01/11/2019
Nhân quyền là một trong các vấn đề rất được quan tâm
bởi những người Việt thiết tha đến đất nước. Nhiều tổ chức nhân quyền Việt Nam
được hình thành sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975 cho đến nay. Nhưng số người Việt
tình nguyện tham gia hay làm việc cho các tổ chức nhân quyền Việt Nam hay quốc
tế vẫn còn khá hiếm hoi.
44 năm sau
khi chiến tranh chấm dứt, Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia vi phạm nhân
quyền trầm trọng nhất trên thế giới. Năm 2018, các bản
báo cáo nhân quyền của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human
Rights Watch) và Ân xá Quốc tế (Amnesty
International) bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng xâm phạm nhân quyền tại
Việt Nam, đặc biệt sự tùy tiện bắt giữ và giam cầm các tù nhân lương tâm, dùng
cô đồ để tấn công các nhà hoạt động nhân quyền, hay thông qua các bộ luật thắt
chặt hay đe dọa quyền bày tỏ của người dân v.v...
Các bản báo cáo khác của các cơ quan chính phủ như Bộ
Ngoại giao hay Nội vụ như DFAT
của Úc, UK
Home Office của Anh, US Department of
State, đều dựa trên các bằng chứng hẳn hoi và lập luận chặt chẽ, cho thấy bức
tranh toàn diện về Việt Nam trong mọi lĩnh vực xã hội, từ chính trị, tôn giáo,
văn hóa, chính sách đối với các sắc tộc thiểu số v.v…
Để tìm hiểu thêm nhân quyền từ khía cạnh của một người
làm việc cho một trong các tổ chức nhân quyền phi chính quyền lớn nhất thế giới,
Ân xá Quốc tế, mời quý bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện giữa Phạm Phú Khải
(PPK) với bạn Nguyễn Trường
Sơn (NTS) sau đây.
Nguyễn Trường Sơn.
*
Chào Sơn, rất hân hạnh có cơ hội được trò chuyện với
Sơn.
Phạm
Phú Khải (PPK): Đầu tiên, Sơn có thể cho biết vai trò và trách
nhiệm của Sơn tại Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hiện nay?
Nguyễn
Trường Sơn (NTS): Chào anh, hiện tại tôi đang giữ
vai trò phụ trách chiến dịch cấp khu vực của văn phòng Ân xá Quốc tế tại Đông
Nam Á và Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam và Cambodia là hai quốc gia mà tôi
phụ trách chính.
PPK: Sơn đã làm việc cho AI bao lâu rồi? Và nguyên do nào, hoàn cảnh nào đưa
Sơn đến AI?
NTS: Tôi gia nhập Ân xá Quốc tế vào tháng 3 năm 2018, trước đó thì tôi làm việc
cho tổ chức Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS).
Trong lĩnh vực nhân quyền thì Ân xá Quốc tế vẫn được
biết tới là tổ chức lâu đời và uy tín bậc nhất trên thế giới, cho nên khi mới
chập chững làm việc trong lĩnh vực này thì tôi đã có tham vọng là muốn làm việc
tại đây, sau hai năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại BPSOS thì cuối cùng
cơ duyên cũng tới, và tôi đã ngay lập tức nắm bắt.
Lúc bấy giờ thì người tiền nhiệm của tôi vừa mới nghỉ
việc, và bản thân tổ chức cũng muốn địa phương hóa nhân sự, nên họ quyết định
tìm kiếm một người Việt Nam để đảm nhiệm vị trí này. Khi biết tin thì tôi liền ứng
tuyển và cuối cùng đã được nhận.
PPK: Trước khi đến AI, nhân quyền có phải là một trong các quan tâm hàng đầu
của Sơn không? Tại sao?
NTS: Đúng là như vậy, đây có lẽ là điều bất ngờ với nhiều người. Bởi tôi sinh
ra và lớn lên ở Việt Nam, nơi nhân quyền thực sự là một lĩnh vực rất ít người
quan tâm, thậm chí là thường xuyên bị gán cho những cái mác không mấy tích cực.
Thường thì những người đồng trang lứa với tôi sẽ
theo đuổi các công việc giúp họ kiếm được nhiều tiền, hoặc một cuộc sống ổn định.
Riêng tôi thì lại đam mê theo đuổi sự nghiệp làm việc trong lĩnh vực nhân quyền.
Ngay từ nhỏ thì tôi đã quan tâm tới những điều lớn
lao hơn là thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, một trong những câu hỏi luôn thường trực
trong đầu là làm thế nào để đất nước mình phát triển và tiến bộ hơn. Sau này
thì tôi nhận ra rằng chỉ khi các quyền cơ bản của mỗi một người dân được bảo vệ
thì lúc đó xã hội mới văn minh và tiến bộ được, trong khi trên thực tế thì tình
trạng xâm phạm quyền con người ở nước ta vẫn còn rất tràn lan, cho nên tôi đã
quyết định theo đuổi lĩnh vực này.
PPK: Từ khi đến AI, Sơn đã học hỏi những gì? Triết lý, phương pháp vận/hoạt động,
truyền thông, hay những khía cạnh khác?
NTS: Ân xá Quốc tế là một tổ chức có quy mô rất lớn, tổ chức này có văn phòng
ở hơn một phần ba các quốc gia trên thế giới, hàng ngàn nhân viên và hàng triệu
thành viên trên toàn cầu.
Điều quan trọng nhất mà tôi học được có lẽ là cách
thức vận hành một tổ chức có quy mô lớn như vậy. Đây là điều mà không phải ai
cũng có cơ hội để học hỏi. Để vận hành một bộ máy đa dạng và phúc tạp như thế
này thì tất nhiên là cần phải có triết lý, và triết lý của Ân xá Quốc tế rất
đơn giản, “chúng tôi coi vi phạm nhân quyền là chuyện của mình”, tức là cảm thấy
liên quan, và tìm cách giải quyết. Bất cứ ai làm việc ở đây đều thấm nhuần triết
lý này.
Ngoài ra thì còn rất nhiều thứ khác mà trong thời
gian làm việc ở đây tôi đã học được, từ cách nhìn nhận vấn đề bao quát hơn, vĩ
mô hơn, đối chiếu vấn đề ở Việt Nam với các quốc gia khác, các kĩ năng và cách
thức làm việc mới, kết hợp với kiến thức bản địa mà mình sẵn có để thiết kế ra
các chiến dịch nhân quyền.
Cách thức làm việc trong môi trường đa dạng văn hóa,
chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quan điểm… cũng là điều quan trọng nữa mà tôi học
được. Tôn trọng sự khác biệt và luôn giữ tinh thần cầu thị là tôn chỉ của tôi,
bởi xung quanh mình là rất nhiều người giỏi giang, nếu giữ sự bảo thủ thì không
thể tiếp nhận kiến thức và quan điểm mới được.
PPK: AI có nhiều người Việt làm việc trên các văn phòng của họ trên thế giới
không?
NTS: Theo như tôi biết thì tôi là người Việt Nam duy nhất làm việc tại tổ chức
này.
PPK: Theo Sơn thì những phương thức hoạt động như AI đã góp phần cụ thể ra
sao cho vấn đề cải thiện nhân quyền tại Việt Nam?
NTS: Bất cứ nỗ lực bảo vệ và cải thiện tình hình nhân quyền ở quốc gia nào
thì người địa phương mới là nhân tố chính, các tổ chức như Ân xá Quốc tế chỉ
đóng vai trò phụ. Chúng tôi vạch ra vai trò và nhiệm vụ của mình dựa trên thế mạnh
của tổ chức, còn lại chúng tôi tập trung khuyến khích người dân Việt Nam quan
tâm hơn tới các quyền của mình và hỗ trợ các nhà hoạt động lẫn các tổ chức
trong nước đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền.
Một trong những thế mạnh của Ân xá Quốc tế là uy tín
quốc tế của tổ chức tại Liên Hiệp Quốc và với các quốc gia Châu Âu, châu Mỹ,
châu Úc. Ngoài ra, điểm mạnh nữa của Ân xá Quốc tế là chúng tôi có được sự tin
tưởng của truyền thông quốc tế. Do đó, chúng tôi tập trung vận dụng các điểm mạnh
của mình để quốc tế hóa các lĩnh vực nhân quyền cần lưu tâm ở Việt Nam.
Bảo vệ và cổ xúy các quyền con người là công việc cần
phải làm liên tục và không có hồi kết, ngay cả các quốc gia được đánh giá là có
tình trạng nhân quyền tích cực, thì công việc vẫn diễn ra.
Chúng tôi có nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong nhận
thức của người dân tới các quyền con người cơ bản của mình, sự chú ý của cộng đồng
quốc tế đối với các vấn đề nổi cộm ở Việt Nam đang tăng dần, và các nhà hoạt động
cũng như tổ chức trong nước ngày càng mạnh dạn hơn. Điều đó cho thấy chúng tôi
đang đi đúng hướng.
PPK: Từ năm ngoái đến nay, nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam đã bị giam cầm. Mới
đây nhất là nghệ sĩ Thịnh Nguyễn, bị công an bắt giam ngày 25 tháng Mười vừa
qua. Theo quan sát của Sơn thì AI nói riêng, hay Human Rights Watch, hay nói
chung là các tổ chức quan tâm đến nhân quyền trên toàn thế giới, họ có cập nhật
nhanh chóng các diễn biến tại Việt Nam không?
NTS: Theo tôi biết thì mức độ nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình ở Việt
Nam giữa các tổ chức quốc tế là khác nhau.
Đối với Ân xá Quốc tế thì bản thân tôi là người Việt
Nam, khi còn ở trong nước thì tôi cũng tham gia các phong trào khác nhau và có
mối liên hệ với rất nhiều nhà hoạt động. Cho nên việc nắm bắt thông tin và tình
hình ở trong nước là tương đối dễ dàng. Có thể nói là gần như ngay lập tức. Phần
là vì tôi đọc tiếng Việt và ở trong cộng đồng những người thường chia sẻ thông
tin về tình hình nhân quyền, phần là vì mọi người có thể báo cáo với tôi khi
chuyện gì đó xảy ra mà không gặp bất cứ rào cản nào.
PPK: Như thế thì nếu càng có nhiều người Việt làm việc cho AI hay HRW v.v...
thì càng hữu ích cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam vì những sự xâm phạm đều được
cập nhật rất nhanh. Sơn có nghĩ vậy không? Và người Việt có thể làm gì để góp
phần vào việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam?
NTS: Người Việt Nam ở trong và ngoài nước thì có những điểm ưu/nhược khác
nhau, do đó, xác định được điểm mạnh của mình và tận dụng nó là điều cần làm.
Người trong nước luôn luôn đóng vai trò quan trọng
nhất, bởi họ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp khi vi phạm nhân quyền xảy ra,
và cũng sẽ là người mà nếu hành động thì sẽ tạo ra thay đổi. Mọi người cần phải
ý thức hơn về các quyền mà mình có, và tích cực thực hành chúng nhiều hơn, đặc
biệt là các quyền tự do biểu đạt, hội họp và tổ chức. Nói tới đây thì sẽ thấy tầm
quan trọng của các tổ chức trong nước ở việc cổ xúy và hướng dẫn người dân thực
hành quyền của mình.
Những người đang sinh sống ở nước ngoài cũng có vai
trò rất quan trọng, mà đặc biệt là việc kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế
đối với các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, và bày tỏ sự ủng hộ cách này hay cách
khác đối với người trong nước.
Tham gia vào hoặc hỗ trợ các tổ chức nhân quyền cũng
là một cách hữu hiệu để thúc đẩy việc bảo vệ và cổ xúy quyền con người. Đây là
việc mà cả người ở trong lẫn bên ngoài Việt Nam đều có thể làm.
PPK: Theo Sơn thì làm thế nào để có thêm nhiều người trẻ như Sơn, từ Việt Nam
cũng như trên thế giới, tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực này?
NTS: Ở Việt Nam có không ít các bạn trẻ quan tâm tới lĩnh vực nhân quyền và họ
rất tài năng, điều khác biệt giữa các bạn trẻ ở Việt Nam và các bạn trẻ ở các
quốc gia phát triển, đó là cơ hội.
Lấy ví dụ, một bạn trẻ ở Đài Loan hay Hàn Quốc muốn
làm việc trong lĩnh vực nhân quyền thì sẽ không khó khăn gì, bởi vì hai quốc
gia này có rất nhiều tổ chức nhân quyền, hoạt động trong mọi lĩnh vực và nhà nước
thì rất tôn trọng sự hoạt động của họ.
Trong khi ở Việt Nam ta, số lượng tổ chức nhân quyền
đã ít, lĩnh vực nhân quyền được hoạt động lại hạn chế, và nhà nước thì luôn
luôn thường trực giám sát và sẵn sàng đóng cửa bất cứ tổ chức hay hội nhóm nào
làm trái với ý muốn của họ.
Vậy nếu muốn có thêm các bạn trẻ tham gia làm việc
trong lĩnh vực nhân quyền, thì cần phải tạo ra môi trường và cơ hội để cho các
bạn ấy có điều kiện học hỏi, phát triển và cống hiến. Đây là việc mà tôi tin rằng
cả người Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia thực hiện.
PPK: AI phát hành bản báo cáo nhân quyền trên toàn thế giới hàng năm. Sơn có
biết được bản báo cáo của AI về Việt Nam năm nay sẽ có những điểm nổi bật nào
không?
NTS: Vâng, như thường lệ thì Ân xá Quốc tế sẽ phát hành bản báo cáo chung về
tình hình nhân quyền thế giới, và Việt Nam là một trong những quốc gia được đề
cập.
Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới các vấn đề
vốn vẫn nổi bật ở Việt Nam, như tình hình tù nhân lương tâm, tình trạng sách
nhiễu và đàn áp đối với những người hoạt động nhân quyền.
Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ nêu những vấn đề mới, như
luật An ninh Mạng mà chúng tôi coi là mối đe dọa nghiệm trọng đối với quyền tự
do biểu đạt trên không gian internet của người dân. Bạo lực đối với phụ nữ và
trẻ em gái cũng là một vấn đề mà chúng tôi sẽ đề cập, bởi trong năm vừa qua,
đây là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất.
PPK: Sơn có thấy một sự chuyển dịch trong tư duy của giới trẻ Việt Nam về vấn
đề tự do, dân chủ và nhân quyền trong thời gian qua không?
NTS: Tất nhiên rồi! Tôi nhận thấy sự thay đổi rất đáng kể là đàng khác.
Lần đầu tiên tôi tham gia thực hành quyền tự do biểu
đạt của mình là vào năm 2011, lúc đó tôi tham gia tuần hành ở Hà Nội để phản đối
việc chính phủ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Đã 8
năm trôi qua và tôi nhận thấy có một sự cải thiện đáng kinh ngạc ở giới trẻ ở
Việt Nam.
Các bạn đã hiểu vấn đề hơn, sẵn sàng tham gia vào
các phong trào để biểu lộ thái độ của mình, từ việc phản đối chặt cây xanh ở Hà
Nội, phản đối nhà máy Formosa, và gần đây nhất là phong trào phản đối hai điều
luật Đặc Khu và An Ninh Mạng.
Không những thế, các bạn trẻ còn rất sáng tạo trong
việc bày tỏ thái độ của mình, từ làm phim, vẽ/thiết kế tranh đồ họa, sáng tác
nhạc, nhiếp ảnh và các hình thức khác… nó cho thấy một sự trưởng thành hơn
trong nhận thức của giới trẻ, và sự can đảm hơn trong việc biểu lộ thái độ của
mình.
PPK: Sơn có lạc quan về một Việt Nam tương lai mà trong đó nhân quyền được
tôn trọng không? Theo Sơn thì khi nào nó sẽ xảy ra? Các điều kiện cần có là gì?
NTS: Tôi vô cùng lạc quan rằng sẽ đến lúc người dân Việt Nam được thụ hưởng tất
cả những quyền con người căn bản được nêu trong Hiến Pháp 2013 và các công ước
quốc tế.
Tôi căn cứ vào sự trưởng thành của giới trẻ trong nhận
thức và các hình thái biểu đạt của họ, và người dân nói chung trong việc phản ứng
lại các vụ việc vi phạm nhân quyền.
Cổ xúy và bảo vệ nhân quyền là cuộc hành trình không
có điểm kết thúc, nên tôi sẽ không đặt ra mốc thời gian nào cả. Thay vào đó, mỗi
một bước tiến, dù nhỏ, cũng được tính là một thành công.
Có lẽ điều chúng ta cần đó là duy trì tinh thần
tương thân tương ái, tinh thần vì cái chung, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau. Và sự
phối nhợp nhịp nhàng hơn giữa các cá nhân, tổ chức cả trong và ngoài nước.
PPK: Sơn đấu tranh để cải thiện nhân quyền tại VN nói riêng, và trên thế giới
nói chung. Sơn có nghĩ chính quyền VN biết rất rõ những gì Sơn làm không? Và nếu
về VN thì Sơn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra cho mình?
NTS: Nhân quyền là lĩnh vực rất phát triển ở các quốc gia tiến bộ, những
người hoạt động và làm việc trong lĩnh vực này thường được đánh giá cao và coi
trọng, bởi bảo vệ nhân quyền là điều mà ai cũng nên làm. Tuy nhiên một thực tế
đáng lý ra không nên xảy ra ở Việt Nam, đó là những người hoạt động và làm việc
trong lĩnh vực nhân quyền vẫn gặp phải sự dò xét của nhà nước, và nhiều khi bị
cáo buộc dưới những tội danh bất công.
Lý do duy nhất tôi ra nước ngoài làm việc là vì tôi
cho rằng bản thân sẽ học hỏi được nhiều hơn từ kinh nghiệm của các quốc gia đi
trước, để rồi trở về làm việc ở Việt Nam để giúp thúc đẩy nhân quyền cho người
dân trong nước. Tôi coi đây là một chương trình du học, và học xong thì sẽ trở
về.
Đã có nhiều người trước tôi làm điều này, và khi họ
quay trở về thì cũng đối diện với những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên thì bản
thân tôi không nghĩ nhiều tới việc chuyện gì sẽ xảy ra, mà thường nghĩ nhiều
hơn về khía cạnh mình sẽ làm được gì khi quay về. Và chủ trương của tôi là luôn
luôn công khai những việc mình làm, tôi muốn không những nhà nước mà cả người
xung quanh mình biết những việc tôi làm. Mục đích duy nhất là tôi muốn nhân quyền trở nên bình thường
trong mắt cả nhà nước lẫn xã hội.
PPK: Sơn có điều gì chia sẻ sau cùng với quý bạn đọc không?
NTS: Tôi chỉ muốn kết luận bằng một trong những câu châm ngôn của tổ chức Ân
xá Quốc tế; “thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn nguyền rủa bóng tối”. Mỗi người
chúng ta đều có khả năng mang lại thay đổi, chỉ cần chúng ta bắt tay vào làm việc
gì đó và tin vào khả năng của mình, thì thay đổi sẽ xảy ra.
No comments:
Post a Comment