January 22, 2020
Chính trị tại Mỹ đã được so sánh nhiều với thể thao
trong sự trung thành của các “fan.” Thế nhưng so sánh như vậy thì oan cho thể
thao.
Một “fan” thật sự có một cái nhìn rất “thẳng thắn” về
đội banh mình ủng hộ. Hăng say ủng hộ một cách mù quáng là đặc trưng của một
“tay mơ.” Chỉ có một đảng
chính trị mới có thể tạo ra trong những ủng hộ viên của mình một sự trung thành
mù quáng vuợt xa khả năng một đội banh như Manchester United hay New
England Patriot có thể tạo ra trong các “fan” của mình.
Chúng ta có thể thấy rõ chuyện này trong việc đàn hạch
Tổng Thống Donald Trump. Khi Hạ Viện bỏ phiếu đàn hạch thì số phiếu bỏ hầu như
theo đúng như đường phân chia giữa hai đảng.
Còn về phần quần chúng, mà các nhà lập pháp tùy thuộc
vào, thì các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết những người Dân Chủ ủng hộ việc
đàn hạch và hầu hết người Cộng Hòa chống. Thành ra có thể nói khuynh hướng
chính trị của một cử tri cho thấy rõ nhất thái độ của họ với vấn đề này.
Các bằng chứng cũng như là ngay cả lời
hầu như thú nhận của ông tổng thống trước ống kính truyền hình khi vụ bê bối
Ukraine nổ ra không đóng vai trò gì trong việc quyết định ủng hộ hay chống của
họ.
Tầm mức sâu đậm của tinh thần đảng phái của dân Mỹ
thì đã được nói đến nhiều. Nhưng lý do tạo ra nó thì ít được nói đến. Chúng ta
biết rằng nó mới xảy ra lúc gần đây. Chúng ta biết là kể từ 1988 không có một vị
tổng thống nào được trên 400 phiếu cử tri đoàn; không có một vị thẩm phán Tối
Cao Pháp Viện nào được Thượng Viện thông qua mà không qua một cuộc đấu tranh
gay gắt. Chúng ta biết những người Cộng Hòa đã có lúc từ bỏ tổng thống của
chính mình, ông Richard Nixon một cách mà ta khó có thể tưởng tượng 45 năm sau.
Chúng ta chỉ không biết tại sao.
Những giải thích đuợc đưa ra bao gồm từ việc thiếu một
đối thủ địa chính trị để đoàn kết dân Mỹ kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, cho đến
việc nới lỏng và mở rộng số kênh phát thanh, phát hình trong những năm của thập
niên 1980 dẫn đến một tình trạng nổ bùng các tiếng nói từ siêu bảo thủ cho đến
siêu cấp tiến.
Thế nhưng câu trả lời có thể nằm trong một lãnh vực
hoàn toàn khác. Vào lúc chính trị Mỹ càng ngày càng trở nên đảng phái trong những
năm 1990, một giáo sư của Đại Học Harvard, ông Robert Putnam đã ghi nhận một sự
sụp đổ trong sinh hoạt cộng đồng tại Mỹ. Người Mỹ mà trong những năm trước đó thấy
ý nghĩa cuộc sống và một cảm giác hội nhập qua những cơ cấu như nghiệp đoàn,
câu lạc bộ bowling và những tổ chức thiện nguyện khác càng ngày càng ít gia nhập
vào những tổ chức này.
Hoa Kỳ có một thị trường khổng lồ và một guồng máy
nhà nước khổng lồ và hữu hiệu, nhưng thiếu môt cơ cấu xã hội dân sự để lấp đầy
khoảng giữa đó. Và tiến trình đó xảy ra trước sự suy thoái của tôn giáo mà có lẽ
là chiều hướng xã hội đóng góp lớn nhất trong việc phân hóa của xã hội Mỹ.
Nhìn từ trên quan điểm này thì tình trạng chính trị
đảng phái có thể được hiểu rõ hơn. Trên một phương diện nào đó, nó là thay thế
cho những hình thức tiếp xúc xã hội đã mất đi. Nó cho phép một cá nhân cô đơn hội
nhập vào một cái gì có thể nói là sự đồng hành.
Nó lập ra một “Kẻ Khác” (Other) mà qua sự đối kháng
ta có thể định được bản tính ta. Điều mà tình trạng này thiếu là cái sự tiếp
xúc thân cận thì được thay thế bởi một thế giới đóng của những phương tiện truyền
thông một chiều qua đó, một cá nhân có thể không bao giờ cần tách ra khỏi những
người có cùng một quan điểm.
Cần để ý rằng ý thức hệ không có đóng vai trò quan
trọng nào tại đây. Ông Trump gạt bỏ một loạt các giáo điều về kinh tế “laissez
faire” và ngoại giao can thiệp vốn là những tín điều căn bản của đảng Cộng Hòa
nhưng những đảng viên Cộng Hòa vẫn ủng hộ ông chống lại những người khác. Và nếu
ông có đổi nữa thì họ cũng vẫn sẽ tiếp tục theo ông. Điều quan trọng là sự hung
hăng của ông trong việc chống lại “bộ lạc” kia. Người ta thèm sự hội nhập vào một tập thể hơn là nội dung
của các chính sách.
Tình trạng phân hóa xã hội mà ông Putnam ghi nhận được
xảy ra bắt đầu từ giữa thập niên 1970 và kéo dài cho đến cuối thế kỷ. Chính trị
tương đối không phân biệt đảng phái của Mỹ tan rã cũng trong khoảng thời gian
này, bắt đầu từ việc lật đổ tổng thống Nixon cho đến việc phân chia thành hai
phe cứng rắn của thập niên 1990. Việc đàn hạch ông Trump là điểm chót của một
quá trình kéo dài ít nhất là ba thập niên của cái tinh thần
“my-party-right-or-wrong.”
Muốn đẩy ngược chiều hướng này đòi hỏi phải thấu hiểu
ít nhất là vì sao nó xuất hiện. Nếu ông Putnam đúng thì vấn đề không phải chỉ nằm
trong tầng lớp lãnh đạo chính trị. Đối với hàng triệu người Mỹ, chính trị nay
không còn chỉ là một phương tiện đạt đến mục tiêu mà là một nguồn của cái bản
thể của mình (identity) và một sự hội nhập vào một tập thể mà trước đó có thể đến
từ nhiều cái khác.
Thành ra điều cần thiết là làm sao làm sống lại những
cơ cấu xã hội vốn đã từng cung cấp cho người dân Mỹ một con đường khác với con
đường chính trị. Năm 1974, những người Cộng Hòa có thể quay sang chống lại lãnh
tụ của họ vì đảng Cộng Hòa không phải là toàn bộ cơ sở xác định bản thể của họ.
Tình trạng này không còn đúng với năm 2020 nữa. (Lê Mạnh Hùng)
No comments:
Post a Comment