Monday, 16 March 2020

ĐÓNG CỬA BIÊN GIỚI CHỐNG COVID-19 : BIỆN PHÁP Y TẾ HIỆU QUẢ hay Ý ĐỒ CHÍNH TRỊ CỰC ĐOAN? (RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Đăng ngày: 16/03/2020 - 13:52

Dịch Covid -19 lây lan nhanh chóng ở Châu Âu đã khiến nhiều quốc gia phải đưa ra các biện pháp hà khắc. Một số nước đã bắt đầu thông báo đóng cửa biên giới.

Những quyết định đơn lẻ, có phần trái ngược với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như của Liên Hiệp Châu Âu, có thực sự hiệu quả về mặt y tế hay chỉ thuần túy chính trị ?

« Châu Âu đã trở thành tâm đại dịch (…) Số ca nhiễm mới phát hiện mỗi ngày giờ đây cao hơn cả Trung Quốc vào thời điểm đỉnh dịch ». Những tuyên bố như trên của tổng giám đốc WHO hôm 13/03 đã gây ra một làn sóng sốc tại châu Âu. Cho dù ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã rất chú trọng cảnh báo những biện pháp riêng lẻ, nhưng nhiều quốc gia ngay sau đó đã chuyển các khuyến cáo đó thành các thông báo tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu và thậm chí đóng luôn biên giới. Đó là trường hợp của Đan Mạch, Slovakia, Cộng Hòa Séc hay Ba Lan. Con số này trong những ngày tới sẽ còn tăng thêm cùng với chiều hướng lây lan của bệnh dịch.

Một biện pháp không có giá trị khoa học ?

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron hôm 12/03 đã thông báo đóng cửa trường học vô thời hạn từ ngày hôm nay (16/03). Nhưng không hề một quyết định nào để kiểm soát biên giới nước Pháp. Trả lời chất vấn của truyền thông ngày 13/03, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran đã bảo vệ chủ trương của chính phủ như sau : « Virus không có biên giới. Nó lưu thông ở Ý, ở Tây Ban Nha, Đức nhưng cả với những nước có biên giới với châu Âu như Thụy Sĩ…. Về mặt khoa học mà nói thì điều đó không có ích gì ».

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giờ đây cho rằng phương pháp khoanh vùng cách ly trên diện rộng như Trung Quốc triển khai làm đã chứng minh có hiệu quả và cần phải làm theo. « Tạo khoảng cách trong môi trường xã hội là điều cốt lõi để giảm lây lan », trả lời phỏng vấn của France 24 TV, StergiosMosschos, giáo sư Y khoa thuộc Đại học Northumbrie, Anh Quốc giải thích: « Rào chắn đã có tác dụng với Trung Quốc, cấm đi lại giữa Hồ Bắc và các tỉnh khác đã giúp cho giảm mức độ lây nhiễm ».

Một số nhà khoa học khác tỏ ra thận trọng hơn về mô hình Trung Quốc, như Henri Julien, chủ tịch hội Y Học Thiên Tai của Pháp cho rằng : « Dịch bệnh dừng lại sau khi đã có một số lượng người bị mắc bệnh và họ kháng được virus thì sẽ không lây truyền virus nữa. Ở Trung Quốc, con số này đã vượt quá ngưỡng, dân chúng bắt đầu được miễn dịch và thế là dịch đã thuyên giảm đi rất nhiều. Ở khía cạnh này khó có thể đánh giá được hiệu quả thực sự của các biện pháp phong tỏa cách ly ở Trung Quốc ».

Bài học Trung Quốc dường như đang được noi theo ở Ý, ổ dịch virus corona lớn thứ 2 thế giới. Chính phủ Ý đã đưa ra các biện pháp theo trình tự như ở Trung Quốc. Trước tiên là khoanh vùng cách ly nhiều vùng miền Bắc, rồi tiếp đó là toàn quốc. Thế nhưng, theo ông Ronys Brauman, đồng sáng lập viên của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontières) thì điều cốt lõi là phân biệt được giữa các biện pháp bên trong những nước bị dịch và việc đóng cửa biên giới của một quốc gia. Ông phân tích: « Việc cách ly một bộ phận dân cư thích ứng với hoàn cảnh từng địa phương có thể giúp ngăn chặn được dịch. Trái lại, ở quy mô cả một nước, biện pháp như vậy chỉ là hão huyền. Ngay cả trong giả định người ta có thể phong tỏa được toàn bộ di chuyển của dân trên bình diện quốc gia, như thế sẽ phải đóng cửa đất nước, trước khi virus lan truyền thì mới có hiệu quả thực sự. Cuối cùng, tác động về mặt con người và kinh tế có nguy cơ lớn hơn nhiều so với ích lợi thu được trên mặt y tế công cộng».

Tranh luận xung quanh vấn đề đóng cửa biên giới 

Không phải bây giờ khi gặp phải thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng mới nảy sinh ra các tranh luận xung quanh chuyện kiểm soát biến giới. Vấn đề này đã khấy động giới chính trị từ bấy lâu nay. Tổng thống Mỹ Doanld Trump dường như đã khá vụng về khi cho rằng dịch virus corona là « virus ngoại quốc ». Khi thông báo đóng cửa lãnh thổ Mỹ với 26 nước trong khu vực Schengen, hôm 11/03, ông Doanld Trump chỉ trích Liên Âu đã đánh giá thấp đe dọa từ Trung Quốc. Phản ứng với quyết định trên của chính quyền Trump, Liên Hiệp Châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi hợp tác hơn là đưa ra các biện pháp đơn phương.

Theo chuyên gia Henri Julien, chắc chắn những thông báo kiểu như vậy chỉ thuần túy mang tính chính trị : « Trump cấm người đến từ khu vực Schengen vào lãnh thổ Mỹ, nhưng lại không cấm những nước bên cạnh không gian Schengen hiện cũng bị dịch như Rumani chẳng hạn. Nước Nga thì thông báo đóng biên giới với hai nước thôi… Những biện pháp như vậy có thể làm mọi người thấy yên tâm hơn, khiến họ chú ý hơn đến dịch và tạo cảm giác là có Nhà nước ở bên cạnh, nhưng ta biết các quyết định đó không có mấy hiệu quả về mặt y học ».

Tương tự tại Pháp, vấn đề kiểm soát biên giới cũng đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong giới chinh trị. Những chính khách cánh hữu và cực hữu tuyên bố ủng hộ kiểm soát biên giới. Họ chỉ trích chính phủ chỉ « ám ảnh » với suy nghĩ tái lập đường biên giới quốc gia.

Theo Jean Petaux, nhà nghiên cứu chính trị tại Trường Khoa Học Chính Trị Bordeaux ( Sciences Po), cuộc khủng hoảng dịch virus corona đã làm kịch phát các chia rẽ chính trị. Ông phân tích : « Có mối liên hệ rất lớn giữa đại dịch và cực đoan hóa chính trị. Đây là hiện tượng nhân chủng học phổ biến, bởi vì sự không hiểu biết kích thích sợ hãi và phủ nhận. Một số đảng phái chính trị lợi dụng hiện tượng đó. Để đối phó, những người có xu hướng thân châu Âu giơ cao lá bài đoàn kết thống nhất để tự vệ trước khủng hoảng ».

Trong một phản ứng ám chỉ xa xôi đến những chỉ trích của phe cực hữu trong diễn văn toàn quốc hôm 12/03, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tránh rơi vào thái độ dân tộc chủ nghĩa. Một lần nữa tổng thống Pháp khẳng định cam kết của Liên Âu rằng: « Chúng ta chắc chắn sẽ có biện pháp kiểm soát, đóng cửa biên giới, nhưng phải đưa ra vào vào thời điểm xác đáng và phải đồng bộ với các quyết định trên phạm vi châu Âu. Vì chỉ trên quy mô đó chúng ta mới xây dựng được các quyền tự do và các phương thức bảo vệ chúng ta. ».
(Theo France 24)

--------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.
.
.
.
.
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats