Monday, 20 January 2020

TRÁNH CÁI NHÌN HẠN HẸP & CỰC ĐOAN [VỀ VẤN ĐỀ NGUỒN GỐC TỘC NGƯỜI VIỆT] (Bảo Như - Tia Sáng)




Bảo Như (Tia Sáng)
Posted on January 19, 2020  

Vấn đề nguồn gốc tộc người Việt (Kinh) thường nhận được sự quan tâm tìm hiểu nghiên cứu không chỉ của giới chuyên môn dân tộc học, khảo cổ hay lịch sử, mà còn được thảo luận trên truyền thông, trong công chúng qua nhiều thời kỳ khác nhau nhằm làm sáng tỏ “tính bản địa” hoặc những ảnh hưởng, tác động “ngoại lai” từ các tộc người phương Bắc xuống, phía Nam lên.

Để có cái nhìn đầy đủ giúp truy nguyên cuộc tranh luận này, theo TS Nguyễn Việt, chuyên gia nghiên cứu về thời Đông Sơn, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cần bắt đầu từ khái niệm “người Việt, anh là ai?”

Nếu nói chỉ người Việt là chủ nhân của trống đồng Đông Sơn hay văn hóa Đông Sơn thì sẽ vô hình trung loại các nhóm/ tộc người khác ra.

Hình tượng cư dân thời Đông Sơn được trang trí trên thân thạp đồng Đào Thịnh. Nguồn ảnh: Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh.

Khái niệm “Việt” và “Việt cổ” có thể loại các nhóm khác ra khỏi “Việt”

Tia Sáng: Vừa qua cuộc thảo luận về nguồn gốc người Việt lại dấy lên sau khi có một nhóm nghiên cứu công bố trên truyền thông về nguồn gốc thuần chủng của người Việt cũng như bộ gene người Việt hoàn toàn khác so với bộ gene người Trung Quốc. Điều đó khiến cho rất nhiều người quan tâm rằng, không biết nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử về người Việt đã tiến hành những khảo cứu nào về vấn đề này và có quan điểm ra sao?

Nguyễn Việt: Trước khi trả lời vào vấn đề bạn hỏi, tôi muốn lưu ý: Khi nói đến Việt thì phải có định nghĩa “thế nào là Việt?”. Trong công chúng, có hai cách hiểu phổ biến với nghĩa hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất là con người sống trên đất nước Việt Nam thì được gọi là người Việt, như thế nghĩa là bao gồm cả các tộc người như Bana, Ê đê, Chăm…. Trong khi đó, trái lại, về mặt dân tộc học thì chúng ta cũng có dân tộc Việt (Kinh), tương đương các dân tộc khác trong lãnh thổ Việt Nam như Bana, Ê đê hay là Mường, Tày, Thái… Cho nên, khi viết trên truyền thông cũng phải có một định nghĩa “chữ Việt tôi dùng là gì”. Phải giới hạn nó, nếu không (mặc định hai cách hiểu trùng nhau) thì các tộc người bị loại ra khỏi “Việt”, mặc dù họ là một thành phần của đất nước Việt Nam.
Cách sử dụng khái niệm “Việt cổ” trong công luận cũng không thống nhất và còn bị lạm dụng. Đào được xương của người Hòa Bình [Văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới cách ngày nay khoảng 1500 năm – PV] cũng gọi là người Việt cổ, lúc ấy làm gì đã có Việt mà bảo là Việt cổ? Giới khảo cổ học chúng tôi chưa bao giờ dám nói đó là người Việt cổ cả. Còn mình thì cứ tìm được xương cốt nào trên đất nước Việt Nam thì gọi ngay là người Việt cổ, tức là những người cổ xưa sống trên đất nước Việt Nam.
Có lần tôi chủ trì một hội nghị về trống đồng, thì giáo sư Diệp Đình Hoa nói rằng trống đồng là của người Việt cổ, nhưng các nhà khoa học Thái Lan không đồng ý. Bởi vì chủ nhân của trống đồng là một nhóm lớn, cổ xưa hơn, phân bố từ phía Nam sông Trường Giang xuống khu vực Đông Nam Á ngày nay. Bên Vân Nam người Lô Lô cũng dùng, người Choang ở Quảng Tây cũng dùng, còn nếu chỉ nói Việt thì tức là đã loại các nhóm người khác – khiến họ không phải là chủ nhân của trống đồng.
Nhìn chung, khi liên quan đến vấn đề quan hệ tộc người, nguồn gốc tộc người thì giới truyền thông và công chúng dễ lẫn lộn và không thống nhất được như vậy.

*
Không chỉ khái niệm Việt, Việt cổ, mà các khái niệm về tộc người khác dường như cũng rất dễ lẫn lộn, không thống nhất? 

Đúng vậy. Có thể thấy từ ví dụ vừa rồi, nhóm nghiên cứu về gene người Kinh hiện đại (dù ý tưởng nghiên cứu gene hay) khi công bố trên truyền thông lại cứ dùng đại đi là Việt cổ khác với người Trung Quốc, và tất cả những người xưa nay ghét Ngô vùng lên rất vui sướng. Nhưng cũng phải hiểu và có sự phân định khái niệm người Ngô. Ngô là những người từ nước Ngô thời Tam Quốc, ở vùng Hoa Nam ngày nay sang, nhưng chúng ta lại gọi chung người phương Bắc tới là người Ngô. Giống cách sau này ta gọi Đường nhân là người Đường, nhưng trong đó bao gồm cả người Tây Tạng, người Tân Cương, rồi Triều Tiên, Mông Cổ… hoặc ngay cả người Giao Châu cũng thuộc quốc gia Đường. Đường nhân đâu có phải chỉ là người Hoa, người Hán. Chúng ta vẫn quan niệm rằng người từ đất Trung Quốc sang là thuộc về một tộc cụ thể, ví dụ như người Tàu – có ý kiến cho rằng gọi như vậy là do họ đi tàu thuyền sang, nhưng thực ra họ là người vùng Triều Châu, Phúc Kiến, cũng là người Việt đấy chứ. Ta cũng hiểu chung các tộc người khác nhau từ đất Trung Quốc sang Việt Nam đều là người Hoa cả nhưng thực ra trong số họ có cả người Sán Dìu, người Dao, Hmông…

*
Vậy ngày nay khi nào thì chúng ta dùng khái niệm “Kinh” hay “Việt cổ”, hay có những khái niệm nào khác cho phù hợp?

Như đã nói, nếu lùi về cổ đại mà chỉ dùng khái niệm Việt hay Việt cổ một cách chung chung là không đủ. Đối với tôi, có một số cách nói hợp lý hơn thay vì ta cứ nói Việt hay Việt cổ. Đó là, gọi tên chủ nhân của các nền văn hóa khảo cổ theo tên của văn hóa đó chứ tránh cách gọi khu trú vào tên một tộc người cụ thể. Ví dụ trong phạm vi văn hóa Đông Sơn thì tôi nói người Đông Sơn, vào phạm vi Âu Lạc thì gọi là người Âu Lạc, bởi vì khái niệm đó có tính bao trùm, chứ nếu chỉ gọi tên một tộc/nhóm người thì ta đã loại tộc/nhóm người khác, mặc dù họ ở trong cùng cộng đồng và đồng thời là chủ nhân của nền văn hóa khảo cổ ấy. Bởi vì, ai đảm bảo 100% người Âu Lạc là người Kinh hay tộc người khác? Đó là một cách mà chúng ta nên dùng để thoát ra khỏi mâu thuẫn và cứ phải giải thích.

Đến giai đoạn sau đó thì có khái niệm như người Giao Châu, một khu vực chính là lãnh thổ cũ của nước Nam Việt mở rộng, có phạm vi gồm Quảng Đông, Quảng Tây, thậm chí có cả một chút Hồ Nam, cả bên này Vân Nam và xuống toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, đến cả vùng Đèo Ngang. Còn ở phạm vi hẹp hơn nữa thì có thể gọi là người Giao Chỉ – tức là cư dân Đồng bằng Bắc Bộ, người Cửu Chân là nói tới cư dân đồng bằng sông Mã, sông Chu.

Thực ra cách gọi này đã được các tổ tiên chúng ta sử dụng từ lâu, chẳng hạn sau khi kết thúc thời Bắc thuộc giành độc lập, các cụ gọi là người Ái Châu, rồi Hoan Châu, Diễn Châu. Ngay cả đến tận đời Trần mà ta nói Việt/Việt cổ cũng là đã loại đi một số người tham gia vào cuộc chiến chống Nguyên Mông, như Hà Đặc, Hà Bổng – họ là Việt cổ hay Tày cổ hay là gì mà ta cứ phải tách họ ra?

Vì vậy, trong báo chí khoa học và trong phạm vi các diễn đàn khác nhau, tôi đề xuất như vậy để tránh việc dùng khái niệm tộc người một cách hạn hẹp và cực đoan. Việc cân nhắc khái niệm này nhiều khi cũng liên quan đến phạm vi, chính sách khác, chẳng hạn như Điều tra dân số hay các vấn đề của Ủy ban dân tộc mà tôi nghĩ cần có sự trao đổi của các ngành chức năng, có sự tham gia tư vấn của các nhà khoa học để dùng khái niệm cho chính xác.

Tiếp cận liên ngành

Tránh hạn hẹp và cực đoan quả thực rất cần thiết. Ngay gần đây vẫn có ý kiến cho rằng người Việt đã từng là bá chủ một khu vực rộng lớn, khởi phát ra các thành tựu văn minh lớn của Trung Hoa cổ đại. Làm thế nào để công chúng nói chung, những người yêu thích tìm hiểu lịch sử tộc người tránh được những suy luận thiếu căn cứ? 

Bài sử ký trong cuốn sách tập đọc và tập viết cho lớp Dự bị (Quốc văn Giáo Khoa thư do Nha Học chính Đông Pháp xuất bản năm 1935 tương đối viết gần sự thật (…đánh được người Chiêm Thành, chiếm lấy nước họ, lại chiếm thêm một phần nước Cao-mên nữa…) Nguồn: Quốc văn Giáo Khoa thư do Nha Học chính Đông Pháp xuất bản năm 1935

Đúng là có những làn sóng văn hóa từ phía Nam, tức là từ khu vực Việt Nam ngày nay lên sông Dương Tử thật, nhưng lúc đó không phải người Việt, vì chưa hình thành ra những nhóm cộng đồng cư dân mang tính tộc người. Rồi sau này các cư dân phương Bắc đi xuống, cũng chưa phải là các tộc nhỏ như hiện nay mà là cả một khối chung.

Kinh nghiệm của tôi thấy là có thể có rất nhiều người giỏi chuyên ngành khác, yêu sử, nhưng khi không có phương pháp tiếp cận chuyên ngành này thì đôi khi cũng đưa ra các thông tin, suy diễn và kết luận không có căn cứ. Nên cẩn trọng đến chừng nào họ cung cấp cho ta hệ thống tư liệu để ta xem xét. Chẳng hạn về thời Đông Sơn, tôi là nhà khảo cổ học và cung cấp tư liệu đã được kiểm định chắc chắn, tư liệu đến đâu thì tôi phân tích đến đó chứ không đưa ra các nhận định thổi phồng lên. Về bản chất, khi sắp xếp tư liệu vào thì sự thực sẽ bộc lộ ra.

*
Nghiên cứu khảo cổ học của Việt Nam ngày nay đã được các thành tựu của Khoa học Tự nhiên (KHTN), của các ngành rất mới, chẳng hạn như tin sinh học, thống kê sinh học, khoa học dữ liệu, hỗ trợ như thế nào?

Các giáo sư đầu ngành [KHXH] đã đưa khoa học tự nhiên vào KHXH và nhân văn từ sớm, trong đó lãnh địa được đưa vào sớm nhất là khảo cổ học vì khảo cổ học đôi khi nằm giữa khoa học xã hội và tự nhiên, nó gần với địa chất, gần với các ngành xét nghiệm đồng thời lại phản ánh quá trình lịch sử. Việc áp dụng các phương pháp KHTN một cách ồ ạt trong khảo cổ học bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Các nhà khoa học Anh Mỹ, khi tập trung làm rõ cách mạng đá mới, tức là phát sinh nông nghiệp ở vùng Trung Cận Đông và sử dụng một loạt các phương pháp của KHTN, trong đó nhiều người vốn là nhà KHTN chuyển sang KHXH và trái lại rất nhiều người làm KHXH phải học thêm các lĩnh vực của KHTN. Mà đỉnh cao chính là phương pháp định tuổi, trước đó thì dựa vào các phương pháp của địa lý để xác định các địa tầng địa chất, thành tựu nghiên cứu ra chu kỳ phân hủy của một loại carbon phóng xạ 14C đã lôi kéo các lĩnh vực khác của KHTN vào giúp cho khảo cổ học chân xác hơn. Sau đó một loạt thành tựu của các phương tiện đo đếm, các máy phóng đại cũng giúp nhận thức trong lĩnh vực khảo cổ học có chiều sâu hơn. Chẳng hạn, các thiết bị phóng đại giúp chúng ta phát triển được sử học vi tư liệu, nhìn nhận các loại hình hiện vật vi thể có liên quan đến con người như vết bóng của tay, dấu vi thể còn dính bám ở kẽ nứt của các công cụ giúp tìm ra thức ăn, loại hình dầu mỡ hay cấu trúc sợi vải… người cổ đại đã dùng.

Những thành tựu đó giúp cho khảo cổ học Việt Nam hiện nay có nhiều cơ hội để phát triển mạnh hơn nhưng đáng tiếc là hệ thống chính thống của chúng ta trong các viện, trường chưa tạo ra được đà nhảy vọt trong dòng chảy chung của khảo cổ học thế giới. Tuần này tôi tiếp một đoàn sinh viên Úc nghiên cứu về tinh bột học, là vấn đề mà tôi đề xuất nên nghiên cứu từ năm 2007, và cũng có một sinh viên làm, nhưng rồi cũng không có ai phát triển lên nữa. Và đừng bao giờ tách KHXH nói chung, khảo cổ học nói riêng ra khỏi KHTN, bởi vì khi khoa học tự nhiên phát triển, lĩnh vực nào có thể áp dụng được những tiến bộ mới trong thực nghiệm sẽ đạt được tính chính xác cao hơn.

Việc phân tách biên giới các ngành học cũng không còn rõ ràng. Ở gần ta như Trung Quốc cũng có những viện có tên rất lạ, như là Viện các khoa học ranh giới. Tức là giữa các ngành khoa học có những điểm nối nhau, thì họ đi vào tiếp cận các điểm nối của hai ngành khoa học, như khảo cổ với hóa học có liên quan đến nhau chẳng hạn, để hình thành các lĩnh vực khoa học mới.

Bảo Như: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bảo Như và Nguyễn Việt, “Tránh cái nhìn hạn hẹp và cực đoan” | Tia Sáng |  07/08/2019. DCVOnline minh họa bổ túc.







No comments:

Post a Comment

View My Stats