1/11/2019
Đã từng có một vài ý kiến gửi đến Tập Hợp Dân Chủ Đa
Nguyên rằng hãy lo chuyện của tổ chức hay của Việt Nam đi, lo chuyện thế giới
làm gì, Việt Nam là nước nhỏ thì đâu có ảnh hưởng gì đến thế giới ?… Hời hợt vốn
là bản tính của người Việt nhưng trong lĩnh vực chính trị là rõ nét hơn cả. Không
chỉ người dân mà ngay cả trí thức Việt Nam cũng không biết gì nhiều về chính trị.
Chiến tranh thế giới lần thứ I xảy ra, trí thức Việt Nam không hay biết gì đã
đành nhưng ngay cả khi Thế chiến II đang diễn ra thì trí thức Việt Nam vẫn
không hay biết gì, họ vẫn mải mê và đắm chìm trong thơ văn trữ tình và lãng mạn.
Sau thế chiến II, chủ nghĩa thực dân sụp đổ trên
toàn thế giới nhưng Đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng chính trị duy nhất vừa
giành được chính quyền vẫn không hay biết gì. Họ đã kêu gọi toàn dân kháng chiến
chống Pháp suốt 9 năm trời (1945-1954). Năm 1975 là tròn 100 năm ngày chủ nghĩa
cộng sản khai tử tại đại hội Gotha (Đức, 1875) nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn
hân hoan reo mừng chiến thắng và cho rằng chủ nghĩa cộng sản đang toàn thắng
trên thế giới. Trước đó vào năm 1973, người dân miền Nam thì ngạc nhiên còn
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì ngơ ngác khi thấy người Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Trong bài diễn văn từ chức, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa buồn vừa đổ lỗi cho
sự phản bội và bỏ rơi đồng minh của người Mỹ…
Trong khúc quanh của lịch sử thế giới và cũng như tại
Việt Nam lần này người Việt Nam không còn bị bất ngờ nữa vì đã có một tổ chức
chính trị là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, luôn đưa ra các phân tích, nhận định và
đánh giá về tình hình thế giới cũng như Việt Nam để rồi qua đấy mở ra một con
đường thoát hiểm, một sinh lộ mới cho dân tộc. Trái với quan điểm của một số
người, chúng tôi cho rằng vì Việt Nam quá nhỏ, quá yếu và quá phụ thuộc vào thế
giới nên càng phải quan tâm đến thế giới. Chỉ cần thế giới ‘hắt hơi’ là Việt
Nam có thể ‘bị ốm’. Nếu Việt Nam hùng mạnh như Mỹ thì có thể không cần phải bận
tâm đến thế giới. Trong thực tế, đã nhiều lần nước Mỹ mắc sai lầm nhưng vì quá
hùng mạnh nên họ chẳng làm sao cả. Bài viết này tiếp tục phân tích về tình hình
chính trị thế giới để giúp độc giả định hình được phần nào tương lai của thế giới
nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Chưa bao giờ, trong suốt 70 năm qua, thế giới lại
đang đứng trước những thách thức to lớn và nghiêm trọng như bây giờ. Nền dân chủ
trên thế giới đang bị xét lại và chất vấn một cách gay gắt. Trong lúc các nhà
tư tưởng chính trị trên thế giới đang tìm cách giải quyết thì xã hội đã có những
phản ứng đầu tiên. Dễ thấy nhất là phong trào dân túy đang nổi lên khắp nơi mà
nổi bật và có ảnh hưởng nhất là việc Trump trở thành tổng thống Mỹ. Nhiều
nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới được bầu lên là các chính trị gia theo
chủ nghĩa dân túy như Áo, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Brasil…
Một cuộc khủng hoảng xã hội đang xảy ra tại Chile, một
quốc gia thuộc loại phát triển mạnh nhất ở khu vực Nam Mỹ. Các cuộc biểu tình
làm tê liệt thủ đô với hàng chục người chết mà nguyên nhân là do chính phủ tăng
giá vé tàu điện ngầm. Chile đã phải hủy bỏ việc tổ chức diễn đàn APEC và hội
nghị về khí hậu COP25. Trả lời báo Le Monde, sử gia Olivier
Compagnon, giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về Châu Mỹ La-tinh (IHEAL) nhận định
căn nguyên, nguồn cội của cuộc khủng hoảng lần này là sự chênh lệch giữa tốc độ
tăng trưởng kinh tế cao và nạn bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng (1).
Chúng ta chưa quên các cuộc biểu tình của phong trào
Áo Vàng tại Pháp kéo dài nhiều tháng trời cũng bắt đầu từ việc chính phủ tăng
giá xăng. Một cuộc khủng hoảng nữa đang diễn ra tại Châu Á mà chưa có hồi kết
là Hồng Kông, một trung tâm tài chính lớn của thế giới. Iraq, Lebanon, Algeria,
Haiti, Ecuador, Honduras, Catalonia (Tây Ban Nha)… đều đang chìm trong các cuộc
biểu tình bạo động. Lý do chính mà các cuộc biểu tình đưa ra là các đòi hỏi về
‘tự do, dân chủ và nhân phẩm’ nhưng có một lý do quan trọng bên trong nữa đó là
sự bất bình đẳng xã hội.
Mỹ, quốc gia giàu có và dân chủ nhất thế giới cũng
đang rơi vào tình trạng chia rẽ và bối rối hơn bao giờ hết. Theo ông Ray Dalio,
nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới người Mỹ thì "thế giới hiện đang
chứng kiến khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ thập niên 1930, và điều này
đang tạo ra sức ép lớn về chính trị" (2).
Chuyện gì đang xảy ra với thế giới ? Chủ nghĩa phóng
khoáng hay còn gọi là chủ nghĩa tân tự do, là nền tảng tư tưởng chính trị của
các quốc gia dân chủ đang đối mặt với khủng hoảng ?
Trước hết chủ nghĩa phóng khoáng (libertarianism) là
gì ? Đây là hệ thống lý thuyết và tư tưởng nền tảng của Châu Âu, bao gồm nhiều
giá trị dân chủ và tiến bộ được đúc kết trong hơn 2 thế kỷ qua. Không ai có thể
định nghĩa một cách đầy đủ về chủ nghĩa phóng khoáng vì chúng quá rộng lớn và
khác nhau. Để không rơi vào mông lung và tranh cãi thì chúng ta có thể tạm hiểu
"chủ nghĩa phóng khoáng là triết lý về chính trị và kinh tế đề cao tự do tối
đa, nhất là tự do cá nhân ở mức độ có thể chấp nhận được".
Chủ nghĩa phóng khoáng trong kinh tế mà Adam Smith
là đại diện, tin rằng có "bàn tay vô hình" sắp đặt và điều chỉnh các
quan hệ trong xã hội. Đây là khuynh hướng gia tăng tự do cá nhân trong kinh
doanh, nhà nước không cần can thiệp vào các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp,
mọi việc cứ để xảy ra tự nhiên theo qui luật cung cầu của thị trường.
Giáo sư Michael Sandel (Đại học Harvard) đã trao đổi
rất thẳng thắn và thú vị trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Steve Paikin về
"chủ nghĩa phóng khoáng" mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã dịch ra tiếng
Việt (3). Trong bài phỏng vấn này, giáo sư Sandel phân tích về "hiện tượng
Donald Trump" và chỉ ra những sai lầm trong cách làm chính trị của những
người theo chủ nghĩa tự do/phóng khoáng tại Mỹ. Theo ông những chính trị gia
theo chủ nghĩa phóng khoáng, đã không quan tâm đúng mức cần thiết đến vấn đề
bình đẳng và liên đới xã hội vì thế đã không phản ứng kịp thời trước xu hướng
xã hội bị "thị trường hóa", trong đó, thị trường gần như trở thành
thước đo duy nhất quyết định các giá trị đạo đức, còn các thảo luận cần thiết về
các vấn đề như bình đẳng hay luân lý thì bị tránh né vì sợ gây tranh cãi. Đó là
mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy nảy nở.
Theo giáo sư Sandel thì chủ nghĩa phóng khoáng đã thất
bại tại Mỹ vì ‘các cuộc thảo luận chính trị trở nên quá trống rỗng’, vì không
trả lời được về các giá trị mà người dân quan tâm ‘xoay quanh các giá trị, các
câu hỏi luân lý, về công lý và tình trạng bất bình đẳng cũng như về câu hỏi
"tư cách công dân có ý nghĩa ra sao?". Và khi những người theo chủ
nghĩa phóng khoáng và cấp tiến không đem lại cho quần chúng một nền chính trị
như thế, khi họ hầu như đều tiếp cận các vấn đề theo kiểu "kỹ trị",
thì khoảng trống đó đã bị lấp đầy bởi những tiếng nói hẹp hòi, bấtdung và bởi
thứ chủ nghĩa quốc gia đang rất ồn ào hiện nay’.
Sự phân hóa giàu-nghèo trên thế giới đang ngày càng
lớn và đã đến ngưỡng báo động. Không chỉ ở các nước độc tài như Nga, Trung Quốc,
Việt Nam mà ngay ở tại các nước dân chủ như Mỹ, Anh, Pháp… thì ‘giai cấp thành
đạt’ có thu nhập cao đang sống ngày càng tách biệt với số đông dân chúng thu nhập
thấp. Họ học trường riêng, chữa bệnh ở các bệnh viện riêng và sống trong những
khu vực riêng, hoàn toàn độc lập với mọi người xung quanh. Tiền bạc đã thực sự
trở thành "thượng đế", là "giá trị" cao nhất, lấn át hoàn
toàn các giá trị khác.
Một thực tế phũ phàng khi khoảng cách giàu nghèo gia
tăng một cách kinh khủng: 1% nhóm người giàu nhất thế giới chiếm đến 20% toàn bộ
tài sản của thế giới. Tại Mỹ thì 1% người giàu nhất chiếm đến 30% toàn bộ của cải
trong xã hội trong khi 50% những nghèo nhất chia nhau 10% số còn lại. Lương của
các giám đốc điều hành (CEO) trong các tập đoàn lớn là 2 triệu USD/ năm, cao gấp
200-300 lần so với mức lương trung bình trong cùng một xí nghiệp. Cho dù người
dân hiện nay sung túc hơn trước đây rất nhiều nhưng cũng không thể nào chấp nhận
thực tế trần trụi và vô lý đó.
Một lý do quan trọng nữa mà chúng tôi đã đề cập nhiều
lần là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra quá nhanh chóng khiến tư tưởng
chính trị không thể theo kịp. Để giải quyết các vấn đề nhức nhối đó cần phải có
một cuộc xét lại toàn diện và đau nhức về tư tưởng chính trị trên phạm vi toàn
thế giới. Các chính trị gia truyền thống đã tìm cách tránh né những câu hỏi nền
tảng và hóc búa đó nên các chính trị gia dân túy nổi lên và nắm quyền trên khắp
thế giới. Đây là phản ứng giận dữ của quần chúng với giới tinh hoa chính trị
truyền thống. Trước mắt hiện tượng này sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, nhưng
nó là mệnh lệnh để thế giới xét lại các vấn đề nền tảng trong chính trị.
Chính vì những lý do đó mà các chính trị gia dân
túy, kêu gọi phá bỏ trật tự cũ như Trump được người dân lựa chọn. Tuy nhiên
nguyên nhân và cách giải quyết nằm ở chỗ khác chứ không phải kêu gọi "đập
phá" và chiến tranh (dù là chiến tranh thương mại). Tập Hợp Dân Chủ Đa
Nguyên đã phân tích rất nhiều về sự khủng hoảng tư tưởng chính trị, đây mới là
nguyên nhân gây ra làn sóng chủ nghĩa dân túy trên thế giới. Giải pháp chỉ có
và chỉ đến từ các tổ chức chính trị thực sự vì các chính đảng là công cụ duy nhất
để chuyên chở các giá trị đúng của tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Các
câu lạc bộ và giảng đường cũng như các tổ chức xã hội dân sự không thể thay thế
cho vai trò của các tổ chức chính trị. Tư tưởng chính trị của các tôn giáo, nhất
là Ki-tô giáo đã giảm rất nhiều ảnh hưởng trên thế giới. Để các chính đảng có
khả năng thảo luận một cách đứng đắn thì cần phải nói không một cách dứt khoát
với mô hình chính trị theo chế độ ‘tổng thống chế’ như Mỹ. Chính giáo sư Sandel
cũng đã sai khi cho rằng ‘không thể trông chờ vào các đảng phái chính trị và
các chính trị gia’ vì ông nhìn vào sự bất lực của các chính đảng Mỹ đang bị một
người là tổng thống thao túng hoàn toàn.
Vừa qua, tại Mỹ nổi lên một ứng cử viên đảng Dân chủ
rất đặc biệt là Bernie Sanders. Các chính sách mà ông đưa ra trong đợt tranh cử
tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đề cao sự liên đới xã hội rất gần gũi với các đảng
Dân chủ xã hội Bắc Âu. Ông là người nói nhiều về sự bất bình đẳng xã hội và ủng
hộ hệ thống y tế nhân văn hơn cũng như các vấn đề cấp bách của thế giới như biến
đổi khí hậu, cải cách tài chính… Dù ông đã thua Hillary Clinton nhưng tiếng nói
của ông càng ngày càng được lắng nghe.
Tình hình tại Chile, Pháp, Hồng Kông… nói lên rằng một
chế độ dân chủ và thành công về mặt kinh tế cũng sẽ lâm vào khủng hoảng nghiêm
trọng nếu không quan tâm đến liên đới xã hội. Trong dự án chính trị của
mình, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng khẳng định: "Liên đới xã hội
là điều kiện bắt buộc để giữ gìn sự bền chắc của nền tảng xã hội, bảo đảm sự
tham gia tích cực và phấn khởi của mọi người vào tương lai đất nước, tránh những
xung đột có thể làm gẫy đổ đà tiến của dân tộc về tương lai và đưa đến bạo
loạn. Trong thực tế, phát triển kinh tế thường đẻ ra và làm trầm trọng
thêm những chênh lệch trong xã hội. Nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước là
ngăn chặn và làm giảm thiểu những nguyên nhân căng thẳng mà sự phát triển,
vì không thể nào hoàn toàn cân đối, chắc chắn sẽ đem lại".
Nước Mỹ giàu có và thành công nhưng ít nhất có hai
lĩnh vực khá bất công là giáo dục và y tế. Hai lĩnh vực quan trọng này ở Mỹ đã
bị thị trường hóa một cách phũ phàng. Những người nghèo phải chịu nhiều thiệt
thòi khiến sự giận dữ của họ tăng lên và làm cho tình cảm đối đất nước giảm xuống.
Có khoảng 26% cử tri Mỹ sẽ luôn ủng hộ Trump vô điều kiện vì họ không còn cảm
thấy nước Mỹ là của họ như trước đây.
Khi chủ nghĩa phóng khoáng thất bại thì cần có một hệ
giá trị tư tưởng mới thay thế và đó là việc của các nhà tư tưởng chính trị thế
giới. Riêng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì đã xây dựng được cho Việt Nam một
truyện thuyết như vậy. Đó là giải pháp dân chủ đa nguyên được trình bày rất đầy
đủ và rõ ràng trong dự án chính trị Khai
Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Nhiều giá trị và quan niệm lỗi thời cần được
định nghĩa lại, ví dụ quan niệm về quốc gia. Tập Hợp định nghĩa rằng "quốc
gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai
chung" chứ quốc gia không chỉ còn là một vùng lãnh thổ, một ngôn ngữ và một
văn hóa...
Vẫn hiểu rằng sẽ không bao giờ có công bằng hay dân
chủ tuyệt đối vì bất cứ trong một quốc gia nào, ở bất cứ thời điểm nào luôn có
những thành phần dân chúng thành công và một thành phần khác sẽ thất bại và
thua kém. Dù muốn dù không nhà nước dân chủ trong tương lai vẫn phải tôn trọng
tự do và dân chủ nhưng bên cạnh đó nhà nước cần phải quan tâm và xử lý hài hòa
các vấn đề như liên đới xã hội, môi trường, y tế, giáo dục… dựa trên triết lý
điều hành quốc gia là "hòa giải dân tộc".
Sẽ không có một chính sách nào, dù đúng đắn đến đâu
lại có thể thỏa mãn tất cả dân chúng vì vậy cần phải có một chính quyền lương
thiện và có trách nhiệm. Người dân có thể tha thứ và bỏ qua cho những sai lầm
nhất thời của một chính phủ mà họ tin là đứng đắn và tử tế. Một chính quyền đã
đánh mất niềm tin hoàn toàn như Đảng cộng sản Việt Nam thì quả thật là không
còn một cơ hội nào cho họ nữa. Mọi sự cố gắng của họ, nếu có cũng sẽ vô ích.
Dân chủ dù lạc lối hay thăng trầm thì vẫn có cơ chế để sửa chữa và tiến lên. Với
sự trưởng thành về nhận thức và tư tưởng chính trị của người dân thế giới,
chúng tôi tin rằng làn sóng dân túy sẽ nhanh chóng qua đi, thế giới sẽ không
rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện như hồi thập niên 1930 hay chiến
tranh... nhưng sẽ có những thay đổi rất sâu sắc và căn bản. Các giá trị bị ‘lãng
quên’ một thời như tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, đối thoại, hợp tác, bình
đẳng, bao dung và liên đới… sẽ được nhìn nhận lại một cách đúng đắn và tôn vinh
đúng mực.
Việt
Hoàng
(1/11/2019)
No comments:
Post a Comment