VnExpress
Thứ sáu, 6/3/2020, 00:00 (GMT+7)
Hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016, tỉnh Tiền Giang, Bến
Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp, tập trung ứng
phó.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi
và Phòng chống thiên tai tỉnh Tiền Giang cho biết, sau khi UBND tỉnh công bố
tình huống thiên tai cấp độ 1 (có 5 cấp) thì các hoạt động ứng phó trong thời
gian diễn ra xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo tình huống khẩn
cấp để đảm bảo kịp thời và hiệu quả. Các thủ tục hoàn tất sau nhưng phải đảm bảo
theo quy định.
Cánh đồng khô hạn ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đầu
tháng 3. Ảnh: Hữu Khoa.
Hàng loạt các biện pháp được gấp rút triển khai, như
nạo vét, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh nội đồng để trữ nước ngọt; sửa chữa
hệ thống cống, đắp tất cả đập ngăn mặn; vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy
lợi; bố trí điểm cấp nước sạch cho dân... Đặc biệt, thành lập 185 điểm bơm chuyền
trữ nước ngọt với quy mô 506 máy bơm công suất lớn phục vụ sản xuất.
Đến nay, sau hơn ba tháng triển khai, về cơ bản đảm
bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho hơn 140.000 ha lúa đông xuân, cây ăn trái, hoa màu tại
vùng ngọt hóa Gò Công, vùng dự án Bảo Định và vùng kiểm soát lũ trên địa bàn tỉnh.
Trên các sông chính ở tỉnh Bến Tre từ giữa tháng 1,
xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp, đột ngột và rất sâu, tương đương đợt thiên
tai bốn năm trước. UBND tỉnh đã sớm công bố tình huống khẩn cấp, yêu cầu thực
hiện ngay các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh
nghiệp.
Hiện, toàn tỉnh Bến Tre bị nước mặn bủa vây, nhiều
biện pháp được triển khai, người dân cũng có kinh nghiệm ứng phó nhưng không thể
tránh khỏi những thiệt hại. Khoảng 5.000 ha lúa đang chết dần, gần như mất trắng.
Tại huyện Chợ Lách - vương quốc hoa kiểng cây giống, cây ăn trái đặc sản, cách
cửa biển khoảng 60 km, nước mặn ở mức 4-10 phần nghìn (4.000 -10.000 mg/l) vẫn
tràn tới.
Toàn huyện có hơn 8.000 ha đất trồng cây ăn trái đặc
sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon... với sản lượng hơn 100.000 tấn
mỗi năm, cùng hơn 1.000 ha sản xuất cây giống, hoa kiểng đang bị ảnh hưởng
nghiêm trọng. Cây trái cằn cỗi, khô héo, chết dần vì sốc nước mặn thời gian
dài. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sông từ các ghe, sà lan chở từ vùng
chưa bị mặn về với giá 100.000-200.000 đồng mỗi m3.
Hàng chục năm gắn bó với ngành nông nghiệp tỉnh, tiến
sĩ Nguyễn Thanh Liêm (59 tuổi) - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách nói,
"năm nay mặn gay gắt chưa từng thấy". Dự báo tình trạng hạn mặn
còn kéo dài hơn một tháng. Ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn bà con dùng mọi biện
pháp duy trì sự sống cho cây qua đợt thiên tai này. "Diện đất bị nhiễm mặn
phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục
hồi", ông Liêm cho biết.
Tại Kiên Giang, giữa tháng 2, UBND tỉnh công bố tình
huống khẩn cấp hạn mặn; chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án hỗ trợ
nhân dân khi cần thiết, kêu gọi toàn dân sử dụng tiết kiệm nước...
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn cho biết, qua rà soát, ngành nông nghiệp khẩn cấp đắp 195 đập tạm
trên vùng tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và Tây sông Hậu để ngăn mặn, trữ nước
ngọt phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
"Nếu không thực hiện biện pháp này, thì đến
nay, toàn tỉnh bị nhiễm mặn nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn", ông Tâm nói.
Hiện nông dân trong tỉnh đã thu hoạch 100.000 ha trong tổng số 298.000 ha lúa
đông xuân. Số còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 3.
Bà Lê Thị Hí, 72 tuổi, ở huyện Ba Tri, Bến Tre nhổ cỏ
cho bò ăn trên cánh đồng khô nứt nẻ. Ảnh: Hữu Khoa.
Còn tai Cà Mau, hai ngày sau khi công bố tình huống
khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần
Văn Thời, hôm 4/3, UBND tỉnh này đã gửi văn bản đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn đề nghị công bố tình huống thiên tai và xử lý sạt lở, sụp lún đất.
Theo đó, thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh diễn
biến ngày càng phức tạp. Hệ thống kênh, mương trong vùng ngọt hóa cạn kiệt.
18.000 ha lúa, rau màu bị thiệt hại; gần 43.000 ha rừng đang trong tình trạng
báo động cháy cao. Một số cống ngăn mặn bị rò rỉ đáy... Hơn 900 vị trí công
trình ven kênh, rạch và đường giao thông đã bị sụp lún, sạt lở, với chiều dài gần
22 km.
Trong khi đó, tỉnh Long An cũng đang cấp bách thực
hiện các giải bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm
cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại...
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, trong tháng
3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn
ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản
xuất và sinh hoạt.
Từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập
sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trong khi
đó, sông Hàm Luông, nước mặn 4 phần nghìn xâm nhập 78 km; 70 km trên sông Cổ
Chiên và sông Hậu; 62-65 km tại sông Cái Lớn. Chỉ riêng sông Cái Lớn có mức xâm
nhập mặn tương đương với đợt thiên tai năm 2016; các sông còn lại đều cao hơn
3-8 km.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay
miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với
năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 600.000
người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại
hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.
Nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây
50-110 km, sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 8 km. Ảnh: Thanh Huyền.
----------
Cửu Long
No comments:
Post a Comment