06/03/2020
Tác giả Châu Tiểu Lan là tiến sĩ ngành y sinh học, đồng
dịch giả cuốn “Tế
bào gốc – Khám phá cùng nhà khoa học” (cùng với TS. Dương Thị
Thư, TS. Nguyễn Ngọc Kim Vy). Hiện tác giả đang làm việc tại Đại học Bilkent
(Thổ Nhĩ Kỳ).
----------------------------------------
Trong thời kỳ dịch bệnh, thật dễ hiểu khi mọi người
sợ hãi và bất an.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày
3/3/2020 toàn thế giới hiện có tổng
cộng 90.893 ca báo nhiễm, và đã có 3.110 trường hợp tử vong. Trong khi
số ca nhiễm ở Trung Quốc giảm đi, thì số ca các nước khác lại trên đà tăng lên:
1.848 trường hợp ở 48 quốc gia, trong đó chủ yếu (80%) là từ Hàn Quốc, Iran và
Ý. Có 21 nước có một ca nhiễm. 122 nước chưa báo ca nào.
Sợ là một phản ứng tự nhiên của loài người trước bất
cứ mối đe dọa nào, nhất là khi chúng ta chưa hoàn toàn hiểu được bản chất của
các mối đe dọa đó. Những lời trấn an dễ dãi thiếu cơ sở hoặc những cảnh báo
nghiêm ngặt hơn mức cần thiết đồng thời tạo nên sự hoang mang. Tuy nhiên dường
như đó là cái giả phải trả cho thời đại thông tin, khi tốc độ lan truyền nhanh
hơn khả năng đánh giá. Chỉ khi càng thu thập được nhiều thông tin thì chúng ta
lại càng thêm hiểu biết về tác nhân virus, dịch bệnh, cùng các vấn đề
khác.
Bài viết này sẽ giải quyết sáu câu hỏi còn gây nhiều
tranh cãi, thậm chí hiểu nhầm trong thời gian qua. Dữ liệu bài viết được tổng hợp
từ Báo
cáo của Đoàn công tác chung giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc làm
việc về dịch bệnh coronavirus từ ngày 16 – 24/2/2020 (sau đây gọi là Báo cáo WHO – Trung Quốc),
cùng dữ liệu và ý kiến từ nhiều chuyên gia trên thế giới. Và mặc dù WHO bị chỉ
trích vì cách họ phản ứng với dịch coronavirus lần này, người viết tin rằng họ
vẫn là cơ quan có thẩm quyền về mặt chuyên môn trong vấn đề này và dữ liệu khoa
học của họ vẫn quan trọng, rất đáng tham khảo.
1. Virus COVID-19 có nguy hiểm không?
Ngay khi cơn dịch địa phương vừa bùng nổ ở nước láng
giềng Trung Quốc, và danh tính tác nhân gây nguy hiểm được tiết lộ:
betacoronavirus, thì một số người Việt Nam vội vã cho rằng virus này không có
gì đáng lo ngại, bởi từ xưa nay đã có bốn chủng
virus thuộc họ coronavirus này chỉ gây những triệu chứng nhẹ cho con
người mà thôi.
Có một vấn đề chủ chốt đã bị bỏ qua: virus mới của
cơn dịch này chưa xuất hiện bao giờ ở người.
Vì sao yếu tố này quan trọng? Nhiều virus có thể sống
thường trực ở động vật mà không gây hại gì cho vật chủ qua thời gian, nhưng khi
chúng tấn công được vào vật chủ mới, ở đây là loài người, thì đó thường là hậu
quả của một hay nhiều sự đột biến bất thường, đa số là có hại cho người bị nhiễm.
Thêm vào đó, hệ miễn dịch của con người do chưa từng tiếp xúc với tác nhân lạ
nên sẽ tự nâng mức báo động cao bất thường và thường dẫn đến những hệ quả khó
kiểm soát trong cơ thể rồi từ đó có thể đưa đến tử vong.
Theo thông
tin cập nhật ngày 4/3/2020 của tờ SCMP, các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện COVID-19 thật
ra có hai chủng L và S. Chủng L thường gặp hơn chủng S, 70% so với 30% mẫu thử
nghiệm. Điều đó có nghĩa là chủng L đã lan nhiễm nhiều hơn. Bằng chứng
tiến hóa đã ghi nhận chính chủng L đã biến hóa từ chủng S và chủng L đang lưu
hành đa số hiện nay. Thông tin về bằng chứng đột biến này không có gì đáng lo
ngại như một số nhận định. Thật ra thực tiễn này một lần nữa góp phần củng cố
lý thuyết tiến hóa rằng virus COVID-19 hẳn đã phải có sinh đột biến trước khi
gây nhiễm được hiệu quả ở con người.
Khi quá trình lan nhiễm giữa người và người càng rộng
hơn (tức là dễ dàng hơn), thì mức độ nguy hiểm của virus cũng giảm dần đi là bởi
vì hai lý do. Thứ nhất, nhìn chung chúng không cần phải có những đột biến bất
thường như thời điểm đầu xâm nhiễm vào con người nữa và vì khi đó miễn dịch cộng
đồng đã một phần nào được cải thiện. Thứ hai, khác với virus influenza hay HIV,
COVID-19 được cho là có chức năng tự sửa chữa sai lầm trong quá trình sao chép
nhân đôi như virus SARS, cùng họ betacoronavirus và do chúng có mức tương đồng
cao về mặt thông tin di truyền. Vì vậy dù lan nhiễm nhanh và nhiều nhưng
COVID-19 sẽ không sinh thêm nhiều đột biến. Theo Báo cáo WHO – Trung Quốc, việc
phân tích giải mã toàn bộ gene từ 5 mẫu trong 104 chủng phân lập từ các bệnh
nhân từ các địa phương khác nhau trong quá trình cuối 12/2019 đến giữa tháng
2/2020 ở Trung Quốc cho thấy chúng giống nhau đến 99,9% và không có nhiều đột
biến đáng kể.
Những điều này cũng góp phần giải thích vì sao tâm dịch
khởi phát Vũ Hán lại chịu tác động hết sức nặng nề; số ca tử vong ở nơi đó gây
kinh hoàng đến vậy. Dẫu cho tình hình tử vong của các nước khác mới bị nhiễm
còn khó đoán vì yếu tố miễn dịch của từng dân tộc, khả năng nguy hiểm đến tính
mạng do bản thân virus sẽ giảm đi so với thời gian đầu tiên chúng tấn công loài
người.
Cũng như khi virus HIV vừa xuất hiện vào những năm
1980, mọi người đã từng sợ hãi virus có thể lan truyền qua tay nắm cửa, về sau
chúng ta đã hiểu đường lây truyền chính của virus HIV là: máu, tình dục, và từ
mẹ sang con. Theo thời gian, khi thông tin được tích lũy, dẫu cho chúng ta hiểu
thêm về mối đe dọa và thấy chúng thật ra không đáng lo ngại thì không có nghĩa
là nỗi lo lắng của chúng ta ở thời kỳ đầu dịch bệnh là vô cớ.
Vậy thì với tình hình hiểu biết hiện tại, chúng ta
nên lo lắng đến mức nào?
2. Virus COVID-19 có phải virus cúm (influenza) và virus
SARS?
Theo WHO, COVID-19 là một chủng virus riêng biệt với
những đặc điểm riêng của nó. Cả COVID-19 và cúm mùa influenza đều gây ra bệnh
đường hô hấp, có đường lây truyền tương tự nhau thông qua các hạt vi dịch từ
mũi miệng của người bệnh. Tuy nhiên, hai loại virus này lại có nhiều điểm khác
nhau, từ đó cho thấy chúng ta không thể xử lý COVID 19 như trường hợp cúm mùa.
Thứ
nhất, theo thông tin thu thập được cho đến nay, COVID-19
không lây nhiễm dễ dàng như influenza.
Với influenza, người nhiễm chưa có triệu chứng là
nguồn lây chủ yếu, chuyện này khác với trường hợp COVID 19. Có ca nhiễm không
triệu chứng được báo cáo nhưng đa số các trường hợp đó là vì báo cáo sớm, về
sau họ cũng có triệu chứng, còn hầu hết các trường hợp đều có biểu hiện trong
vòng hai ngày. Tỷ lệ những người hoàn toàn không có triệu chứng dường như rất
hiếm gặp, chỉ 1% trong các ca được báo cáo, do đó họ không phải là nguyên nhân
chủ yếu của nguồn lây nhiễm. Một số quốc gia như Trung Quốc, Ghana, Singapore
đã chú ý tìm những trường hợp không triệu chứng như vậy nhưng rất ít hoặc không
có.
Có một cách duy nhất để biết chắc chắn có bị nhiễm
hay không là tìm kháng thể chống COVID 19 trong cơ thể đối tượng. Một số nước
đã bắt đầu tiến hành biện pháp này, trong đó có Singapore (xem thêm trong phần
sau của bài). Thông tin này sẽ giúp chúng ta biết mức độ lây nhiễm trong cộng đồng
dân cư qua thời gian.
WHO đã xây dựng quy trình chuẩn cách tiến hành
nghiên cứu này và khuyến khích các quốc gia thực hiện rồi chia sẻ thông tin.
Thứ
hai, COVID-19 gây bệnh nghiêm trọng hơn cúm mùa
influenza.
Trong khi dân cư toàn cầu đã có hệ miễn dịch đối phó
được các chủng virus gây cúm mùa thì COVID-19 lại là một tác nhân hoàn toàn mới.
Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều người bị mắc bệnh, mà một số người sẽ rơi vào
tình trạng nguy hiểm. Trung bình toàn cầu, tỷ lệ tử vong do COVID-19 là khoảng
3,4% số ca báo cáo, trong khi đó cúm mùa gây tử vong còn chưa tới 1% trong số
người nhiễm.
Thứ
ba, đã có vaccine và cách điều trị cúm mùa, còn với
COVID 19 thì hoàn toàn ngược lại.
Tuy nhiên hiện tại có hơn 20 vaccine đang trong tiến
trình hoàn thành.
Thứ
tư, chúng ta không thể kiểm soát ngăn chặn được cúm
mùa, nhưng với COVID 19 điều này hoàn toàn làm được.
Giờ đây chúng ta không thể theo dõi các đối tượng
nguy cơ tiếp xúc người nhiễm cúm mùa, nhưng các quốc gia nên thực hiện lần theo
dấu vết nguy cơ để ngăn chặn đúng lúc. Việc kiểm soát hoàn toàn có thể làm được.
3. Nên hiểu thế nào khi đọc con số tử vong?
Theo báo cáo tình hình thực địa của WHO ở Trung Quốc,
nơi tâm dịch có diễn biến bệnh tật nặng nề, người viết nhận thấy tỷ lệ tử vong
là một thông số quan trọng nhưng cần phải được diễn dịch theo đúng tình cảnh để
tạo được sự tin cậy trong cộng đồng. Thông tin chắp vá sẽ gây hiểu sai, dẫn đến
chủ quan hoặc hoang mang thái quá.
Không nên lấy con số trung bình 2% tử vong và rằng
98% người nhiễm sẽ không bị sao cả để trấn an xã hội. Ngoài lý do mạng người
không đơn thuần là con số, thì còn có nhiều lý do khác để lưu tâm khi nói về tỷ
lệ tử vong.
Một
là, tỷ lệ tử vong của một loại bệnh chỉ được xác định
chắc chắn sau khi dịch bệnh kết thúc.
Thông thường, để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh
dịch, người ta lấy số người bị chết chia cho số ca nhiễm để tính tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên khi dịch đang còn diễn biến thì cách ước tính tỷ lệ tử vong sẽ dựa
vào một phương trình tính toán dựa vào số lượng tử vong báo cáo qua từng
thời kỳ đang diễn ra, chứ không chỉ đơn giản sử dụng cách tính khi dịch đã kết
thúc. Ví dụ như khi SARS đang diễn tiến, với cách tính đơn giản, người ta đã ước
lượng tỷ lệ tử vong chỉ có 4%, trong
khi tỷ lệ tử vong thực
tế là 9,6%. Thế nhưng dường như một phương trình tính toán khi dịch bệnh
đang diễn ra vẫn chưa được các nhà khoa học chính thức công nhận và sử dụng.
Hai
là, tỷ lệ tử vong sẽ thay đổi theo diễn tiến bệnh và vị
trí vùng dịch.
Trong thời gian đầu của dịch, tại tâm dịch Vũ Hán, tỷ
lệ tử vong là 17,3%, giảm còn 5,8% và nay đã giảm thêm và chỉ còn 0,7%. Tỷ lệ tử
vong của các vùng khác sẽ thấp hơn vùng tâm điểm.
Ba
là, con số tỷ lệ tử vong trung bình 2-3% không thể hiện
được vấn đề quan ngại trong việc đối phó dịch bệnh đúng cách.
Trong tổng số hơn 50 ngàn ca nhiễm ở Trung Quốc, chỉ
80% là bị triệu chứng nhẹ và hồi phục dần, vẫn có 20% cần nhập viện. Thiết nghĩ
đây là thông số cần quan tâm trong công tác dự phòng. 2-3% tử vong chỉ xảy ra
khi điều kiện chăm sóc y tế bảo đảm cho 20% dân số nhiễm cần can thiệp y tế.
Bốn
là, tỷ lệ tử vong trung bình 2-3% không phản ánh được
nguy cơ cao ở các đối tượng đặc biệt.
Chẳng hạn như tử vong ở các bệnh nhân có bệnh lý tim
mạch là 13,2%, bệnh tiểu đường: 9,2%; bệnh cao huyết áp: 8,4%; bệnh về hô hấp
mãn tính: 8%; bệnh ung thư là 7.6%…
Sự trấn an dễ dãi bằng tỷ lệ “sẽ không sao” là 98%,
nếu không có bệnh lý sẵn trong người không giải đáp được hoang mang của mọi người
vì sao có người không có tiền sử bệnh tật cũng chết. Thực tế có một tỷ lệ chết
là 1,4% ở những người hoàn toàn không có tiền sử bệnh tật.
Người viết bài thiết nghĩ, dư luận không nên quá sợ
hãi khi đọc thấy tin tức có trường hợp tử vong vì COVID 19 mà trước đó họ hoàn
toàn khỏe mạnh. Đó là một tỷ lệ không tránh khỏi, dù nhỏ, khi con người đối
diện với tác nhân gây bệnh hoàn toàn mới.
Đồng thời chúng ta hoàn toàn không nên cho rằng
COVID-19 chỉ là một chủng của betacoronavirus. Một khi đó là tác nhân gây bệnh
chưa từng xuất hiện ở người, thì không cứ người già và trẻ nhỏ, kể cả thanh
niên, trung niên khỏe mạnh cũng có thể bị tổn hại. Ví dụ cụ thể: đại dịch
cúm H1N1 năm 1918 đã gây ra tử vong tỷ lệ cao ở các độ tuổi dưới 5 tuổi,
20-40 tuổi, và từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ tử vong cao ở nhóm người khỏe mạnh
20-40 tuổi là điểm đặc biệt của cơn đại dịch này.
Cuối cùng, điểm cần lưu ý khi chúng ta xét tính nguy
hiểm qua tỷ lệ tử vong: Đừng chỉ nhìn vào con số người chết mà hãy đọc tiếp lý
do vì sao họ không qua được tử nạn.
Đó có thể là vì các bệnh nhân đã có sẵn các bệnh lý,
hoặc vì các cơ sở y tế không đáp ứng đủ nhu cầu. Đôi khi một vài con số rải rác
không phản ánh đúng bản chất của bệnh dịch có thực sự đáng lo ngại hay không.
4. COVID-19 có nguy hiểm cho trẻ em?
Những đối tượng từ 18 tuổi trở xuống bị nhiễm chỉ
chiếm 2,4% trường hợp báo cáo. Tuy nhiên, với thông số hiện tại vẫn chưa xác định
được mức độ lây nhiễm trong dân số trẻ em, trẻ em đóng vai trò mắc xích như thế
nào, và mức độ dễ bị lây đến đâu. Quan sát cho thấy chủ yếu các trường hợp trẻ
em bị nhiễm là do lây từ trong gia đình. Còn khả năng trẻ em lây cho người lớn
như thế nào thì chưa được nghiên cứu.
5. Cách ly đối tượng nghi nhiễm có hiệu quả không? Liệu
kiểm soát bằng nhiệt kế có triệt để?
Tổ chức Y tế thế giới vẫn tránh dùng từ “đại dịch”
(pandemic) đối với dịch COVID 19 mà chỉ gọi đó là “những cơn dịch địa phương ở
các nơi khác nhau trên toàn cầu” (epidemics in different parts of the world). Sự
khác nhau mong manh chỉ nằm ở chỗ “tại nhiều quốc gia trên thế giới và “trên
toàn cầu”. Tuy vậy với nhiều nhà khoa học thì bất kể tên gọi thế nào, chúng ta
dường như đã mất
khả năng kiểm soát dịch bệnh. Có nhiều ý kiến khác nhau giữa các chuyên
gia, và đây là lúc cần nhìn nhận và đánh giá lại.
Cho đến nay, mọi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bao gồm:
trì hoãn quá trình phát tán trong phạm vi Trung Quốc, ngăn không cho nguy cơ
lan ra các nước khác. Một khi người bệnh qua được biên giới thì quyết liệt truy
xuất tất cả những người tiếp xúc với các đối tượng này và giữ họ để theo dõi
trong hai tuần.
Theo tạp chí Science, một số nhà khoa học cho
rằng, giới hạn lưu thông cũng có tác dụng nhất định. “Nếu không thì số ca
nhiễm sẽ còn tăng bội phần” theo ông Anthony Fauci, trưởng viện nghiên cứu bệnh
Dị ứng và Truyền nhiễm của Mỹ.
Còn theo nhiều nhà dịch tễ học, lệnh cấm lưu thông
chỉ là hình thức trì hoãn và WHO không khuyến khích. Kinh nghiệm cho thấy các lệnh
cấm lưu thông còn có thể gây tác dụng ngược: gây trì trệ quá trình cung cấp thuốc
men, và làm xói mòn niềm tin trong cộng đồng. Khi ngày càng có nhiều nước có
nhiều ca nhiễm, thì lệnh cấm lại càng khó thực hiện và không có nhiều ý nghĩa.
Vấn đề đặt ra là liệu có đáng mất số tiền khổng lồ chỉ để tránh được vài ca nhiễm
trong khi số lượng nhiễm trong nước đã lên đến hàng ngàn người? Thay vào đó các
biện pháp khác để cần làm là: chuẩn bị bệnh viện, đóng cửa trường học hoặc thậm
chí là phong tỏa toàn diện nhiều thành phố lớn như ở Trung Quốc đã làm, cho đến
khi có đủ lượng vaccine.
Alessandro Vespignani, nhà nghiên cứu mô hình bệnh
truyền nhiễm ở trường Đại học Northeastern, Mỹ nói: “Cuộc chiến hiện nay là làm
sao để giảm thiểu tác hại, duy trì hệ thống y tế hoạt động tốt, không bị lung lạc
tinh thần”.
Mặc dù việc cấm lưu thông trên quy mô rộng có thể
không phải là hiệu quả, việc kiểm soát dịch bệnh tại từng địa phương nhỏ lại tỏ
ra là một cách thực hiện đầy hữu hiệu. Vũ Hán là trung tâm dịch, nhưng Trung Quốc
đã quản lý rất tốt, nếu không tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Đoàn chuyên gia WHO
đã ghi nhận nỗ lực đáng kinh ngạc của chính phủ Trung Quốc. Thông tin kiểm
soát dịch bệnh được ghi trong báo cáo. Chuyên gia dịch tễ học Tim Eckmanns của
Viện Robert Koch Institute, một thành viên của đoàn đã phát
biểu: “ Tôi đã cho rằng không thể nào tin được các con số này là có thật”.
Kiểm soát dịch bệnh triệt để như Trung Quốc không phải
là việc dễ dàng thực hiện ở nhiều quốc gia thế nhưng Hong Kong và Singapore đã
và đang vận dụng cho nên dịch đã không lan rộng như ở Iran, Ý và Hàn Quốc,
dù họ phải chịu nhiều tổn thất.
Theo NPR, tính đến 26/02, Singapore chỉ
có 93 trường hợp xác định nhiễm, 2.848 người tiếp xúc được theo dõi trong hai
tuần.
Hong
Kong chỉ có ít hơn 100 ca nhiễm tuy nằm sát cạnh tỉnh Quảng Đông của
Trung Quốc, nơi có hơn 1.300 trường hợp nhiễm (cao thứ hai sau Hồ Bắc). Trường
học đóng cửa, buôn bán tạm dừng. Tất cả xe lửa, buýt và dịch phụ phà đều bị
ngưng; biên giới với Trung Quốc cũng bị đóng. Họ triệt để giám sát các ca nghi
nhiễm, nhanh chóng cách ly những người tiếp xúc đối tượng nghi nhiễm bằng nhiều
phương cách khác nhau: sử dụng trại hè, những khu nhà xã hội mới xây, hoặc giám
sát tại gia qua thiết bị điện tử…
Một điểm cần lưu ý trong việc sử dụng máy kiểm tra
thân nhiệt để sàng lọc đối tượng nghi nhiễm. Theo Báo cáo WHO – Trung Quốc,
trong hơn 50 ngàn ca xác định bị nhiễm ở Trung Quốc, dù tỷ lệ sốt và ho rất
cao, nhưng không phải ai nhiễm thì cũng có sốt (87,9 %) hay ho (67,7%). Do đó,
chỉ dựa vào thân nhiệt không phải là phương pháp khoanh đối tượng triệt để.
Người dân Hong Kong biết giữ khoảng cách với nhau. Hầu
hết người đi trên phố đều đeo khẩu trang, hoặc khẩu trang phòng khí độc. Rất ít
người bắt tay nhau. Nhiều gia đình còn tránh ra đường. Thậm chí có người ngoài
khẩu trang còn mang kính mát che kín mặt, đội mũ rộng vành có che được mang
tai, và đeo găng tay ny-lon có siết chặt lại ở cổ tay. “Về nhà là rửa sạch liền
tất cả” – gội đầu, giặt đồ, tất tần tật. Tự cách ly như trên cũng là cách đối
phó của các cư dân trong những thành phố bị phong tỏa ở Trung Quốc.
Keiji Fukuda, người đã từng giúp WHO lãnh đạo chiến
dịch chống Ebola, nay là Trưởng khoa Y tế Cộng đồng của trường Đại Học Hong
Kong cho biết Hong Kong có thể được xem là nơi điển hình cho thấy các biện pháp cách ly, tránh tập
trung, vệ sinh cá nhân thực sự có hiệu quả.
Nhà thú y học Dirk Pfeiffer ở ĐH Hong Kong lại cho rằng
những biện pháp này tuy hợp lý nhưng gây
trở ngại cuộc sống quá nhiều và tạo tâm lý sợ hãi cao hơn mức cần thiết
đối với nguy cơ dịch bệnh. Hiện tại tình hình sức khỏe tinh thần của người dân
Hong Kong đang được cho là tệ đi chưa từng có.
Nhiều nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng
hiện tại mọi người quá tập trung vào một trường hợp COVID-19 trong khi lơ là
nhiều vấn đề khác trong xã hội.
6. Phương pháp xét nghiệm hiện nay có chính xác
không?
Phương
pháp xét nghiệm chính thức đang được tiến hành là tìm bằng chứng di
truyền của virus trong nước bọt, dịch mũi, dịch phết hậu môn, bằng phản ứng PCR
(polymerase chain reaction). Xét nghiệm này có một điểm hạn chế là chỉ cho kết
quả dương tính khi virus còn hiện diện trong cơ thể. Xét nghiệm không xác định
được các trường hợp đã từng bị nhiễm, bình phục và virus đã bị tiêu diệt hoàn
toàn. Điểm hạn chế khác nữa là COVID-19 có tác động chủ yếu ở đường hô hấp dưới
(sâu trong cơ thể như phổi), việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở đường hô hấp trên
có thể đem lại kết quả âm tính giả vì lượng virus ở đó không đủ nhiều.
Hiện nay các nhà khoa học đang cật lực phát triển
xét nghiệm kháng thể (antibody test), được gọi tên chung là xét nghiệm máu.
Phép thử này có thể cho biết người này từng bị nhiễm chưa cho dù hệ miễn dịch của
cơ thể đã hoàn toàn loại bỏ virus. Thông tin này sẽ hữu dụng trong cho việc hiểu
biết dịch tễ, bởi nó còn cho phép xác định được các trường hợp có khả năng lây
nhiễm mà không hề có triệu chứng.
Nhóm nghiên cứu ở trường Duke-NUS Medical School tại
Singapore theo
đuổi xu hướng này. Họ công bố đã có thử nghiệm thành công khi xác định
được một trường hợp nghi nhiễm vốn khó xác định dấu tích bằng phương pháp mới.
Tuy nhiên kit thử còn cần phải được thẩm định trước khi đưa ra sản xuất đại trà
và áp dụng rộng rãi. Thời gian xét nghiệm sẽ được rút ngắn chỉ còn vài phút.
Hiện tại, do số lượng kit xét nghiệm có
hạn, không phải tất cả mọi người mong muốn xét nghiệm đều được tiến hành thử.
Đối tượng được xét nghiệm chỉ là các đối tượng thực sự có nguy cơ cao, thỏa mãn
các tiêu chí theo quy định từng quốc gia.
Kết luận
Với tốc độ phát triển công nghệ, mật độ giao thông
chằng chịt cùng với những tổn thương của hệ sinh thái tự nhiên đang diễn ra
trên trái đất, một đại dịch toàn cầu chắc hẳn sẽ lại tái diễn, vấn đề chỉ là thời
gian. Đó có phải là COVID-19? Với những thông tin tiếp nhận được, người
viết bài này hy vọng COVID-19 chưa phải là tác nhân đáng sợ đó. Mặc dù vậy,
đây hoàn toàn là cơ hội để diễn tập đối phó tình huống xấu hơn trong tương lai.
------------------------
Tài liệu tham khảo:
·
WHO. 2020. WHO
Director-General’s opening remarks at the media briefing on COVID-19 – 3 March
2020
·
JAMA. 2019. What
Is a Pandemic?
·
Science. 2020. China’s
aggressive measures have slowed the coronavirus. They may not work in other
countries.
·
Science. 2020. The
coronavirus seems unstoppable. What should the world do now?
No comments:
Post a Comment