Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 10/01/2020 - 15:07
Sau
khoảng hai chục ngày hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia
ngoài khơi quần đảo Natuna nhìn ra Biển Đông, kể từ hôm qua, 09/01/2020, hầu
như toàn bộ đội tàu đánh cá Trung Quốc có tàu hải cảnh bảo vệ đã lẳng lặng rút
ra khỏi khu vực. Đối với giới phân tích, phản ứng dứt khoát và mạnh mẽ của
Jakarta trước hành động của Bắc Kinh bị cho là xâm phạm chủ quyền Indonesia, là
nhân tố đã khiến Trung Quốc phải lùi bước.
Các chiến đấu cơ F-16 của không quân Indonesia bay
bên trên các chiến hạm của hải quân nước này tại khu vực Natuna ngày
10/01/2020. Antara Foto/M Risyal Hidayat/via REUTERS.
Việc Trung Quốc cho tàu vào hoạt động trong vùng biển
của Indonesia cũng nhằm áp đặt các yêu sách của Bắc Kinh đối với một khu vực mà
Trung Quốc cho rằng có họ quyền lịch sử đã được gói trong tấm bản đồ lưỡi bò
dùng để đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Jakarta và Bắc
Kinh căng thẳng với nhau trên vấn đề Natuna. Vào năm 2016, một số vụ va chạm
nghiêm trọng đã xẩy ra trong khu vực, làm quan hệ hai bên bị khuấy động trong một
thời gian ngắn trước khi bình thường hóa trở lại, cho dù tranh chấp hai bên vẫn
không được giải quyết.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại khuấy động
trở lại vấn đề Natuna vào lúc này. Theo chuyên gia về Biển Đông Collin Koh tại
Singapore, rất có thể là Trung Quốc đã muốn thăm dò phản ứng của chính phủ mới
của tổng thống Joko Widodo, được thành lập sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm
ngoái, bao gồm một số nhân vật quan trọng được cho là thân Bắc Kinh hơn so với
chính quyền trước.
Ngoài ra, trong thời gian qua, chính quyền Indonesia
cũng đã tỏ ý rất muốn Trung Quốc góp phần đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ sở của
Indonesia, và vấn đề cải thiện hạ tầng cơ sở là một cam kết quan trọng của tổng
thống Widodo khi ông tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Dựa trên hai yếu tố đó, rất có thể là khi tăng cường
áp lực trên vấn đề vùng biển Natuna, Bắc Kinh nghĩ rằng Jakarta sẽ bớt có phản ứng
gay gắt, trái với thời điểm năm 2016.
Điều mà Bắc Kinh không ngờ là phản ứng của Jakarta
trước hành động bị coi là xâm lấn của Trung Quốc hết sức gay gắt, và càng lúc
càng dữ dội.
Ngay khi được tin về sự xâm nhập của đội tàu Trung
Quốc, Jakarta đã lập tức phản đối mạnh mẽ về mặt ngoại giao, từ triệu tập đại sứ,
đến gởi công hàm ngoại giao, và nhất là đã viện dẫn phán quyết Biển Đông năm
2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vô hiệu hóa các yêu sách của Bắc
Kinh liên quan đến đường lưỡi bò.
Trên hiện trường, Indonesia đã điều ngay lực lượng Hải
Quân và chấp pháp đến khu vực có tàu Trung Quốc để tăng viện cho lực lượng đã
có mặt tại chỗ. Không quân Indonesia cũng tăng cường các phi vụ bên trên khu vực,
với bốn chiếc chiến đấu cơ F-16 đến Natuna để tuần tra thường xuyên.
Và đúng theo chiến thuật gậy ông lại đập lưng ông,
Jakarta cho biết sẽ điều lực lượng tàu cá của mình lên vùng biển Natuna hỗ trợ
cho Hải Quân.
Một phản ứng cứng rắn đầy tính biểu tượng đến từ tổng
thống Joko Widodo: Ngoài tuyên bố dứt khoát là sẽ không có bất kỳ một cuộc đàm
phán nào với Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền Natuna, ông Widodo ngày
08/01 đã đích thân đến tận nơi có căng thẳng để khẳng định chủ quyền của
Indonesia tại một vùng bị Bắc Kinh tranh chấp.
Sự can dự trực tiếp của người đứng đầu nhà nước
Indonesia như đã có tính chất quyết định. Vào đúng thời điểm lúc ông Widodo đến
Natuna, Bắc Kinh cho rút tàu ra khỏi vùng mà họ muốn tranh chấp.
*
LIÊN QUAN
------------------------------------------------------
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 09/01/2020 - 13:36
Đăng ngày: 09/01/2020 - 13:36
Trong
khi Jakarta phải triển khai thêm tầu chiến và bính lính đến vùng biển Natuna, gần
Biển Đông, để sẵn sàng đáp trả việc tầu cá Trung Quốc, được tầu hải cảnh hộ tống,
thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Indonesia, Philippines cũng phải đối đầu với lực
lượng tầu cá hùng hậu của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa.
Ngày 08/01/2020, phó đô đốc Rene Medina, người đứng
đầu Bộ Chỉ huy miền Tây Philippines, cho biết có đến 38 tầu Trung Quốc neo đậu
suốt đêm 07/01 tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo
Pag-asa), hiện do Philippines kiểm soát và đá Subi, bị Trung Quốc quân sự hóa.
Trả lời trang Inquirer, phó đô đốc Medina cho biết vẫn
tiếp tục theo dõi các tầu nước ngoài hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán
của Philippines và sẽ phản ánh đến các cơ quan ngoại giao liên quan.
Tầu thuyền Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ thường
xuyên hơn kể từ năm 2018 sau khi Philippines xây một dải đất và một cảng biển ở
trên đảo. Năm 2019, chính quyền Manila đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản
đối sự hiện diện của tầu cá, được cho là đội dân quân biển của Trung Quốc. Đội
tầu này lầm lũi chiếm ưu thế ở Biển Đông mà không gây đáp trả quân sự, theo một
bản báo cáo của Nghị Viện Philippines năm 2019.
Trung Quốc đóng tầu tuần tra lớn nhất
Cũng nhằm mục đích uy hiếp các nước bé trong khu vực,
Trung Quốc khởi công đóng tầu tuần tra dân sự lớn nhất, dài 165 mét, rộng 20,6
mét. Theo trang South China Morning Post ngày 08/01, con tầu trị giá 97 triệu
đô la là đơn đặt hàng của Cục An Toàn Hàng Hải Quảng Đông, theo dự kiến được hạ
thủy vào tháng 09/2021.
Có trọng lượng 10.700 tấn, con tầu mới sẽ nặng gấp
đôi tầu lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là Hải Tuần 01 (Haixun 01, 5.418 tấn)
và có thể chứa được nhiều loại máy bay trực thăng. Truyền thông Nhà nước Trung
Quốc cho biết nhiệm vụ của tầu tuần tra mới sẽ rất đa năng, từ các hoạt động khẩn
cấp, thực thi pháp luật đến các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, thậm chí là xử lý
ô nhiễm.
No comments:
Post a Comment