Lê Mạnh Hùng
January 8, 2020
Nước Úc không giống như những gì mà những quảng cáo
du lịch ca tụng.
Một quốc gia vốn tự hào như một thiên đường hạ giới
với bầu trời xanh ngắt, nước biển trong như ngọc và những bầu thú hoang dễ
thương mà người ta có thể ôm chơi được bỗng nhiên có một bộ mặt mới.
Du khách tại những thành phố nghỉ mát bồng bế nhau
ra bờ biển đợi được giải cứu khỏi ngọn lửa đang bao vây; các thành phố lớn bị
chìm đắm trong khói và bụi; từng bầy kanguroo và koala bị thiêu thành tro trong
lúc chúng tìm cách chạy ra khỏi những khu rừng.
Nếu có ai còn nghi ngờ rằng thiên đường này nay đã mất
thì bằng chứng có thể thấy qua việc di tản thành phố Eden (vườn địa đàng) vào
tuần qua khi khối lửa giống như khối lửa của địa ngục tiến lại gần.
Đây quả là một đòn nặng đánh vào Thủ Tướng Úc Scott
Morrison, một cựu bộ trưởng du lịch mà phản ứng ban đầu chậm chạp và khinh thị
đối với vụ cháy rừng này đã khiến cho ông bị diễu trên truyền thông xã hội như
là #scottyfrommarketing (chàng Scotty bán quảng cáo).
Nhưng quy tội
hoàn toàn cho ông Scott Morrison thì cũng oan cho ông. Nước Úc đã tự dối mình
và dối thế giới về vai trò của mình trong việc làm thay đổi khí hậu toàn cầu (vốn
là nguyên nhân chính tạo ra thiên tai này) từ nhiều năm trước khi ông Morrison
xuất hiện trên chính trường. Và nếu có một cái gì tốt có
thể tìm ra được trong sự tàn phá của những trận cháy rừng này thì nó phải bắt đầu
với việc lượng định một cách trung thực việc chính phủ Úc liên tục từ nhiều năm
nay đã bán đứng tương lai nước Úc cho một số công ty than.
Quan điểm quy ước là quan điểm mà ông Morrison tuyên
bố tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào Tháng Chín năm ngoái.
“Úc chỉ đóng góp có 1.3% vào tổng số khí nhà kiếng thải ra khí quyển. Nước
Úc đã làm đúng phần mình trong thay đổi khí hậu và chúng tôi bác bỏ mọi tố cáo
ngược lại.”
Tuyên bố này dựa trên một định nghĩa rất lỏng lẻo về
“trách nhiệm.” Tuy rằng số khí nhà kiếng mà nước Úc thải ra quả đúng là tương đồng
với con số mà ông Morrison đưa ra, xuất cảng của Úc lại là một vấn đề khác.
Úc là nước đứng
thứ ba trên thế giới về việc xuất cảng nhiên liệu hóa thạch chỉ sau Nga và
Saudi Arabia, đứng đầu thế giới về xuất cảng than và đồng đứng đầu với Qatar về
việc xuất cảng khí đốt hóa lỏng.
Con số khỏang 1.2 tỷ tấn khí nhà kiếng thải ra khí
quyển qua việc xuất cảng nhiên liệu của Úc trong nửa năm đầu của năm 2019 thì
tương đương với khoảng ba lần tổng số mà nước Úc thải ra và nhiều hơn số khí thải
của tất cả các quốc gia khác trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga
và Nhật. Tính cả số xuất cảng này thì ta thấy một quốc gia với chỉ 0.3% dân số
thế giới đóng góp vào đến 5% tổng số carbon thải ra.
Trong một thập niên từ 2007 đến 2017, hầu hết các quốc
gia phát triển đều đã thành công trong việc giảm số khí nhà kiếng thải ra. Ngay
cả Trung Quốc cũng giới hạn được việc tăng số khí thải này còn 2.5%. Nhưng Úc,
nếu tính cả số xuất cảng than và khí đốt thì đã tăng số khí thải này với tốc độ
4.5%.
Thế nhưng hầu như không có một cuộc bàn cãi nào về vấn
đề này trong các cuộc tranh cãi chính trị tại Úc, một phần vì nó giúp che giấu
việc Úc kiếm được lợi qua việc xói mòn những cố gắng kiểm soát mức thải khí nhà
kiếng trong hơn một thế hệ. Nay thì đối với những cư dân tại những thị trấn bị
cháy rụi cũng như là những nông dân chủ các bầy gia súc bị thiêu chết mới thấy
rằng hậu quả việc hâm nóng toàn cầu không tùy thuộc vào việc ta đốt các nhiên
liệu này tại đâu, tại Úc hay tại nơi khác.
Cho đến nay nghị trình của chính phủ Úc vẫn là thúc
đẩy việc xuất cảng than. Một trong những lý do mà ông Morrison nghỉ hè tại
Hawaii khi các vụ cháy rừng bùng lên là vì ông tạm nghỉ trước khi lên đường
sang Nhật và Ấn Độ nơi mà nghị trình thương thuyết bao gồm “thảo luận rộng rãi
về mậu dịch” chắc chắn là tập trung mạnh vào việc bán than của Úc. Than chiếm một
nửa thu nhập xuất cảng của Úc sang Nhật và ba phần tư sang Ấn Độ.
Thành ra khó có triển vọng rằng ngay cả những vụ
cháy rừng hiện nay có thể “sốc” các nhà chính trị Canberra thay đổi chính sách
của họ.
Những gì xảy ra hiện nay chỉ là những dấu hiệu ban đầu
của những gì sắp xảy ra. Nếu nhiệt độ trung bình thế giới tăng thêm hai độ nữa,
như nhiều cảnh báo đã được đưa ra, thì vành đai lúa mì của Úc sẽ bị đẩy thành
giống như sa mạc, rạn san hô Great Barrier Reef sẽ trở thành một bãi tha ma với
những bộ xương san hô bị tẩy trắng, và những trận cháy rừng tại các thành phố
nghỉ mát trở thành chuyện thuờng xuyên. Và nước Úc sẽ đi từ thiên đường xuống địa
ngục. (Lê Mạnh Hùng)
No comments:
Post a Comment