
.
VnExpress  (Theo AFP)
.
Thanh Niên Online
.
24H.COM.VN
.
VnExpress  (Theo WorldometerAFP)
.
====================================

BẤM ĐƯỜNG LINK ĐỂ XEM SỐ THỐNG KÊ MỚI NHẤT

                                  ****************

Khánh Linh  -  ZING.VN
05:30 17/03/2020

Malaysia ngày 16/3 ghi nhận 125 trường hợp mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 553, trở thành nước có dịch Covid-19 nặng nề nhất ở Đông Nam Á.

Ngày 16/3, sự căng thẳng cao độ đang bao trùm Malaysia khi số trường hợp dương tính tăng cao - cao nhất ở Đông Nam Á, cùng làn sóng dư luận xoay quanh các các chủ đề #LockDownMalaysia (Phong toả Malaysia) và #CoronavirusOutbreak (Bùng phát virus corona) tràn ngập các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đến đêm, Thủ tướng Muhyiddin Yassin lên truyền hình, chính thức tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, một nỗ lực mạnh tay nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Trong lúc các chuyên gia vẫn tranh cãi nhau về tác động và cả hậu quả của lệnh cấm, nhiều người dân Malaysia đã vội vàng tích trữ nhu yếu phẩm, chuẩn bị cho những ngày bị phong tỏa.

Cú sốc trong kỳ nghỉ cuối tuần

“Ở đâu cũng hết sạch thịt", South China Morning Post dẫn lời Norashikin Aziz, một trợ lý pháp lý cho biết. “Không đâu có hành tây. Xếp hàng mất cả tiếng đồng hồ, và dòng người chỉ ngày càng dài hơn. Tôi đang tìm kiếm một số loại thịt hoặc protein khác, nhưng ngay cả những thứ đắt tiền như cá hồi cũng hết sạch rồi".
Nhiều người đã chuyển sang đặt hàng trực tuyến, nhưng các chuỗi bán lẻ lớn như Tesco đã kín lịch giao hàng cho đến tuần sau. Các kệ hàng giấy vệ sinh, sữa và bánh mì trên toàn Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, đều gần như trống rỗng.
Chỉ vào cuối tuần trước, nước này được xem như đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch, với 117 ca nhiễm sau hơn một tháng. Trong cuối tuần qua, số ca nhiễm đột nhiên "nhảy vọt" thêm 190 trường hợp, sau đó là 125 trường hợp mới được ghi nhận vào đầu tuần nay, trong đó có 95 ca liên quan tới một cuộc họp lớn của cộng đồng hồi giáo Hồi giáo được tổ chức vào tháng trước.
Đất nước đã bước vào “giai đoạn hai” của cuộc chiến, kéo theo những gì mà Bộ trưởng Y tế mới Adham Baba mô tả là “phải có hành động quyết liệt".
Sự kiện tôn giáo, hay còn gọi là “tabligh”, là nơi ​​khoảng 16.000 người tụ tập cầu nguyện từ ngày 27/2 đến 1/3. Trong số 14.500 người Malaysia tham dự chỉ có 7.000 người chủ động đi xét nghiệm, dù chính phủ và các quan chức tôn giáo nhiều lần khẩn thiết kêu gọi, bộ trưởng Y tế cho biết.
Những người nhiễm virus tham gia sự kiện này đã lây lan cho các trường hợp mới đến từ Brunei, Singapore và Indonesia, trong khi Thái Lan đang ráo riết truy tìm 132 công dân tham dự. Singapore đã đóng cửa tất cả các nhà thờ Hồi giáo vào cuối tuần trước, sau khi 5 người tham dự sự kiện ở Malaysia có kết quả xét nghiệm dương tính virus.
Cho đến nay, 42 bệnh nhân Covid-19 ở Malaysia đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện, còn lại 511 trường hợp vẫn tiếp tục điều trị, 12 người trong số họ đang ở trong tình trạng cần sự chăm sóc đặc biệt.

Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Ảnh: Reuters.

Chính phủ bị chỉ trích

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hôm 16/3 tuyên bố Chính phủ sẽ hỗ trợ 600 ringgit (khoảng 140 USD) hàng tháng trong tối đa sáu tháng cho những người lao động buộc phi nghỉ việc không lương bắt đầu từ ngày 1/3.

Ông cũng cho biết sẽ giảm giá điện sáu tháng từ tháng 4 trở đi.
Nhiều người dân Malaysia đã tránh tụ tập, chuyển sang làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Số ca nhiễm tăng vọt chỉ vài ngày sau khi chính quyền Malaysia quyết định vẫn tiến hành buổi cầu nguyện chung bắt buộc đối với người Hồi giáo vào Thứ Sáu, bảo đảm các biện pháp an toàn như rút ngắn bài giảng và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn. Một số tỉnh sau đó tuyên bố hoãn các buổi cầu nguyện.
Điều này, cùng với các quyết định gây tranh cãi khác như việc Bộ Du lịch từ chối hủy bỏ Hội chợ Du lịch Malaysia, đã làm dấy lên sự chỉ trích rộng rãi đối với chính quyền mới của ông Muhyiddin, người vừa lên nắm quyền vào đầu tháng 3 sau khi thủ tướng cũ bị lật đổ chỉ sau 21 tháng nắm quyền.
Bộ trưởng Y tế Adham Baba đã đặc biệt trở thành mục tiêu nhạo báng dữ dội trên mạng. Ông bị chỉ trích là hành động chậm chạp và làm dấu hiệu hoà bình tại một cuộc họp báo. Từ khi chính phủ mới lên nắm quyền, số lượng các cuộc họp báo cũng giảm hẳn, khiến các nhà báo phàn nàn về sự thiếu minh bạch.

Chính quyền Malaysia thông báo mọi hoạt động trong nhà thờ Hồi giáo sẽ tạm ngừng. Ảnh: AP.

“Trước đây thường có một cuộc họp báo hàng ngày để cập nhật cho người dân về các trường hợp mới và phổ biến thông tin. Nhưng giờ chỉ mới có hai hoặc ba lần họp báo kể từ khi chính phủ mới tiếp quản”, một phóng viên người Malaysia giấu tên cho biết.
Phóng viên cũng nói thêm các nhà báo bày tỏ lo ngại về việc cách ly và đề xuất tổ chức các cuộc họp báo trực tuyến nhưng đều không được giải quyết, và đã có những nhầm lẫn và hoang mang về dịch bệnh khi nhiều bộ trưởng đưa cùng phát biểu, trong khi trước đó chỉ có một đầu mối duy nhất là Bộ Y tế.
Trong khi đó, người tiền nhiệm của Adham, ông Dzulkefly Ahmad đã lên Twitter kêu gọi chỉ áp dụng các biện pháp cách ly mạnh mẽ thay vì phong toả, đề nghị các trường học tiếp tục cho học sinh nghỉ, nhân viên làm việc tại nhà và hủy bỏ các cuộc tụ tập nhiều hơn 50 người. Một số trường đại học ở Malaysia đã tổ chức các lớp học trực tuyến.
Một infographic giả đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc đóng cửa đất nước đã lan truyền trên mạng xã hội. Cảnh sát Malaysia tuyên bố sẽ theo dõi những người chia sẻ nó cũng như các cá nhân “vô trách nhiệm” khác cố ý kích động cộng đồng.

Người bán hàng tại một trung tâm thương mại vắng khách ở Kuala Lumpur. Ảnh: AP.

Chuyên gia về hệ thống y tế và chính sách, tiến sĩ Swee Kheng Khor, cho biết việc phong toả toàn bộ như Trung Quốc, với lệnh giới nghiêm và cấm di chuyển, là rất “nguy hiểm, cực đoan và không cần thiết”, trong khi các biện pháp khác như làm việc tại nhà, giảm tụ tập đông người hoặc hủy bỏ các sự kiện công cộng sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Tuy nhiên, ông nói Malaysia cần phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn sự bùng phát.
Trong khi các biện pháp phong tỏa đã giúp kiềm chế dịch bệnh tại Trung Quốc địa lục, Italy và Tây Ban Nha là hai nước châu Âu đang ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, với số người bị ảnh hưởng lên tới hàng trăm triệu, nhằm chặn đứng đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại Đông Nam Á, Philippines là nước đầu tiên sử dụng biện pháp phong tỏa, nhưng chỉ áp dụng tại vùng đô thị Manila.
Tại Malaysia, lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực từ ngày 18/3, áp dụng với mọi hoạt động tập trung đông người, bao gồm cả hoạt động thể thao, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Những địa điểm tôn giáo và cơ sở kinh doanh trên cả nước buộc phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bán nhu yếu phẩm.
Ông Muhyiddin Yassin cho biết mọi hoạt động trong các nhà thờ Hồi giáo sẽ tạm dừng, bao gồm cả hoạt động cầu nguyện vào các ngày thứ sáu hàng tuần. Công dân Malaysia trể về từ nước ngoài buộc phải kiểm tra y tế và tự cách ly trong 14 ngày. Sẽ có lệnh hạn chế nhập cảnh cho khách du lịch đến Malaysia.

--------------------------------------
.
Dân Trí
Thứ Ba 17/03/2020 - 00:05

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 16/3 đã đề xuất đóng cửa toàn khối và cấm người nước ngoài nhập cảnh trong 30 ngày để chiến đấu với đại dịch Covid-19.

“Càng đi lại hạn chế thì chúng ta càng có thể kiểm soát virus. Vì vậy, tôi đề xuất người đứng đầu các quốc gia và chính phủ đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại tạm thời đối với các hoạt động đi lại không cần thiết tới Liên minh châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong một tuyên bố trên video được chia sẻ trên Twitter ngày 16/3.
“Các hạn chế đi lại này có thể được áp dụng trong thời gian đầu là 30 ngày, nhưng cũng có thể được kéo dài hơn nếu cần thiết”, bà cho biết thêm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, Chủ tịch châu Âu cũng đề cập tới các trường hợp ngoại lệ, bao gồm những người sống ở khối EU lâu năm, thành viên của các công dân châu Âu, các nhà ngoại giao, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19.
Một quan chức EU cho biết lệnh cấm có thể được áp dụng với hơn 30 quốc gia - tất cả các nước thành viên EU ngoại trừ Ireland, cũng như 4 quốc gia không thuộc khối EU vốn cùng tham gia với khối này trong khu vực Schengen.
“Ireland và Anh được khuyến khích tham gia”, quan chức trên nói. Ireland không phải là một thành viên của khối Schengen, còn Anh đã rời EU hồi tháng 1.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về đề xuất phong tỏa trên trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 17/3.
Cho tới nay, EU đã gặp khó khăn trong việc đưa ra một biện pháp thống nhất nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này và một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới đơn phương.
“Ủy ban cho rằng việc thống nhất đề xuất trên sẽ khiến các biện pháp hạn chế trong nội khối Schengen không còn cần thiết nữa”, một quan chức EU thứ hai nói với Reuters.
Một quan chức EU khác cho hay, khối này đang cố gắng thúc đẩy sáng kiến trên, sau khi dịch Covid-19 gây những bất đồng giữa các thành viên trong khối.
“Chúng tôi biết rằng mối đe dọa đã ở bên trong chứ không còn đến từ bên ngoài nữa. Vì vậy đó là một thông điệp chính trị nhiều hơn”, quan chức giấu tên nói.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia EU đang đối phó với số ca nhiễm mới và tử vong tăng nhanh trong những ngày gần đây. Italia, Pháp, Tây Ban Nha hiện là các điểm nóng của dịch Covid-19, với các ca nhiễm mới tăng chóng mặt mỗi ngày.

An Bình
Theo Reuters

---------------------------------------------
.
Trọng Thuấn  -  ZING.VN
05:23 17/03/2020

Chính phủ Pháp sẽ triển khai 100.000 cảnh sát để thực hiện lệnh phong tỏa vì dịch được Tổng thống Emmanuel công bố. 

Pháp triển khai phong tỏa toàn quốc với 100.000 cảnh sát

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16/3 công bố lệnh giới hạn đi lại nghiêm ngặt trên toàn quốc, và cho biết quân đội cũng sẽ được điều động để đưa người bệnh tới bệnh viện. Chính phủ Pháp sẽ triển khai 100.000 cảnh sát để thực hiện lệnh phong tỏa.
Trước đó, Pháp đã đóng cửa các nhà hàng, quán bar, trường học và khu trượt tuyết, nhưng số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ mỗi ba ngày buộc ông Macron phải ra những biện pháp chưa từng có trong thời bình, theo Reuters. Lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài ít nhất hai tuần.

Người phụ nữ đi ngang qua Khải Hoàn Môn hôm 15/3 giữa lúc chính phủ Pháp thông báo việc đóng các quán cafe, nhà hàng, rạp chiếu phim, hộp đêm và trung tâm thương mại để ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh: Reuters.

Trong bài phát biểu với người dân Pháp, tổng thống cho biết từ trưa ngày 17/3 (giờ Pháp), mọi người cần ở nhà trừ khi để đi mua đồ ăn, đi làm, ra tập thể dục hoặc đi khám bệnh. Bất cứ ai kháng lệnh sẽ bị phạt.
Bộ trưởng Nội vụ nước này cho biết các điểm kiểm tra sẽ được thiết lập trên toàn quốc để thực hiện lệnh phong tỏa có hiệu lực từ trưa ngày 17/3.
“Tôi biết tôi đang yêu cầu những điều chưa từng có tiền lệ, nhưng tình thế bắt buộc”, ông Macron nói. “Chúng ta không chiến đấu với quân đội nước khác, mà kẻ thù ngay tại đây: vô hình, khó nắm bắt, nhưng đang lây lan”.
Ông Macron nói các giới hạn khắt khe như vậy là cần thiết sau khi quá nhiều người không tuân theo các cảnh bảo trước đó, và vẫn tụ tập ở công viên hay góc phố vào cuối tuần qua, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Các chốt chặn sẽ được thiết lập trên cả nước, và những ai di chuyển sẽ phải nêu rõ lý do trên giấy tờ, kể cả người đi bộ, theo Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner.
Pháp đã có 6.600 ca nhiễm virus corona và 148 ca tử vong, là ổ dịch lớn thứ ba châu Âu sau Tây Ban Nhà và Italy.

Khu vực vịnh San Francisco được lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP.

Gần 7 triệu người sống ở vùng rộng lớn phía bắc California, bao gồm Thung lũng Silicon, đang được lệnh ở nhà sau nửa đêm ngày 16/3 giờ địa phương (14h ngày 17/3 theo giờ Việt Nam).
Ngoài San Francisco, được hong tỏa cùng ngày, giờ đây cư dân các hạt San Mateo, Santa Clara, Marin, Alameda, Contra Costa, và thành phố Berkeley sẽ phải ở nhà, theo lệnh của giới chức y tế các địa phương.
“Đây là quyết định vô vàn khó khăn”, quan chức y tế hạt Sara Cody nói, và cho biết thêm cách tiếp cận phối hợp theo vùng như trên là cần thiết. “Chúng tôi biết là cần phải làm vậy”.
Các dịch vụ y tế, siêu thị bán đồ ăn, trạm xăng, ngân hàng, dịch vụ gọi đồ ăn vẫn sẽ mở. Giao thông công cộng vẫn hoạt động, nhưng chỉ dành để đi tới các dịch vụ thiết yếu.

----------

VIDEO :
Người dân ra ban công vỗ tay đồng loạt cổ vũ y bác sĩ chống Covid-19 Những người dân ở Madrid đứng trên ban công và nhoài ra khỏi cửa sổ để vỗ tay cổ vũ các bác sĩ và nhân viên y tế vào tối thứ Bảy sau một chiến dịch nhằm ngăn chặn Covid-19.

----------------------------------------------------------------
.
VnExpress  (Theo SCMP)
Thứ ba, 17/3/2020, 00:30 (GMT+7)

TRUNG QUỐC  -  Các nhà nghiên cứu phát hiện những con khỉ vàng mắc Covid-19 phát triển miễn dịch hiệu quả với dịch bệnh sau khi bình phục.

Khỉ vàng mắc Covid-19 trong thí nghiệm. Ảnh: AFP.

Nhóm chuyên gia ở Viện Hàn lâm Y khoa Trung Quốc tiến hành thí nghiệm trên khỉ và công bố chi tiết hôm 14/3 trên trang bioRxiv, kho dữ liệu dành cho các nghiên cứu chờ thẩm duyệt từ hội đồng chuyên gia. Giáo sư Qin Chuan và cộng sự cho 4 con khỉ vàng nhiễm nCoV, virus gây dịch Covid-19. Những con khỉ bắt đầu bộc lộ dấu hiệu mắc bệnh sau 3 ngày. Chúng bị sốt, khó thở, mất khẩu vị và giảm cân.
Sang ngày thứ 7 của thí nghiệm, Qin tiêm trợ tử một con khỉ trong số đó và phát hiện virus đã lan khắp cơ thể nó từ mũi tới bàng quang với tổn thương rõ rệt ở mô phổi. Tuy nhiên, 3 con khỉ còn lại dần bình phục và cuối cùng ngưng bộc lộ triệu chứng.
Khoảng một tháng sau, khi các xét nghiệm cho kết quả âm tính và phim chụp X-quang cho thấy nội tạng của nhóm khỉ đã hồi phục hoàn toàn, nhóm nghiên cứu tiếp tục cho hai con khỉ tiếp xúc với virus qua miệng. Họ nhận thấy nhiệt độ cơ thể chúng tăng tạm thời, nhưng mọi mặt khác dường như đều bình thường.  
Khi tiến hành khám nghiệm trên hai con khỉ sau khoảng nửa tháng, các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của virus trong cơ thể chúng. Cùng lúc, họ phát hiện lượng kháng thể rất cao, chứng tỏ hệ miễn dịch đã sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Theo Qin, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển vaccine.
Một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 xét nghiệm âm tính và được xuất viện, nhưng có kết quả dương tính sau đó vài ngày, khiến các chuyên gia y tế hoài nghi. Tỷ lệ tái nghiệm ở mức từ 0,1 đến 1% tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ở vài tỉnh như Quảng Đông, 14% bệnh nhân đã khỏi phải tái nhập viện do dương tính lần hai. Nếu những bệnh nhân này tái nhiễm cùng một loại virus, vaccine sẽ không hiệu quả. Nhóm nghiên cứu của Qin cho rằng kết quả dương tính ở vài bệnh nhân có thể vì lý do khác thay vì tái nhiễm. Bệnh nhân có thể chưa hồi phục hoàn toàn dù đáp ứng các tiêu chí để xuất viện.
Thí nghiệm trên động vật khớp với quan sát của những bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh. Giáo sư Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh truyền nhiễm, cho biết ông và cộng sự phát hiện sự tồn tại mạnh mẽ của kháng thể ở bệnh nhân đã hồi phục, có nghĩa virus không thể lợi dụng họ để mang mầm bệnh.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành các biện pháp đề phòng. Từ ngày 5/3, tất cả bệnh nhân xuất viện cần đến cơ sở cách ly thêm hai tuần. Một bác sĩ tại Bắc Kinh nhận định thí nghiệm của Qin cung cấp thông tin giá trị bởi khỉ có hệ gene gần gũi với con người nhưng những gì xảy ra với chúng không phải lúc nào cũng đúng với con người.

An Khang (Theo SCMP)

----------------------------
.
VnExpress  (Theo AFP)
Thứ hai, 16/3/2020, 20:35 (GMT+7)

Thống đốc vùng Lombardy Fontana nói số ca nhiễm nCoV mới không tăng mạnh như vài ngày trước và tình hình có thể khả quan hơn trong thời gian tới.
"Tôi chưa thấy số liệu hôm nay, nhưng chúng ta có thể thấy một số bước tiến nhỏ. Số ca nhiễm nCoV mới không tăng mạnh như hai đến ba ngày trước. Hy vọng đây là khởi đầu của xu thế giảm", thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontana hôm nay cho biết trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh quốc gia Italy.
Vùng Lombardy ở miền bắc Italy là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19 khi ghi nhận tới 1.218 người chết. Italy hôm 15/3 có thêm 368 người chết, trong đó 252 trường hợp tại Lombardy, mức tử vong trong một ngày cao nhất trên thế giới.
Thống đốc Fontana cho rằng có lý do để lạc quan về tình hình tại Lombardy, nhận định tốc độ lây lan sẽ thay đổi đáng kể trong vài ngày tới nhờ quyết định phong tỏa, hạn chế người dân đi lại kể từ ngày 8/3.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo tình hình Covid-19 vẫn ngày càng tồi tệ trên khắp cả nước. "Các nhà khoa học cho rằng đại dịch vẫn chưa đạt đỉnh, nguy cơ cao nhất sẽ xảy đến trong vài tuần tới", ông nói.
Italy đang là ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, với gần 25.000 người dương tính nCoV. Nước này cũng có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới khi hơn 1.800 người đã chết. Covid-19 đã xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 175.000 người nhiễm nCoV và hơn 6.700 người chết.

Vũ Anh (Theo AFP)

----------------------------------------
.
Thanh Niên Online
21:18 - 16/03/2020

Nhà chức trách Iran thông báo có thêm 1.053 ca nhiễm virus Corona chủng mới gây bệnh COVID-19 và 129 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Bộ Y tế Iran ngày 16.3 thông báo có thêm 1,053 ca nhiễm virus Corona chủng mới gây bệnh COVID-19 và 129 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, theo Reuters. Đây là số tử vong cao kỷ lục trong 24 giờ tính tới nay tại Iran.
Tổng thống Hassan Rouhani nói rằng dựa trên số liệu, Iran đã qua đỉnh dịch nhưng khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Đến này, đã có tổng cộng 14.991 người bị nhiễm với 853 người tử vong tại Iran vì đại dịch COVID-19. 
Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn IRNA đưa tin giáo sĩ Ayatollah Hashem Bathaie Golpayegani, một thành viên hội đồng cố vấn của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã tử vong sau khi nhiễm virus Corona chủng mới.
Ông Golpayegani nhập viện tại tỉnh Qom vào ngày 14.3. Trước đó, nhiều quan chức và chính trị gia Iran cũng bị mắc bệnh, trong đó một số người tử vong.
Phát biểu trên truyền hình ngày 16.3, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour kêu gọi người dân cần coi dịch COVID-19 là vấn đề nghiêm trọng và nên hạn chế di chuyển hết mức có thể.

-----------------------------------
.
24H.COM.VN
Thứ Hai, ngày 16/03/2020 20:15 PM (GMT+7)

Ngày 16.3, chính phủ Philippines đã áp dụng biện pháp “kiểm dịch nâng cao”, bắt buộc hơn 100 triệu người dân tại đảo chính Luzon phải ở tại nhà. Đây là biện pháp mạnh mẽ nhất của Philippines nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Người dân phải ở nguyên trong nhà. Việc vận chuyển nhu yếu phẩm, vật tư y tế sẽ do chính phủ đảm nhiệm. Di chuyển và vận tải bị đình chỉ, ngoại trừ những người thực hiện các công việc quan trọng”, phát ngôn viên của Tổng thống – ông Salvador Panelo tuyên bố.
“Mục tiêu của Tổng thống là cứu chúng ta khỏi chính chúng ta”, ông Salvador Panelo cho biết.
Đây được xem là một trong những biện pháp chống dịch Covid-19 mạnh mẽ nhất châu Á.
Philippines đến nay đã ghi nhận tổng cộng 140 ca nhiễm Covid-19 với 12 người tử vong. Đáng nói, cách đây khoảng 10 ngày, Philippines chỉ có 3 ca nhiễm Covid-19.
Đảo chính Luzon của Philippines (bao gồm cả thủ đô Manila) là nơi cư trú của hơn 107 triệu dân. Đây cũng là trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất của Philippines.
“Chúng tôi sẽ không cho phép người dân đổ xô đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm tại các cửa hàng, siêu thị. Thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết sẽ được giao đến từng nhà. Đây là vấn đề sống còn của quốc gia”, ông Salvador Panelo cho biết.

--------------------------------------
.
VnExpress  (Theo WorldometerAFP)
Thứ hai, 16/3/2020, 06:53 (GMT+7)

Số ca nhiễm nCoV các nước đã vượt Trung Quốc trên 5.000 ca trong khi số ca tử vong nhiều hơn 33 ca.
Tổng ca nhiễm nCoV các nước đạt trên 86.000 trong khi số ca nhiễm tại Trung Quốc tính đến ngày 16/3 là 80.860. Số ca tử vong vì nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục là 3.241, còn số ca tử vong ở Trung Quốc đại lục là 3.208, theo số liệu từ Đại học John Hopkins.
Trên thế giới, dịch tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp, với 12.862 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm lên 169.515, trong đó 77.753 người đã hồi phục.
Các ca nhiễm mới tập trung tại những điểm nóng ở châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh. Italy phát hiện thêm 3.590 ca nhiễm, nâng tổng số người dương tính với nCoV lên 24.747, cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Tây Ban Nha, Iran và Đức là những nước báo cáo số ca nhiễm mới trên 1.000. 
Hơn 100 triệu người ở châu Âu bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả, sau khi Tây Ban Nha và Italy cấm người dân ra ngoài trong 15 ngày, trừ trường hợp đi mua thực phẩm, thuốc men, đi làm, hoặc tìm kiếm hỗ trợ về y tế. Đức cũng đóng cửa một phần biên giới, cấm người đến từ Pháp, Áo, Thuỵ Sĩ từ hôm nay. Ba Lan, Czech, Đan Mạch, đóng cửa biên giới với du khách.
Trung Quốc báo cáo 16 ca nhiễm mới, giảm 4 ca so với một ngày trước đó. Số ca tử vong là 14, đều ở tỉnh Hồ Bắc. Hàn Quốc trong khi đó ghi nhận 74 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm nCoV trên cả nước lên 8.236. Các số liệu mới nhất cho thấy tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc và Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tại Đông Nam Á, số ca mới ở Malaysia tăng mạnh 190 ca, lên 428, hầu hết đều liên quan đến một sự kiện tại thánh đường Hồi giáo gần Kuala Lumpur với khoảng 16.000 người tham dự.
Thêm 682 ca tử vong vì nCoV trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở Italy, Iran, Tây Ban Nha, nâng số ca tử vong toàn cầu lên 6.515.
Italy ghi nhận 368 ca tử vong mới, nâng số người chết ở nước này lên 1.809, tỷ lệ tử vong 7,3%. Iran báo cáo thêm 113 ca tử vong, tổng số người chết là 724, tỷ lệ tử vong ở mức 5,2%. Tỷ lệ tử vong trung bình vì Covid-19 trên thế giới là 3,84%.
Tại Mỹ, 3.590 người nhiễm nCoV, 68 người chết và 59 người bình phục. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/3 thông báo sẽ cắt giảm lãi suất tham chiếu về bằng 0 và đưa ra một chương trình hỗ trợ trị giá 700 tỷ USD nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh. 28 bang đóng cửa trường học, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo huỷ hoặc hoãn các sự kiện tụ tập từ 50 người trong vòng 8 tuần tới.
Covid-19 đã xuất hiện tại 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cộng hòa Trung Phi và Congo là những nơi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên trong hôm qua và hôm nay.

Vũ Hoàng (Theo WorldometerAFP)





No comments:

Post a Comment

View My Stats