Sunday, 12 January 2020

GIÁO DỤC & 'BUÔN BÁN' CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC (Nguyễn Phúc Anh, Tô Văn Trường)




Nguyễn Phúc Anh, Tô Văn Trường 
09/01/2020, 09:00 (GMT+7)

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Hãy hiểu cho đúng về những quyết định sinh tử cho cả một nền Giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh.

"Đừng bị lạc hướng trong cuộc cãi vã giữa hai vị giáo sư Trần Đình Sử và Hồ Ngọc Đại", tiến sĩ Anh nói thêm.  


Đang bị lạc hướng

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh cho rằng báo chí cùng dư luận đang bị lạc hướng trong cuộc tranh cãi giữa giáo sư Trần Đình Sử và Hồ Ngọc Đại. Điều này chỉ khiến mọi người bị phân tâm khỏi vấn đề chính mà đáng lý ra mọi người nên dành thời gian để tâm quan sát.


Ông Nguyễn Phúc Anh phân tích: Đại ý, Bộ GD-ĐT ban hành một Chương trình khung/Chương trình tổng thể. Nó như một cái kịch bản. Cái kịch bản vài trăm trang này chính là cái tốn hàng chục triệu đô la Mỹ mà Nhà nước vay nước ngoài để dựng (Ngân hàng Thế giới).

Song, hài hước là những người tham gia xây dựng cái kịch bản này được nhận tầm 300.000 Việt Nam đồng một buổi họp, để ra những quyết định sinh tử cho cả một nền giáo dục.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh, giáo dục và buôn bán Chương trình Giáo dục là một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, ít rủi ro, lợi nhuận cao ngất ngưởng. Vì thế, một khi Chương trình khung/Chương trình tổng thể ra đời, những người làm sách tặc lưỡi bất chấp kịch bản của Bộ GD-ĐT ban hành hay dở ra sao.

Từ đó, “họ cắm đầu cắm cổ làm cho bằng được một bộ sách, phù hợp với cái kịch bản đó, tìm cách để được thông qua, và bán sách trên thị trường”, ông Phúc Anh nói. Còn qua cuộc tranh luận giữa Giáo sư Trần Đình Sử và Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ông Phúc Anh chia sẻ:

“Cái lý của ông Hồ Ngọc Đại là ông ấy nói: Kịch bản của Bộ GD-ĐT dở ẹc, tôi không thèm theo. Các anh làm sách dở ẹc, chỉ rặt đi làm thuê chứ chả có đầu óc gì. Cái này ông Đại nói đúng.

Cái dở của ông Đại là ông ấy phê phán kịch bản của Bộ GD-ĐT mà không đưa ra được một kịch bản thống nhất, đầy đủ trọn vẹn hơn cho 12 lớp học. Ông ấy cũng bướng, chả chịu nghe ai và nghĩ rằng kịch bản của ông là nhất, trong khi nhận thức về giáo dục của mọi người hiện nay đã rất khác thời của ông.

Cái lý của ông Trần Đình Sử là ông ấy cho rằng sách giáo khoa là nỗ lực cộng đồng. Nhu cầu chuẩn hoá với tiêu chí chung do Hội đồng chuyên môn quản lý là có, và hết sức cần thiết. Cái dở của ông Sử là ông không muốn đặt vấn đề với cái kịch bản và cả Hội đồng chuyên môn đó”.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh thẳng thắn nói, hai giáo sư mỗi người một ý. Cãi vã vậy không đi vào đúng trọng tâm và thiếu tính xây dựng. “Báo chí và dư luận theo tôi, nên tập trung vào mổ xẻ cái kịch bản (Chương trình tổng thể và Chương trình môn học) do Bộ GD-ĐT ban hành (xem trên website của Bộ GD-ĐT)”, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh đề xuất.  

Cần có tiêu chí chứng minh hiệu quả của sách

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Tô Văn Trường (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam). Ông nói: “Tôi hiểu đã gọi là sách giáo khoa thì phải được xây dựng trên cơ sở khoa học. Không nên soạn sách ra rồi thực nghiệm quyển sách đó, lấy học trò làm chuột bạch hay “guinea pig” để xem quyển sách đó có hiệu quả hay không”.

Theo ông Trường, nếu muốn chứng minh hiệu quả của một quyển sách thì phải xét tất cả các góc độ khoa học của nó và phải lấy mẫu, có tiêu chí chứng minh hẳn hoi, có nhóm chứng (control group), chứ không phải dựa trên kết quả học sinh vẫn lên lớp, điểm cao, vốn chỉ là kết quả của bệnh thành tích.

Quan điểm của Tiến sĩ Tô Văn Trường là: Các thầy soạn sách Tiếng Việt nên tránh theo kiểu dậy ngoại ngữ cho người nước ngoài, nghĩa là họ phải học âm vi học (phonology) và hình vi học (morphology).

Người bản xứ, tức là các em học phổ thông không cần phân tích các mặt này của ngôn ngữ, trừ phi sau này đứa trẻ phát triển đi chuyên sâu về ngành ngôn ngữ học mới cần học những mặt này của ngôn ngữ.

Nếu cuốn sách nào (kể cả của GS Hồ Ngọc Đại) viết theo đúng 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc viết và integrated skills (tích hợp kỹ năng) nghĩa là các em phải được nghe, rồi viết hoặc đọc hiểu rồi viết, mang ra thảo luận thì đó mới là sách công nghệ mới.

Thực tế, ông Trường cho rằng, ngay cả sách dạy Tiếng Việt tiểu học cũng không hề chú trọng đến “integrated skill teaching”.

Tiến sĩ Tô Văn Trường.

“Theo tôi hiểu – Tiến sĩ Tô Văn Trường chia sẻ – không nên viết sách Tiếng Việt kiểu lớp 1 chỉ thuần túy dậy về tiếng. Cần phân biệt “tiếng” khác thế nào với âm và “âm vị” (morpheme). Tiếng là một khái niệm đặc thù ngôn ngữ Việt vì ngôn ngữ Việt cũng như ngôn ngữ Khmer khác đều không phải là ngôn ngữ đa âm mà là ngôn ngữ đơn âm tiết (một từ là một âm tiết đơn, nên về mặt hình vi học thì nó là một từ, nhưng về mặt âm vi học thì có thể gọi là tiếng)”.

Ông Trường tỏ ra lo ngại, nếu lớp 1 dạy trẻ em về từ và cụm từ và đến lớp 2 mới dạy về câu và ráp câu. Theo ông, dạy ngôn ngữ là dạy cùng một lúc: Từ, mệnh đề, câu và ráp câu và đi qua các cấp từ đơn giản đến phức tạp. Nghĩa là ngay từ lớp 1, bản thân học sinh phải viết được một composition (đoạn văn ngắn với các câu và từ đơn giản).

“Theo tôi được biết GS Hồ Ngọc Đại mở trường thực nghiệm đã 43 năm tại Hà Nội. Nhưng vì sao không có trường nào ở Hà Nội chịu theo? Điều này giống như thầy thuốc mở phòng mạch tại thủ đô mà chỉ có bà con các tỉnh về khám bệnh, hàng xóm thì không đặt chân đến bao giờ”, Tiến sĩ Tô Văn Trường nêu câu hỏi.

"GS Hồ Ngọc Đại là một nhà tâm lý học, không phải là nhà ngôn ngữ học, Việt ngữ học nên nội dung bộ sách công nghệ giáo dục còn nhiều điểm phải sửa theo góp ý của Hội đồng thẩm định cũng phải dựa trên tiêu chí và văn bản pháp quy là Thông tư 33 của Bộ Giáo dục- Đào tạo.
Trong 43 năm qua, GS Hồ Ngọc Đại được Nhà nước cấp gần nghìn tỷ đồng làm thực nghiệm, đến giờ này, vẫn còn tranh cãi đúng sai, chỉ có giáo dục ở Việt Nam mới làm như thế." (Tiến sĩ Tô Văn Trường).
KHẢI MÔNG ghi







No comments:

Post a Comment

View My Stats